Thứ Năm, 29 tháng 10, 2009

Vedan : Sản phẩm an toàn, sản phẩm không có tội !

Vụ công ti Vedan được Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế vinh dang bằng cách trao giải thưởng "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" (chỉ chữ "top" trong bằng khen do Nhà nước cấp đã khó đọc rồi, vì nó có vẻ lai căng!) đang gây ngạc nhiên và phẫn nộ trong công chúng. Chúng ta còn nhớ công ti Vedan là doanh nghiệp đã thải hóa chất giết chết sông Thị Vải. Vedan, theo chính lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng "[…] lừa dối và xảo quyệt khi đổ một tấn chất thải sau lên men vào rừng cao su, người dân được 100.000 đồng và tung tin là có lợi cho cây trồng. Rồi lại thông tin, chất sau lên men tạo rong biển, thức ăn cho cá rồi đổ ra biển Vũng Tàu". Những sự việc sai trái trên chỉ xảy ra năm ngoái, và dư luận báo chí chưa ráo mực, thì hôm nay công ti được trao giải thưởng vì sức khỏe cộng đồng năm 2009 !

Trả lời câu hỏi của báo Người lao động "Có nghịch lý không khi Công ty Vedan VN gây ô nhiễm môi trường nặng nề, chưa khắc phục xong hậu quả mà sản phẩm đã được công nhận vì sức khỏe cộng đồng?", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nói : "Đây không phải là chứng nhận cho doanh nghiệp (DN) mà là cho sản phẩm cụ thể. Nếu một công ty nào đó giám đốc tham nhũng chẳng hạn mà công ty làm ra sản phẩm xã hội chấp nhận thì mình cũng phải công nhận. Sản phẩm của Công ty Vedan VN không có tội. Quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế thì sao không được chứng nhận. Thực chất sản phẩm Vedan vẫn có mặt trên thị trường và người dân vẫn sử dụng."

Tôi thấy lí giải "gây sốc" này của ông thứ trưởng tuy mới nghe qua thì có vẻ khách quan (tức cần phải phân biệt giữa công ti Vedan và sản phẩm của công ti Vedan), nhưng suy nghĩ kĩ thì nó có cái gì lấn cấn trong phát biểu này.

Thứ nhất, doanh nghiệp nhiều khi gắn liền với sản phẩm. Nói đến, chẳng hạn như, Mercedes thì người ta nghĩ ngay đến xe đắt tiền ; hay nói đến Nike thì không ai không nghĩ đến giày thể thao, mặc dù hai hãng này làm nhiều sản phẩm khác chứ không chỉ xe hơi đắt tiền và giầy thể thao. Trong trường hợp này, nói đến Vedan thì người ta ít nghĩ đến bột ngọt mà nghĩ ngay đến những phá hoại môi sinh sông Thị Vải. Do đó, rất khó mà phân cách rạch ròi giữa Vedan là doanh nghiệp và bột ngọt Vedan, và lí giải của ông thứ trưởng xem ra khó thuyết phục.

Thứ hai, qui trình sản xuất và con người có liên hệ với nhau. Đúng như ông thứ trưởng nói : qui trình sản xuất gây ô nhiễm, nhưng chẳng hiểu sao ông lại thêm "chứ người ăn thì không sao" ! Tuy nhiên, qui trình là do con người thiết kế nên, cho nên câu hỏi đặt ra là : ai là thiết kế và ai chịu trách nhiệm cái qui trình gây ô nhiễm đó ? Có phải ban giám đốc công ti không ? Nếu thế thì không thể nói qui trình sản xuất gây ô nhiễm mà không qui trách nhiệm cho người điều hành công ti.

Thứ ba là văn bản của giải thưởng không nhất quán với lời nói của ông thứ trưởng. Dù ông nói rằng đây không phải là giải thưởng cho doanh nghiệp, nhưng nhìn kĩ cái bằng khen dưới đây chúng ta lại thấy tên của doanh nghiệp đứng trước tên của sản phẩm.


Thứ tư, giải thưởng được trao cho một sản phẩm mà ông cho là an toàn, vậy sản phẩm đó là gì. Tôi tìm một lúc thì cũng ra kết quả : đó chính là sản phẩm bột ngọt (xem hình chụp dưới đây). Nhưng ai chứng nhận bột ngọt an toàn ? Trả lời : Cục vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế. Dựa vào bằng chứng nào để cho rằng bột ngọt an toàn ? Chúng ta chưa biết câu trả lời cho câu hỏi này.
Theo tôi, phải là người can đảm lắm mới dám khẳng định một sản phẩm là an toàn cho cộng đồng. Không có một sản phẩm nào trên thế giới này, kể cả thuốc men, được xem là an toàn tuyệt đối cho cộng đồng cả. Đối với bột ngọt, vấn đề an toàn đã được đặt ra từ lâu. Bạn đọc chỉ cần gõ cụm từ "monosodium glutamate" (hay MSG) trên google thì sẽ thấy có hàng chục ngàn bài viết về bột ngọt. Người phương Tây rất kị bột ngọt vì họ nghĩ là có hại cho sức khỏe. Chính vì thế mà rất nhiều nhà hàng Tàu và Việt Nam ở nước ngoài để bảng rõ ràng rằng thức ăn ở đây không có MSG.
Nói cho công bằng, bằng chứng khoa học hiện nay có thể cho phép chúng ta kết luận rằng bột ngọt tương đối an toàn nếu dùng ở liều lượng thấp hay vừa phải. Một phân tích tổng hợp do FDA của Mĩ thực hiện năm 1995 xác định rằng dùng bột ngọt với hàm lượng thấp (như nêm nếm soup) thì tương đối an toàn. "Tương đối" là vì vẫn có những báo cáo về hội chứng MSG, mà theo đó một số người bị nhức đầu, mặt nóng bừng, nóng bừng quanh miệng, ra mồ hôi, tê tay chân, nhịp tim đập nhanh, đau ngực, khó thở, và ói mửa. Những triệu chứng này chỉ xảy ra ngắn, và không đe dọa đến tính mạng.
Vinh danh một sản phẩm, nhất là sản phẩm mang danh hiệu "an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009" tôi nghĩ chúng ta phải cực kì cẩn thận vì (a) nó liên quan đến một cộng đồng, và (b) chúng ta không muốn đưa ra một thông điệp hoàn toàn an toàn với ấn chứng của cơ quan y tế cao nhất nước trong khi bằng chứng khoa học còn chưa đầy đủ.
Nói đến sức khỏe cộng đồng, tôi nghĩ chúng ta cần phân biệt 2 cấp : cá nhân và cộng đồng. Đối với cá nhân, dùng hay không dùng bột ngọt hay một sản phẩm nào đó là sở thích tự do của họ, nó không nằm trong sự kiểm soát của một cơ quan nào. Không một cơ quan thẩm quyền nào có thể cấm người ta hút thuốc hay ăn bột ngọt. Đối với cộng đồng, vì ảnh hưởng lớn nên bằng chứng khoa học phải hết sức thuyết phục mới có thể đưa ra một khuyến cáo về an toàn. Đi từ cá nhân lên cộng đồng, tính bảo thủ về an toàn phải gia tăng, chứ không giảm. Bột ngọt có thể an toàn, nhưng chỉ an toàn ở hàm lượng thấp, và với những triệu chứng liên quan đến bột ngọt được báo cáo trong y văn, chúng ta không thể nào xem đó là một sản phẩm an toàn tuyệt đối. Đã không an toàn tuyệt đối, tôi nghĩ không nên tuyên dương vào hàng "Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009".
"Vì sức khỏe cộng đồng". Nghe qua thì rất cao thượng, nhưng với những qui trình sản xuất gây ô nhiễm, tiêu diệt môi sinh của một dòng sông, gây ảnh hưởng đển môi trường sống của hàng vạn người, thì cái câu "Vì sức khỏe cộng đồng" thật là mỉa mai làm sao! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã rất chính xác khi than rằng : "thật chẳng còn đạo lý gì nữa!".
NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét