Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

Nguyên nhân khủng hoảng giáo dục bậc đại học ở Việt Nam

Đây là bản báo cáo / nhận xét của một giáo sư ĐH Harvard về tình hình giáo dục đại học ở Việt Nam. Những ai theo dõi tình hình đều không ngạc nhiên với những nhận xét chính xác này. Xin trích một số đoạn mà tôi nghĩ là nghe như là một ca khúc:

Tình hình hiện tại:

“Phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa phát triển và giáo dục đại học. Mặc dù mỗi một quốc gia thịnh vượng nhất trong khu vực này – Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc - đã đi theo những con đường riêng của mình, nhưng có một điểm chung trong sự thành công của họ là họ đã chuyên tâm đeo đuổi một nền giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Những quốc gia kém thành công hơn trong khu vực Đông Nam Á – Thái Lan, Philippines, Indonesia – cho chúng ta một câu chuyện cảnh giác. Các quốc gia này thường không đạt chất lượng cao trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, và họ đã thất bại trong việc phát triển những nền kinh tế hiện đại. Đây là một điều không lành cho tương lai của Việt Nam, bởi các trường đại học Việt Nam tụt lại khá xa đằng sau ngay cả những láng giềng kém mở mang của mình”

“Việt Nam không có dù chỉ là MỘT trường đại học có chất lượng được công nhận.”

"Đại học Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam."

"Trái với những sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, sinh viên Việt nam thường khó cạnh tranh để chiếm một xuất học bổng tại các chương trình giáo dục trên đại học tinh túy tại Mỹ hay Châu Âu."


Đâu là nguyên nhân?

Di sản của lịch sử: "Những vấn nạn Việt Nam đang phải đối đầu trong hệ thống giáo dục đại học ngày nay một phần là do hậu quả từ một lịch sử cận đại bi thảm của đất nước này."

Chính sách quản lí: "Nguyên nhân hiện đại tạo nên khủng hoảng là sự thất bại sâu rộng trong chính sách quản lý của Nhà Nước."

Bị kiềm chế: "Tất cả các học viện tại Việt Nam đều phải chịu sự kiểm soát của một hệ thống quản lý tập trung cao độ."

Tham nhũng: "Tham nhũng tràn lan và ai cũng biết bằng cấp và tước vị là những thứ có thể mua bán tràn lan. Hệ thống nhân viên cán bộ thì mập mờ và mọi sự thăng thưởng đều dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài khả năng học thuật, như mức độ thâm niên, lai lịch chính trị, lai lịch gia đình, cũng như sự móc nối cá nhân."

Khác biệt thế hệ, đố kị: "Giảng viên các Khoa và Ban quản trị cao cấp của hệ thống đại học có khuynh hướng bị thống trị bởi những cá nhân được huấn luyện từ Liên Xô hoặc Đông Âu, không nói được Anh ngữ và trong không ít trường hợp, tỏ ra ác cảm với các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn được giáo dục từ Tây Phương."

Vô trách nhiệm: "Đại học Việt Nam không phải báo cáo hoặc chịu trách nhiệm trước các cổ đông bên ngoài, cũng như trước cán bộ công nhân viên bên trong."

Chính trị hóa: "Ngay cả khi so sánh với Trung Quốc, đại học Việt Nam tỏ ra nổi bật về mức độ kiến thức bị kiểm soát. Ngay cả khi các trường đại học đã được nhận một không gian thông thoáng hơn, một mạng lưới kiểm soát chính thức cũng như trá hình vẫn còn vây bọc, khiến các trường đại học Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị bóp nghẹt về tri thức, trong khi công chúng đang phản ứng ngày càng lớn."


NVT

===

Giáo dục bậc đại học ở Việt Nam: Khủng Hoảng và Phản Ứng

Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson (tháng 11/2008)
Bản dịch của Hồng Lĩnh
Bản gốc: http://www.hks.harvard.edu/innovations/asia/Documents/HigherEducationOverview112008.pdf

I. Dẫn nhập:

Bài tiểu luận này nhằm cung cấp cho các ủy viên phía Hoa Kỳ thuộc Ủy Ban Đặc Nhiệm Song Phương về Giáo Dục Đại Học (Higher Education Task Force) những phân tích về sự khủng hoảng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu bằng cách phân tích mức độ khủng hoảng và nguồn gốc của khủng hoảng. Kế đến, chúng tôi cân nhắc những nhân vật chính liên quan – chính phủ Việt Nam, người Việt Nam, và cộng đồng quốc tế - đã phản ứng ra sao trước tình trạng đó. Chúng tôi kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng: việc đổi mới thể chế là một thành phần quan trọng để tạo ra nền móng cải cách giáo dục hiệu quả. Một bài luận ngắn về giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở Việt nam, do một nhà khoa học có tiếng người Việt, được gửi kèm theo đây trong phần phụ lục để tham khảo.

II. Mức độ khủng hoảng:

Quả thật là khó phóng đại hơn nữa sự nghiêm trọng của những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong giáo dục đại học. Chúng tôi tin rằng, nếu không có những cải cách nhanh chóng và tận gốc dành cho giáo dục đại học, Việt Nam sẽ thất bại trong mục tiêu đạt tới các tiềm năng to lớn của mình [2]. Phát triển kinh tế ở Đông và Đông Nam Á cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa phát triển và giáo dục đại học. Mặc dù mỗi một quốc gia thịnh vượng nhất trong khu vực này – Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc - đã đi theo những con đường riêng của mình, nhưng có một điểm chung trong sự thành công của họ là họ đã chuyên tâm đeo đuổi một nền giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Những quốc gia kém thành công hơn trong khu vực Đông Nam Á – Thái Lan, Philippines, Indonesia – cho chúng ta một câu chuyện cảnh giác. Các quốc gia này thường không đạt chất lượng cao trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học, và họ đã thất bại trong việc phát triển những nền kinh tế hiện đại. Đây là một điều không lành cho tương lai của Việt Nam, bởi các trường đại học Việt Nam tụt lại khá xa đằng sau ngay cả những láng giềng kém mở mang của mình.





Bảng 1: Số bài báo đăng trên các tạp chí có cơ chế thẩm định chéo (peer-review) năm 2007


Việt Nam không có dù chỉ là MỘT trường đại học có chất lượng được công nhận. Không có một trường nào của Việt Nam xuất hiện trên bất kỳ bảng xếp hạng các đại học có chất lượng cao tại Châu Á được nhiều người biết đến nào. Về phương diện này, Việt Nam thua kém ngay cả so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á. Phần lớn các quốc gia này đều khoe khoang rằng ít nhất một vài học viện đứng đầu của họ có mặt trong các bảng xếp hạng. Trường đại học Việt nam đa phần cách biệt với dòng kiến thức quốc tế, như những con số nghèo nàn trong bảng 1 đã chỉ ra, và giáo sư Hoàng Tụy đã khái quát rất rõ trong bài luận của mình [3].

Đại học Việt Nam không sản xuất được một lực lượng lao động có đủ trình độ đáp ứng cho nhu cầu kinh tế và xã hội Việt Nam. Các cuộc khảo sát do các cơ quan có liên hệ với Nhà Nước cho thấy có tới 50 phần trăm các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học xong đã không thể tìm được việc làm trong ngành nghề chuyên môn của họ, chứng tỏ có một khoảng cách to lớn giữa lớp học và thị trường công việc. Với mức độ 25 phần trăm giáo trình đại học bị bắt buộc tập trung vào các môn học chính trị giáo điều (political indoctrination) thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi sinh viên Việt Nam chỉ được chuẩn bị một cách tồi tệ cho công việc tương lại hoặc cho các học trình cao đẳng ở nước ngoài.

Sự kiện công ty Intel đã phải lăn lộn vất vả để mướn các kỹ sư cho cơ sở sản xuất của họ ở TP HCM là một ví dụ điển hình. Khi Công ty này tiến hành một cuộc thi tuyển cho 2000 sinh viên IT Việt Nam thì chỉ có 90 ứng viên, tức 5%, đạt tiêu chuẩn. Và trong nhóm này, chỉ có 40 ứng viên vừa hội đủ trình độ Anh ngữ để có thể mướn được. Công ty Intel “khẳng định” rằng đây là kết qủa tồi tệ nhất mà họ gặp phải trong bất kỳ quốc gia nào mà họ đầu tư vào. Các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế nói rằng việc thiếu hụt công nhân và lực lượng quản lý có trình độ là rào cản lớn đối với sự mở rộng của họ. Chất lượng giáo dục đại học nghèo nàn đã có một ảnh hưởng tiêu cực khác: Trái với những sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, sinh viên Việt nam thường khó cạnh tranh để chiếm một xuất học bổng tại các chương trình giáo dục trên đại học tinh túy tại Mỹ hay Châu Âu.



Bảng 2: Chỉ số Phát Minh Sáng Chế (Thống kê số lượng Bằng Phát Minh của các quốc gia trong vùng Đông Á - với Việt Nam nằm ở hàng cuối cùng với con số zero)

III. Nguyên nhân của khủng hoảng:

A. Di sản lịch sử:


Những vấn nạn Việt Nam đang phải đối đầu trong hệ thống giáo dục đại học ngày nay một phần là do hậu quả từ một lịch sử cận đại bi thảm của đất nước này.

Chế độ thực dân Pháp cai trị Việt Nam trong nửa sau thế kỷ 19 cho đến năm 1945 đã đầu tư rất ít vào hệ thống giáo dục đại học, ngay cả khi đem so sánh với các thế lực thực dân khác như Anh và Tây Ban Nha. Hậu quả là Việt Nam đã vuột mất cơ hội khi làn sóng cách tân thể chế giáo dục đại học quét qua phần lớn lục địa Châu Á trong những thập niên đầu của thế kỷ 20. Đây là thời gian rất nhiều học viện hàng đầu được thành lập tại vùng này.

Hậu quả là sau khi thu hồi độc lập, VN chỉ có một thể chế giáo dục đại học rất yếu kém để làm nền móng xây dựng (Đây là một điểm tương phản rõ rệt so với Trung Quốc, nơi mà, cho đến ngày nay, phần lớn các trường Đại Học hàng đầu đã được thành lập rất lâu trước cuộc cách mạng Cộng Sản). Giai đoạn Pháp thuộc, cộng với tổn hại từ chiến tranh, rồi đến giai đoạn cai trị độc tài nặng nề của chế độc xã hội chủ nghĩa, đã không phải điều kiện thuận lợi để tạo ra những học viện chất lượng cao cho nền giáo dục đại học.

B. Chính sách quản lý của Nhà Nước:

Nguyên nhân hiện đại tạo nên khủng hoảng là sự thất bại sâu rộng trong chính sách quản lý của Nhà Nước. Các đại học có phẩm chất cao từ Boston cho đến Bắc Kinh đều được hưởng những chính sách quan trọng mà không tồn tại ở Việt Nam [4]:

Vấn đề tự trị và tự quản tại đại học (Autonomy):

Tất cả các học viện tại Việt Nam đều phải chịu sự kiểm soát của một hệ thống quản lý tập trung cao độ. Chính Nhà Nước quyết định con số sinh viên được tuyển nhận, và (trong trường hợp các trường công lập) mức lương của các giảng viên. Ngay cả những quyết định về điều hành cũng như việc thăng thưởng của các Khoa Ban đều lệ thuộc vào sự kiểm soát trung ương. Hệ thống kiểm soát này gạt bỏ ra ngoài những khuyến khích cần thiết cho việc cải tổ và tiến thủ của các đại học.

Lương thưởng được dựa trên thâm niên và lương chính thức thấp kém đến nỗi các giảng viên phải làm việc phụ trội vượt mức mới đủ sống. Ngược lại với Trung Quốc, Việt Nam chưa có chế độ hậu đãi những chuyên viên tốt nghiệp từ nước ngoài.

Cơ cấu tuyển chọn dựa vào thành quả:

Tham nhũng tràn lan và ai cũng biết bằng cấp và tước vị là những thứ có thể mua bán tràn làn [5]. Hệ thống nhân viên cán bộ thì mập mờ và mọi sự thăng thưởng đều dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài khả năng học thuật, như mức độ thâm niên, lai lịch chính trị, lai lịch gia đình, cũng như sự móc nối cá nhân.

Giảng viên các Khoa và Ban quản trị cao cấp của hệ thống đại học có khuynh hướng bị thống trị bởi những cá nhân được huấn luyện từ Liên Xô hoặc Đông Âu, không nói được Anh ngữ và trong không ít trường hợp, tỏ ra ác cảm với các đồng nghiệp trẻ tuổi hơn được giáo dục từ Tây Phương.

Tiêu chuẩn và mối liên kết quốc tế:

Học tập nâng cao kiến thức là một hệ thống không có biên giới, nhưng các học viện tại VN thiếu hẳn những mối liên hệ quốc tế có ý nghĩa. Thực tế là các học giả trẻ, được đào tạo từ nước ngoài, thường dùng mối lo ngại rằng họ không thể cập nhật những nguồn kiến thức đương thời như một lý do khiến họ tránh né trở thành giảng viên tại ĐH Việt Nam. Như GS Hoàng Tụy mô tả, các học viện tại VN rất hướng nội và không lượng giá chính mình dựa trên tiêu chuẩn quốc tế.

Trách nhiệm (Accountability):

Đại học Việt Nam không phải báo cáo hoặc chịu trách nhiệm trước các cổ đông bên ngoài, cũng như trước cán bộ công nhân viên bên trong. Trong hệ thống ĐH công cộng, các nguồn tài trợ không dựa vào phẩm chất hoặc thành quả của trường. Tương tự như thế, tài trợ của Nhà Nước cho các công trình nghiên cứu được phân phát không dựa trên khả năng cạnh tranh, mà như là một hình thức lương bổng phụ trội.

Bởi vì số chỗ dành cho tuyển sinh trong các ĐH rất thấp – chỉ có 1 trong 10 học sinh thuộc lứa tuổi ĐH được nhận vào ĐH - do đó, ĐH Việt Nam không bị ép buộc phải cải tổ. Họ nắm một thị trường độc quyền, bởi chỉ có một số rất nhỏ mới đủ năng lực để ra nước ngoài học.

Tự do trong giáo trình:

Ngay cả khi so sánh với Trung Quốc, đại học Việt Nam tỏ ra nổi bật về mức độ kiến thức bị kiểm soát. Ngay cả khi các trường đại học đã được nhận một không gian thông thoáng hơn, một mạng lưới kiểm soát chính thức cũng như trá hình vẫn còn vây bọc, khiến các trường đại học Việt Nam vẫn ở trong tình trạng bị bóp nghẹt về tri thức, trong khi công chúng đang phản ứng ngày càng lớn.

* * *

Có rất nhiều hàm ý xuất phát từ những phân tích trên đây:

Thứ nhất, chướng ngại chủ yếu cho sự cải tiến trong nền giáo dục cao đẳng không nhất thiết là vấn đề tài chánh. Thực ra, tính theo phần trăm của GDP, Việt Nam tiêu nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực cho giáo dục. Và con số này chưa tính tới khoản tiền rất lớn mà các gia đình Việt Nam chi vào giáo dục cho con cái, tại nhà và ở nước ngoài. Cách sử dụng các nguồn tài chánh đó như thế nào là một vấn đề khác.

Thứ hai, đầu tư vào du học nước ngoài không đủ để cải tiến hệ thống. Trừ khi môi trường sinh sống và làm việc cho sinh viên du học được cải tổ, sẽ khó có thể lôi kéo được các sinh viên du học về công tác tại các trường đại học.

IV. Phản Ứng


A. Các chính sách của Nhà Nước:


Phần lớn thời gian trong kể từ năm 1986 khi Việt Nam bước vào giai đoạn Đổi Mới, tức là tiến trình cải cách kinh tế và tự do hóa, tốc độ của việc cải tổ nền giáo dục đại học vẫn ở trong tình trạng lãnh đạm. Trong giai đoạn này, chất lượng giáo dục trì trệ tới mức một số nhà khoa học Việt Nam đã tin rằng chất lượng giảng dạy ở những môn khoa học căn bản đã bị tụt hậu [6].

Trong ba năm vừa qua, Nhà Nước đã đặt ra ưu tiên cao hơn cho cải cách giáo dục đại học. Năm 2005 Nhà Nước áp dụng chính sách được nêu ra trong Nghị Quyết 14 về việc ”cải tổ toàn diện nền giáo dục đại học” tới năm 2020. Đây là một bước ngoặt kêu gọi cải cách trong việc điều hành, bao gồm trao quyền tự trị lớn hơn cho các trường, và sử dụng các cơ chế tuyển chọn dựa vào thành quả. Mặc dầu rất khó để đánh giá ảnh hưởng của Nghị Quyết 14 vào tiến trình đề ra chính sách, nhưng tốc độ thay đổi vẫn rất chậm.

Gần đây hơn, chính quyền đã loan báo những sáng kiến thiết lập những học viện với các đối tác quốc tế, và bày tỏ sự sẵn sàng sử dụng nguồn vốn vay từ các tổ chức cho vay đa phương như World Bank. Trong khi những kế hoạch này là dấu hiệu tốt, chứng tỏ người ta đã nhận ra nhu cầu thiết yếu của các trường đại học mới, nhiều câu hỏi vẫn tồn tại. Các quan chức ngành giáo dục Việt Nam vẫn có cách nhìn ”Nhà nước là Trọng Tâm” rất mạnh mẽ khi nói về sự hợp tác đào tạo đại học, trong đó ”chính quyền”, chứ không phải ”trường” là đối tác chính với nước ngoài. Cách tiếp cận này hoàn toàn không phù hợp khi làm việc với hệ thống giáo dục phân quyền ở mức độ cao (highly-decentralized) như ở Hoa Kỳ, trong đó mỗi trường đại học là một nhân vật quyết định chính và vai trò của chính quyền rất hạn chế.

Thứ hai, chính quyền vẫn phô bày não trạng ”kế hoạch hóa tập trung” khi thiết kế các sáng kiến phát triển các trường đại học, bào gồm cả việc quyết định trước những môn học mà trường đại học mới mở sẽ tập trung vào dạy (Dự án ban đầu gợi ý tập trung chủ yếu vào các ngành khoa học và kỹ thuật, có lẽ để tránh các môn nhân văn và xã hội).

Thứ ba, mặc dầu các dự án được hoạch định trên căn bản là các đối tác quốc tế sẽ cung cấp các quản trị viên và nhân viên giảng dạy, nhưng cách thức phân phối các nguồn tài chính như thế nào thì không được xác định, không ai biết các khoản tiền vay từ các nhà tài trợ đa phương có được dành cho các đối tác quốc tế hay không.

Cuối cùng, người ta phải chờ xem mức độ tự trị và tự quản mà các học viện này được phép như thế nào [7].

B. Chương trình trao đổi sinh viên:


Sinh viên Việt Nam ra du học nước ngoài ngày càng nhiều kể từ năm 1986. Trong những năm đầu của Đổi Mới, phần lớn các sinh viên du học qua các chương trình học bổng song hoặc đa phương như các chương trình Fullbright hoặc chương trình World Bank… Khi xã hội VN trở nên khá giả hơn, các gia đình Việt Nam đã bắt đầu cho con cái đi du học tự túc. Những năm gần đây, con số sinh viên VN đi du học tại Mỹ gia tăng nhanh chóng một cách đặc biệt. VN nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu gửi sinh viên đến Hoa Kỳ du học. Các kinh tế gia VN ước lượng các gia đình VN đang tiêu dùng ít nhất 1 tỷ đô-la mỗi năm cho việc du học.

Du học nước ngoài là một phản ứng quan trọng trước sự khủng hoảng giáo dục đại học tại VN, nhưng nó không thể nào là một giải pháp được. Đầu tiên và quan trọng nhất, du học chỉ là một lựa chọn của một thiểu số rất nhỏ, những người có tiền hoặc may mắn có được học bổng. Đang có một sự chênh lệch rộng và ngày càng gia tăng giữa thành thị và nông thôn, giữa tầng lớp thượng lưu giàu có và đại đa số dân chúng còn nghèo. Việt Nam là một quốc gia rộng lớn, và không thể “khoán trắng” nền giáo dục đại học cho các trường đại học nước ngoài.

Thứ hai, ngày nào mà các trường đại học tại Việt Nam vẫn chỉ cung cấp được môi trường làm việc thảm hại và những gói khuyến khích không hấp dẫn, thì các chuyên viên được đào tạo từ nước ngoài vẫn tránh né các ngành nghề giảng dạy tại ĐH. Một thăm dò không chính thức dành cho sinh viên trên đại học Việt Nam ở Mỹ cho thấy đa số không muốn quay trở lại trường đại học Việt Nam, nhưng sẽ cân nhắc quay trở lại nếu môi trường làm việc hấp dẫn hơn.

C. Nhân Tố Quốc Tế:


Các cơ quan tài trợ quốc tế đã hỗ trợ các chương trình trao đổi sinh viên trong nhiều năm qua. Do yêu cầu của chính phủ Việt Nam, các cơ quan này đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống giáo dục đại học. Theo quan điểm của chúng tôi, nỗ lực của các nhà tài trợ trong lĩnh vực này không hiệu quả, bởi vì họ làm rất ít, nếu không nói là không có gì, để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều hành của chính phủ. Các khoản tài trợ đã không được phân phối trên cơ sở cạnh tranh, và những viện / trường được nhận tiền báo cáo rằng họ có ít quyền trong việc quyết định các khoản tiền được sử dụng như thế nào.

Các trường đại học quốc tế đã được khuyến khích để thiết lập các chương trình đào tạo tại Việt Nam, một cách độc lập hoặc (thường xảy ra hơn) thông qua hợp tác với các học viện trong nước. Với một vài ngoại lệ, các dự án này chỉ nhằm mục tiêu trục lợi và do đó chỉ nhắm vào những ngành thực dụng đã sẵn có nhu cầu (như marketing, quản trị, lập trình v.v…). Việc tuyển lựa SV phần lớn dựa vào khả năng trả học phí và phần lớn vượt quá tầm tay của đại chúng. Điều duy nhất có thể kết luận là những chương trình như thế chiếm một phần nhỏ trong hệ thống giáo dục đại học.

Những học viện này không đáp ứng được nhu cầu giáo dục cao đẳng có chất lượng cao. Chính quyền VN rất hứng thú với việc thu hút sự tham gia hợp tác của những đại học hàng đầu trên thế giới, đặc biệt là các ĐH tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cho rằng cần 3 yếu tố chính để đạt được mục tiêu này:

Thứ nhất, chính quyền phải nhận ra rằng, các đại học có chất lượng cao sẽ không vào VN dưới vai trò những công ty đầu tư. Hơn nữa, trong cuộc chaỵ đua toàn cầu để tìm tài năng xuất sắc, các ĐH Hoa Kỳ luôn luôn là những đối tác được nhiều người đeo đuổi. Nói thẳng ra là, Việt Nam phải chấp nhận trả giá cao.

Thứ hai, cũng quan trọng không kém, chúng tôi phải nhấn mạnh rằng, các trường đại học danh tiếng sẽ không chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn của họ, và như thế chính quyền Việt Nam chỉ có cách cam kết theo đuổi một quy cách điều hành tốt hơn cho hệ thống giáo dục đại học, bao gồm chấp nhận chương trình giảng dạy và chế độ tự quản lớn hơn cho các trường đại học.

Thứ ba, bởi vì hệ thống giáo dục đại học cao đẳng tại Hoa Kỳ mang bản chất phân quyền cao độ, chính phủ Hoa Kỳ sẽ chỉ đóng một vai trò hạn chế, mang tính cổ vũ, trong việc thúc đẩy hợp tác của các viện đại học Hoa Kỳ.

IV. Kết Luận: Nhu Cầu cho Cải cách Thể Chế

Cải tổ toàn bộ cung cách điều hành của chính quyền là chìa khóa để cải tiến nền giáo dục đại học tại Việt Nam. Tuy nhiên, cải tổ các học viện giáo dục đào tạo ở bất cứ nơi đâu cũng là một tiến trình lâu dài. Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng Việt Nam phải xây dựng một học viện đào tạo đại học mới, mà ngay từ đầu đã có cơ chế điều hành tốt nằm trong DNA của nó [8]. Nỗ lực như thế sẽ tạo ra tác động mang tính chuyển biến tới hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Một học viện mới sẽ cung cấp một mái nhà hấp dẫn cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam, những người mà hiện nay không tha thiết theo đuổi nghề giảng dạy đại học tại Việt Nam [vì thiếu môi trường hấp dẫn]. Thứ nhì, một học viện mới như thế sẽ là kiểu mẫu cho các học viện khác học hỏi và bắt chước, cũng như là một động lực cạnh tranh lành mạnh và rất mực cần thiết. Chúng tôi tin rằng Ủy ban Đặc Nhiệm về Giáo Dục Đại Học có vai trò độc nhất vô nhị trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách ở Việt Nam bằng cách xây dựng một lược đồ toàn diện và khả thi cho cải cách thể chế ở Việt Nam.


Chú thích


[2] Để có đánh giá một cách hệ thống và tương đối về các thách thức chính sách mà Việt Nam phải đối mặt, xem thêm "Lựa chọn Thành Công: Quá trình phát triển Đông và Đông Nam Á và những bài học cho Việt Nam". Có sẵn ở địa chỉ:http://www.innovations.harvard.edu/showdoc.html?id=98251.

Bản tiếng Việt: http://www.diendan.org/viet-nam/lua-chon-thanh-cong/

[3] Hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của hệ thống học viện Liên Xô, trong đó trường đại học chủ yếu là để giảng dạy, còn các nghiên cứu được thực hiện tại các viện nghiên cứu. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu tại trường đại học, nhưng chỉ thành công rất nhỏ, vì lý do giải thích ở bên dưới đây. Như Bảng 1 chỉ ra, các viện nghiên cứu ở Việt Nam cũng không làm tốt việc nghiên cứu cho lắm.

[4] Phân tích của chúng tôi về thất bại của việc quản lý ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi những phát hiện của Ủy ban Đặc biệt về Giáo dục Đại học, được triệu tập bởi Ngân hàng Thế Giới và UNESCO, dưới sự chủ tọa của Giáo sư Henry Rosovsky (trường Harvard) và Giáo sư Mamphela Ramphele (trường University of Cape Town). Trong báo cáo kết quả của mình, "Peril and Promise: The Challenges of Higher Education in Developing Countries", Ủy ban này đã kết luận rằng quản lý của chính quyền chính là rào cản lớn nhất khiến giáo dục không đạt kết quả tốt hơn. (Có sẵn tại http://www.tfhe.net/.) Giáo sư Rosovsky hiện là cố vấn cho công trình nghiên cứu đang được tiến hành tại Ash Institute về cải cách thể chế ở Việt Nam.

[5] Cũng cần phải nhấn mạnh rằng còn một thứ trong hệ thống giáo dục chưa bị làm què quặt bởi tham nhũng và gia đình trị là các cuộc thi đầu vào đại học. Chính phủ đã bỏ khá nhiều công sức để đảm bảo rằng quá trình thi cử này không bị vẩn đục. Kết quả là những học sinh được nhận vào thường có tài năng và nhiều người đã thành công trong việc bổ sung kiến thức cho chương trình học lỗi thời bằng cách tự học.

[6] Trong những năm gần đây, các trường đại học tư nhân đã nở rộ. Tuy nhiên, những trường này vẫn phải chịu nhiều kiểm soát giống như đại học công. Hầu hết trong số đó là các tổ chức tìm kiếm lợi nhuận và dựa vào học phí để tạo ra lợi nhuận; và kết quả là chất lượng đồng loạt thấp.

[7] Trường "Đại học Việt Đức" là trường đại học mới đầu tiên kiểu này. Nó được mô tả như là một dự án liên kết giữa chính quyền Việt Nam và chính quyền Đức.

[8] Chúng tôi đã khuyến nghị chính quyền Việt Nam là nó cần tập trung một tập đoàn các trường đại học Mỹ để xây dựng một trường nghiên cứu, ban đầu là để cung cấp giảng dạy đại học, rồi từ từ đưa ra các chương trình giảng dạy sau đại học.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét