Mấy hôm nay thấy báo QĐND đăng những bài nói về chống “Diễn biến hòa bình” tôi chẳng hiểu họ nói gì và nhắm vào ai. Cũng có vài bài nói về những người đang bị giam cầm vì tội tuyên truyền chống phá Nhà nước, nhưng cũng chẳng rõ ràng gì cả. Nhưng trên trang nhà của Quảng Ninh có đăng “Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ‘Diễn biến hoà bình’ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá” thì sẽ hiểu báo QĐND đang nói cái gì.
http://www.quangninh.gov.vn/So-GDDT/apm_sgd/0020d0.aspx
Trong đề cương này, có nhiều chỗ người soạn thảo dùng chữ “chúng”, chẳng biết chỉ ai. Có lẽ để chỉ những người không cùng quan điểm với Đảng chăng? Nhưng nhận định sau đây thì có lẽ “chúng” ở đây là Mĩ: “Chúng tập trung vào “chiến lược con người” để đào tạo một lớp người thân Mỹ và phương Tây. Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam. Đến nay chỉ riêng Mỹ đã có 15 chương trình, dự án lớn có liên quan đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo đang triển khai ở Việt Nam. Ngân sách của chính phủ Mỹ dành cho các chương trình Fulbringt Việt Nam tăng lên 4 triệu USD/ năm, còn “Quỹ giáo dục Việt Nam” mỗi năm dành 5 triệu USD cấp cho 100 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ, Đại sứ quán Mỹ ráo riết triển khai dự án “Góc Hoa Kỳ” nhằm quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ. Các cơ quan hoạch định chiến lược của Mỹ đưa ra bản “lộ trình 4 bước”, trong đó bước 4 có nội dung các trường đại học Mỹ được khuyến khích mở các cơ sở tại Việt Nam.”
Về báo chí và phản biện: “[…] Thời gian qua, có một số lãnh đạo và báo chí, phóng viên đã bộc lộ tư tưởng báo chí đối lập với Đảng, quá nhấn mạnh vai trò “phản biện” và lạm dụng “quyền lực xã hội” để đưa các bài viết công kích sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.”
Chẳng thấy nói gì đến việc phim ảnh Hàn Quốc tràn lan hiện nay ở Việt Nam. Cũng chẳng thấy nói gì đến phim ảnh nhảm nhí của Trung Quốc phủ đầy làn sóng tivi Việt Nam. Những phim ảnh đó, sản phẩm văn hóa đó cũng theo phong cách phương Tây đó chứ! Vậy thì tại sao lại lo ngại chuyện Mĩ giúp về giáo dục và đào tạo, mà tôi nghĩ là họ có ý tốt chứ chắc chẳng có "diễn biến hòa bình" gì cả. Vấn đề là bản lĩnh văn hóa của mình. Văn hóa mình yếu thì mình cảm thấy bị đe dọa, nhưng nếu văn hóa mình mạnh thì chẳng phải lo lắng xâm lăng văn hóa từ đâu cả.
Hình như Ban tuyên giáo giả định rằng ai theo học ở Mĩ cũng đều bị "nhiễm" văn hóa Mĩ và lối sống phương Tây, nhưng tôi ngờ rằng giả định này không hẳn đúng. Tôi sống và làm việc ở ngoài này cả gần 30 năm mà tôi vẫn là người Việt Nam, tôi vẫn nói tiếng Việt, vẫn ăn thức ăn Việt, vẫn mang trong người tình cảm Việt, tôi không sống theo phương Tây. Dù rằng trong thực tế cũng có vài người chạy theo và bị phương Tây "cảm hóa", nhưng số này không nhiều và phần đông là trẻ tuổi, nhưng một thời gian sau thì họ lại quay về với nguồn cội.
Mà, nếu có cách suy nghĩ theo phương Tây hay làm việc theo phong cách phương Tây thì có gì là sai hay xấu xa đến nỗi phải lên án chứ? Phương Tây cũng có nhiều (rất nhiều) điều để chúng ta học hỏi từ họ. Trong quá trình hội nhập, tôi lại nghĩ Việt Nam cần nhiều người có kinh nghiệm cọ xát với văn hóa phương Tây. Cứ nhìn sang Hàn Quốc, Nhật, hay Đài Loan thì thấy: những người du học ở phương Tây và Mĩ là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và khoa học.
Có khi, chính sự bảo thủ của ta làm cho ta tụt hậu và khó hội nhập thế giới. Cứ nhìn qua những quan chức Việt Nam đi công tác nước ngoài thì thấy là chúng ta "lép vế" như thế nào. Khả năng Tiếng Anh còn quá kém, làm chọ họ thụ động, không phát biểu được điều gì hay ho. Còn phong cách hành xử theo kiểu truyền thống Á châu thì không hợp với cộng đồng quốc tế. Chẳng nói gì xa xôi, ngay cả cách ăn mặc của một số lãnh tụ chính trị Việt Nam khi phó hội quốc tế cũng thấy rằng họ có quá nhiều sơ hở, có khi làm người ta cười cho.
Khổ thiệt! Chiến tranh lạnh đã qua lâu rồi, mà hình như ở VN vẫn còn những người suy nghĩ rất nóng. :-) Với cái nhìn này thì những bàn thảo về đại học đẳng cấp quốc tế, cải cách giáo dục, hội nhập khoa học, này nọ … sẽ rất khó dẫn đến hiệu quả nào.
Điều đáng buồn là thời đại này mà Ban tuyên giáo vẫn còn nói theo kiểu "chúng" và "ta", chẳng khác gì giữa kẻ thù và ta. Ngày nay, người ta không quan tâm đến chuyện anh theo chủ thuyết gì mà là anh là ai. Khi tôi đi dự hội nghị ở nước ngoài (như tôi thuật lại), ít ai hỏi tôi VN bây giờ là XHCN hay gì gì, mà là "anh là người Việt Nam hả"? Tôi nghĩ đó là một sự chuyển biến từ ý thức hệ sang căn cước tính. Mà, đặc tính để xác định căn cước chính là dân tộc và tôn giáo, hay nói chung là "văn hóa". Thành ra, cái mà chúng ta cần là trang bị cho mình một bản lĩnh văn hóa, chứ không phải những giáo điều chính trị.
NVT
Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009
Nhận định của Tuyên giáo về hợp tác đào tạo Việt-Mĩ
14:57
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét