Tuần qua, tôi bận đi công tác bên Saudi Arabia, nên không có thì giờ cập nhật hóa trang blog. Chuyến công tác ngắn ngủi nhưng tôi có nhiều chuyện để suy nghiệm. Tôi sẽ dần dần ghi lại những chuyện tôi nghe và thấy trong chuyến đi như là “mua vui cũng được một vài trống canh”. Hôm nay bắt đầu bằng vài ghi chép linh tinh trước.
Không nên làm Hai Lúa với xứ dầu hỏa !
Chuyến đi Saudi Arabia của tôi không nằm trong chương trình làm việc năm 2009, nhưng hóa ra là một chuyến công tác thú vị, để lại nhiều kỉ niệm khó quên. Tất cả sự việc bắt đầu từ một email của ông Chủ tịch Royal Society của New Zealand (ở Úc, Anh và New Zealand Royal Society giống như viện hàn lâm khoa học) vào đầu tháng 7. Trong email, ông Chủ tịch Royal Society nói rằng ông được mời thành lập một nhóm chuyên gia gồm 5 người (gọi là Review Panel) để thanh tra và đánh giá hoạt động của một trung tâm xuất sắc chuyên nghiên cứu loãng xương ở Saudi Arabia. Tên chính thức của trung tâm này là Centre of Excellence for Osteoporosis Research (CEOR). Ông ta phải nhờ đến các hiệp hội chuyên môn về xương, và họ đề cử được 5 người, trong đó có tôi. Thật ra, sau này tôi biết được là danh sách 5 người này cũng là sáng kiến của CEOR. Do đó, ông viết thư mời tôi tham gia vào Review Panel. Thấy công việc cũng thú vị và chưa từng đi Saudi Arabia lần nào, nên tôi chấp nhận lời mời. Thế là tôi trở thành một thành viên trong nhóm “ngũ nhân bang” thực hiện một việc làm rất đơn giản nhưng căng thẳng.
Dù được bổ nhiệm làm thành viên Review Panel nhưng tôi vẫn phải qua hai khâu hành chính khác. Đầu tiên là Bộ Giáo dục của Saudi Arabia phải phê chuẩn tư cách khoa học của tôi. Sau khi phê chuẩn, Bộ gửi tôi một mã số để làm thủ tục xin visa từ tòa đại sứ Saudi Arabia ở Úc. Một điều đáng nói là đại sứ quán không làm việc trực tiếp với người xin visa, mà chỉ làm việc qua trung gian (hay nói theo ngôn ngữ thời nay ở nước ta là qua “cò”). Những tay cò này là đại lí các hãng du lịch lữ hành. Chính vì thế mà chi phí cấp visa của Saudi Arabia đắt đỏ kinh khủng: 220 AUD! Tôi chưa bao giờ thấy một nước nào mà lấy chi phí cao như thế. Nhưng trong trường hợp của tôi thì mọi chi phí này đều do phía Bộ Giáo dục của Saudi Arabia “chăm sóc” chu đáo.
Có visa rồi đến vé máy bay, và cũng là một kinh nghiệm cần chia sẻ. Từ Úc đi thành phố Jaddah chỉ có thể đi bằng 4 hãng hàng không như Malaysian Airlines, Singapore Airlines, Cathay Pacific, và Emerates. Tôi quen tính tiết kiệm cho các cơ quan bảo trợ, dù là tư nhân hay chính phủ, nên tôi thường hay tìm hiểu giá cả của các hãng tôi thường bay. Lần này, giá cả chênh lệch giữa hãng đắt nhất và rẻ nhất gần 3000 AUD, một sự khác biệt mà tôi cho là quá đáng. Không nói ra chắc ai cũng biết hãng đắt nhất là Singapore Airlines và hãng rẻ nhất là Malaysian Airlines. Nếu đi với Malaysian Airlines, tôi phải chuyển đến 3 chuyến bay, còn với các hãng khác thì chỉ 2 chuyến bay. Dù đi với hãng nào, tôi vẫn phải mất từ 8 giờ đến 13 giờ chờ đợi giữa hai chuyến bay nối. Tôi báo cho Bộ Giáo dục của Saudi Arabia biết về sự khác biệt giá cả, và tỏ ý chọn hãng nào vừa phải (không quá đắt mà cũng không phải rẻ nhất, vì tôi nghĩ hãng rẻ nhất chắc phục vụ không mấy tốt). Ngạc nhiên thay, phía Saudi Arabia lịch sự trả lời tôi rằng vấn đề không phải là tiền bạc, và khuyên tôi nên chọn hãng nào mà tôi thấy tiện lợi nhất. Ngụ ý trong lời khuyên này là tôi chọn Singapore Airlines. Đương nhiên, tôi đâu phụ lời khuyên của “ông bạn” Bộ Giáo dục của Saudi Arabia. Tôi chọn hãng đắt nhất. Sau này khi kể chuyện đó cho đồng nghiệp trong Review Panel bên Mĩ nghe, anh ta vỗ vai tôi và nói đại khái: Ồ, mày “ngây thơ” quá! Saudi Arabia là xứ dầu hỏa, tiền không phải là vấn đề đối với họ; việc của mày và tao làm sẽ tiết kiệm cho họ hàng triệu đôla; không nên đánh giá thấp việc mình làm, nghe chưa! Yes Sir, nghe. Tôi thấy mình quả là Hai Lúa.
(Còn tiếp)
Thứ Ba, 6 tháng 10, 2009
Nhật kí Saudi Arabia 1. Hai Lúa và dầu hỏa
21:35
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét