Bộ Khoa học và Công nghệ có hai tạp chí: đó là tờ Hoạt động Khoa học và Tia Sáng. Tôi có cơ duyên đóng góp bài vở cho cả hai tạp chí, nhưng hình như số bài tôi viết cho Tia Sáng nhiều hơn cho Hoạt động Khoa học. Tôi thích cả hai tạp chí vì tính bổ sung cho nhau. Một bên (Hoạt động Khoa học) là tiếng nói chính thức của Bộ KHCN, còn một bên mang tính phản biện. Cả hai tạp chí đều ra hàng tháng, nhưng chất lượng in của Tia Sáng thì nghèo nàn hơn HĐKH rất nhiều. Tuy vậy, hàm lượng tri thức và thông tin của Tia Sáng theo tôi thì cao hẳn hơn so với HĐKH. Một giám đốc nhà xuất bản phía Nam có lần hỏi tôi về chuyện nhuận bút của Tia Sáng, tôi nói chỉ là “tiền cà phê” thôi (vì lâu lâu tôi mới ra Hà Nội) chứ có nhuận bút gì đâu, và vị giám đốc mới nói với tôi rằng Tia Sáng nghèo lắm, mỗi lần in là họ chạy xin quảng cáo. Do đó, không ngạc nhiên khi có người (không phải biên tập của hai tờ tạp chí) nói đùa với tôi rằng Tia Sáng là “con ghẻ”, còn HĐKH là “con ruột” của Bộ.
Tôi có lẽ là người đầu tiên đề nghị website cho Tia Sáng. Cách đây vài năm tôi có dịp đi công tác ngoài Hà Nội và ghé qua văn phòng tòa soạn Tia Sáng trên đường Trần Hưng Đạo. Nói là tòa soạn cho oai, chứ đường vào văn phòng quanh co rất khó đi, và phía trong chỉ vài cái phòng nhỏ, có phòng ánh điện leo lét, còn hành lang thì bề bộn với sách vở, trông rất lượm thượm, và rất … Việt Nam. Hôm đó, sau một lúc trò chuyện, tôi đề nghị rằng Tia Sáng nên ra website, vì những anh em cộng tác ở ngoài Việt Nam đâu có cơ hội đọc báo giấy, mà nếu gửi ra ngoài thì cước phí đắt quá. Nhưng đề nghị của tôi không được đón nhận. Anh VT lịch sự nói rằng đó là một đề nghị hay, anh chưa nghĩ đến nó, vả lại Tia Sáng không có kinh phí và cũng chẳng có người chăm lo website. Tôi hăng hái nói chi phí website thật ra rất thấp, vấn đề là kĩ thuật, mà ở Việt Nam thì chuyên gia kĩ thuật website nhiều lắm. Nhưng nói gì thì nói, lúc đó đề nghị về website của tôi coi như không được tiếp nhận.
Bẵng đi một thời gian, tôi thấy Tia Sáng có website! Tuy website không “hoành tráng” nhưng giao diện cũng xem được. Website Tia Sáng lúc đó chạy chậm lắm, chậm đến nỗi có lúc tôi không buồn ghé vào xem nội dung ra sao. Sau này website được thiết kế lại và chạy nhanh hơn, nhưng vẫn còn chậm so với các website báo chí phổ thông. Mới mấy hôm trước vào website Tia Sáng thì thấy có dòng chữ thông báo là website đang được cải tiến. Nhưng chỉ 2 ngày sau, tên miền tiasang.com.vn bị mất!
Tại sao website Tia Sáng biến mất trên không gian internet? Chẳng ai biết lí do. Hỏi người phụ trách thì anh ta nói là lí do “kĩ thuật” thôi. Nhưng blogger Bút Lông thì nói rằng Tia Sáng online bị đình bản, vì bài viết “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng” của Gs Hoàng Tụy. Nhưng đương nhiên, đó cũng chỉ là tin đồn trên mạng thôi, chứ chẳng có thông tin gì chính thức từ tòa soạn Tia Sáng hay Bộ KHCN. Theo tôi, bài viết đó của Gs Hoàng Tụy là những ý kiến và nhận xét mà ông đã nói bấy lâu nay, chí tình chí nghĩa, chẳng có gì đụng chạm. Nếu quả thật vì bài đó mà Tia Sáng bị đình bản thì có lẽ có người quá nhạy cảm chăng? Tiếp theo sau IDS tự giải thể, nay đến Tia Sáng bị đình bản, và cả hai đều có chung đặc điểm là phản biện xã hội. Do đó, sự trống vắng của hai cơ quan này có thể là một tín hiệu thiếu lành mạnh.
Tia Sáng là một tạp chí khác thường so với các tạp chí khác ở Việt Nam. Người ta thường nói Tia Sáng là diễn đàn của giới trí thức, và chắc điều đó cũng chẳng sai. Nó không hẳn là một tạp chí khoa học dù những người viết bài toàn là những người làm khoa học, nên họ viết nghiêm chỉnh có bằng chứng và lí giải. Nội dung Tia Sáng thì đủ chủ đề, từ khoa học đến văn hóa và nghệ thuật. Nhiều bài viết trên Tia Sáng mang tính phản biện cao, và cũng đôi lúc gây căng thẳng cho tòa soạn. Có lẩn bài viết về đạo văn trong khoa học của tôi được đăng tải thì có người gọi điện vào đề nghị rút bài đó xuống vì nó đụng chạm đến một vài chuyên gia trong công ti Vinashin, nhưng tòa soạn kiên quyết giữ bài đó trên mạng. Nói như thế để thấy ban biên tập Tia Sáng cũng can đảm lắm.
Người đầu tiên giới thiệu tôi (thật ra là gửi bài viết của tôi) với Tia Sáng không phải là nhà khoa học mà một người làm về văn học. Anh là ĐMT, nhà thơ, đạo diễn phim, viết văn rất hay và giàu ý tưởng. (Anh cũng là người giới thiệu và gửi bài viết của tôi cho báo Nhân Dân trước đó). Tôi không nhớ anh gửi bài nào, nhưng có lần thấy Tia Sáng đăng 2 bài của tôi trong một số báo, anh nói đùa rằng “vinh dự lắm đó nhé”! Có lẽ vì đăng hai bài nên họ phải đổi tác giả một bài thành “Nguyễn Văn” mà chẳng báo cho tôi biết. Tôi đọc bài của mình mà cười một mình rằng từ này mình có bút danh rồi!
Tia Sáng có những biên tập viên rất tốt. Tôi có cơ duyên quen với các anh NDP, PH, VT trong ban biên tập, và sau này mỗi lần ra Hà Nội là có dịp đàm đạo nhiều giờ. Có hôm tôi, P và H gặp nhau ở một quán cà phê gần khách sạn Melia nơi tôi lưu trú mà nói chuyện một mạch hơn 4 giờ đồng hồ! Toàn chuyện làm sao đưa khoa học Việt Nam mạnh hơn. Sau này, P và H sang làm cho một đại học nên chúng tôi không có dịp liên lạc nhau nữa, dù tôi nhớ hoài cái quán cà phê nho nhỏ đó, vì nó rất … Hà Nội, nghe nói là quán của sinh viên. Mỗi lần nghĩ đến Hà Nội, tôi nghĩ đến cái quán cà phê đó!
Hầu hết các biên tập viên của Tia Sáng đều xuất thân khoa học mà ra, nên họ “biết chuyện”, và cũng biết văn hóa khoa học. Họ ít khi nào cắt xén bài vở của cộng tác viên, nhưng khi lên đến lãnh đạo cao hơn thì nhiều bài cũng bị gọt dũa riết thành một bài báo ngô nghê. Một anh bạn trẻ trong ban biên tập "khen" tôi là một cộng tác viên dễ tính, vì tôi không khi nào phàn nàn bài của mình bị biên tập "thô bạo". Thật ra, tôi chỉ tham gia viết bài cho vui chứ không xem đó là những bài khoa học khoa hiếc gì, nên cũng chẳng quan tâm cắt xén ra sao, miễn ý chính vẫn còn tồn tại thì ok rồi. Tôi còn nghe một biên tập viên thuật lại rằng có một cộng tác viên và giáo sư ở Nhật vì bài của anh bị cắt xén nhiều quá, anh nổi nóng và quyết định không cộng tác với Tia Sáng nữa. Lại có một cộng tác viên ở Hà Nội khi thấy bài của mình bị biên tập nhiều quá, ông gọi điện “xài xể” ban biên tập thậm tệ, nhưng anh em trong ban biên tập cắn răng chịu đựng. Ấy thế mà nay thì Tia Sáng bị đình bản.
Vắng một người thế giới trở nên hoang vu. Vắng một tờ báo mình từng cộng tác tôi cũng thấy có cái gì thiếu thốn. Cũng như là một người bạn đi đường, đột nhiên một anh vì lí do nào đó không chịu/được đi tiếp, người bạn kia cũng mất vui. Như tôi nói ở trên, tôi có cơ duyên đóng góp nhiều bài vở cho Tia Sáng, có lẽ là nhiều nhất, chỉ sau Tuổi trẻ và TBKTSG mà tôi từng cộng tác. Cho nên khi thấy Tia Sáng biến mất trên không gian xi-be một cách không kèn không trống tôi thấy cũng … buồn. Chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết và lối ra. Tôi hi vọng Tia Sáng sẽ quay trở lại và tiếp tục làm diễn đàn của giới trí thức có nhiệt tâm với đất nước.
NVT
Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009
Vài kỉ niệm với Tạp chí Tia Sáng
15:49
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét