Thứ Ba, 1 tháng 9, 2009

Làm theo Di chúc cụ Hồ

Hôm nay, Việt Nam nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Cố nhiên, ai cũng biết ngày 2/9 là ngày mà cụ Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 2/9 năm nay cũng là ngày kỉ niệm 40 năm cụ Hồ Chí Minh qua đời. Một thời gian dài, cả nước đều nghĩ ông cụ qua đời vào ngày 3/9/1969, vì lúc đó Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng công bố như thế. Mãi đến năm 1989, Bộ Chính trị (dưới thời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) mới công bố ông cụ mất vào lúc 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969.

Ở trong nước, Nhà nước và các đoàn thể đang phát động phong trào học tập và làm theo di chúc cụ Hồ. Đường xá khắp nước đều treo biểu ngữ với nội dung như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, v.v…

Vậy thì Di chúc cụ Hồ nói gì? Thật ra, cụ Hồ viết di chúc lần đầu năm 1965 (lúc đó có chữ kí của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn); lần thứ hai ông cụ bổ sung vài điều vào năm 1968; và lần bổ sung chỉnh sửa sau cùng là năm 1969. Nhưng Bộ Chính trị chọn công bố bản đầu tiên (1965) để công chúng biết. Trong di chúc viết năm 1965, ở phần “Về việc riêng”, ông cụ viết rõ là sau khi ông qua đời, không nên tổ chức đám tang rình rang làm lãng phí thì giờ và tiền bạc của dân. Ông viết tiếp:

Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là 'hỏa táng'. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.

Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”

Thế nhưng chúng ta biết ý nguyện được hỏa táng của ông cụ không được thực hiện. Vậy thì năm nay, 40 năm sau ngày ông cụ mất, nếu kêu gọi làm theo di chúc của cụ Hồ thì có nên làm theo ý nguyện trên hay không?

NVT


Thấy bài sau đây trên talawas cũng thú vị:
http://www.talawas.org/?p=9479

talawas – Trung tướng Đặng Quốc Bảo từng giữ các chức vụ như: Hiệu trưởng trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (1968-1976), Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa IV) và Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đảng.

Ông được coi là người có những suy nghĩ cải cách mạnh bạo trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài phát biểu ngày 18 tháng 7 năm 2003 về Xây dựng Đảng và một bức thư tố cáo tham nhũng, được coi là của ông, đã lưu hành trên mạng.

Ngày 1/8/2008, ông được tặng Huân chương Hồ Chí Minh “vì thành tích xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và sự nghiệp tuyên giáo của Đảng”. Gần đây nhất, chân dung ông được miêu tả trong bài “Ma lực Đặng Quốc Bảo” của nhà báo Xuân Ba trên Tiền phong ngày 15/6/2009.

Bản đánh máy, ghi cuộc trò chuyện với ông ngày 26/6/2009 đang được chuyền tay trong nước. Chúng tôi xin giới thiệu cùng độc giả.

Trò chuyện với nguyên Ủy viên BCHTƯĐCSVN Đặng Quốc Bảo: Ta độc tài cộng sản

Đại tá Tạ Cao Sơn và đại tá Quách Hải Lượng ghi ngày 26/6/2009

Có mấy vấn đề: 1) Bàn về chủ thuyết phát triển; 2) Hiểu biết thế giới toàn cầu hóa; 3) Chống độc tài, thực hiện dân chủ.

I. Muốn phát triển, điều đầu tiên, yếu tố đầu tiên là phải giữ được an ninh quốc gia. An ninh quốc gia ở đây nổi lên là vấn đề Trung Quốc. Không xử lý vấn đề Trung Quốc, không thể phát triển. Trong mọi khó khăn, cái khó khăn nhất là đối phó với Trung Quốc.
Vậy, trong vấn đề phát triển của Việt Nam phải đặt vấn đề Trung Quốc lên hàng đầu. Có 5 điều kiện thực hiện phát triển của Việt Nam:

Khắc phục vấn đề Trung Quốc;

Nhận thức đúng về chủ nghĩa tư bản. Phải thấy: nó không chết, nó có nhiều biến động, vận động nội tại rồi biến thành một xã hội tốt đẹp hơn. Hiểu như vậy ta sẽ chung sống và lợi dụng được nó để có thêm điều kiện phát triển. Chủ nghĩa tư bản phát triển có cơ chế và yếu tố chống độc tài. Những người cộng sản không học được điều này ở CNTB. Cho nên, khi lên cầm quyền đã thâu tóm quyền lực vào Đảng, rồi chỉ là một tập đoàn, một nhóm người, cuối cùng là quyền lực của một người. Đảng Cộng sản độc tài là như vậy. Chúng ta cần tạo cho chủ nghĩa tư bản xuất hiện ở Việt Nam.


Phải tham gia luật chơi chung, luật chơi chung của thế giới và Liên hợp quốc. Tạo chỗ đứng của Việt Nam trong các lĩnh vực trên thế giới, phải thâm nhập, hòa nhập, để người ta trợ giúp cho chúng ta.

Chúng ta phải liên kết chặt chẽ với khối ASEAN và phấn đấu thành minh chủ của ASEAN và phải thông hiểu chính Việt Nam có văn hóa đa dạng, có trí tuệ (bây giờ ý Đảng lòng dân đang ở trong trạng thái nào?).

Chiến dịch chuyển văn minh, trí tuệ, kế tiếp các đời sau. Phải có cải tạo về chính trị, chống độc tài. Hễ ai lên (những người thoát thai từ xã hội), có thế lực, có quyền lực là y như trở thành độc tài.

Các cậu cứ nghĩ mà xem, có học văn hóa chưa hẳn đã đủ. Trong các bậc cách mạng đi trước chúng ta Bác Hồ tự nhận là không được học hành đến nơi đến chốn, cố tranh thủ những nơi có thể cho mình nhiều tri thức của thế giới, nhưng thực dân đế quốc không cho.

Các anh Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp có học nhưng nhiều khuyết tật. Nếu anh nào lên nắm quyền lực rồi cũng độc tài. Năm xưa anh Trường Chinh có gọi tôi lên để nói chuyện. Chúng tôi là anh em thúc bá[1]. Anh Trường Chinh nói: người ta phản ánh lên Bộ Chính trị rằng chú chống lại Đại hội 4[2], chống chủ nghĩa xã hội, chú lãnh đạo Đoàn Thanh niên đối lập với Đảng Cộng sản.

Các cậu có biết tôi trả lời ra sao không?

Tôi thẳng thắn trả lời: những phản ánh đó là đúng, là sự thực. Tôi chống Đại hội 4 (cứ nói như vậy) vì tôi thấy chủ nghĩa xã hội suy thoái, tôi cảm thấy chủ nghĩa xã hội đổ vỡ, khi Trung Quốc chống lại Liên Xô là bắt đầu đổ vỡ hệ thống xã hội chủ nghĩa rồi (sau này Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là sự chứng minh cho suy nghĩ của tôi lúc đó); thế rồi sự nổi dậy của 5 vạn trí thức (các tiến sĩ, giáo sư, các nhà khoa học) họ sẽ chống lại những cái sai, cái bảo thủ. Vì Đảng Cộng sản đã không thể hiện được vai trò chỉ đạo của chủ nghĩa Mác, không khoa học, đi vào chủ nghĩa cá nhân. Làm gì có cái chủ nghĩa làm chủ tập thể. Cái cậu Tương Lai nói nhiều cái được, nhưng cậu ấy ca ngợi “Làm chủ tập thể” của Lê Duẩn là sáng tạo (!). Lại còn tình hình nữa là thanh niên không có tự do dân chủ. Cho nên nếu nói tôi lãnh đạo Đoàn Thanh niên để chống lại Đảng Cộng sản cũng đúng, vì cương lĩnh của Đảng Cộng sản không có tương lai. Tôi không muốn để cho thanh niên đi theo con đường sai lầm.

Anh Trường Chinh nói: “Thế thì chú phải ra khỏi Trung ương.”

Tôi đáp: “Tôi sẵn sàng ra khỏi Trung ương và có thể chịu bỏ tù.”

Thế là tôi ra khỏi Trung ương.

Các cậu xem tình hình học sinh, thanh niên ngày nay rất thụ động, họ bị ru ngủ, bị đánh lừa. Việc tự cải tạo là cực khó, việc nổi dậy cũng rất khó (có vấn đề tư tưởng, thiếu lãnh tụ). Chưa có đủ điều kiện. Ngay như nông dân hiện nay đang rất ức vì bị mất ruộng đất, mất nguồn sống, họ có nổi dậy vì lợi ích trực tiếp, chưa nổi dậy về chính trị. Các cựu chiến binh ở nông thôn cũng cùng cảnh, nhưng họ bị mua.

Tình hình thực tế là học sinh, sinh viên đang trong cuộc sống cực khổ, họ phải đi tìm chỗ (giải quyết khó khăn cho gia đình và cho bản thân). Nhiều cuồng tín và sống giả. Cho nên tầng lớp thanh niên, sinh viên rất kém chủ động. Lại còn cái Đoàn Thanh niên rất có tội, hàng năm giới thiệu tới 10 vạn thanh niên cơ hội chủ nghĩa vào Đảng Cộng sản. Trong khi đó ở nước ngoài, học sinh, sinh viên là nòng cốt của quốc gia.

Giới trí thức có độc lập suy nghĩ, nhưng còn thiếu những người có tư duy chiến lược, đại bộ phận phải lo miếng ăn, lo bát cơm của họ.

Cái thiếu chung là thiếu ngọn cờ, thiếu trào lưu, thiếu phong trào, một khi có phong trào là đi theo phía tiến bộ, phía cách mạng.

Cậu Nguyễn Trần Bạt có nhiều tư duy tốt, song cậu ấy có cái sai lầm rất lớn là chủ trương không cách mạng. Cuộc cách mạng mới là thay đổi căn bản, thay đổi, cải tạo lại, đổi mới, cách mạng mới có chuyển biến triệt để. Đừng sợ nói đến cách mạng. Trước hết là phải cách mạng tư duy, nếu không nó cứ luẩn quẩn mãi trong vòng lạc hậu…

Cũng phải nói đến giới luật, luật gia. Họ là mhững người hiểu biết, cho nên những tiếng nói phản biện có nhiều từ giới luật gia.

Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính là sự khởi động. Ở Thành phố Hồ Chí Minh sôi động lắm, không như Hà Nội. Chính giới luật gia có thể trở thành một động lực chính trị.

Còn doanh nhân của nước ta đang bắt tay với chính quyền, họ lo kiếm chác, làm giầu, chưa lo cho thời gian lâu dài sau này.

Bức tranh chung của Việt Nam là như vậy. Chưa thể có gì được từ trên căn bản.

II. Nói về mảng thứ hai của phát triển

Xem lại quá khứ:

Trước đây tôi có dịp được gần Bác Hồ, được hỏi Bác nhiều điều. Trong đó tôi đưa ra câu hỏi: “Thưa Bác, trong cả đời hoạt động của Bác, có cái gì thành công, có cái gì thất bại, cái gì băn khoăn?”

Bác khen câu hỏi của chú hay:

- Cái thành công của Bác là giải quyết vấn đề dân tộc – giải phóng dân tộc;

- Cái thất bại của Bác cũng là dân tộc, tức là Bác chưa tìm được con đường phát triển cho dân tộc. Điều này Bác chưa làm được, các chú, con cháu các chú phải làm, phải tìm ra được con đường phát triển cho dân tộc.

- Bác băn khoăn: Không được tả khuynh (Xô-viết Nghệ Tĩnh, Cải cách Ruộng đất).

Xem như vậy, tức là Bác Hồ chưa tìm ra con đường phát triển, chưa chỉ ra con đường phát triển. Thế mà cứ nói là đi theo con đường Bác Hồ đã chỉ thì thật là vô lý. Ngày xưa Bác chỉ ra con đường giải phóng dân tộc. Lúc đó ta nói: “Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng”; Có thể đúng như vậy. Nhưng bây giờ cứ nhai lại rằng đã đi theo con đường Bác đã chỉ thì thấy Bác đã chỉ đâu mà theo!

Trong giai đoạn phát triển, chúng ta cần có Nhà nước pháp quyền, phải có pháp trị. Dùng đức trị sẽ không còn quản được quốc gia. Chứ Bác là điển hình của việc không dùng pháp trị. Thời ông Phạm Văn Đồng có sai lầm là đi giải tán trường luật. Chúng ta đã không nhấn mạnh dân chủ và luật pháp.

Xem xét lại nhân dân ta thì thấy:

Ngày xưa là THẦN DÂN của phong kiến, sau là THẦN DÂN của tư bản, và bây giờ là THẦN DÂN của cộng sản. Là thần dân chứ chưa là công dân đích thực.

Bác tự nhận là có sự hạn chế, tiếp thu văn hóa phương Đông cũng chưa trọn vẹn (phương Đông – Trung Quốc có Khổng gia, Lão gia, Khổng giáo, Nho giáo…).
Về cái nguy cơ không dân chủ, thiếu luật như Nguyễn Mạnh Tường đã cảnh báo từ năm 1950.

Ta độc tài cộng sản. Sai lầm lớn nhất là ta dùng chuyên chính vô sản (thu cái độc tài cho một Đảng, một nhóm người trong Đảng nhân danh là cộng sản rồi cuối cùng là độc tài của một cá nhân). Như nhà nước Liên Xô cũ là nhà nước bành trướng chủ nghĩa nhân danh cộng sản bành trướng đại Đảng. Chỉ vô sản gây tai họa, hiểm họa. Cái ấu trĩ trước đây là thường hay có quan điểm nhận xét rằng phong trào tự do là đi từ tự phát lên tự giác. Không phải vậy. Stalin muốn vận động giai cấp để làm chủ thiên hạ. Nói đến độc tài, nếu Võ Nguyên Giáp cầm quyền nhất định cũng sẽ độc tài.

Cái ngày Nguyễn Chí Thanh vào Nam công tác, trước khi lên đường có nói lại với Hồ Chí Minh: Cảnh giác, có thể có đảo chính. Ai đảo chính? Đó chính là Võ Nguyên Giáp, và Giáp đã huy động một số cán bộ làm bộ sậu cho mình. Thật ra có hai người muốn làm đảo chính, đó là Võ Nguyên Giáp và Lê Đức Thọ. Cho nên Thọ mới đánh Giáp, kết quả có một hồi không cho Giáp sinh hoạt Bộ Chính trị (Tớ nói đây là có chứng cứ, hồ sơ lưu trong Văn phòng Trung ương Đảng, nghe được Nguyễn Chí Thanh nói là do hồi đó đang làm bí thư cho ông ta).

Độc tài của cộng sản ghê lắm. Thâu tóm quyền lực, lừa bịp nhân dân, biến người dân thành nô lệ. Vấn đề này ta cứ nhìn toàn cục và có cái nhìn xuyên thế kỉ rất rõ. Khi đã có quyền lực trong tay ắt dẫn đến độc tài. Trên thế giới, như Napoleon người ta giết hết đồng nghiệp. Ta cũng vậy, các vụ Chu Văn Tấn, Bằng Giang, Lê Quảng Ba… Người ta xuyên tạc lịch sử.

III. Có thông tin về vấn đề “Nam tình báo cục với Tổng cục 2”. Cái đó là giả hay thật?

Tôi không quan tâm thật giả, vấn đề là bài viết đó đã vạch trần toàn bộ âm mưu chiến lược đen tối của Trung Quốc đối với Việt Nam. Chúng nó đã, đang thực hiện và nhất định thực hiện các mưu đồ xâm lược Việt Nam. Trên thế giới chưa ai mưu sâu như Trung Quốc, chưa ai xảo trá, nham hiểm bằng Trung Quốc. Trung Quốc là xứ sở của ngụy biện và ngộ biện. Hiện nay Việt Nam chưa có nhân vật nào chọi được với Trung Quốc. Trước đây Văn Tiến Dũng cũng không nhìn đúng Trung Quốc, người Việt Nam còn rất ngây thơ. Ngày nay Trung Quốc giàu, mạnh, tham… là một hiểm họa.

Tai họa sẽ đến với Việt Nam, nếu những người lãnh đạo không nhìn rõ, không thấy được Trung Quốc là một đổi thủ nguy hiểm.

Việt Nam cần:
Tồn tại và phát triển
Phải có ý chí, phải có trí tuệ
Phải mạnh lên
Phải liên minh với các nước khác (như với Ấn, Nga, Nhật, thậm chí cả Mĩ).

Chúng ta phải có hẳn một chiến lược liên minh. Trung Quốc tham vô đáy, không khéo ta sẽ từng bước trở thành bộ phận Trung Quốc. Vì nói phải ngả về Trung Quốc để được yên là chủ nghĩa đầu hàng, chủ nghĩa thất bại. Ngả theo Trung Quốc thực chất là bán nước. Việt Nam phải có sức sống dân tộc, không chịu làm nô lệ, Việt Nam phải có trí tuệ. Chúng ta phải tìm đến sức mạnh thời đại. Nhưng ta biết kiềm chế, không để Trung Quốc có cớ thôn tính ta. Ông cha ta kiến võ chưa bao giờ có chủ trương ngả theo Trung Quốc. Chúng ta không khiêu khích kẻ lớn. Trung Quốc thù dai lắm, nên nhớ!

Đối phó với Trung Quốc:
Trên đất liền không sợ
Trên biển ta yếu tuyệt đối, Trung Quốc mạnh tuyệt đối.

Chúng ta cần có thời gian để tạo nên một hệ thống phòng thủ, có đủ sức phòng thủ và phản kích, dựa vào bờ, giữ đảo… Vì thế, nên phát triển nhiều hải đội có hỏa lực mạnh (tên lửa chuẩn xác tốc dộ cao, hiệu quả lớn, nó có khả năng gây thiệt hại lớn cho địch. Chú ý: tên lửa phải là nòng cốt. Kế hoạch tên lửa hóa có thể phải tốn đến 3000 – 4000 USD).

Việt Nam phải giữ sao cho được vài chục năm để đi lên. Phải giữ vững khối Bộ Chính trị-Quốc phòng-Chính phủ. Vai trò quần chúng nổi dậy giữ mình là rất quan trọng.

Chú thích:
[1] Ông Đặng Quốc Bảo là em ruột nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều, cha là Đặng Ngọc Định. Ông Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, cha là Đặng Xuân Viện (talawas)
[2] Đại hội IV của Đảng CSVN năm 1976 (talawas)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét