Đọc bản tin TTXVN “Tăng tuyên truyền tới người Việt ở nước ngoài” tôi có cảm giác … tởm lợm. Tởm lợm vì chữ “tuyên truyền” (propaganda). Có lẽ tôi sống ở ngoài này khá lâu, mà ngoài này thì công chúng nhìn propaganda với một cái nhìn tiêu cực. Tuyên truyền là một thủ thuật cung cấp thông tin nhắm vào việc tác động đến thái độ của một cộng đồng đề nhằm phục vụ cho một chương trình nghị sự hay chiêu bài chính trị. Thủ thuật chính của tuyên truyền là sử dụng các thông điệp nặng cảm tính hơn là những thông tin mang tính lí lẽ. Khác với cách đưa tin khách quan, tuyên truyền cung cấp thông tin một cách có lựa chọn, và do đó là một cách nói dối. Do đó, nghe đến hai chữ “tuyên truyền” tôi thấy tởm.
Người Việt ở nước ngoài có nhiều thông tin hơn người Việt ở trong nước. Ngay cả những thông tin về Việt Nam, người Việt ở ngoài này cũng có nhiều hơn đồng hương trong nước. Đó là sự thật. Báo chí trong nước (nhất là thông tấn xã VN) chỉ đưa tin theo quan điểm và cái nhìn của Nhà nước, của Đảng; họ đâu có đưa tin mà người Việt quan tâm. Vài ví dụ về những thông tin mà người Việt quan tâm là: sự có mặt và hoạt động của người Trung Quốc ở Việt Nam, vụ lộn xộn ở chùa Bát Nhã, vụ bắt bớ và trấn áp phóng viên, vụ IDS, v.v… Do đó, tôi nghĩ những tuyên truyền của TTXVN vừa thừa, mà cũng vừa thiếu. Những gì họ đưa tin, bà con ở nước ngoài chẳng quan tâm (như xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo, các vị lãnh đạo thăm ai), nhưng những gì bà con quan tâm thì họ không đưa tin.
Do đó, nói “tăng tuyên truyền đến người Việt ở nước ngoài” là một cách xem thường đồng hương ngoài này, xem họ như là một đám cừu ngây thơ để tha hồ nhồi nhét thông tin một chiều. Tôi nghĩ cái sai lầm cơ bản của các quan chức trong nước là họ giả định rằng chúng tôi ở ngoài này thiếu thông tin. Xuất phát từ giả định sai, họ đi đến sai lầm trong việc làm, trong chiến lược, và làm trò cười cho người Việt ở nước ngoài.
Tôi nghĩ một cách để lấy lại lòng tin của bà con ngoài này là bỏ đi thói quen “tuyên truyền”, bỏ đi thói quen đưa tin một chiều, bỏ đi cách đưa tin cảm tính (như thương nhớ quê nhà muốn rơi nước mắt). Thay vào đó, TTXVN nên cung cấp nhiều thông tin mang tính thời sự gần gũi với cuộc sống của người dân (không phải quan chức và lãnh đạo) và thông tin phản biện các chính sách của Nhà nước, của Đảng. Không thể xích lại gần bà con ngoài này bằng giọng cao ngạo tuyên truyền được. Thật ra, tôi nghĩ vứt đi hai chữ “tuyên truyền” là động thái cần thiết nhất và thực tế nhất khi nói chuyện với người Việt ở nước ngoài.
NVT
PS. Ai muốn đọc bài "tăng tuyên truyền" thì đây là đường dẫn:
http://www.vietnamplus.vn/Home/Tang-tuyen-truyen-toi-nguoi-Viet-o-nuoc-ngoai/20099/18519.vnplus
Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2009
"Tuyên truyền" và người Việt ở nước ngoài
16:42
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét