Đọc trích dưới đây mới thấy ở VN muốn cho nghỉ việc một cán bộ không đơn giản chút nào. Ông Đoàn Văn Kiểm, tổng giám đốc tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV), dù bị kỉ luật 2 lần, nhưng cho đến nay vẫn còn tại chức. Phây phây. Ngay cả Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị cách chức mà ông vẫn không lung lay gì cả. Mà, hình như cũng chẳng ai giải thích hay chịu trách nhiệm thi hành quyết định cách chức!
Cách làm ở VN thật khác với nước ngoài. Ở các nước phương Tây, khi một quan chức cao cấp bị cách chức, họ làm rất nhanh và gọn. Chức vụ càng cao, việc cách chức càng nhanh. Tôi nhớ thời thập cuối niên 1980s, tôi làm tư vấn cho một công ti dược đa quốc gia của Thụy Sĩ (Sandoz) và chứng kiến cách lãnh đạo công ti cách chức một giám đốc y khoa vốn là sếp tôi. Buổi sáng hôm đó, tôi đến office làm việc sớm, PI (tên của sếp tôi) vào sau tôi và khi đi ngang qua office, ông chào “hello” một cách vui vẻ như mọi khi. Nhưng khoảng 5 phút sau, tổng giám đốc vào, và chỉ 2 phút sau đó, cả ông và PI đi ra ngoài như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi không ngờ sáng hôm đó là buổi sáng sếp tôi bị cách chức -- không hề báo trước. Tất cả sách, tranh ảnh, đồ dùng cá nhân, v.v… đều để lại office, ông ra đi tay không. (Công ti có trách nhiệm chở những vật dụng đó về nhà cho sếp tôi). Quyền truy cập mạng của công ti và sử dụng máy tính của sếp tôi đều bị vô hiệu hóa trong vòng vài phút sau. Mãi đến ngày hôm sau, tổng giám đốc họp nhân viên mới báo cho biết là ông ta đã cho bác sĩ PI nghĩ việc, vì ông đã thất bại trong một dự án nghiên cứu. Bác sĩ PI lúc đó điều hành nhiều dự án nghiên cứu lâm sàng với ngân sách khoảng 5 triệu đôla. Trong một công trình về thuốc chống asthma, ông tiêu ra gần 1 triệu đôla mà không đem lại kết quả khả quan (kết quả cho thấy thuốc vô hiệu nghiệm). Lãnh đạo công ti xem đó là một lỗi lầm khó tha thứ, và thế là sếp tôi phải ra đi. Sau này, khi gặp lại sếp (lúc đó ông làm giảng viên bán thời gian cho một đại học) tôi hỏi ông có ấm ức gì chuyện bị tổng giám đốc SM đuổi việc, ông vỗ vai tôi và cười nói một cách triết lí rằng đời là thế, nếu ông là tổng giám đốc thì chắc ông cũng phải làm như thế.
Thật ra, “thủ tục” cho các chuyên gia cao cấp nghỉ việc trong các cơ quan công quyền và tư nhân rất giống nhau. Lúc đó, tôi rất sốc vì lần đầu tiên chứng kiến cách đối xử mà tôi cho là bất nhẫn với một chuyên gia thâm niên và cao cấp như sếp tôi. Nhưng sau này tôi mới biết “thủ tục” đó rất là phổ biến, nhất là cho các chuyên gia với vị trí quản lí. Không phân biệt công ti tư nhân hay cơ quan công quyền, thủ tục giống nhau: gọn, nhẹ, và vô hiệu hóa rất nhanh chóng.
Quay lại trường hợp ông ĐVK, tôi thấy hệ thống tuyển dụng và cho nghỉ việc ở VN thật là nặng nề. Ở nước ngoài những quan chức như ông ĐVK chịu sự quản lí của Bộ trưởng công thương, và Bộ trưởng có quyền cách chức ông dễ dàng. Tương tự, Bộ trưởng là “lính” của Thủ tướng, nên Thủ tướng có quyền cho Bộ trưởng nghỉ việc. Nhưng ở Việt Nam thì khác, vì còn có liên hệ bên Đảng. Chúng ta còn nhớ trước đây, ngay cả Thủ tướng còn không cách chức được ông Bộ trưởng giao thông vận tải ĐĐB vì ông chịu sự quản lí của Đảng! Thành ra, dù có đủ thứ ban bệ của Nhà nước và Đảng, và đủ thứ văn bản (kiểm tra, thanh tra, đề nghị, quyết định) mà vẫn chẳng đạt được mục tiêu (cho nghỉ việc). Qua trường hợp này, chúng ta thấy một lần nữa là nhu cầu cải cách hành chính ở VN càng cấp bách. Nhưng cải cách cũng chắc rất khó vì hệ thống Đảng và Nhà nước tồn tại song song và có khi chồng chéo nhập nhằng từ trên xuống dưới.
Sự việc này làm tôi liên tưởng đến vấn đề đại học đẳng cấp quốc tế. Mấy năm nay, Bộ GDĐT xem ra quyết tâm xây dựng vài đại học như thế với cơ chế tự quản, nhưng nếu hiệu trưởng và các trưởng khoa trong đại học chịu sự quản lí của Đảng và Nhá nước thì làm sao tự quản được. Chúng ta hay so sánh với các đại học nước ngoài và ao ước được như họ, nhưng chúng ta quên rằng các đại học đó không có cái cơ chế Đảng – Nhà nước như ở nước ta.
NVT
===
http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=173008&ChannelID=2
Thứ Ba, 29/09/2009, 10:39
Vì sao ông Đoàn Văn Kiển chưa bị thôi chức?
TP - Ngày 4/9, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã công bố quyết định kỷ luật cảnh cáo về Đảng đối với ông Đoàn Văn Kiển, đồng thời cũng đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét, đề nghị Chính phủ cho ông Kiển thôi chức. Tuy nhiên, đến nay ông Kiển vẫn tại vị.
…
Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009
Không dễ cách chức !
15:21
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét