Trong thời gian còn ở bên Mĩ tôi đọc được tin Viện nghiên cứu phát triển (IDS) tuyên bố tự giải thể. Dù biết rằng đây là một kết cục có thể đoán trước được, nhưng sự “ra đi” của IDS cũng làm cho tôi suy nghĩ về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, và vai trò của giới trí thức trong nước trước hiện tình đất nước. Tôi vừa nói rằng sự giải thể của IDS có thể đoán trước được là do hai lí do:
Thứ nhất là cái quyết định 97 của Thủ tướng Chính phủ mà tôi có dịp bàn trước đây ở đây và ở đây (Tôi có nói rằng những phát biểu của ông thứ trưởng Bộ KHCN biện minh cho Quyết định 97 là phản khoa học.) Đọc qua những điều trong văn bản này, ai cũng có thể thấy đây là một cách bịt miệng những tiếng nói phản biện xã hội. Người trong cuộc thì ai cũng biết rằng đối tượng của quyết định 97 chính là IDS.
Thứ hai là trước đây, ở TPHCM cũng có một nhóm có tên là Saigon Times Research Center hay STR (hay Trung tâm Nghiên cứu Saigon Times) được thành lập vào ngày 14/12/2007, do Ts Trần Hữu Quang làm giám đốc và chính cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt làm “patron”. Nhóm này sau một năm hoạt động cũng tự tuyên bố giải thể. Tôi là một thành viên trong nhóm STR, và cũng là người sau cùng thuyết trình tại đây (ngày 26/3/2008) và một ngày sau thì nhóm tuyên bố tự giải thể.
Quyết định 97 và sự “ra đi” của STR chính là hai lí do làm tôi đoán rằng IDS rồi cũng sẽ có chung số phận như STR. Chỉ có điều IDS ra đi tạo được dư luận, có kèn có trống, còn nhóm STR thì ra đi một cách âm thầm. Thật ra, nói như thế cũng không hẳn công bằng, bởi vì tin tức về việc IDS tự giải thể chỉ ồn ào trong cộng đồng cư dân mạng mà thôi, chứ báo chí chính ngạch thì đưa tin rất hời hợt và miễn cưỡng.
Ở các nước ngoài Việt Nam, kể cả các nước trong vùng như Thái Lan, Mã Lai, Singapore, v.v… đều có những “think tank”, những trung tâm phi chính phủ chuyên nghiên cứu các vấn đề vĩ mô, đề ra những chính sách xã hội, đường lối ngoại giao. Những thành viên trong các think tank này thường là những cựu quan chức trong chính quyền, cựu chính trị gia, tướng lãnh, nhà khoa bảng, tu sĩ, v.v… Ở Mĩ có thể kể đến những think tank nổi tiếng như Brookings Institution, American Enterprise Institute, Council on Foreign Relations, Heritage Foundation, RAND Corporation, Center for American Progress. Ở Singapore thì có East Asian Institute, Institute of Policy Studies, Institute of Southeast Asian Studies. Các tổ chức này đã góp phần không nhỏ vào định hướng và chính sách của chính phủ các nước vừa kể.
Ở nước ta, sự có mặt và vai trò của thank tank có lẽ vẫn còn quá mới mẻ. Trước 1975, ở miền Nam theo tôi biết không có think tank, và do đó những tranh luận về chính sách thường rất ồn ào trên báo chí, mang tính “chợ búa”, hơn là những lí giải mang tính học thuật và có hệ thống. Đến sau 1975, khi đất nước thống nhất, cũng không có think tank, bởi vì tất cả chính sách đều do Đảng đề ra và quyết định. Mãi đến những năm đầu thế kỉ 21 lần đầu tiên xuất hiện hai nhóm như STR và IDS. Thật ra, hai nhóm này cũng không phải là think tank, bởi vì họ chưa có (hay nói chính xác hơn là không có quyền) vạch định chính sách, mà chỉ đóng vai trò phản biện xã hội. Dù đóng vai trò khiêm tốn này, nhưng việc làm của họ có lẽ cũng không được giới chính quyền đón nhận.
Thật ra, trong môi trường văn hóa ở nước ta, rất khó để các quan chức đón nhận những tiếng nói phản biện. Học trò trưởng thành trong nền giáo dục mà trong đó “thầy giảng, trò chép” là một phương pháp chủ đạo. Học trò trả bài theo những gì đã học thuộc lòng hay theo khuôn bài có sẵn được điểm cao. Học trò không được khuyến khích tham khảo thêm tài liệu ngoài. (Còn nhớ vài tháng trước khi một cô giáo khuyến khích học trò đọc thêm tài liệu văn học hải ngoại liền bị bị công an thẩm vấn và sau cùng là bị cho thôi việc). Tương tự, các quan chức cao cấp là đảng viên, và họ không có lựa chọn nào khác là phải nói và làm theo chủ trương của Đảng. Họ phải trung thành với Đảng. Đảng là người thầy của họ. Quan điểm “cứ làm theo chủ trương của Đảng” rất phổ biến ở thành phần quan chức, vì nó an toàn cho vị trí của họ. Do đó, khi trực diện với một quan điểm trái chiều với chủ trương của Đảng, phản ứng của họ là lờ đi, hay thậm chí nặng nề hơn là gán cho nó một nhãn hiệu như “phản động”. Thật buồn khi đọc những dòng chữ hậm hực và thù địch của quan chức an ninh như “bọn họ tụ tập tại 53 Nguyễn Du để làm gì” dành cho các thành viên trong IDS.
Một lần tôi bình luận về những sai lầm trong chính sách phòng chống dịch tả của Bộ Y tế (vụ mắm tôm và V. cholera), một quan chức trong Bộ cảnh cáo tôi là “Ông không có quyền nhận định đó là sai lầm”! Chỉ có thể xem đó là thái độ của một kẻ độc tài, bịt miệng người khác.
Một quan điểm phổ biến khác là phản biện cần phải có kiến thức chuyên sâu về một ngành nào đó. Điều này sai, bởi vì xã hội cần những người “ngoại đạo” phản biện, chứ không cần những người mà đầu óc của họ bị trói buộc theo những nguyên lí giáo điều hay theo kiểu chôn đầu vào cát (bury head in the sand). Cựu thủ tướng Pháp Georges Clemenceau có nói một câu với hàm ý rằng chiến tranh rất ư là quan trọng để có thể giao tất cho các tướng lãnh điều hành. Quan điểm này cũng có thể áp dụng cho chính sách phản biện xã hội: sự an nguy của quốc gia quá quan trọng và không thể giao cho các quan chức Nhà nước toàn quyền quyết định. Xã hội Việt Nam trong tình hình hiện nay cần nhiều nhóm như STR và IDS. Do đó, việc hai nhóm này tự nguyện giải thể là một điều bất hạnh cho đất nước.
Sự ra đi của STR và IDS còn cho thấy một khía cạnh cơ bản khác liên quan đến xã hội dân sự. Ở Việt Nam việc lập một tổ chức nghiên cứu tư nhân, dù dưới danh nghĩa bất vụ lợi, là cực kì khó khăn. Ngay cả trước đó, việc thành lập Câu lạc bộ khoa học kĩ thuật Việt kiều (OVS) cũng “trần ai”, khởi đầu là ban vận động, rồi cả năm sau mới có giấy công nhận. Nhóm phản biện giáo dục (gồm những cựu quan chức cao cấp trong chính quyền) cũng chẳng đi đến đâu, chưa có gì chính thức, và gửi thư cho Bộ GDĐT thì lại rơi vào khoảng không im lặng đáng sợ. Thật khó hiểu tại sao trong thời bình, việc thành lập các nhóm xã hội như thế lại quá khó khăn, trong khi các nhóm này làm việc hoàn toàn mang tính xây dựng. Có thể chính quyền hay cao hơn là Đảng không muốn hay chưa sẵn sàng lắng nghe những tiếng nói phản biện. Nếu điều này đúng thì đó là biểu hiện của một tình trạng thiếu bản lĩnh tri thức của người cầm quyền.
Hình như Voltaire có lần nói: “Tôi không đồng ý với những gì ông nói, nhưng tôi bảo vệ đến chết quyền ông được nói”. Chính vì thế mà trong một xã hội hiện đại, người dân phải có quyền tự do tư tưởng (tức là quyền tự do của cá nhân được giữ quan điểm, ý tưởng độc lập với những người khác), tự do ngôn luận (có quyền phát biểu mà không bị kiểm duyệt hay giới hạn). Ở nước ta, trên danh nghĩa, người dân đều có 2 quyền cơ bản này (hiến pháp ghi rành rành như thế), và trong thực tế thì cũng có tự do phát biểu và tự do ý tưởng đấy, nhưng mức độ tự do thì bị hạn chế. Sự hạn chế đó thể hiện ở chỗ người dân vẫn thiếu những phương tiện, thậm chí cơ hội, để bày tỏ ý kiến của mình. Sự giải thể của IDS ngày nay (và STR trước đó) là một tín hiệu cho thấy sự hạn chế của hai quyền này vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.
NVT
Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009
IDS tự giải thể và sự hạn chế quyền phản biện
15:38
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét