Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho UBND TP Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ “xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc IDS”. Nghe quen quen, cảm giác déjà vu. Nghĩ một hồi, lục soát trong bộ nhớ, tôi chợt nhận ra: đó chính là cụm từ “thiếu tinh thần xây dựng”, một kiểu nói tôi đã nghe từ hơn 30 năm trước. Nay lại thấy nó trên báo chí và chỉ thị của Thủ tướng, nên tôi lại miên man suy nghĩ.
Đây là vấn đề có liên quan đến nhiều người hay phản biện, trong đó có … tôi. Khoảng chục năm qua, tôi viết nhiều bài phản biện về chính sách giáo dục và y tế, và cũng đem lại cho mình vài hệ quả. Những người không ưa ý kiến của tôi thay vì phản biện lại những ý kiến đó thì họ lại nhắm vào cá nhân: họ nói rằng tôi không có tinh thần xây dựng. Thế nhưng không ai chịu định nghĩa phê bình như thế nào là có “tinh thần xây dựng”, hay nói như thế nào là thiếu tinh thần xây dựng. Tức là, người ta chỉ lấy cái nhãn hiệu “thiếu tinh thần xây dựng” để dán vào đầu của ai đó, mà chẳng cần để ý đến hệ quả của cá nhân đó. Tôi nghĩ làm như vậy là không công bằng chút nào cho người phê bình.
Vậy thì câu hỏi đặt ra: thế nào là phê bình mang tính xây dựng? Tôi phải quay sang giới thần kinh học và tâm lí học để xem họ nói gì về tinh thần xây dựng. Hai nhóm chuyên gia này nói rằng phê bình xây dựng là nhằm vào mục tiêu cải thiện một lĩnh vực nào đó của một cá nhân hay làm cho công việc tốt hơn. Định nghĩa này chung chung quá! Thế nào là “tốt hơn”, và tốt hơn nhìn dưới lăng kính của ai? Tôi thấy cách hiểu kiểu này không ổn chút nào.
Bởi vì không đủ trình độ lí thuyết để định nghĩa vấn đề, tôi đành phải dựa vào kinh nghiệm và cảm nhận cá nhân. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nghĩ phê bình xây dựng phải hội đủ tất cả 3 điều kiện sau đây:
Thứ nhất, tôi đồng ý về mục tiêu của phê bình xây dựng, đó là góp ý sao cho sự việc tốt hơn. “Tốt hơn” ở đây là theo cái nhìn của người phê bình. Chẳng hạn như khi tôi phê bình về tiêu chuẩn “ngực nở chân dài” để có bằng lái xe gắn máy, tôi muốn tiêu chuẩn công bằng hơn, khách quan hơn, và muốn Nhà nước thay đổi tiêu chuẩn đó theo định hướng công bằng và khách quan. Nhưng vấn đề ở đây là công bằng và khách quan là hiểu theo quan điểm của tôi, mà Nhà nước chưa chắc có cùng quan điểm. Nhưng cũng như quyền tự do phát biểu, tôi có quyền phát biểu ý kiến cá nhân (cũng như Nhà nước cũng chỉ là … cá nhân), còn chuyện cộng đồng có chấp nhận hay không thì phải để cho người dân quyết định.
Thứ hai, phê bình xây dựng phải có “sản phẩm”, phải có “kết quả” (hay nói theo tiếng Anh là phải có “outcome”). Tôi nghĩ có rất nhiều động cơ để phê bình, nhất là xã hội có nhiều xung đột và mâu thuẫn lịch sử như ở Việt Nam hiện nay. Nhưng phê bình xây dựng rất khác với chửi đổng, và càng khác với phê bình để thỏa mản cá nhân hay để khoe khoang kiến thức, hay … tự quảng cáo mình. Trong xã hội, không thiếu những thành phần chỉ thích nói cho có nói, chứ chẳng bao giờ nhận lãnh trách nhiệm về những gì mình phát biểu. Cũng có nhiều người phê bình nhằm chỉ trích người khác để hàm ý nói mình tài giỏi hơn, có kiến thức nhiều hơn người bị phê bình. Tôi đã từng đọc vài “phản biện” các đề tài khoa học ở trong nước (tôi phải để trong ngoặc kép vì thật ra không phải là phản biện), và thấy đó là những chỉ trích nhỏ nhen, lạc đề, mang tính lên lớp, và có vẻ khoe khoang kiến thức về sách giáo khoa mà họ đã đọc đâu đó, nhưng rất tiếc đó là những kiến thức chắp vá rất thiếu hệ thống. Người không biết chuyện thì nghĩ rằng đó là phản biện sắc sảo, còn người biết chuyện thì mỉm cười. Trình độ và đẳng cấp rất khác nhau mà!
Lại có những người phê bình chỉ để giải quyết ân oán cá nhân, để nhớ lại thời “huy hoàng” thuở xa xưa khi mình còn ăn trên ngồi trước, để biện minh cho hành động sai trái của chính mình trong quá khứ. Những người này chỉ việc chửi đổng. Bất cứ điều gì đối phương làm cũng sai, cũng dở, và cần phải sửa đổi theo ý mình. Tôi thấy cung cách nói của một số người trong giới báo chí ở Bolsa, một số cũng làm bộ tỏ ra … trí thức, thể hiện cho xu hướng này: phê bình như là một hành động chửi bới cho … sướng miệng (hay cho mòn bàn phím máy tính).
Còn phê bình xây dựng là phải kiên trì theo đuổi quan điểm của mình, thuyết phục người được phê bình thay đổi cách làm với kết quả tốt hơn. Tôi nghĩ đến những phê bình của Viện IDS trong thời gian về chính sách kinh tế và giáo dục cũng là những phê bình xây dựng, bởi vì họ làm có kết quả, có người lắng nghe và sửa đổi. Ngoài ra, những góp ý về tiêu chuẩn đề bạt chức danh khoa bảng, tiêu chuẩn đánh giá thành tựu nhà khoa học, nghiên cứu y khoa, v.v… mà nhiều người đã làm trong thời gian qua nằm trong phạm vi của phê bình xây dựng.
Thứ ba, người phê bình mang tính xây dựng phải là những người có tấm lòng. Thầy cô phê bình học sinh, các bậc cha mẹ phê bình con cái, các bậc thức giả phê bình Nhà nước, v.v… đều xuất phát từ tấm lòng tốt. Họ không vụ lợi mà cũng chẳng cần danh – họ chỉ có tấm lòng. Do đó, cần phải phân biệt những người này với những người phê bình vì mục tiêu lợi ích cá nhân (như viết báo chửi chế độ để làm nguồn thu nhập). Cũng có những chính khách nước ngoài, những thương gia nước ngoài, hay giới báo chí nước ngoài, v.v… có thể họ cũng phê bình Việt Nam nhưng họ phê bình không xuất phát từ lòng thương yêu gì đất nước Việt Nam, mà có thể họ muốn Việt Nam phải theo một định hướng nào đó để sau cùng họ và đất nước họ hưởng lợi.
Thành ra, phê bình xây dựng phải đặt mục tiêu lợi ích dân tộc và đất nước lên hàng đầu. Trong thời đại này, ai cũng bận cả, ấy thế mà có người bỏ thì giờ ra nghiền ngẫm, ngồi xuống viết ra những dòng chữ, hay đi nói chuyện về những đề tài nằm ngoài phạm vi chuyên môn hẹp của mình. Nếu không mang trong người một tấm lòng trắc ẩn, một tấm lòng yêu quê hương xứ sở (chứ nếu không thì tốn thì giờ để nói làm gì) thì làm sao có thể làm như thế được.
Như tôi nói trên, phê bình xây dựng phải hội đủ 3 điều kiện: mục tiêu, kết quả, và tấm lòng vì dân tộc. Hội đủ 1 hay 2 điều kiện vẫn chưa đủ để nói là phê bình mang tính xây dựng. Nhiều người không thích chế độ hiện hành ở trong nước, nhưng họ vẫn có tấm lòng với quê hương xứ sở (đáp ứng điều kiện 3), họ cũng phê bình với mục tiêu tốt là cho quê hương khá lên (điều kiện 1), nhưng họ chưa chắc đáp ứng điều kiện 2, và do đó không thể xem là phê bình xây dựng.
Quay trở lại với viện IDS và nhận xét của Thủ tướng cho rằng họ phê bình thiếu xây dựng, chúng ta thử xét qua 3 điều kiện trên xem sao. Thứ nhất, những phê bình của IDS trong thời gian qua, trên giấy trắng mực đen, đều nhằm góp ý làm cho chính sách kinh tế, xã hội và giáo dục tốt hơn. Tôi xem đi xem lại các tài liệu và bài viết của họ, tôi cũng ghé qua trang nhà của họ, nhưng không hề thấy một ý định tiêu cực này trong những phê phán của họ. Có những ý kiến (như một vài khía cạnh trong chính sách giáo dục) cá nhân tôi không đồng ý với họ, nhưng tôi tôn trọng cách họ đặt vấn đề và cách họ lí giải. Chúng ta cần nhiều người có bản lĩnh như nhóm IDS, chứ không nên gây áp lực để họ tự đóng cửa phản đối.
Thứ hai, những góp ý của viện IDS cũng có hiệu quả, vì Nhà nước cũng lắng nghe. Họ kiên trì theo đuổi những vấn đề họ nêu và tận dụng mọi cơ hội để lên tiếng. Do đó, tôi nghĩ họ cũng đã đạt được mục tiêu là góp phần vào việc phản biện xã hội ở Việt Nam. Thật ra, chỉ sự ra đời của IDS cũng đã là một thành công, một kết quả đáng chú ý trong môi trường phản biện xã hội ở nước ta.
Thứ ba, những thành viên của IDS là những người ở trong nước, gắn bó với Nhà nước và Đảng. Có người từng phục vụ trong quân đội, có người từng phục vụ như là cán bộ cao cấp trong guồng máy Nhà nước, lại có người là chuyên gia về khoa học và giáo dục, v.v… Họ thật tình quan tâm đến những vấn đề vĩ mô của đất nước, bởi vì họ từng là những “diễn viên” (actors) trong kịch bản ở qui mô quốc gia và quốc tế trước đây. Có ai dám nói Gs Hoàng Tụy không có lòng với nền giáo dục nước nhà, hay có ai dám cho rằng ông Nguyễn Quang A hay Nguyễn Trung không quan tâm đến những vấn đề đối ngoại và kinh tế. Tôi nghĩ họ là những người “trí thức công cộng” (public intellectual) đúng vói ý nghĩa của chữ này. Tôi không thấy bất cứ một lí do nào để cho rằng họ không có lòng với Việt Nam.
Những phân tích trên cho chúng ta thấy những phát biểu (hay phê phán) của IDS mang tính xây dựng.
Tôi hiểu và rất thông cảm là những lời phê bình thường khó nghe và rất khó tiếp thu. Người Tàu có câu “trung ngôn nghịch nhĩ” để nói đến tình trạng khó tiếp thu những phê bình, nhất là trong bối cảnh văn hóa Á châu như ở nước ta. Thật ra, ông bà mình có câu hình tượng hơn và dễ hiểu hơn: “Thương thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho đường.” Đừng tự đắc vì những lời khen tặng của giới doanh nghiệp nước ngoài; hãy suy nghĩ kĩ vào những phê phán khó nghe của những người Việt Nam có lòng với quê hương.
Ở Việt Nam, các quan chức và chính quyền có quan điểm cho rằng để duy trì ổn định xã hội, cần phải hạn chế phản biện. Thật vậy, một trong những “rationale” cho Quyết định 97 hạn chế công bố phản biện là nhằm duy trì ổn định xã hội. Nhưng tôi nghĩ chưa có bằng chứng nào cho thấy hạn chế phản biện công khai là yếu tố làm cho xã hội ổn định. Thật ra, có thể suy nghĩ ngược lại: chính sự hạn chế phản biện công khai là mầm mống của những bất an xã hội. Bởi vì người dân không có cơ hội và phương tiện phát biểu ý kiến công khai, nên họ phải “phản biện chui”, tức là trên những diễn đàn không chính thống. Song song với những phản biện chui là những tin đồn nhảm nhí, lũng đoạn thông tin, biến có thành không (và ngược lại), và hệ quả là làm cho người dân hoang mang không biết đâu là thật và đâu là giả, dẫn đến bất an ngầm trong xã hội.
Những năm đầu khi mới định cư ở Úc, tôi rất ngạc nhiên về tinh thần phản biện ở đây. Báo chí, đài truyền hình, đài radio suốt ngày phê phán chính phủ hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi ngạc nhiên là vì trong một xã hội ổn định, kinh tế phát triển, chế độ an sinh rất tốt như thế, mà họ lại vạch ra rất nhiều vấn đề. Sau này, khi tiếp cận với nền giáo dục ở đây, tôi mới nhận ra là trong nhà trường, người ta đã huấn luyện và tạo cho học sinh thói quen đặt vấn đề và tranh luận. Do đó, khi lớn lên, cho dù xã hội ổn định, nhưng đối với những người có tinh thần phản biện, họ nhìn đâu cũng thấy vấn đề. Tôi nghĩ cái “văn hóa” nhận dạng vấn đề chính là một yếu tố thúc đẩy xã hội phát triển hoàn chỉnh hơn, và cũng chính là yếu tố đưa nền khoa học phương Tây vượt hẳn so với các nước Á châu.
Viết đến đây tôi chợt nhớ một bài viết tôi đọc đâu đó mà tác giả (hình như là Umberto Eco ?) có kể lại rằng năm 1931, Chính phủ Mussolini bắt buộc tất cả 1200 giáo sư đại học trên toàn nước Ý phải tuyên thệ trung thành với Chính phủ của ông, nhưng có 12 người không chịu tuyên thệ và cả 12 giáo sư này đều bị cách chức. Tuy nhiên, chính 12 giáo sư thuộc loại “cừu đen” này lại là những người được lịch sử Ý đánh giá là đã cứu vớt danh dự của quốc gia Ý và giáo dục đại học Ý. Nếu sự việc đó là một bài học, tôi nghĩ rằng chúng ta cần những người như các thành viên trong IDS, những người dám phát biểu những ý kiến không hẳn là cùng định hướng với Nhà nước, và dám nhận lãnh trách nhiệm trước công chúng những gì họ nói. Có thể con số người như các thành viên IDS không nhiều, nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì điều quan trọng hơn là phê bình có mục tiêu cụ thể, với định hướng có kết quả, và có lòng với đất nước.
NVT
Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2009
Thế nào là phê bình thiếu xây dựng ?
15:46
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét