Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2009

Relative Deprivation và Annie Lê

Vụ giết hại Annie Lê, nghiên cứu sinh của Đại học Yale, đang được báo chí phân tích. Một trong những câu hỏi muôn đời trong các vụ án là: tại sao thủ phạm giết Annie? Chưa biết chính xác ai là thủ phạm, nhưng bằng chứng cho đến nay cho thấy Raymond Clark, 24 tuổi, nhân viên phụ tá trong phòng thí nghiệm nơi Annie nghiên cứu bị tình nghi là thủ phạm.

Hôm nay, báo Sài Gòn Tiếp Thị có đăng bài “Phát rồ vì mặc cảm hèn kém” của PGS TS Nguyễn Hữu Đức. Hình như bài này dựa một phần lớn vào những bài báo trên báo chí Mĩ, chẳng hạn như bài này trên abcnews..go.com:

http://abcnews.go.com/US/annie-le-success-suspect-ray-clark-cleaned-cages/Story?id=8618934&page=3

Trong bài này, tác giả đề cập đến “rối loạn mặc cảm hèn kém tương đối”, và trích dẫn ý kiến của “TS.BS Levin của đại học Northern University”. Thật ra, ở Mĩ không có đại học nào tên là Northern University cả. Ông Jack Levin là một điều tra viên của FBI, và nay là giáo sư xã hội học, chuyên về tội phạm học (criminology) thuộc Đại học Northeastern [University].

Cụm từ “mặc cảm hèn kém tương đối” kể ra cũng khó hiểu và cũng không dễ dịch. Gốc tiếng Anh của từ này là “relative deprivation”, do nhà xã hội học Sam Stouffer dùng lần đầu tiến vào năm 1949 trong cuốn sách American Soldier. Mãi đến thập niên 1980s các nhà xã hội học mới bắt đầu ứng dụng khái niệm relative deprivation trong các nghiên cứu của họ.

Relative Deprivation xảy ra khi một cá nhân hay một nhóm người có cảm nhận chủ quan rằng mình bị thua kém những người khác có cảnh ngộ giống với mình. Relative deprivation còn được sử dụng để đề cập đến tình huống mà một cá nhân hay nhóm người cảm thấy mình bị tước đoạt những cái mà người khác có, và họ nghĩ rằng đáng lẽ họ cũng phải có. Đối nghịch với Relative Deprivation là Absolute Deprivation. Cụm từ Absolute Deprivation hay được dùng đề cập đến sự yếu kém về giàu có hay sức khỏe là do các yếu tố bẩm sinh, . Do đó, tôi nghĩ Relative Deprivation không phải là “rối loạn” mà là một khái niệm xã hội học.

Giới xã hội học sử dụng khái niệm Relative Deprivation để giải thích nguyên nhân tội phạm và những xung đột trong xã hội. Trong trường hợp Annie Lê và Raymond Clark, có thể áp dụng khái niệm hay lí thuyết để giải thích vụ án mạng như sau:

• Annie Lê là người gốc Việt Nam, học giỏi, được nhận vào làm nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Yale. Đó là một vinh dự, một phần tưởng đáng kể.

• Raymond Clark là một người Mĩ da trắng, phụ tá (hay giúp việc) trong phòng thí nghiệm, rửa các y cụ trong phòng thí nghiệm.

• Clark cảm thấy chủ quan rằng đáng lẽ mình là người da trắng, phải hơn Annie, hay ít ra là phải có được những thành tựu như Annie. Nhưng trong thực tế thì Clark là người làm, người giúp việc cho Annie.

• Từ đó Clark cảm thấy mình phải cố gắng quân bình lại tình thế bằng cách tiêu diệt đối tượng làm cho tình thế mất quân bình.

Theo giới tội phạm học, đó có thể là một giải thích tại sao Annie bị thắt cổ cho chết. Giả dụ rằng Clark thắt cổ Annie, thì hành động thắt cổ đó được Giáo sư Levin giải thích là một hành động rất cá nhân, vì Clark muốn nhìn thấy người mình ghét chết một cách đau đớn để bù lại những khốn khó của y! Nếu Clark làm như thế thì hành động đó cũng cho thấy y là người có cá tính rất yếu và bất an (insecure).

Nhưng có lẽ chỉ có Clark hay thủ phạm giết Annie mới giải thích tại sao họ giết Annie. Tất cả lí thuyết tuy có phần thú vị, nhưng trong thực tế chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân của sự sát hại là gì.

Quay lại cụm từ “Relative Deprivation”, chúng ta nên dịch là gì? Tôi thì thấy “mặc cảm hèn kém tương đối” mà Gs NHĐ tuy thú vị nhưng không chính xác, bởi vì không hẳn là vấn đề hèn kém ở đây. Tôi thấy có lẽ “Mất mát tương đối” là dễ hiểu hơn, nhưng có lẽ các bạn đọc sẽ có ý kiến hay hơn. Tôi chở ý kiến của các bạn.

NVT

PS. Bài báo trên Sài Gòn Tiếp Thị tại đây:

http://www.sgtt.com.vn/Detail31.aspx?ColumnId=31&newsid=58201&fld=HTMG/2009/1015/58201

Ghi thêm: Một bạn đọc gửi email cho tôi góp ý về Relative Deprivation như sau:

"Cái Relative Deprivation dân luật bọn em, khi điều tra tâm lý tội phạm và trẻ vị thành niên phạm pháp, vẫn dùng là "Cảm giác bị tước đoạt". Thường thì những người này phạm tội do trầm uất lâu ngày, họ cho rằng chính người giỏi (xinh, giầu, khéo...) hơn mình kia là trở ngại để họ có thể "khá lên". Nếu không có "trở ngại" kia, đời họ có lẽ sẽ khác đi. Ý định phạm tội đến với họ nhiều khi bất chợt chứ không phải lúc nào cũng là nung nấu từ trước. Khi cơ hội triệt hạ "trở ngại" đột ngột hiện ra, nhiều người trong số họ nắm lấy và thực hiện việc phạm tội. Một số người sau khi thực hiện tội phạm thì hối hận, số khác thì thấy thanh thản, cũng có một số sau đó đã phát bệnh tâm thần.

Thật ra cái khó trong dịch thuật ngữ này là từ "Relative", nếu cứ dùng "tương đối" thì nghe nó hơi ngang tai. Về bản chất thì không có một sự tước đoạt nào cả mà chỉ là ở trong tiềm thức của người rơi vào trạng thái tâm lý này, vì vậy bọn em dịch nó là "cảm giác" để diễn tả trạng thái tâm lý đó. Nếu dùng chữ "mặc cảm" thì chỉ nói đến sự "thua kém", "tự ti" chứ không chỉ tính chất "thiệt thòi" "mất mát" trong tâm lý của người phạm tội."

Tôi thấy có lí: đây là "cảm giác bit tước đoạt" có lẽ đúng nhất với định nghĩa của khái niệm này.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét