Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Một trung tâm xuất sắc ở Saudi Arabia

Trung tâm xuất sắc nghiên cứu loãng xương, còn có tên chính thức bằng tiếng Anh là Center of Excellence for Osteoporosis Research (CEOR), là một trong 12 trung tâm xuất sắc được thành lập dưới sự huấn thị của Nhà vua Abdulaziz. Khoảng 5 năm trước đây, trong một bài diễn văn khai mạc niên học, vua Abdulaziz nhận xét rằng Saudi Arabia và thế giới Ả Rập nói chung có nguy cơ trở thành một vùng nô lệ khoa học trong nền kinh tế tri thức toàn cầu. Ông đưa ra những con số thống kê về tình trạng công bố quốc tế trong nghiên cứu khoa học, bằng phát minh, thứ hạng đại học (lúc đó không có một đại học nào của Saudi Arabia được nằm trong danh sách “top 200”). Những con số thống kê nhức nhối đó đánh thức giới lãnh đạo giáo dục và khoa học của Saudi Arabia, và lay động lương tâm của giới kĩ nghệ. Nhà vua ra huấn thị là phải học theo Úc, Anh, Canada để lập những trung tâm xuất sắc, qui tụ các nhà khoa học giỏi để đưa khoa học Saudi Arabia lên một tầm cao hơn trên trường quốc tế. Trong vòng 5 năm, Saudi Arabia lập được 12 trung tâm xuất sắc về các lĩnh vực như dầu hỏa, vật liệu, nông nghiệp, công nghệ sinh học và di truyền, và y khoa. Trung tâm CEOR là một “sản phẩm” của ý tưởng đó của Nhà vua. Các trung tâm xuất sắc này trực thuộc một trường đại học nào đó, và trong trường hợp CEOR thì trực thuộc [Đại học] King Abdulaziz University (hay gọi tắt theo người đại phương là KAU).

Trung tâm xuất sắc

CEOR chỉ mới được thành lập chưa đầy 1 năm, theo đúng các qui định luật pháp của Saudi Arabia, kể cả tôn chỉ hoạt động, sứ mệnh, mục tiêu và cơ cấu tổ chức. Tuy mới ra đời, nhưng Bộ Giáo dục đã nôn nóng muốn biết những tôn chỉ, sứ mệnh và mục tiêu của CEOR có thật sự xứng đáng là một trung tâm xuất sắc, có tiềm năng góp hần đưa Saudi Arabia lên một bậc cao hơn trên trường quốc tế? Để trả lời câu hỏi này, Bộ Giáo dục ủy nhiệm cho một viện hàn lâm nước ngoài bình duyệt. Viện hàn lâm đó là Royal Society của New Zealand (Hội Hoàng Gia, New Zealand, tương đương với viện hàn lâm khoa học). Viện hàn lâm new Zealand thực hiện công việc khó khăn này bằng cách qui tụ một nhóm chuyên gia gồm 5 người: đại diện của Viện hàn lâm New Zealand, một chuyên gia về quản lí dự án (người Úc), một giáo sư về loãng xương di truyền học (người Mĩ), một giáo sư về khớp (người Anh), và tôi. Thật ra, sau này tôi mới biết đây là những người mà Bộ Giáo dục chọn dựa vào phần tài liệu tham khảo của dự án thành lập trung tâm CEOR. Thật vậy, khi xem qua đề cương thành lập CEOR, tôi thấy họ trích dẫn hay dề cập khá nhiều những công trình của tôi đã công bố trước đây, cho nên việc tôi được chọn để làm việc bình duyệt này cũng không có gì ngạc nhiên. Có lẽ đó là một cách Bộ Giáo dục Saudi Arabia muốn để cho đồng nghiệp trong ngành đánh giá thay vì để cho các công chức của Bộ Giáo dục làm. Đây là một cách làm việc rất nghiêm chỉnh mà lại khách quan, và cũng là cách mà các đại học và trung tâm nghiên cứu phương Tây hay làm.

Công việc của chúng tôi là kiểm tra toàn bộ trung tâm, từ định hướng nghiên cứu, đến nhân sự, ngân sách, và cơ sở vật chất. Sau khi kiểm tra và phỏng vấn ban giám đốc và các trợ lí khoa học, chúng tôi có nhiệm vụ phải báo cáo cho Bộ Giáo dục biết. Bộ Giáo dục nhắc đi nhắc lại rằng chúng tôi phải nói thực tình, phải “nghĩ sao nói vậy người ơi”, chứ không nhân nhượng, không có ngoại giao. Họ muốn chúng tôi trả lời 3 câu hỏi chính: định hướng nghiên cứu có thuộc vào hạng đẳng cấp quốc tế hay không; nhân sự có thể sánh với ai trên thế giới; ngân sách và trang bị cơ sở vật chất hiện nay có đầy đủ chưa. Việc làm của chúng tôi quan trọng, bởi vì dựa vào ý kiến của chúng tôi, Bộ Giáo dục có thể yêu cầu trung tâm làm khác đi, hay thậm chí đóng cửa trung tâm để đầu tư cho một trung tâm khác. Chúng tôi rất ý thức được việc mình làm và tầm ảnh hưởng đến nhiều đồng nghiệp đang nơm nớp nhìn chúng tôi với những cặp mắt lo ngại và … nghi ngờ.

Chúng tôi được giao một tập tài liệu trên 500 trang để đọc. Những tài liệu này bao gồm đạo luật thành lập trung tâm, chương trình nghiên cứu, trang thiết bị khoa học, qui trình kiểm tra chất lượng, qui trình quản lí dự án, qui trình bổ nhiệm và miễn nhiệm nhân sự, v.v… Đọc qua những tài liệu này, tôi thấy họ làm cực kì bài bản, và rất ư là “businesss” chứ không hề tùy tiện chút nào. Tuy cách họ viết rất dài dòng (và có vẻ kéo dài “câu chuyện”), nhưng rõ ràng họ có suy nghĩ kĩ những gì họ làm. Vision của họ là “để được công nhận là một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu về loãng xương ở vùng Ả Rập và thế giới”. Sứ mệnh của trung tâm là sáng tạo ra tri thức mới qua các nghiên cứu khoa học có chất lượng cao được cộng đồng y khoa quốc tế ghi nhận, chuyển giao công nghệ sinh học cho lâm sàng, và đào tạo các nhà khoa học trẻ.

Trung tâm hiện nay mới có 29 nhân viên, được tổ chức theo 5 chương trình nghiên cứu (research program) tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn trong ngành xương. Năm chương trình này là: nghiên cứu tế bào gốc; nghiên cứu lâm sàng; nghiên cứu nha khoa và loãng xương; di truyền học và biomarkers; và chương trình nghiên cứu dịch tễ học. Ngoài ra, họ còn có những chương trình như quảng bá nâng cao kiến thức về loãng xương trong cộng đồng, phát triển và khuyến khích các sinh viên năm thứ 6 tham gia vào nghiên cứu về xương, tổ chức các khóa huyến luyện ngắn hạn (workshop). Đứng đầu mỗi chương trình nghiên cứu là một chuyên gia thường có chức danh phó giáo sư hay giáo sư. Giám đốc trung tâm (Giáo sư MA) cũng đứng đầu chương trình nghiên cứu về markers và di truyền học. Tất cả những người đứng đầu chương trình nghiên cứu đều từng du học ở Anh, Mĩ và Úc về, với những bằng cấp cao và có kinh nghiệm làm nghiên cứu cũng như có công bố quốc tế. Thật ra, ngay cả các nhân viên trong lab, phần lớn được tuyển dụng từ Á châu và Nam Mĩ. Do đó, họ nói tiếng Anh rất thạo, và hoàn toàn không có một trở ngại thông tin gì giữa chúng tôi và họ. Tôi thấy tiếng Anh quả là một lợi thế của trung tâm này, vì nó chứng tỏ rằng trung tâm có khả năng hội nhập quốc tế như bất cứ nơi nào khác ở các nước tiên tiến Á châu (ngoại trừ Việt Nam!)

Để thực hiện các chương trình nghiên cứu này, trung tâm được Bộ Giáo dục ứng trước 22 triệu SR (1 USD = 3.75 SR). Nhưng ngân sách hàng năm của họ là 217 triệu SR. Đó là một ngân sách rất “dồi dào” mà ngay cả các nhóm nghiên cứu lớn ở Úc cũng khó dám mơ ước đến! Nhưng đây là Saudi Arabia, một nước mang danh là “phát triển” (developing countries) nhưng lại là một quốc gia rất giàu có. Với số tiền này, chưa đầy một năm mà họ đã trang bị thiết bị khoa học rất “ấn tượng”. Máy DXA scan mật độ xương đời mới nhất, máy siêu âm xương Archilles, máy đo cấu trúc xương pQCT, máy phân tích bone markers của Roche, máy phân tích gen Affymetrix, v.v… đều có ở đây. Tuy nhiên cái khó khăn lớn nhất của trung tâm này là họ không có các chuyên viên kĩ thuật để sử dụng các thiết bị khoa học đắt tiền này. Để khắc phục tình trạng thừa máy thiếu người, họ gửi nhân viên ra nước ngoài để dự các khóa huấn luyện cấp tốc nhằm “lắp ráp” cho đủ nhân sự vào các thiết bị đắt tiền đó.

Nhận định của chúng tôi

Qua hai ngày làm việc và hội ý trong nhóm, chúng tôi đưa ra một số nhận xét chính. Thật ra, việc soạn thảo bản báo cáo tuy chỉ là sơ khởi này cũng tốn rất nhiều thì giờ của chúng tôi, vì tôi phải chọn những từ ngữ sao cho không làm phật lòng đồng nghiệp mà cũng không muốn làm thất vọng cho Bộ Giáo dục, cơ quan đã bỏ ra khá nhiều tiền để đem chúng tôi sang đây. Thật ra, qua trao đổi với những người trong nhóm, nhất là với sếp đoàn là Tiến sĩ DS, tôi học rất nhiều từ họ về cách thức biến những phê phán khá nặng nề thành những nhận xét đầy tính xây dựng mà kết quả là phía đối tác cảm thấy rất hài lòng. Những nhận xét chính của chúng tôi là:

1. Trung tâm đã xây dựng được cơ sở vật chất rất tốt trong một thời gian ngắn. Có thể nói nhờ vào tính năng động của vị giám đốc (ông này ăn nói to tiếng và đầy cá tính … bạt mạng) nhưng lại là người dám nói dám làm. Ông ta còn có vai vế trong cộng đồng khoa bảng ở đây nên ông có thể tranh thủ yểm trợ từ bộ trưởng giáo dục đến hiệu trưởng đại học và nhân viên dưới quyền. Chúng tôi thấy chỉ riêng việc ông làm giám đốc của trung tâm đã là một lợi thế, bởi vì nói cho cùng sự thành bại của một trung tâm tùy thuộc rất lớn vào người đứng đầu. Chính người đứng đầu tạo ra một văn hóa khoa học cho trung tâm, và chúng tôi tin rằng với kinh nghiệm học và làm việc ở Anh và Mĩ, ông ta có thể xây dựng được một phong cách, một văn hóa nghiên cứu khoa học cho trung tâm.

2. Thành tích khoa học của các giáo sư lãnh đạo còn quá khiêm tốn. Dù họ được huấn luyện và có người từng làm việc ở các nước Âu Mĩ, nhưng lí lịch của họ cho thấy công bố quốc tế còn quá yếu. Điều khá buồn cười là có vài người có lẽ thấy thành tích của mình kém quá nên họ liệt kê cả những bài báo trên tạp chí y học Saudi Arabia và những abstract trong các hội nghị! Điều này làm cho vài thành viên trong đoàn chúng tôi, nhất là giáo sư ME, rất bực mình vì ông cho rằng làm như vậy là … không đúng. Tôi thì thấy nhiều những CV loại này nên cũng không có gì ngạc nhiên, nếu không muốn nói là thông cảm. Họ cũng cần trình bày một chút “bề dày” để xin tài trợ chứ, vả lại đây là nơi còn đang phát triển, làm sao so với Mĩ của ông ME được!

3. Sứ mệnh cao cả, mục tiêu đầy tham vọng, nhưng khó thực hiện. Chúng tôi nghĩ rằng trung tâm có thể trở thành một trung tâm có tiếng trong vùng Ả Rập, nhưng chưa đủ nội lực và uy danh khoa học để trở thành một trung tâm hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, tiềm năng thì có đó, vì với những chương trình nghiên cứu tốt, CEOR có thể đóng góp một phần đáng kể vào ngành loãng xương trên trường quốc tế.

4. Các dự án nghiên cứu quá dàn trải, thiếu tập trung, không rõ dự án “flagship” là gì. Chúng tôi nhận xét rằng trung tâm có vẻ quá ôm đồm, cái gì cũng đòi làm, và hệ quả là thiếu sự tập trung vào một đề tài để làm “căn cước” trên trường quốc tế.

5. Cần tổ chức lại các chương trình nghiên cứu. Theo ý tôi, vì sự tương tác và trùng hợp giữa các chương trình, nên trung tâm thay vì có 5 chương trình như hiện nay thì nên tổ chức lại thành 3 chương trình: basic research (nghiên cứu cơ bản), translational research (nghiên cứu chuyển giao công nghệ), và clinical research (nghiên cứu lâm sàng). Ý kiến này cũng gây ra nhiều tranh cãi, nhưng hóa ra lại là ý kiến được ban giám đốc tâm đắc nhất. Họ cho rằng trong vài năm nữa, sẽ cố gắng tổ chức theo chiều hướng tôi đề ra.

Thật ra, tôi còn đề nghị nhiều hơn nữa, nhưng chúng tôi nghĩ không nên đưa ra quá nhiều phê phán và đề nghị, vì có thể làm cho đồng nghiệp Saudi Arabia không vui lòng. Nhưng có lẽ chúng tôi lo xa quá, vì sau này qua nói chuyện cá nhân trong nhà hàng, họ thậm chí còn nói rằng tôi nói “nhẹ” quá, và điều đáng nói là họ muốn mời tôi cố vấn riêng cho trung tâm. Đương nhiên là tôi không từ chối lòng tốt của họ, mặc dù tôi không có mặn mà gì với cái đất nước bảo thủ này (tôi đã nói trước đây).

Nhìn người lại nghĩ đến ta

Chuyến công tác lần này trên danh nghĩa là làm việc cho “thiên hạ” (hay nói theo ngôn ngữ thịnh hành một thời là làm “nghĩa vụ quốc tế”), nhưng thật ra tôi có chủ ý tìm hiểu một mô hình và bài học cho Việt Nam. Ở nước ta, cho đến nay, chưa có một trung tâm nghiên cứu y khoa cho đúng nghĩa, nhưng tiềm năng thì có thể lập hay qui tụ các nhóm hiện tại thành 1 trung tâm có chất lượng cao. Gần đây, có nhiều người (cả tôi nữa) nói về đại học đẳng cấp quốc tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo thậm chí còn nói đến năm 2020 sẽ có 4 đại học đẳng cấp quốc tế! Tôi nghĩ không có gì sai nếu mình có tham vọng, cũng chẳng có gì đánh trách nếu chúng ta có ước mơ. Vấn đề là tham vọng đó có nằm trong tầm tay chúng ta hay không, hay chúng ta có thật sự phấn đấu để biến ước mơ thành hiện thực. Thật ra, quan trọng hơn nữa là chúng ta có thật sự có phương cách gì để thực hiện ước mơ, chứ nếu chỉ suốt ngày mơ ước thì chẳng khác gì hoang tưởng.

Nói gì thì nói, muốn có đại học đẳng cấp quốc tế, một trong những điều kiện tiên quyết là phải có nghiên cứu khoa học có chất lượng cao, nghiên cứu có đẳng cấp quốc tế. Cần nói thêm rằng ai cũng có thể làm nghiên cứu khoa học, nhưng nghiên cứu có đẳng cấp là một câu chuyện khác. Thế nào là nghiên cứu tầm đẳng cấp quốc tế? Theo tôi, đó là những nghiên cứu mang tính tiên phong, những nghiên cứu có ảnh hưởng lớn có thể làm thay đổi suy nghĩ của cộng đồng chuyên môn, hay nói chung hơn là nghiên cứu có “chất lượng cao”. Chỉ số quan trọng để đo chất lượng là số lần trích dẫn. Một chỉ số để đo lường ảnh hưởng là hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san mà công trình nghiên cứu được công bố. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có những công trình như thế. Các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam có chỉ số H (một chỉ số đo lường thành tựu của một nhà khoa học) rất khiêm tốn.

Một trong những định hướng để nâng cao trình độ và chất lượng nghiên cứu khia học mà tôi và vài người khác đề nghị trước đây là lập những trung tâm nghiên cứu như trung tâm xuất sắc của Saudi Arabia. Tôi nghĩ nếu những gì tôi học được trong chuyến đi này liên quan đến trung tâm xuất sắc có lẽ tóm lược như sau:

Thứ nhất là tầm nhìn và quyết tâm từ cấp lãnh đạo quốc gia. Những trung tâm xuất sắc của Saudi Arabia ra đời là nhờ vào tầm nhìn chiến lược của vua Abdulaziz, và quyết tâm từ chính quyền. Nhờ sự yểm trợ tinh thần của nhà vua và quyết tâm của chính phủ, các trung tâm chẳng những được ra đời mà còn có ngân sách dồi dào để thực hiện những nghiên cứu có giá trị cao. Còn ở nước ta, cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một đại học nào được xếp hạng top 200 trên thế giới. Về bằng sáng chế, Việt Nam là một con số không to tướng. Ở nước ta, chúng ta nghe nhiều đến nghị quyết, quyết định, khẩu hiệu từ nhiều cấp chính quyền, nhưng cho đến nay thì năng suất khoa học ở nước ta vẫn còn quá thấp, chất lượng nghiên cứu còn quá kém, và cơ sở vật chất thì nghèo nàn. Tôi có cảm giác hình như nhà nước nói nhiều hơn là làm. Thật ra, chẳng riêng gì vấn đề nghiên cứu khoa học, trong nhiều lĩnh vực khác (chẳng hạn như chính sách đối với Việt kiều), nhà nước chỉ hô hào khẩu hiện, làm theo phong trào, rồi đâu vẫn vào đấy, không có gì thay đổi. Chúng ta cần vứt đi cách làm hình thức đó. Liên quan đến chính sách khoa học, chúng ta cần một suy nghĩ “cách mạng”, hay nói theo ngôn ngữ thời thượng là “đột phá”, để xây dựng cho được một số trung tâm xuất sắc, để làm những hạt giống có thể nhân rộng trong tương lai.

Thứ hai là có người đứng đầu có thực tài. Như tôi nhận xét ở trên, sở dĩ CEOR thành công bước đầu là họ có một giám đốc dám nói, dám làm, và dám chịu trách nhiệm. Một trung tâm xuất sắc ở nước ta cũng cần một cá nhân như thế, một người “đứng mũi chịu sào” giỏi. Chúng ta cần người có khả năng lãnh đạo, chứ không cần những người với những danh xưng hảo và bằng cấp không tương xứng với năng lực thật. Ở Việt Nam, chúng ta không thiếu những người như thế, nhưng vấn đề là họ có thể không đáp ứng tiêu chuẩn “hồng”. Do đó, một trong những cải cách cần phải thực hiện tại các trung tâm xuất sắc là loại bỏ “tiêu chuẩn hồng” để có thể thu hút những người có tài lãnh đạo và quản lí khoa học.

Thứ ba là tự quản (self governance). Từ thập niên 1990s trở đi, các đại học công trên thế giới dần dần chuyển từ cơ chế quản lí tập trung sang tự quản. Nói một cách đơn giản, tự quản là một cơ chế mà đại học từ quản lí chương trình nghiên cứu, đào tạo, và tài chính mà không có sự can thiệp (hay can thiệp tối thiểu) từ Nhà nước. Nhiều nghiên cứu cho thấy cơ chế tự quản có kết quả tốt hơn cơ chế quản lí tập trung (hay bao cấp). Các trung tâm xuất sắc ở Saudi Arabia đều theo cơ chế tự quản. Thật ra, các đại học công và tư ở Saudi Arabia cũng đều được quản trị bởi một hội đồng, chứ Bộ Giáo dục không can thiệp vào việc quản lí và chương trình của đại học. Còn ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn ham mê quyền lực quản lí tập trung theo kiểu bao cấp, vì các quan chức có một ý tưởng rất “dễ thương”: họ là chuyên gia, họ biết tất cả và có thể quản lí tất cả. Tôi theo dõi một bài báo gần đây của Giáo sư Huỳnh Hữu Tuệ về cách Bộ Giáo dục và Đào tạo áp đặt lề lối quản lí theo kiểu bao cấp lên các đại học tư thục mà phát … chán. Tôi nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải trao quyền tự quản cho đại học, không nên can thiệp vào chương trình chuyên môn (bởi vì làm sao các công chức trong bộ biết chuyên môn hơn là các giáo sư đại học). Cơ chế tự quản là một xu hướng tất yếu trong thời đại mới tại các đại học và trung tâm nghiên cứu, và không có lí do gì để không trao quyền này cho các đại học và trung tâm nghiên cứu. Ngày nào Bộ Giáo dục và Đào tạo còn áp đặt suy nghĩ và lề lối làm việc bao cấp xã hội chủ nghĩa của Đông Âu cũ lên đại học ta, ngày đó chúng ta không nên nói đến chuyện “đại học đẳng cấp quốc tế”.

Tuân theo chuẩn mực quốc tế. Nghiên cứu khoa học là một ngành mang tính quốc tế. Do đó, chúng ta cần phải tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế để đánh giá thành tựu nghiên cứu khoa học. Một trong những chuẩn mực quan trọng là công bố quốc tế, bởi vì đây là thước đo mà thế giới sử dụng để đánh giá một trung tâm nghiên cứu, hay một nhà khoa học. Đó chính là lí do tại sao Bộ Giáo dục Saudi Arabia mời chúng tôi đến đánh giá các trung tâm xuất sắc của họ. Ở Việt Nam, vẫn tồn tại một suy nghĩ kì dị là chỉ có nghiên cứu cơ bản mới công bố quốc tế, còn nghiên cứu ứng dụng thì không cần công bố quốc tế! Lại có người cho rằng chẳng cần bắt chước phương Tây để kêu gọi công bố quốc tế! Những suy nghĩ kiểu này rất khó mà hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Do đó, chúng ta cần phải thiết lập những chuẩn mực quốc tế để đánh giá thành tựu một trung tâm xuất sắc.

Trung tâm xuất sắc không phải là sáng kiến của Saudi Arabia; nó là sáng kiến của Úc, và Úc học từ Mĩ. Trong vòng 20 năm qua, các trung tâm này đã góp một phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất và vị thế khoa học của Úc trên trường quốc tế. Saudi Arabia cũng có tham vọng như Việt Nam, là muốn nâng cao khoa học của họ trên trường quốc tế. Nếu Saudi Arabia cung cấp cho chúng ta một vài kinh nghiệm, tôi nghĩ đó là kinh nghiệm về tổ chức và vận hành các trung tâm xuất sắc. Chuyến đi công tác này tôi cố tình thu thập tất cả những văn bản, kể cả các văn bản luật pháp, của Saudi Arabia về việc thành lập các trung tâm này, và tôi nghĩ các văn bản này sẽ cho chúng ta một số kinh nghiệm quí báu. Trên đây là vài suy nghĩ sau một chuyến đi ngắn, nhưng tôi nghĩ những suy nghĩ này chẳng mới, bởi vì tôi và một số người khác đã từng nêu nhiều lần trong quá khứ. Cái mà chúng ta cần hiện nay là cái tầm và cái tâm của các lãnh đạo đất nước để đưa khoa học Việt Nam lên một tầm cao hơn hiện nay cho xứng đáng với tiềm năng của dân tộc.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét