Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2009

Nhât kí Saudi Arabia 4. Phổ cổ Jeddah

4/10/09

Hôm nay là ngày của chúng tôi, có nghĩa là chúng tôi làm chủ tọa và điều khiển chương trình. Theo chương trình, buổi sáng chúng tôi tiếp tục làm rõ một số vấn đề mà ngày hôm qua chưa được giải đáp thỏa đáng, nhất là phần ngân sách, và buổi chiếu là buổi tôi sẽ thay mặt đoàn báo cáo sơ bộ cho họ biết chúng tôi nghĩ gì về tiến trình của trung tâm.

Hình như cái gì dính dáng đến tiền bạc cũng đều nhạy cảm. Khi vài người trong đoàn hỏi về khả năng tài chính, các khoản chi tiêu, và cách quản lí tiền bạc, tôi để ý thấy phía lãnh đạo trung tâm tỏ ra “defensive”, dù họ cũng cố gắng lịch sự trả lời chúng tôi. Trong đoàn có ông người Úc DF, một chuyên gia về quản lí dự án, một người có tính rất thẳng, và ông hỏi toàn những câu hóc búa, rất sốc cho lãnh đạo trung tâm. Tuy nhiên, ông này không có ý gì tiêu cực, mà chỉ muốn chuyện tài chính phải rõ ràng như trắng với đen, chứ không mập mờ được. Thật ra, qua những câu hỏi của DF, ai cũng phát hiện ra là thủ tục chi tiêu còn quá “hành là chính”, nhưng lại không có hệ thống quản lí tốt. Nhưng bù lại, thủ tục họ bình duyệt các công trình nghiên cứu thì rất nghiêm chỉnh, theo đúng chuẩn mực của các nước tiên tiến (chứ không phải kiểu Việt Nam). Đại khái, những người ngo62i trong hội đồng duyệt các đề cương nghiên cứu đều là những người có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua bằng chứng về công bố quốc tế. Họ còn có qui định là phải có ít nhất 5 bài báo là tác giả đầu hay tác giả chính mới có tư cách ngồi trong hội đồng duyệt đề cương nghiên cứu. Tôi thấy về mặt này, rõ ràng họ làm việc rất nghiêm chỉnh, rất đáng khen.

Buổi chiều, chúng tôi họp kín 1 giờ để thống nhất những ý chính mà tôi sẽ thay mặt đoàn trình bày. Chúng tôi tranh luận nhau về cách sử dụng từ ngữ sao cho nhẹ nhàng, nhưng nói lên được những khía cạnh mạnh và những yếu kém còn tồn tại ở trung tâm. Hội ý xong, chúng tôi cho mời phía trung tâm vào và tôi báo cáo cho họ biết những nhận xét ban đầu của đoàn. Mấy phút đầu tôi cố gắng vào đề bằng những mẫu chuyện hài hước mua vui để làm giảm sự căng thẳng, nhưng vẫn không sao xóa được những ưu tư trên những khuôn mặt của các lãnh đạo CEOR. Tôi nói về những điểm mạnh trước, khen tận mây xanh về những việc họ đã làm được, rồi đến những mặt yếu tôi cố biện minh cho họ vì thiếu thời gian, và xem đó là cơ hội. Phần thứ ba của báo cáo, tôi thay mặt đoàn đưa ra một số khuyến cáo và đề nghị thiết thực để giúp trung tâm đạt được những mục tiêu họ đề ra. Tôi nói một mạch 2 tiếng đồng hồ, và lúc nào cũng chú ý vào “body language” của họ để điều chỉnh câu chuyện. Tôi chỉ thấy họ ưu tư theo dõi, ghi chép, nhưng không thấy họ bày tỏ thái độ qua body language nào cả. Sau phần báo cáo của tôi là đến phần họ trao đổi và giải thích về những yếu kém của họ. Họ cám ơn chúng tôi rối rít về những nhận xét chí tình chí nghĩa. Họ bày tỏ muốn học hỏi từ chúng tôi về những chương trình nghiên cứu. Buổi thảo luận diễn ra tốt đẹp, tốt hơn là tôi và các thành viên trong đoàn dự tính.

Phố cổ Jeddah

Buổi tối, theo chương trình, các lãnh đạo CEOR dẫn chúng tôi đi chợ đêm ở khu phổ cổ, và sau đó là ăn uống. Họ sợ chúng tôi không chịu nổi cái nắng 40 độ C vào buổi chiều, nên đề nghị chờ đến 8 giờ tối sẽ đi dạo phố. Nói là “phố cổ”, nhưng thật ra khu phố này chỉ khoảng 100 tuổi mà thôi. Đó là những dãy nhà xây bằng vôi vào đầu thế kỉ 20, với những con đường ngoằn ngoèo nhưng rất hẹp. Nhiều con đường bề ngang chỉ khoảng 2 mét (tức là nhà cửa hai bên đường cách nhau cũng chỉ 2 mét). Ở đây, người ta bày bán rất nhiều hương liệu lấy từ rừng ở Mã Lai và Cambodia. Những hương liệu này thực chất là những miếng gỗ vụn và nhỏ, thường được sử dụng như là nhang ở nước ta. Khi đốt lên một mùi thơm nhè nhẹ tỏa ra, và người Ả Rập có vẻ rất thích mùi này. Còn tôi có lẽ chưa quen nên không thấy có gì thú vị cả. Sản phẩm thứ hai cũng thông dụng ở đây là nước hoa. Không phải nước hoa của các hãng bên Pháp, Nhật, Mĩ, mà là nước hoa được ép (hay chiết xuất) từ nhiều loại hoa (kể cả hoa hồng) ở Saudi Arabia. “Nước hoa” giống như là dầu dừa của VN mình. Chỉ cần thoa lên da một chút là có thể thơm đến cả ngày – họ quảng cáo như thế. Tôi cũng thử qua một số loại hoa thì thấy mùi vị giống vơi một số loại nước hoa đắt tiền trên thế giới. Chỉ khác với những lọ nước hoa phương Tây, ở đây họ bán “nước hoa” trong những lọ rất nhỏ. Người đi chợ rất đông, có lẽ vì hôm nay là ngày Chủ Nhật, nhưng cũng có thể lúc này là lúc trời dịu mát (khoảng 30 độ C) nên mọi người đổ xô đi dạo phố. Rất nhiều người Phi châu ở đây. Đại đa số phụ nữ đều mặc áo thụng đen, che kín mặt, chỉ chừa 2 mắt, trông họ như là những bóng ma bên đường. Cũng có nhiều người ăn xin ven đường. Nói chung, hàng quán ở đây cũng lượm thượm, dơ dấy, nhếch nhác, với mùi nước hoa cộng với mùi nước tiểu quyện lại thành một mùi rất đặc trưng … Ả Rập. Người dân ở đây cũng giống như ở nước ta: đó là họ cũng khạc nhổ đầy đường, đi đụng nhau lia chia nhưng không bao giờ tỏ ra hối tiếc, vì hình như hai chữ “xin lỗi” không có trong ngữ vựng của họ.

Dạo phố xong, chúng tôi lên xe đi ăn ở nhà hàng có tên là Bubbles. Nhà hàng này nghe nói thuộc vào loại đắt nhất và sang trọng nhất ở đây. Nhà hàng được trang trí theo kiểu Ả Rập và Hồi giáo, nhưng phục vụ các món ăn hỗn hợp Thái Lan, Ý, và Ả Rập! Tôi nhìn qua menu thì chẳng thấy có món gì thú vị. Khai vị thì chả giò kiểu Thái (nhìn phát ớn), entré thì có soup Tom yum Thái (chua quá), và món chính thì có thịt bò, gà, cá. Đương nhiên là không có thịt heo. chẳng có món nào đặc biệt. Tôi thử món cá nướng, nhưng không thể nào ăn hết vì nó quá ư là dở. Cuối cùng tôi chỉ ăn salad! Ở đây, cũng như bất cứ nhà hàng nào trong lãnh thổ của Saudi Arabia, không có bia rượu. Do đó, bữa ăn thật là vô vị, chán ơi là chán. Tôi chỉ mong mọi người ăn xong để về khách sạn ngả lưng cho khỏe người. Ấy thế mà nói chuyện qua lại cũng đến hơn 12 giờ đêm tôi mới về đến khách sạn! Một ngày làm việc căng thẳng được bù lại bằng một bữa ăn dở đến … nhớ đời!

5/10/09 Béo phì ở Saudi Arabia
Hôm nay tôi chỉ làm việc buổi sáng, còn buổi chiều thì rảnh rang để dạo phố trước khi bay về Sydney. Đúng 8 giờ sáng, có xe đến đón chúng tôi vào tham quan trường đại học KAU và gặp sếp khoa y. Thật ra, đây chỉ là buổi tham quan trên xe, vì dù là buổi sáng nhưng thời tiết rất nóng, chúng tôi không thể nào đi bộ được. Tài xế lái xe (là giáo sư giám đốc trung tâm CEOR) lái xe vòng vòng, giới thiệu cho chúng tôi biết lịch sử của trường, các khoa (college), và dự định trong tương lai. Đây là trường duy nhất nhận sinh viên nữ. gần như 100% sinh viên nữ ở đây cũng mặc áo thụng màu đen, che kín mặt, chỉ để 2 mắt (có người thậm chí che luôn cả mắt). Điều lạ lùng là họ cũng mang guốc cao gót! Tôi vẫn thắc mắc họ ăn mặc “khiêm tốn” như thế, thì những tiệm bày bán quần áo thời trang Âu Mĩ họ bán cho ai, và nếu bán cho những phụ nữ này thì họ mặc đi đâu? Chẳng lẽ họ mặc trong nhà? Thật là lạ lùng!

Sau đó, chúng tôi đến chào khoa trưởng khoa y. Ông này cũng như ông phó hiệu trưởng, rất mập và cũng lê lết tấm thân một cách nặng nhọc đến chào đón chúng tôi. Lại một buổi uống trà, ăn bánh ngọt. Bánh ngọt đến nổi tôi chỉ ăn được một cái mà như là một cực hình. Tôi muốn nói vài câu xã giao, nên đưa ra một nhận xét có chút tính xã hội mà cũng mang dáng dấp khoa học, là ở Saudi Arabia hình như cơ thể (physic) có phần cao to hơn các sắc dân khác. Thật ra, đó chính là ấn tượng đầu tiên mà tôi có về người dân ở đây là họ có vẻ rất cao to, và cách ăn mặc áo thùng thình của họ càng gây ấn tượng những người khổng lồ. Ông khoa trưởng nhìn tôi, đảo mắt nhìn các đồng nghiệp tôi như là thăm dò ý kiến, rồi cười lớn và nói: Tôi nghĩ ông giáo sư còn thiếu một câu nữa chứ -- đó là béo phì. (Cần nói thêm rằng ở đây hình như người ta rất quan trọng danh xưng, nên ai cũng gọi tôi bằng danh xưng professor. Ngày đầu tiên tôi và các đồng nghiệp khác trong đoàn nói cứ gọi chúng tôi bằng tên, nhưng họ không chịu, riết rồi cũng quen). Thấy ông ta vui vẻ, tôi bèn nói: Ừ đúng là tôi muốn nói về tình hình béo phì ở Saudi Arabia. Ông ta cho tôi biết béo phì là một vấn nạn y tế công cộng ở Saudi Arabia, bởi vì tỉ lệ béo phì lên đến 70%, tức còn cao hơn nước Mĩ! Ngay cả ở thiếu niên, tỉ lệ này cũng đã vượt quá 50%!

Ông khoa trưởng cho biết chính ông ở trong tình trạng béo phì, cao huyết áp, và nguy cơ bệnh tiểu đường rất cao. Ông cho biết người Saudi ăn uống rất vô … kỉ luật. Ông nói nửa đùa nửa thật rằng người dân Saudi tiêu ra nhiều thời giờ để ăn hơn là để vận động cơ thể hay giải trí. Mà, ngay cả khi giải trí, họ cũng … ăn. Ông cho biết rằng một người ở vị trí như ông phải đi dự rất nhiều buổi lễ lạc, và trong những buổi lễ đó ăn uống là chính. Ông sợ đi dự lễ đến nỗi phải nhờ người khác đi dự -- nếu được. Tôi thấy một bữa ăn của người Saudi thường thường tràn trề thức ăn. Ngay cả một bữa ăn trưa trong giờ họp, mà họ bày la liệt những thức ăn (cũng trên 10 món) trên bàn. Nhưng thức ăn của họ cũng chẳng có gì để nói là ngon. Cũng có thể tôi chưa quen, nhưng quả thật tôi chưa thấy một món nào của người Trung Đông được gắn tính từ “ngon” cả. Một điều đáng nói là thức ăn của họ thường rất ngọt, đến nỗi tôi có cảm giác cái gì họ cũng để rất nhiều đường. Bánh ngọt của họ thì không thể nào ăn được do quá ngọt. Nhìn tổng thể, tôi thấy những yếu tố môi trường xã hội và văn hóa này là một mối đe dọa lớn nhất đến sức khỏe của người dân ở đây.

(Còn tiếp)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét