- Ông đến Nhật để làm gì ?
Một nhân viên hải quan tuổi độ 30 vừa nhìn vào passport, vừa hỏi tôi một cách dò xét. Tôi vốn không ưa mấy câu hỏi loại “rất hải quan” này, nhưng cũng biết đó là loại câu hỏi chuẩn, nên cũng chịu khó trả lời cho qua:
- Tôi đi dự hội nghị.
- Hội nghị gì?
Năm nay, Hội loãng xương Nhật kết hợp với Hội loãng xương Hàn Quốc tổ chức hội nghị khoa học thường niên (lần thư 11) tại Thành phố Nagoya. Ban tổ chức có nhã ý mời tôi đi nói chuyện 2 bài cho hội nghị. Tôi đã từng đến Nhật 2 lần trước, một lần ở Tokyo và một lần ở Osaka (mà tôi có lần viết bài tường thuật). Nagoya nằm bên cạnh bờ biển Thái Bình Dương là thành phố lớn thứ 3 của Nhật, với gần 2.2 triệu dân. Hai thành phố lớn kia là Tokyo và Osaka. Nagoya thực ra là một thành phố kĩ nghệ, là thủ phủ của hãng Toyota. Cũng đã gần 10 năm nay, tôi mới có dịp quay lại Nhật và đi một thành phố mới, nên tôi nhận lời ngay.
- Hội nghị về loãng xương.
Anh ta tỏ vẻ thân thiện hơn với tôi, hỏi tôi đây là lần đầu đến Nagoya hay sao, và sẽ lưu lại Nagoya mấy ngày. Tôi cũng nhân dịp mà “bắt chuyện” cho vui. Anh ta không quên nói câu “Welcome to Nagoya”, rồi chúc tôi nhiều may mắn trong công việc. Đi đường mệt mà có một nhân viên hải quan thân thiện như thế này tôi cũng cảm thấy thoải mái đôi chút (chứ kiểu như hải quan Việt Nam thì càng mệt thêm J).
Lấy hành lí xong xuôi, tôi ra ngoài chờ người đối tác đến đón. Thật ra, tôi chẳng chờ gì cả, vì đã có ông Hiroshi Suzuki đang cầm bảng “Prof. Tuan V. Nguyen” để đón. Thấy tấm bảng, tôi từ xa nhìn ông ta và chỉ vào tôi như nói người ông đang tìm là tôi đây. Tay bắt mặt mừng. Chúng tôi ra bãi đậu xe, và ông lái xe đưa tôi về khách sạn. Trên đường đi, ông hỏi tôi liên miên, nào là đi đường có mệt không, chuyến bay có nhiều hành khách, ghế ngồi ông ta chọn có ok không, ăn uống ra sao … đến nỗi tôi thấy cảm động vì sự quan tâm có vẻ thật tình của người tôi mới gặp và quen lần đầu.
Phi trường Nagoya cách trung tâm thành phố cũng khoảng 40 phút lái xe. Đường đi rất tốt, không bị kẹt xe. Tuy nhiên, đường xá ở đây hẹp hơn nhiều so với Mĩ (ở điểm này thì Nhật có vẻ giống Úc). Tôi được ban tổ chức sắp xếp cho ở tại khách sạn Hotel Grand Court Nagoya (hình như là của tập đoàn ANA, hãng hàng không của Nhật). Khách sạn nằm ngay bên cạnh ga xe điện Kanayama, rất tiện cho việc đi lại trong thành phố.
Thật ra, sau vài ngày tôi mới nhận ra đây là một phong cách làm việc của người Nhật. Tôi đi nhiều nơi ở các nước phương Tây, họ cũng có chương trình làm việc như thế này, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi kinh nghiệm qua cách sắp xếp hết sức chi tiết và chính xác đến từng phút. Thật ra, anh ta nhắc đi nhắc lại cho tôi biết rằng mỗi sáng, tôi nên có mặt lúc mấy giờ và anh ta đến đón để đi phó hội. Ngay cả ăn uống, anh cũng hỏi tôi thích ăn món gì, Tây, Tàu, Ấn, Nhật, Hàn, v.v… để anh ta chuẩn bị tốt hơn. Chẳng lẽ tôi nói muốn ăn món Việt Nam, nhưng vì biết rằng ở thành phố này chẳng có bao nhiêu người Việt định cư nên một đòi hỏi như thế tôi e rằng làm phiền chủ nhà quá đáng, nên đành chọn món ăn địa phương cho “đậm đà” bản sắc dân tộc!
Symposium đột xuất
Đi dạo một vòng hội trường Nagoya Congress Center (NCC), tôi thấy poster quảng cáo symposium về di truyền với tên tôi khắp nơi. Điều này cũng không ngạc nhiên, vì bài đầu là do ban tổ chức hội nghị mời giảng, còn bài hai là do một công ti sinh học bảo trợ. Mà, công ti thì họ có tiền nên họ làm rầm rộ hơn ban tổ chức nhiều. Đối với tôi thì ai bảo trợ không quan trọng bằng việc mình phải làm cho tốt để không phụ lòng người bảo trợ. Do đó, thấy tên mình tùm lum trong hội trường mênh mông này, tôi cảm thấy như mình có thêm … gánh nặng.
Diễn giả được mời (invited speaker) của hội nghị năm nay chỉ có 4 người. Hai người từ Mĩ là Gs Steve Cummings (Đại học California, San Francisco), Gs Sarah Booth (Đại học Tuft), Gs Andre Uitterlinden (Hà Lan), và tôi từ Úc. Cả ba người kia đều là chỗ quen biết của tôi, đặc biệt là Gs Cummings và Uitterlinden, người rất thân mật với cá nhân và nhóm của tôi vì chúng tôi theo đuổi cùng một lĩnh vực nghiên cứu. Gặp nhau ở đây, trong môi trường Nhật và rất ít người nói thạo tiếng Anh, nên chúng tôi có vẻ tâm đầu ý hợp nhau. Tuy nhiên chỉ được 2 ngày đầu, vì ngày thứ 3 thì các vị kia bận đi tham quan do họ đã làm xong nhiệm vụ, còn tôi thì ngày nào cũng có việc để làm, nên chẳng đi đâu được. Thật ra, cũng không hẳn như thế, vì ngày thứ 3 là ngày tôi cũng “cúp cua” được một buổi để đi thăm lâu đài Nagoya và điện Atsuta trong thành phố.
Buổi symposium về di truyền của tôi diễn ra êm xuôi, với số người tham dự chỉ trên 100. Ngày hôm đó có đến 3 symposium, nên có lẽ các nhóm phải cạnh tranh nhau để thu hút người tham dự. Nhìn qua hội trường, tôi cũng thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc. Điều này cũng dễ hiểu, vì chỉ có người quan tâm đến vấn đề mới vào đây nghe. Cũng không loại trừ khả năng một số người vì tò mò muốn biết cái ông Prof Nguyen này nói gì. Cũng như các symposium bên Mĩ, ở đây người ta vừa ăn vừa nghe. Tôi nói về những khám phá gien mà nhóm tôi và trên thế giới đã công bố, rồi đề nghị một vài cách ứng dụng kết quả gien để tiên lượng bệnh tốt hơn. Thật ra, đây là những gì tôi đã nói và viết trong thời gian 10 năm qua, nên nếu ai hay đọc bài của tôi thì chắc sẽ nói ... nghe quen quen! Tôi nói đúng 50 phút, để dành 10 phút trao đổi và thảo luận. Phần thảo luận chỉ có đúng 5 câu hỏi, ít hơn là tôi dự đoán. Sau này tôi mới biết là ở đây cũng có văn hóa chiếu trên chiếu dưới như ở Việt Nam ta, tức là người trẻ ít khi nào đặt câu hỏi với giáo sư, chỉ có mấy ông bà “già” mới có ý kiến và bình luận nhiều. Không biết họ vì ngoại giao hay thật tình, nhưng sau khi tôi ra ngoài thì có nhiều người đến bắt tay khen tôi nói … hay. Có vài người còn lại xin chữ kí vì họ nói nghe tên tôi đã lâu, nay mới gặp mặt và nghe tôi nói chuyện. Trời, cứ như là ca sĩ !
Symposium thứ 2 của tôi là về áp dụng kết quả nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên vào thực hành lâm sàng (translating results of randomized clinical trials into clinical practice). Symposium này tổ chức ở hội trường chính (main hall), thu hút số người tham dự đông hơn (con số có lẽ lên đến 300) là symposium về di truyền. Tôi duyệt qua các kết quả của các nghiên cứu nổi tiếng trong quá khứ và đặt câu hỏi: phải sử dụng những kết quả này như thế nào cho bệnh nhân. Tôi sử dụng một số khái niệm về y học thực chứng như NTT (number needed to treat), NNH (number needed to harm) và chỉ cách ứng dụng chỉ số này để cân bằng giữa lợi và hại, để xác định ngưỡng nguy cơ cần được điều trị. Tôi cũng nói 50 phút và dành 10 phút thảo luận. Phần thảo luận này rất hào hứng, có lẽ vì đề tài dễ hiểu hơn là di truyền học. Tôi để ý đến một ông giáo sư Hàn Quốc hỏi tôi một câu hơi … buồn cười. Ông ấy (nói là “ông” chứ tuổi chỉ 50 gì đó thôi – tôi đoán thế) nói rằng đây là lần đầu tiên ông nghe đến khái niệm NTT (number needed to treat) và hỏi tôi là khái niệm này đã được chấp nhận trong y khoa hay chưa. Tôi ngạc nhiên vì ông này xem ra chẳng biết gì về EBM cả, nhưng cũng lịch sự trả lời cho ổng rõ. Tôi nhắc nhở nhẹ nhàng rằng khái niệm này đã được biết đến hơn 23 năm qua rồi, và hầu như nghiên cứu randomized clinical trial nào cũng trình bày NNT cả. Tuy nhiên, ông ta có vẻ rất thích thú với những ý tôi trình bày. Sau giờ giải lao ông ta lại hỏi tôi là “Bộ ông đến từ Việt Nam hả?” Tôi vui vẻ và còn hãnh diện nói: ừ, Việt Nam; còn mày, Nam Hàn phải không? Chúng tôi có những trao đổi chính trị Tàu – Việt Nam – Hàn Quốc hết sức thú vị, và tôi cũng chịu trận với những đòn anh ta chửi Tàu quá cỡ. :-)
Symposium 3 là một “sự cố” đột xuất. Theo chương trình, ban tổ chức dành 2 giờ để bàn về ứng dụng mô hình FRAX (do WHO phát triển) trong việc tiên lượng gãy xương cho bệnh nhân. Trong một buổi nói chuyện kiểu trà dư tửu hậu với ông chủ tịch ban tổ chức, tôi có nói sơ qua ý kiến của mình về FRAX. Tôi nói đại khái rằng mô hình FRAX chưa đạt những tiêu chuẩn khoa học để có thể áp dụng rộng rãi cho bệnh nhân. Ông này nghe qua có vẻ hấp dẫn, nên hỏi tôi có thể dành 20 phút để nói thêm chuyện này trong symposium. Đương nhiên là tôi vui vẻ nhận lời, và ông ta phải thay đổi chương trình một chút. Thế là đêm đó về khách sạn, tôi phải thức đến gần nửa đêm để chuẩn bị slides nói chuyện. Cái khó là phải nói làm sao cho thuyết phục mà không mang tiếng là phê bình nặng nề mô hình FRAX! Sáng hôm sau, ông chủ tịch tuyên bố có một thay đổi nhỏ, đó là ông ta đã mời được tôi chia sẻ kinh nghiệm và ý kiến với hội nghị. Ông ta giới thiệu tôi quá nồng nhiệt, làm tôi thấy hơi ngượng vì nghe ông ta đọc về mình cứ như là ông bầu quảng cáo ca sĩ không bằng. Tôi nói về 5 tiêu chuẩn khoa học cho một prognostic model, và chỉ ra rằng FRAX không đạt bất cứ nào một tiêu chuẩn nào. Tôi có dữ liệu lấy từ các báo cáo trong hội nghị của chính người Nhật để chứng minh những gì tôi nói là có cơ sở. Điều làm tôi tự hào là có lẽ qua bài nói chuyện này, tôi đã làm thay đổi cục diện của vấn đề. Ông chủ tịch cho biết là trước đây Hội loãng xương Nhật định dùng symposium này để kêu gọi áp dụng FRAX rộng rãi cho bệnh nhân, nhưng qua những ý kiến thành thật của tôi, Hội đã đề nghị phải nghiên cứu thêm về FRAX trước khi áp dụng. Nếu cho đó làm một đóng góp, tôi nghĩ mình cũng đã đóng góp cho họ, xứng đáng với đồng tiền bát gạo họ bỏ ra để mời tôi sang đây. Đêm đó về khách sạn, tôi có một giấc ngủ ngon.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét