Vụ bạo hành ở Tu viện Bát Nhã càng ngày càng nghiêm trọng. Các tu sĩ học viên của Tu viện đã bị khủng bố và đánh bật ra khỏi nơi họ tu hành. Các tu sĩ đến tị nạn ở chùa Phước Huệ mà cũng chưa yên thân. Trong khi đó thì sách vở kinh kệ của Tu viện bị đốt. Hình ảnh đốt sách này gợi lại thời "Cách mạng văn hóa" bên Trung Quốc. Thật khó tưởng tượng nổi một đất nước có kỉ cương và luật pháp mà những hành động hành hung dã man, những hành động khủng bố bẩn thỉu nhất, kinh tởm nhất lại xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật. Càng khó tưởng tượng hơn những hành động này xảy ra cho một nhóm người hiền từ nhất xã hội: tu sĩ Phật giáo. Đúng như Ban thường trực Tỉnh hội Phật giáo Lâm Đồng nhận xét: "Đây là nỗi đau xót, nhục nhã hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam".
Đại đa số báo chí trong nước tránh đề cập đến sự việc. Trong khi đó giới thức trong và ngoài nước lên tiếng khẩn cầu chính quyền giải quyết. Thầy Nhất Hạnh viết thư thỉnh cầu giải quyết trong tình thần anh em trong nhà. Tất cả đều rơi vào một khoảng không im lặng đáng sợ. Không một lãnh đạo chính quyền trả lời lá thư của Thầy Nhất Hạnh, và thái độ thụ động (hay xem thường) này của chính quyền rất khác với những lần tiếp xúc nồng nhiệt mà Chủ tịch nước dành cho Thầy Nhất Hạnh khi ông về nước hoằng pháp.
Bài viết sau đây của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, cũng là một Phật tử từng đấu tranh chống chính sách đàn áp và kì thị tôn giáo của chế độ NĐD. Bài viết tường thuật chi tiết về những gì anh trực tiếp thấy và nghe. Câu cuối của anh Xuân nói lên tất cả sự thất vọng của anh đối với chính quyền mà anh là một cán bộ:
"Để tôi có thể tiếp tục tự hào về cuộc đời mình đã góp phần xây dựng nên một xã hội 'công bằng, dân chủ, văn minh', để khi cầm bút tôi không bị vướng bận gì, kính mong các cơ quan chức năng ở Trung ương, Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích giùm tôi những câu hỏi trên. Nếu không được quý vị quan tâm thì niềm tin về Đảng, về GHPG VN ở cuối đời của tôi sẽ giã từ tôi."
Thật vậy, nếu không quan tâm giải quyết, thì "niềm tin về Đảng" (và Nhà nước nữa) "giả từ" không chỉ một Nguyễn Đắc Xuân, mà còn giả từ hàng chục triệu Phật tử và công dân Việt Nam.
NVT
===
Những bạo hành ở Tu viện Bát Nhã: xin giải thích giùm tôi
Nguyễn Đắc Xuân
Từ tháng 6 đến tháng 9-2009 vừa qua, trên các trang web chính thức và không chính thức đăng nhiều tin tức kèm theo phim và ảnh viết rằng thầy trò Thượng tọa Đức Nghi – Viện chủ tu viện Bát Nhã – được chính quyền, công an địa phương ủng hộ, đã cùng thanh niên xã hội đen sử dụng nhiều biện pháp bạo ngược chưa từng có trong đời sống xã hội VN từ xưa đến nay đối với gần 400 tăng ni sinh Phật giáo tu theo pháp môn Làng Mai như cắt điện, cắt nước, đánh đập, chọi đá, ném phân lên người chư Tôn đức giáo phẩm Giáo hội PG tỉnh Lâm Đồng, bắt loa chửi bới suốt ngày những Thiền sinh tu theo pháp môn Làng Mai, v.v. Với nghiệp vụ báo chí mà tôi đã học và thực hành, tôi không thể bác bỏ những thông tin ấy được. Tuy nhiên tôi không thể tin những bạo hành ấy lại có thể diễn ra ở VN hiện nay – một quốc gia đã vào WTO, đang làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, đã có mạng lưới truyền thông toàn cầu, đã và đang hỗ trợ xây dựng nhiều chùa Phật lớn nhất trong lịch sử Phật giáo VN, đã tổ chức thành công Đại lễ Phật đản của Liên hiệp quốc (Vesak) 2008, đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới (2010), đang phấn đấu có một nền pháp trị, dân chủ, v.v.! Những sự việc đi ngược lại truyền thống đạo lý của dân tộc ấy nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi cho nên suốt ba tháng qua, tôi chưa dám có một nhận định gì.
Cho đến sáng 27-9-2009, trên đường từ TP HCM lên Đà Lạt thăm mộ mẹ tôi ở Nghĩa trang Du Sinh, tôi ghé lại Bảo Lộc và vào thăm Tu viện Bát Nhã – nơi cách đây mấy năm tôi đã đến và đã hân hạnh được gặp Thượng tọa Thích Đức Nghi. Và, thật bất ngờ, dù trời mưa rất to, tôi đã chứng kiến được những phút giây bình yên cuối cùng mang tính lịch sử của gần 400 tăng ni sinh Phật giáo tu theo pháp môn Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã.
Làm một “khách du lịch bụi”, trước tiên tôi vào Nhà trẻ Hiểu và Thương của TV Bát Nhã. Nhà Trẻ đóng cửa, tôi đi dần xuống dốc, vào một tòa lầu hai tầng mang tên xóm Mây Đầu Núi.
Được biết xóm Mây Đầu Núi do ông Đa-vít (Hoa Kỳ) tài trợ, Thượng tọa Đức Nghi đứng tên xây dựng để dành cho ngành tu Tiếp Hiện của pháp môn Làng Mai ở Bát Nhã. Nhưng Tiếp Hiện chưa dùng, TT Đức Nghi tạm dành cho một bộ phận ni của xóm Bếp Lửa Hồng. Một ni cô trẻ tiếp tôi và cho biết các cô ở xóm Mây Đầu Núi đang đi Thiền hành. Tôi được hướng dẫn ra phía sau, men theo con đường dốc lên Thiền đường Cánh Đại Bàng – nơi lần trước tôi đã chứng kiến cảnh đúc những hàng cột đầu tiên. Thiền đường mênh mông yên tĩnh. Nhiều bảng Nội quy và cửa kính bị đập vỡ. Thông tin đầu tiên mà tôi đã nghe lâu nay được xác nhận.
Nhìn ra đài Bông hồng cài áo phía bên phải thấy có bức tượng một phụ nữ vươn cao, dưới chân phụ nữ là hai bức tượng trẻ con bị đập gãy hết chân tay dợm lao đầu xuống đất. Con đường nối Thiền đường với khu dựng tượng bị cành thông lấp kín, tôi vội băng trên cây cỏ chạy ra xem. Nhìn hai pho tượng trẻ con giống như mấy đứa cháu ngoại của tôi ở TP HCM, chân tay bị đập vỡ tôi rất xúc động. Tôi chụp được mấy kiểu ảnh thì trời mưa xối xả.
Tôi quay lại đúng vào lúc hàng trăm Thiền sinh chống dù đi Thiền hành thảnh thơi an lạc xếp dù bước vào hành lang Thiền đường. Các Thiền sinh chưa hề biết tôi, tất cả đều cúi đầu chào tôi bằng một nụ cười rất hiền hòa thân ái. Trước sự thảnh thơi an lạc ấy, những xúc động trong tôi dịu lại. Tôi chào hết mọi người và nhờ chụp một kiểu ảnh để ghi lại trong nhật ký.
Chia tay các Thiền sinh, tôi rảo bước đến cuối Thiền đường đi về hướng xóm Rừng Phương Bối dành cho các tăng sinh. Khu vực này nằm ngay phía sau khu vực Chánh điện và các cơ sở chính của TV Bát Nhã của TT Đức Nghi. Chỉ cách nhau một cái sân hẹp. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy trên tường TV Bát Nhã nhìn về phía dãy lầu xóm Rừng Phương Bối, TT Đức Nghi cho treo những băng-đờ-rôn viết những khẩu hiệu bằng một thứ ngôn ngữ chợ búa đe dọa, xua đuổi, xuyên tạc việc tu tập của gần 400 Thiền sinh tu theo Pháp môn Làng Mai. Tôi đưa máy ảnh chụp để về nhà đọc cho biết, nhưng các sư ùa đến ngăn tôi, bảo tôi phải cất máy ảnh và ra khỏi nơi này ngay. Nếu không đám xã hội đen đang có mặt trong TV Bát Nhã sẽ xông qua giật máy ảnh và bắt tôi. Phút bình yên trong tôi tan biến. Tôi vội ra phía sau đi qua cái cốc mà trước đây tôi đã đến chào TT Đức Nghi, rồi xuống nữa ngang qua cái cốc dành cho Sư ông Nhất Hạnh mỗi lần Sư ông về trú tại Bát Nhã. Tiếp đến là khu vực Bếp Lửa Hồng có hai tòa nhà cao rộng, chia nhiều gian dành cho giới ni.
Lần trước đến đây ăn cơm chùa, tôi đã gặp nhà văn Tô Nhuận Vỹ lên thăm hai cháu Diệu Lan (phiên dịch tiếng Anh ở Bộ Ngoại giao) và Diệu Liên tập tu ở đây. Bây giờ Bếp Lửa Hồng khang trang hơn trước nhiều. Các ni lặng lẽ làm những việc cần phải làm trước khi bắt đầu buổi học sáng. Tôi không nhận thấy có điều gì lo lắng, sợ hãi ở đây cả. Sự an lạc thảnh thơi của các thiền sinh tu theo môn phái Làng Mai giúp tôi vững bước leo lên cái dốc hướng đến lầu chuông ở phía trái Chánh điện TV Bát Nhã. Giấu máy ảnh trong áo mưa, tôi đi men theo con đường sát với khu nhà bếp đối diện với xóm Rừng Phương Bối. Nhìn qua hàng rào tôi thấy bên trong hàng trăm người đàn ông, đàn bà, con trai con gái, áo nâu, áo lam nhếch nhác, nhiều người ăn mặc như cán bộ, một số cầm máy ảnh, máy quay phim, đùi, gậy, dao rựa đi đi lại lại, ăn nói, cười cợt lao xao. Tôi liên tưởng đến những côn đồ, xã hội đen, giả Phật tử đã từng tung hoành ở Bát Nhã được lưu trong các trang web phapnanbatnha, phusa, langmai lâu nay. Tôi sợ phải đối đầu với những đồng chí của mình nên muốn nhanh chân ra khỏi nơi này. Nhưng con đường tráng xi-măng quá trơn nên tôi phải lần từng bước một. Tôi vừa ra đến bên hông Chánh điện thì phía sau lưng tôi vang lên tiếng la ó, chửi bới và đám đông ùa qua Rừng Phương Bối đánh đuổi các Thiền sinh. Không hiểu sao, tôi quay lại thấy tất cả các Thiền sinh đều ngồi trong tư thế kiết già, bất động, chắp tay niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm để mặc cho người của TT Đức Nghi hành động đánh đập, lôi kéo, phá tán. Các Thiền sinh khoát tay khẩn khoản bảo tôi lui ra. Như cái máy, tôi lui ra. Quay nhìn xuống dưới vườn chè lại thấy một nhóm người khác của TT Đức Nghi ùa xuống xóm Bếp Lửa Hồng. Và cảnh bạo hành như ở Rừng Phương Bối diễn ra và các ni cũng ngồi kiết già niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Tôi cảm thấy kinh hoàng giống như sáng ngày 21-8-1963 khi Cảnh sát Dã chiến thực hiện kế hoạch Nước lũ của ông Ngô Đình Nhu tấn công vào chùa Diệu Đế mà tôi đã từng viết trên báo Giác Ngộ. Và hơn thế nữa, hồi 1963, thấy Cảnh sát Dã chiến tôi có thể nhận ra họ để tìm cách đối phó, còn ở Bát Nhã hôm đó Cảnh sát đồng chí của tôi mặc thường phục, không phân biệt với dân thường, đám xã hội đen lau hau, tôi không biết họ là ai, nếu nhỡ bị họ hành hung đập máy ảnh, thu giấy tờ trong ví của tôi thì tôi không biết ai để mà thưa với chính quyền của tôi. Tôi rất bối rối. Và, càng bối rối hơn nữa, trời mưa to, nhà tôi ở Huế gọi điện thoại cầm tay vào báo Bão số 9 sắp vào Huế chưa tìm được người giúp đưa sách và tài liệu nghiên cứu của tôi lên gác. Đây cũng là một cái tin dữ. Có lẽ nào tôi đang phải gánh chịu hai trận bão một lần sao? Bão người và bão trời!
Không hiểu sao, tôi không chạy ra tỉnh lộ trước TV Bát Nhã, phản xạ tự vệ xui tôi băng qua rừng thông trở lại Thiền đường Cánh Đại Bàng, xuống dốc chạy ngược về xóm Mây Đầu Núi – nơi tôi vừa ghé lúc sáng và nghĩ rằng ở đây tách biệt với TV Bát Nhã nên hy vọng còn bình yên. Nhưng không ngờ, mới đến Mây Đầu Núi thì gặp một sư cô nói giọng Huế tên là Trang Nghiêm đang thư thả đi đi lại lại trên hiên lầu. Cô khuyên tôi ra khỏi nơi đây ngay, người ta sắp tấn công Mây Đầy Núi. Sắp bị tấn công mà cô bình thản như đang chờ khách đến thăm. Có lẽ cô cùng lứa tuổi với con gái tôi, cô tu được bao lâu rồi, cô an trú được điều ấy lâu chưa? Tôi quy y Phật với Hòa thượng Thích Đôn Hậu từ năm 1956, lúc ấy cô chưa ra đời nhưng lòng tôi giờ này vẫn đang vọng động. Vì kính phục đạo hạnh của sư cô, tôi xuống cầu thang đi ra ngỏ. Cửa ngõ chưa kịp khép lại, tiếng niệm Phật đồng thanh vang lên sau lưng tôi. Tôi biết lực lượng trấn áp của TT Đức Nghi đã ập vào Mây Đầu Núi. Nam mô A di đà Phật ! Thôi hết rồi! Lúc này chỉ còn biết niệm Phật mà thôi.
Tôi giả làm một “khách du lịch bụi”, “bị đau bụng bất ngờ nên phải bỏ dở cuộc thăm Thác Damri”. Tôi nhờ một em bé đang mua xăng ở cái quán bên đường gọi giúp tôi một chiếc xe ôm. Em ấy thấy tôi đau, ôm bụng nhăn nhó nên nhận lời. Một lúc có một người trạc tuổi năm mươi đi xe Honda 78 đến gặp tôi. Với giọng Bắc, anh bảo:
-“Em làm vườn trong TV Bát Nhã, hôm nay họ đang cưỡng chế các Thiền sinh của Làng Mai dữ tợn quá nên em nghỉ. Nghe thằng bé nói có ông già du khách đau bụng cần về Báo Lộc gấp nên em chạy ra đây, nhưng chiếc xe cà tàng của em sợ chở bác không ra đến Bảo Lộc được mà phải nằm lại dọc đường thì lôi thôi lắm. Nghe nói Công an, cảnh sát đang chốt nhiều nơi dọc đường…”
Tôi cố giấu sự lo lắng của mình, hỏi anh chàng xe ôm:
-“Thôi được. cám ơn anh. Tôi sẽ gọi taxi. Làm vườn cho TV Bát Nhã, anh có theo Đạo Phật không?”
-“Em là dân Thái Bình – cậu xe ôm đáp – nhưng theo Đạo Phật, nhà em thì theo Thiên chúa giáo. Mấy tháng nay, em thấy Đạo Phật của chùa Bát Nhã chửi bới Đạo Phật Làng Mai chợ búa quá, em chán bỏ Đạo Phật luôn”.
-“ Họ chửi bới như thế nào?”
-“Chửi bới như đám bụi đời ngoài chợ. Trong chùa ông Đức Nghi có nuôi bà Hường làm công quả. Bà này suốt ngày mở máy chửi các sư, các cô tu theo pháp môn Làng Mai không thiếu điều gì. Bà chửi “Làng Mai đến đâu, u sầu đến đó”, nhưng dân ở đây thì lại nói: Làng Mai đến đâu dân giàu đến đó”.
-“Dân giàu như thế nào?”.
-“Nhiều thứ. Trẻ em có mẫu giáo, có nhà trẻ Hiểu và Thương để học, người nghèo được giúp đỡ, có hàng ngàn hàng vạn khách đến tu, đến tham quan, dân chúng buôn bán phục vụ rất phát tài; đất Đam-ri trước đây vài trăm ngàn một mét chả ai thèm để ý, khi có đạo Phật Làng Mai về, mét vuông cả triệu bạc. Làng Mai mà dọn đi thì cái chùa Bát Nhã này chả còn ma nào đến nữa! Dân ở đây lại khó khăn như cũ”.
-“Anh làm vườn cho Tu viện Bát Nhã của TT Đức Nghi một ngày được bao nhiêu tiền?”
- Được 5 ký gạo thơm. Em đem về nhà 2 ký, 3 ký bán uống rượu. Chán quá!”.
Xe taxi đến, tôi chia tay anh xe ôm bất đắc dĩ. Cám ơn những thông tin chân thực anh vừa kể.
*
* *
Đúng như anh xe ôm nói, đường ra Bảo Lộc, mặc cho trời mưa công an cảnh sát chốt nhiều nơi. Đến một ngã ba, chiếc taxi chạy chậm lại, anh tài xế nói với tổ Cảnh sát “chở người bệnh” nên họ cho đi. Ra đến Bảo Lộc, tôi biết sự có mặt của tôi ở Bảo Lộc lúc này không có ích gì nên tôi sang qua xe Bus Phương Trang lên thẳng Đà Lạt. Thoát khỏi những bức xúc ở Bát Nhã. Nhưng trong tai tôi vẫn nghe âm vang tiếng niệm Phật của tăng thân Làng Mai ở Bát Nhã. Đến Đà Lạt, tôi trú tại nhà một người quen. Mệt, buồn ngủ nhưng tôi không ngủ được. Chốc chốc các bạn tôi ở Bảo Lộc lại gọi điện thoại báo cho tôi biết tinh hình 400 tăng thân Làng Mai đã bị cưỡng chế ra khỏi Tu viện Bát Nhã. Trong lúc tôi ngồi xe lên Đà Lạt thì các nam nữ Thiền sinh bị quản thúc giữa trời mưa lạnh và một số đã ra trú tại chùa Phước Huệ của TT Thích Thái Thuận. Phần lớn Thiền sinh nữ vẫn còn trú tại xóm Mây Đầu Núi gần Bát Nhã. Tôi được người bạn dành cho một cái chăn dày, tôi quấn chăn vào người mà vẫn thấy lạnh. Mong sao trời mau sáng.
Sáng hôm 28-9-2009, lên Nghĩa trang thắp hương cho mẹ rồi tôi vào thăm ngôi chùa mà anh em tôi định ký thác linh vị của mẹ tôi ở đó. Vào chùa, vị sư trụ trì từng xuống đường đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diêm kỳ thị tôn giáo năm 1963 hỏi tôi ngay:
- “Này ông cán bộ, các ông hết chuyện nói rồi sao mà đi dựng chuyện nói thầy Thích Nhất Hạnh là người ít tắm rửa, hôi hám đến nỗi các đệ tử của ông phải khênh ông đi tắm?”
Quá bất ngờ, tôi chưng hửng không biết trả lời vị trụ trì như thế nào cho phải đạo. Tôi lặng người, ngồi vào bàn uống nước rồi lần hồi hỏi đầu đuôi câu chuyện ra sao. Thầy cho biết chiều ngày 16-9-2009, Ban Thường trực UBMTTQ TP Đà Lạt triệu tập tất cả các vị trụ trì chùa Phật trên địa bàn Thành phố đến Hội trường Khối Mặt trận và các đoàn thể (31 ĐTH, P.2) phổ biến “một số tình hình Phật giáo trên địa bàn thành phố trong thời gian qua”. Vị trụ trì nghe Ban tôn giáo Thành phố phổ biến tình hình và ông Ban tôn giáo đã nói về Thầy Nhất Hạnh như thế”.
Dù tôi đã hưu trí trên mươi năm, nhưng cảm thấy nhục trước vị sư già. Dù tôi không lạ với trình độ, kiến thức thô thiển của giới cán bộ cơ sở, nhưng nghe cán bộ nói chuyện với hơn bốn chục vị trù trì chùa Phật về Sư ông Nhất Hạnh như thế thì quả là họ quá xúc phạm Sư ông Nhất Hạnh. Không chỉ xúc phạm Sư ông Nhất Hạnh mà còn xúc phạm các vị trụ trì chùa Phật ở Đà Lạt. Tôi hỏi nhà sư trụ trì:
-“Sao thầy không hỏi theo tài liệu nào mà cán bộ nói một vị Thiền sư nổi tiếng quốc tế như Thầy Nhất Hạnh lại có thể như thế? Mà Thiền sư Nhất Hạnh cũng đã về nước nhiều lần, biết bao Phật tử, cán bộ, lãnh đạo tiếp Thiền sư nhưng có ai nói như thế đâu!”
-“Thôi ông cán bộ ơi, các ông xem thầy tu chúng tôi là bọn con nít nên mới rao giảng với chúng tôi như thế. Hơi đâu mà đi hỏi cho thêm rắc rối!”.
Nói xong vị sư đưa cho tôi hai tài liệu mà ông đã được phát trong buổi họp hôm đó và bảo tôi:
-“Cầm lấy”.
Hai tài liệu này [1] tôi đã có từ lâu, nhưng vì nể ông nên tôi “cầm lấy” và cám ơn. Bỗng có một thanh niên tăng, mặt mày ủ dột bước vào, Thầy Trụ trì hỏi vị thanh niên tăng:
-“ Sao, chính quyền với công an Phường đến nói chuyện chi rứa?”
-“Bạch ôn, họ cho biết tiểu thương các chợ ở Đà Lạt đang làm áp lực với quý thầy, yêu cầu quý thầy cầm cờ để họ đi biểu tình phản đối chính quyền đánh đuổi các Thiền sinh tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi TV Bát Nhã ở Bảo Lộc. Chính quyền đến khuyên các chùa, chuyện chi còn có đó, xin hãy giữ im lặng để Thành phố được bình yên!”
Vị trụ trì than:
-“Các anh làm sao để cho Phật tử nên nông nỗi này, các anh!”.
Vị thanh niên tăng quay nhìn tôi và nói tiếp:
-“Làm thầy tu lúc này nhục quá bác ơi! Suốt ngày tôi trốn trong chùa chớ không dám ra đường. Cả một Giáo hội to lớn như thế mà để cho một mình TT Đức Nghi tung hoành, phá nát uy tín của Phật giáo như thế. Chuyện xưa nay chưa từng có!”.
- “ TT Đức Nghi tung hoành như thế nào, thưa thầy?” – Tôi hỏi.
- “Mô Phật, nghe nói bác là nhà nghiên cứu gì đó nổi tiếng lắm mà giờ đây còn hỏi TT Đức Nghi tung hoành ở TV Bác Nhã như thế nào nữa sao? Bác có dùng internet không? Hãy vào gu gồ mục từ “Thượng tọa Thích Đức Nghi” bác tha hồ mà đọc. Có phim, ảnh, tài liệu đủ cả!”.
Cách xưng hô và ý tứ lồng trong cuộc trao đổi của vị tăng trẻ giống như chúng tôi những năm sáu mươi của thế kỷ trước, trái ngược với phong cách ý tứ hòa nhẫn của các Thiền sinh ở TV Bát Nhã mà tôi đã gặp sáng hôm 27-9-09. Tôi mường tượng đến sự bức xúc của giới tăng trẻ ở Lâm Đồng hiện nay. Không rõ Đảng và chính quyền có biết sự bức xúc ấy không? Tự nhiên tôi cảm thấy buồn dã dượi. Tôi đảnh lễ bái biệt vị sư trụ trì và lặng lẽ rời Đà Lạt quê ngoại thứ hai của tôi.
Khi chiếc xe khách Mai Linh chở tôi sắp vào địa phận Thị xã Bảo Lộc, tôi điện thoại nhờ một thầy giáo thi sĩ ở Bảo Lộc đón tôi và hướng dẫn cho tôi vào thăm TT Thích Thái Thuận – Phó Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng, Trụ trì chùa Phước Huệ. Anh bạn thơ của tôi thảng thốt đáp qua điện thoại: “Không được đâu. Anh không biết thầy đã bị côn đồ hành hung khi ông vào thăm Bát Nhã hồi cuối tháng sáu sao? Bây giờ 400 Thiền sinh bị xúc ra khỏi TV Bát Nhã đang tạm trú ở chùa Phước Huệ, chính quyền và công an ở Bảo Lộc đang lệnh cho thầy Thái Thuận phải đuổi các Thiền sinh ra khỏi chùa cho nên họ không cho mình vô đâu. Anh không nên ghé lại Bảo Lộc lúc này. Tình hình đang rất căng thẳng. Thôi nhé!”.
Tôi tắt điện thoại và có cảm tưởng tôi như một người đào ngũ đang chạy trốn.
Về nhà tôi ghi lại những gì tôi vừa chứng kiến, vừa nghe trực tiếp để so với những gì tôi đã truy cập được từ internet và lưu lại trong PC lâu nay. Mở Hồ sơ những cuộc bạo hành ở TV Bát Nhã, tôi xếp qua một bên những tin tức, những tường thuật của người này, của đài nọ, chỉ chọn in ra giấy những văn bản chính thức của chính quyền Trung ương và địa phương, của Giáo hội Phật giáo Trung ương và tỉnh Lâm Đồng, của Tăng thân Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã, của TT Đức Nghi, v.v.
Với thực tế tôi đã nắm bắt được, đọc lại những văn bản chính thức dẫn trên, không làm cho tôi sáng tỏ vấn đề mà ngược lại chúng còn làm cho tôi khó hiểu thêm:
1/ Tại lễ Truyền đăng (còn ghi tại địa chỉ phapnanbatnha.org), trước Phật đài và Sư ông Thích Nhất Hạnh, Thượng tọa Đức Nghi nguyện thề:
“Kính bạch Sư ông, ngọn đèn hôm nay là chúng con nhận tại thiền đường xóm Thượng này, xin nguyện với Sư ông rằng: “Thà đốt ngọn đèn le lói còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”. Sẽ trở về Việt nam những nơi nào khó khăn chúng con đều đi đến, những nơi nào còn gặp nhiều khổ đau chúng con sẽ đi đến chúng con đem tình thương của Sư ông của đại chúng để làm đẹp cho cuộc đời. Mà nếu mai này, mai này chúng con không tồn tại trên thế gian này thì những người đệ tử của chúng con vẫn tiếp tục con đường đó, không có ai có thể đi ngược lại với con đường chúng con đã vạch sẵn“
Như thế, không ai hiểu ý thức chính trị và đánh giá cao giá trị Đạo Phật Làng Mai của Sư ông Nhất Hạnh bằng TT Đức Nghi. TT Đức Nghi rước Sư ông Nhất Hạnh về Bát Nhã, trước Phật đài, Thượng tọa dâng hiến đất chùa Bát Nhã cho Sư ông, Thượng tọa qua Pháp nhận Lễ Truyền đăng và nhận làm đệ tử của Sư ông, học pháp môn Làng Mai đem về thực hiện ở Bát Nhã. Ngày nay, nếu nhà nước cho rằng việc tu theo Pháp môn Làng Mai, ý thức chính trị của Sư ông Nhất Hạnh có hại cho chế độ hiện hành thì người chịu trách nhiệm trước tiên với Nhà nước không ai khác là TT Đức Nghi – Viện chủ TV Bát Nhã. Nhưng không hiểu vì sao cho đến nay pháp luật Việt Nam chưa hề đả động gì đến Thượng tọa Đức Nghi mà chỉ quan tâm đến việc đăng ký tạm trú của 400 thanh thiếu niên Việt Nam ở TV Bát Nhã và nay ở chùa Phước Huệ Bảo Lộc mà thôi?
2/ Bản tường trình và báo cáo khẩn cấp vụ việc hành hung phái đoàn Ban Trị sự GHPG Lâm Đồng xảy ra ngày 29/06/2009, tại tu viện Bát Nhã, thị xã Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng (số: 68 /BC/BTS), viết rằng:
“1. Phái đoàn Ban Trị sự đến thăm tu viện Bát Nhã để xem xét tình hình và nắm bắt tình hình cụ thể tại Tu viện Bát Nhã, là cơ sở trực thuộc của Giáo hội mà TT. Đức Nghi lại cho một nhóm người hung hăng dữ tợn tấn công BTS bằng gậy gộc, đá, phân hầm cầu, cố ý bức tử Ban Trị sự.
2. Việc bạo hành tàn ác này không phải là sự việc ngẫu nhiên mà là có âm mưu chuẩn bị từ trước nhằm đánh Ban Trị sự, Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo Lâm Đồng. Hành vi này là coi thường kỷ cương pháp nước, xâm phạm đến nhân phẩm, sức khoẻ, xúc phạm đến Chư Tôn giáo phẩm trầm trọng. Đây là nỗi đau xót, nhục nhã hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
3. Việc bạo hành đã và đang xảy ra tại Tu viện Bát Nhã từ trước đến nay, TT. Thích Đức Nghi, Thích Đồng Hạnh và đồng bọn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật pháp nhà nước và giáo luật của Giáo hội “ (NĐX nhấn mạnh)
Tội của TT Đức Nghi đã quá rõ ràng như thế, được tổ chức cao nhất của Giáo hội PG Lâm Đồng tường trình với Nhà nước, với Chính phủ, với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương như thế mà các cơ quan chức năng của nhà nước và GHPG ở Trung ương, suốt trong hơn ba tháng qua chưa hề đả động gì đến TT Đức Nghi và đồng bọn? TT Đức Nghi là ai mà được sống ngoài pháp luật và Giáo luật như thế? Là ai mà được tự do thực hiện luật rừng đối với BTS GHPG Lâm Đồng, với 400 Thiền sinh tu theo Pháp môn Làng Mai chỉ biết tự vệ bằng niệm Phật như thế?
3/ Tất cả các cuộc bạo hành do thầy trò TT Đức Nghi tiến hành ở Tu viện Bát Nhã từ tháng 6 đến nay đều có sự chứng kiến của công an cảnh sát địa phương. Công an cảnh sát là những người có nhiệm vụ trấn áp tội phạm bảo vệ dân lành, tại sao các anh lại không ngừng phối hợp với tội phạm mang tên Thích Đức Nghi? Hay Thích Đức Nghi là người của …?
4/ Công an, cảnh sát là lực lượng thi hành pháp luật, chính đại quang minh, thế lực lượng công an cảnh sát của địa phương đi đâu mà không tham gia vào việc cưỡng chế 400 Thiền sinh ở tu viện Bát Nhã mà lại đi dùng đến những thành phần ô hợp xã hội đen? Hành xử như thế các anh có biết là tiếp tay cho bọn chống phá Việt Nam bôi nhọ chính quyền ta không?
5/ Chuyện phát biểu của Sư ông Nhất Hạnh không thuận với Nhà nước VN là chuyện của Sư ông và Nhà nước, việc tu hành của 400 thanh thiếu niên theo Môn phái Làng Mai không có biểu hiện gì liên quan đến sự không thuận ấy, không có bất cứ biểu hiện gì “nguy hại” đến an ninh, chính trị cấp thời ở địa phương cả, thế vì sao tỉnh Lâm Đồng lại tiến hành việc cưỡng chế gấp rút giữa ngày mưa gió lạnh lẽo ảnh hưởng của Bão số 9 như thế?
6/ Chính quyền Lâm Đồng, TX Bảo Lộc, công an địa phương qua các phương tiện phát thanh, qua các cuộc phổ biến thời sự ở địa phương, luôn xác định “Việc rắc rối xảy ra ở TV Làng Mai là chuyện nội bộ của Phật giáo”. 400 Thiền sinh tu theo Pháp môn Làng Mai ở TV Bát Nhã là đệ tử của TT Đức Nghi – Phó Ban Trị sự GHPG Lâm Đồng, dù TT Đức Nghi đã bỏ rơi họ, nhưng họ vẫn là một bộ phận của Phật giáo ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tại sao chính quyền cưỡng chế 400 người xuất gia theo Phật ấy không có mặt bất cứ một đại diện BTS GHPG TX Bảo Lộc hay của tỉnh Lâm Đồng nào cả?
7/ Khoản 4, trong Bản tường trình ngày 12-8-2008 dài 18 trang, do các các vị Thích Chân Pháp Khâm, Thích Chân Trung Hải, Thích Nữ Chân Thoại Nghiêm, Thích Nữ Chân Phúc Nghiêm viết và gởi lên Ban Trị sự Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Lâm Đồng, Ban Đại diện Phật giáo Thị Xã Bảo Lộc, việc xây dựng cơ sở ở TV Bát Nhã và tiền mua đất và xây dựng Xóm Mây Đầu Núi bên cạnh Tu viện với tổng số tiền là: 12tỷ 509 triệu+ 2tr800 triệu+ 3tỷ 370 triệu = 18 tỷ 679 triệu (hơn 1 triệu USD). Các cơ sở xây dựng xóm Rừng Phương Bối, xóm Bếp Lửa Hồng, xóm Mây Đầu Núi, và Thiền đường Cánh Đại Bàn là tài sản của Tăng thân Làng Mai. Trước khi trục xuất 400 người chủ của các cơ sở ấy ra khỏi nhà của họ, Chính quyền địa phương và TT Đức Nghi đã có phương án xử lý số tài sản hơn 1 triệu USD ấy như thế nào chưa?
8/ Cho thực hiện việc cưỡng chế 400 Thiền sinh ra khỏi Tu viện Bát Nhã bằng biện pháp bạo hành dẫn trên, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hẳn đã hiểu rõ việc làm của mình. Vậy, kính mong các đồng chí giúp cho người cầm bút già này được biết (để viết lịch sử) việc bạo hành của những người thừa hành các đồng chí thực hiện ở TV Bát Nhã vừa qua có khác gì với những bạo hành mà chế độ Ngô Đình Diệm thực hiện để đàn áp Phật giáo năm 1963 như thế nào không (về hình thức lẫn nội dung)? (Nếu không khác thì giới sử học VN phải rất khó khăn khi viết Lịch sử chế độ Diệm. Kính mong các đồng chí hãy cứu giới nghiên cứu chúng tôi).
Còn nhiều điều cần phải được giải thích nữa, nhưng bài viết đã quá dài tôi không tiện nêu ra thêm. Nếu được các cấp quan tâm, tôi sẽ nêu tiếp trong những bài sau.
Về chế độ thì tôi đã hưu trí trên mười năm, nhưng với trách nhiệm của người cầm bút cách mạng thì tôi vẫn còn đứng vững trên mặt trận văn hóa tư tưởng bảo vệ đất nước và dân tộc. Để tôi có thể tiếp tục tự hào về cuộc đời mình đã góp phần xây dựng nên một xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”, để khi cầm bút tôi không bị vướng bận gì, kính mong các cơ quan chức năng ở Trung ương, Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích giùm tôi những câu hỏi trên. Nếu không được quý vị quan tâm thì niềm tin về Đảng, về GHPG VN ở cuối đời của tôi sẽ giã từ tôi. Rất kính mong.
Gác Thọ Lộc, tháng 10-2009.
Nguyễn Đắc Xuân [2]
Chú thích:
[1] Tài liệu 1: Ý kiến của Ban Tôn giáo Chính phủ v/v hoạt động tôn giáo của Làng Mai (nước Pháp) tại Việt Nam, số 1329/TGCP-PG, ký ngày 29-10-2008, Tài liệu 2: Thông báo Kết luận vấn đề Tu viện Bát Nhã – Thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng của Ban TT Hội đồng Trị sự GHPGVN, Văn phòng 2, số 037/CV/HĐTS, ký ngày 19-01-2009.
[2] Để những người có trách nhiệm trong việc giải quyết những bạo hành ở TV Bát Nhã và độc giả gần xa hiểu rõ hơn về nhân thân tác giả bài viết này, tôi xin tự giới thiệu vài nét sau đây: Tôi sinh năm 1937, nay gần 73 tuổi (có 15 năm thơ ấu ở Đà Lạt), xuất thân từ Phong trào đấu tranh chống Chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo (1963), có 3 năm tranh đấu ở đô thị (1963-1966), có 9 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ (1966-1975), 36 tuổi Đảng (1973-2009), Hội viên Hội Nhà văn VN, hội viên Hội KH Lịch sử VN, trước khi hưu trí (7-1998) có 5 năm làm Trưởng Văn phòng báo Lao Động ở miền Trung và Tây nguyên (1993-1998), hiện nay là nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, thành viên của Hội đồng khoa học Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, CTV đặc biệt của báo Hồn Việt (62 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP HCM), chuyên gia về Nguyễn Huệ-Quang Trung ở Huế, chuyên gia nghiên cứu về Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, đã xuất bản gần 50 đầu sách văn hóa lịch sử Huế, đang viết lịch sử cuộc Vận động của Phật giáo chống chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm (1963), lịch sử của Phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị, Phong trào Văn thơ âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964-1966 tại miền Nam VN. Thường trú ở Huế, một nửa thời gian sống ở TP HCM. Mọi liên lạc qua e-mail: gactholoc@yahoo.com. Nếu có độc giả nào muốn biết thêm về tôi, về những gì tôi đã viết xin vào các trang web sau: sachhiem.net, giaodiemonline.com, dongduongthoibao.net, nhandanvietnam.org, http:/honvietquochoc.com.vn.
Vài hình ảnh:
Đốt sách. Hình ảnh gọi nhớ đến sự kiện xảy ra vào thế kỉ 15 khi tướng Tàu là Trương Phụ xâm lăng nước ta và đốt sách Phật giáo đời Lý Trần ở nước ta
0 nhận xét:
Đăng nhận xét