Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2011

Sứ mệnh văn hóa và hãng hàng không quốc gia

http://www.vietnam-flights.net/images/anhtin/f6340d436c8575acf212bee00088023f.gif
Viết bài “Văn hóa của E dùi cui” tôi chỉ muốn chia vui cùng bạn đọc những cảm nhận và suy nghĩ của tôi về Vietnam Airlines. Không ngờ có khá nhiều bạn đọc viết thư về cung cấp thêm nhiều trường hợp bi thảm và có thể nói là rất thích hợp với hỗn danh E dùi cui (Air dùi cui). Nhưng ở đây tôi muốn bàn một khía cạnh khác, nghiêm chỉnh hơn về sứ mệnh văn hóa và hãng hàng không quốc gia.


Nước nào cũng có một hãng hàng không quốc gia gọi là “flag carrier”.  Mĩ thì có hãng United Airlines, Canada có Air Canada, Úc có Qantas, Anh có British Airways, và tương tự với Singapore Airlines, Thai Airways, Malaysia Airlines, v.v.  Việt Nam ta thì có Vietnam Airlines, hay VNA, nghe rất trang trọng.  VNA mang cờ Việt Nam ra thế giới.  Cũng có thể ví von như đem chuông đi đấm xứ người.  Chuông ở đây không phải là đánh đấm ai, nhưng là văn hóa Việt Nam.

Tại sao VNA tồn tại?  Theo suy nghĩ của tôi, lí do mà VNA tồn tại, không phải vì làm ra lời hay thua lỗ, mà là văn hóa.  Air France đem quốc kì của Pháp đi khắp nơi (điều đó đã là hiển nhiên), nhưng lí do quan trọng hơn là Air France là một phương tiện để nước Pháp hãnh diện phô trương với thế giới về công nghệ và kĩ thuật tuyệt vời của Pháp, về phong cách phục vụ của Pháp, về văn hóa Pháp qua ẩm thực.  United Airlines của Mĩ làm ăn thua lỗ nhưng chính phủ Mĩ vẫn giúp "nuôi sống", không phải vì lí do kinh tế mà là văn hóa và có khi chính trị. Đó là văn hóa hiếu khách của người Mĩ; là một cách phô trương công nghệ của Mĩ. Đó cũng là một cách nói với thế giới rằng Mĩ có mặt khắp nơi. Tôi nghĩ VNA cũng vậy, dù chúng ta không có kĩ thuật để phô trương, thì VNA cũng phải có trách nhiệm mang lá cờ Việt Nam đi khắp thế giới, trách nhiệm quảng bá văn hóa Việt Nam đến mọi người.

Thật vậy, logo của VNA là Bringing Vietnamese Culture to the World – tức là Đem văn hóa Việt Nam đến thế giới.  Sứ mệnh cao cả quá.  Vậy văn hóa Việt Nam là gì?  Có lẽ nói mãi cũng không nói hết được định nghĩa thế nào là văn hóa (vì các chuyên gia vẫn còn bàn cãi), nhưng tôi cảm nhận một số đặc điểm của văn hóa Việt Nam qua nhận thức (triết lí âm dương), tổ chức cộng đồng (nông nghiệp, làng xã), ứng xử trong xã hội (hiếu khách), ẩm thực, v.v. Liên quan đến VNA, tôi nghĩ những nét văn hóa Việt mà họ cần/muốn đem đến cho thế giới là tính hiếu khách, những món ăn ngon, hay nói tóm lại là những gì liên quan đến một phong cách phục vụ tốt.

Nhưng trong thực tế thì tôi e rằng VNA chưa làm tròn sứ mệnh đó.  Có lẽ phải nói là “không làm tròn sứ mệnh” thì đúng hơn.  Phong cách phục vụ của VNA còn rất nhiều vấn đề.  Hành khác đã liệt kê ra hàng trăm vấn đề trong cung cách phục vụ của VNA, từ khâu mua vé, kiểm soát vé, đến cách phục vụ trên máy bay.  Thiếu lòng hiếu khách (mặt mũi hình sự, la quát khách), không giúp đỡ khách (đứng trơ trơ nhìn khách nhọc nhằn), lười biếng (chỉ dành thời gian tán gẫu), vọng ngoại (khinh người Việt, trọng người ngoài), và đỉnh điểm của phong cách phục vụ VNA mới đây nhất là sự việc hành hung khách.  Nhưng hóa ra việc đe dọa và sử dụng dùi cui không chỉ mới xảy ra với võ sư Lê Minh Khương mà đã xảy ra với một hành khách ngoại quốc khác như phản ảnh trong bài dưới đây.  Chẳng lẽ văn hóa Việt Nam là như thế sao?  Thì đúng là Việt Nam từng có chiến tranh lâu dài, đánh đấm cũng nhiều, và con người cũng có thể vì thế mà bạo động và ác ôn với nhau.  Nhưng chiến tranh đã chấm dứt 36 năm rồi, tâm cũng đã tĩnh rồi, văn minh hơn rồi.  Tại sao không dùng chữ nghĩa để giải quyết vấn đề mà phải dùng đến dùi cui, đến bạo lực?  Một hãng hàng không phải dùng đến bạo lực để giải quyết vấn đề thì phải nói đó là một hãng hàng không hoặc là chưa chưa tiến hóa thành văn minh, hoặc thiếu giáo dục, hoặc thiếu tự tin, hoặc … vô văn hóa.

Theo tôi, VNA còn có trọng trách khác: đó là phương tiện để nối kết người Việt với nhau. Không biết các bạn thì sao, chứ tôi mỗi khi ở một phi trường xa tít bên trời Tây mà thấy cái máy bay màu xanh và logo hoa sen đó, tôi như thấy quê hương mình ở đó, đồng hương mình trong đó.  Tôi cảm thấy như mình rất gần với quê nhà dù ở xa quê cả vạn dặm.  Thế nhưng khi lên máy bay tôi phải ngậm ngùi đối đầu với một thực tế là VNA không có cùng lí tưởng văn hóa với mình. Cái văn hóa mà VNA đem đến cho thế giới làm cho tôi cảm thấy xấu hổ mà thôi.

NVT

===


http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2890


KỶ NIỆM NHỮNG LẦN “BAY” VỚI E DÙI CUI

[24.04.2011 11:17 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

“Có quá nhiều vấn đề về Vietnam Airlines (VNA), như thức ăn vô cùng tệ, ghế ngồi cũ kỹ, giải trí nghèo nàn. Nhưng những cái đó với mình không thành vấn đề. Mà vấn đề lớn nhất là thái độ của tiếp viên. Bỏ ra một đống tiền để mua lấy cái tức thì có họa là... dở hơi”, chia sẻ của Nguyễn Tuệ Anh từ Singapore.
Nhân những lùm xùm mới đây xung quanh thái độ “phục vụ” khách của Vietnam Airlines (còn gọi là Sorry Airlines, Vietnam Air Lie, hay gần đây nhất còn thêm hỗn danh “E dùi cui”), cũng như bài viết của GS. Nguyễn Văn Tuấn về thứ “văn hóa” hống hách, “thượng cẳng chân” của VNA, mình bất giác nhớ lại một số kỷ niệm tồi tệ với hãng này.

Lần đầu tiên mình bay với VNA là năm 2001. Trước đó, mình chưa từng bay quốc nội mà chỉ bay quốc tế, với Singapore Airlines, Cathay Pacific, Quantas, vv... Chuyến bay từ Nha Trang ra Hà Nội chiều 30 Tết năm ấy, mình không có ấn tượng gì đặc biệt. Cho đến khi bị một em tiếp viên quát vào mặt.

Mà chuyện chỉ có thế này: sau bữa ăn mình xin em một cốc trà. Có lẽ mình nói bé quá nên em ấy coi như không nghe thấy và không thèm trả lời. Mình khát quá mới rón rén đề nghị lần thứ hai: “Chị ơi làm ơn cho tôi xin một tách trà”. Chắc tại mình vẫn nói bé quá (cái giọng mình nó thế, không phải mình “làm hàng” gì cả), nên em quay sang lườm mình một nhát và quát: “Cái gì?”. Mình choáng, á khẩu, không thốt được nên lời!

Lần thứ hai mình bay với VNA là năm 2003: mình đi dịch cho một Hội nghị về Phát triển và Bảo tồn ngôn ngữ ở Bangkok, do Oxfam Hongkong mời. Vé máy bay do họ tài trợ nên mình không thể chọn hãng. Bay với VNA ra quốc tế mới thấy choáng với tiếng Anh của các em. Nói thật, mình là giáo viên dạy tiếng Anh, đã nghe rất quen các kiểu accent của người Việt nói tiếng Anh mà vẫn không luận ra nổi các em nói cái gì.

Phát âm thì sai be bét, mà còn nói nhanh. Không hiểu hành khách Tây cảm thấy thế nào, nhưng nếu mình là các bạn ấy, mình sẽ cảm thấy không an toàn. Vì nhỡ có sự cố gì xảy ra thì hỡi ôi, làm sao hiểu nổi các em nói gì để mà còn làm theo? Nhưng choáng nhất chưa phải là tiếng Anh của các em, mà là thái độ kỳ thị đối với hành khách Việt: cười rất tươi với các anh Tây nhưng khi quay ra bọn mình thì mặt lạnh te, nụ cười biến mất nhanh như ảo thuật vậy.

Nói chung sau hai lần đầu bay với VNA thì mình mất cảm tình vô cùng và tự nhủ sẽ không sử dụng dịch vụ của hãng này bất cứ khi nào có thể. Nhưng nếu bay quốc nội thì không phải cứ không muốn bay với VNA mà là được vì chả còn lựa chọn nào khả dĩ hơn. Vả lại, khi đi công tác thì cơ quan mua vé hãng nào mình phải chịu hãng đấy, không đòi hỏi được.

Lần thứ ba phải bay với VNA là năm 2007, mình đi công cán cho Bộ Giáo dục. Bữa ấy ngồi vêu ở sân bay từ 5 giờ 30 chiều đến 9 giờ 30 đêm mới được lên máy bay, sau ba lần hoãn bay không lý do. Hôm đấy mình đã được chứng kiến thế nào là “văn hóa dùi cui” của VNA. Khi một hành khách Tây phản ứng dữ dội về sự hoãn lên hoãn xuống, VNA cử ngay một dàn bảo vệ, nai nịt súng ống dùi cui vào đàn áp.

Mình có chụp ảnh cảnh đàn áp, định gửi cho báo chí, nhưng khi về lại Hà Nội bận bịu quá nên quên mất, rồi sau vài lần thay máy tính thì ảnh cũng để mất đâu rồi. Chuyện này có các cô và các bạn đi cùng mình chứng kiến, có thể xác nhận được cho mình.

Thử so sánh dịch vụ của VNA với Singapore Airlines (SA) để thấy khác biệt thế nào. Năm 2002 mình đưa mẹ sang chơi, nhưng lúc về mẹ phải tự đi một mình vì mình không về được. Giữa Việt Nam và New Zealand không có chuyến bay thẳng, mẹ mình phải transit ở Singapore một đêm. Mình rất lo vì cụ không biết tiếng Anh. Mình có viết thư cho SA nhờ giúp đỡ. Về sau mẹ mình có kể lại là SA phục vụ rất chu đáo và đưa cụ đi đến nơi về đến chốn.

Lúc ở sân bay Auckland thì họ đưa mẹ mình lên một cái xe đẩy (kiểu xe cho người già hoặc người đau ốm) để đưa đi làm thủ tục xuất cảnh, và đưa cụ vào tận cổng máy bay, giao cho tiếp viên rồi mới đi. Lúc xuống ở Changi lại có nhân viên SA đưa đi làm thủ tục nhập cảnh Singapore, và đưa ra tận xe shuttle giao cho lái xe để về khách sạn transit. Hôm sau xe của khách sạn đưa ra sân bay thì lại có nhân viên dẫn đi làm thủ tục xuất cảnh khỏi Singapore và đưa vào tận cổng máy bay về Hà Nội.

Đó là lần đầu tiên mẹ mình đi nước ngoài, lại không biết một từ tiếng Anh nào, mà vẫn chả có vấn đề gì. Năm ngoái mẹ mình sang chơi cũng đi bằng SA. Mình cũng viết sẵn cái thư nhờ giúp đỡ, dặn mẹ trước khi ra khỏi máy bay thì đưa cho một cô tiếp viên để cô ấy dẫn đi. Và tiếp viên của SA cũng dẫn cụ ra tận sảnh đến (arrival hall) giao cho mình, còn cẩn thận hỏi đi hỏi lại mình là cụ có gửi hành lý không vì họ dẫn ra chỗ để hành lý thì cụ lại... lắc đầu.

Ở nhà mọi người cứ bảo mình nên mua vé của VNA cho mẹ đi lại cho tiện. Nhưng mình sợ các em tiếp viên hắt hủi mẹ mình lắm. Vả lại, mẹ mình có bệnh tim, nhỡ có chuyện gì xảy ra, chắc là VNA sẽ mặc xác. Còn SA thì đã có lần mình chứng kiến họ nhiệt tình cấp cứu hành khách bị ngất trên máy bay thế nào, nên dù họ không nói được tiếng Việt, mình vẫn thấy yên tâm giao mẹ mình cho họ trông nom giúp đỡ.

Có quá nhiều vấn đề về VNA, như thức ăn vô cùng tệ, ghế ngồi cũ kỹ, giải trí nghèo nàn. Nhưng những cái đó với mình không thành vấn đề. Mà vấn đề lớn nhất là thái độ của tiếp viên. Bỏ ra một đống tiền để mua lấy cái tức thì có họa là... dở hơi. Cho nên mình vẫn giữ quan điểm, trừ khi bay quốc nội thì đành phải dùng đến VNA, còn bay quốc tế thì VNA không bao giờ là lựa chọn của mình.

Thà đi hàng không giá rẻ Tiger Airways (ngày xưa toàn bay vào giờ oái oăm), còn hơn!

Nguyễn Tuệ Anh, từ Singapore

Đạo đức chuyên môn của giới an ninh sân bay

http://www.hanoiairportonline.com/images/hanoi43.jpg
Bài viết sau đây là của một anh bạn nhờ đăng. Chúng ta đã nghe nhiều về phong cách “phục vụ” của tiếp viên Air Dùi Cui, nhưng ít ai phản ảnh văn hóa của nhân viên hải quan và an ninh trong nhà ga. Bài viết sau đây của anh Hoài Ngọc kể lại một sự việc có thể nói là nhỏ, nhưng ý nghĩa thì không nhỏ chút nào: đó là thái độ của nhân viên hải quan đối với hành khách ở các phi trường. Cái gốc của vấn đề, theo tôi, là giáo dục và cái mà tiếng Anh gọi là professional ethics – tạm dịch là đạo đức chuyên môn. Theo tôi thấy giới hải quan và an ninh phi trường thiếu đạo đức chuyên môn, nên thái độ của họ có phần thô lỗ và thiếu lịch sự. Chỉ có một cách cải tiến tình hình: nên cho họ đi nước ngoài để học phong cách hải quan và an ninh của các nước văn minh. NVT


===



Đạo đức chuyên môn của giới an ninh sân bay


Hoài Ngọc

Cách đây mấy năm, sau chuyến công tác Hà Nội, tôi ra sân bay Nội Bài đáp chuyến bay trở lại Sài Gòn. Anh trai tôi một cựu chiến binh và mấy em, cháu nữa cùng đi tiễn tôi. Anh em chào tạm biệt nhau bên ngoài hàng rào chắn, tôi đi qua hàng rào, hướng đến quầy soát vé trước khi qua cổng kiểm tra an ninh con người, để vào phòng chờ lên máy bay … Sau quầy vé có một cô nhân viên đứng sẵn, bên cạnh là một lính biên phòng mặc sắc phục tươm tất, mày râu nhẵn nhụi, đứng nghiêng người tỳ khuỷu tay lên bàn quầy. Tôi bước tới trước mặt cô nhân viên, móc túi lấy vé đưa ra. Bỗng nghe anh lính biên phòng buông hai tiếng cụt ngủn, khô khan như một khẩu lệnh trong quân đội:

- Xếp hàng

Tôi sững lại, ngơ ngác nhìn quanh, không có khách nào xếp hàng, không có cái hàng rào tạo ra hành lang xếp hàng. Nghĩa là, không có dấu hiệu gì về một cái “hàng” cho khách đứng theo. Tôi cũng buông câu trả lời:

- Làm gì có hàng mà xếp !

Tay biên phòng gằn giọng, nhiệt độ giọng nói tăng lên:

- Hàng ở kia.

Và ngón tay gã lính chĩa xuống phía sau lưng tôi, trên mặt đất. Tôi quay người nhìn theo: một cái vạch sơn đỏ, sậm màu do bẩn bụi đất, mờ mờ vì nhiều giày dép chà xát, cách chỗ tôi đứng khoảng hai thước.
Anh trai tôi còn đứng bên kia hàng rào barrie, cách xa vài chục thước, vẻ nhấp nhổm, nôn nóng, lớn tiếng hỏi “Có chuyện gì thế ?”. Tôi giơ tay ra hiệu “không có chuyện gì” bởi vì ngại nói to những điều chẳng đáng nói, thực là vì tôi buồn quá.

Tôi thong thả lùi lại, đứng sau vạch sơn đỏ bẩn như quết trầu của bà già ngày xưa, lòng trĩu nặng buồn bã về thái độ trịch thượng, thô lỗ của một tên lính thời bình ở ngay sân bay thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Tôi giận gã lính thì ít mà buồn nhiều vì sự cẩu thả trong việc giáo dục quân nhân của “Đảng ta”. Bất kỳ người lính nào bây giờ cũng thuộc lòng sáu chữ “Trung với Đảng, hiếu với dân” nhưng có mấy ai nhớ ba chữ đi sau “Hiếu với dân” ?! Đảng chỉ cần người lính thuộc lòng ba chữ đầu thôi.

Khi đã vào phòng chờ ra máy bay, tôi mới rút điện thoại nói chuyện với ông anh (lúc này hẳn đã rời khỏi Nội Bài quay về nhà). Tôi hờn mát mà nói: uổng công anh ném cả tuổi thanh xuân vào chiến trường B, K, nay trở về quê làm nông dân, khonah tay đứng nhìn mấy gã lính thời bình mặt non choẹt được Đảng cưng chiều, hỗn láo với cả nhũng người đáng tuổi cha chú, mà chẳng làm gì được nữa rồi.

Tôi làm nghề giáo dục nên rất nhạy cảm với vấn đề này. Ngành hàng không cần phải soạn kỹ tài liệu dạy dỗ nhân viên trong ngành, binh chủng biên phòng cũng phải biết dạy dỗ lính tráng những bài học đơn giản nhất về thái độ đối xử với nhân dân. Dễ lắm, có khó gì đâu ! Khó là, họ có đủ ý thức trách nhiệm về việc dạy dỗ người của họ hay không.

Thực ra tôi vốn ác cảm với các hãng “quốc doanh”, những lần khác tôi đều chọn Pacific Airlines, tiếc rằng hãng này luôn nằm ở thế “hạ phong”, khó đáp ứng yêu cầu hành khách, mọi ưu tiên E dùi-cui giành giữ hết rồi.

Trong một chuyến khác, tôi đi hãng máy bay South China từ Tân sơn nhất sang Quảng Châu, nhận thấy dàn tiếp viên Tàu cũng với những bộ mặt lạnh như tiền kẽm, như lời anh Nguyễn Văn Tuấn hóm hỉnh viết về tiếp viên của hãng E dùi cui VNA “chẳng bao giờ thấy nàng cười”. Tôi chưa được đi hãng hàng không Âu-Mỹ như GS Tuấn nên chả biết đâu mà so sánh. Thôi thì, tôi so sánh hai hãng mà tôi biết vậy. Có cái gì đó giống nhau giữa hai hãng hàng không XHCN láng giềng này? Mẫu số chung của nó là gì đây ?

Hình như trong hệ thống đạo đức ứng xử với hành khách của hai hãng hàng không này mắc cùng một lỗi hệ thống. Muốn chữa trị ắt phải trị lỗi hệ thống, nếu không thì cứ tốn công đi vá víu hoài những lỗi bộ phận như “vụ áp giải võ sư Lê Văn Khương” ở sân bay Đà Nẵng, cái sân bay từng được thiên hạ ghi nhớ cảnh một sĩ quan cảnh sát giao thông múa gươm giữa đường băng năm nào.

PHN

Tư liệu về cái chết của Phạm Quỳnh

http://phamquynh.files.wordpress.com/2010/01/pham-quynh-chu-but-nam-phong.jpg
Ngày nay chắc chẳng còn bao nhiêu người nhớ đến ông Phạm Quỳnh. Ông là một nhân vật lịch sử, một quan chức cao cấp trong triều Nguyễn. Ông còn là một đại trí thức, nhà văn hóa, nhà báo kiệt suất. Ông giỏi tiếng Pháp (cách đây 4 năm, tôi có giới thiệu một cuốn sách tập hợp những bài tiểu luận viết bằng tiếng Pháp của ông). Ông cũng là nhà báo xiển dương việc dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Nho và tiếng Pháp.  Là người đấu tranh độc lập và tự trị cho Việt Nam. Thế nhưng ông chết thảm.  Theo wikipedia, ngày 9/3/1945 khi Nhật đảo chính Pháp, và chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, ông về sống ẩn dật ở Huế.  Ngày 23/8/1945 ông bị chính quyền cách mạng bắt giam ở Huế, kết án tử hình, và sau đó không lâu bị hành hình cùng với ông Ngô Đình Khôi (là anh ruột của nguyên tổng thống Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của ông Ngô Đình Khôi). Mãi đến tháng 2 năm 1956 người ta mới tìm thấy di hài của ông trong một chùa ở Huế. Cái chết của ông vẫn còn là một bí ẩn, vì ít ai biết được chi tiết ra sao, và tại sao một người yêu nước như thế mà bị chính quyền giết. Bài dưới đây đăng trên blog của Pham Ton vén bức màn bí ẩn cho chúng ta. Đọc thấy chữ "làm việc" mà chắc nhiều người thấy quen quen.  Vẫn không có gì thay đổi về cách làm việc dù đã gần 70 năm trôi qua. Thấy tư liệu quí, tôi copy về để bạn đọc tham khảo.  NVT


VỀ NGÀY “ỦY BAN KHỞI NGHĨA THUẬN HÓA MỜI PHẠM QUỲNH RA LÀM VIỆC”

ĐỂ RỒI “ĐI KHÔNG BAO GIỜ TRỞ LẠI”

Đại tá, Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan

Lời dẫn của Phạm Tôn: Chúng tôi đã đăng bài Góp phần tìm hiểu và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất Tất Nhiên” của Đại tá Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan, ký bút danh Sông Hương, và được đông đảo bạn đọc ở trong nước và cả ngoài nước nữa hoan nghênh, khen ngợi, truyền cho nhau đọc…
Kỳ này chúng tôi lại may mắn được Đại tá Tiến sĩ ưu ái gửi cho một bài mới, kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, đúng phong cách của nhà sử học chân chính, nhưng vẫn với bút pháp rất độc đáo của ông, lật đi lật lại vấn đề nhiều lần, dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thể hiện sự tin tưởng vào lương tri và trình độ hiểu biết của bạn đọc.

Xin mời các bạn cùng thưởng thức để có thêm những suy nghĩ mới về một vấn đề xảy ra cách nay đã hơn 60 năm.
*
*      *
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, Phạm Quỳnh “ở nhà”, không tham gia chính phủ Trần Trọng Kim. Mặc dù chính phủ của ông Kim gồm phần lớn các bộ trưởng là những người yêu nước, ghét Pháp, cũng không ưa Nhật.

(…)


Theo lời Phạm Quỳnh, ông muốn “nghỉ việc”, để chăm lo vào đường văn học. Tổng khởi nghĩa diễn ra ở Huế, ông vẫn bình tĩnh. Con cháu tham gia biểu tình, ông chẳng những không ngăn cản mà còn khuyến khích, bảo người nhà mua và may cở đỏ sao vàng cho con cháu đi biểu tình. Có lẽ ông cho mình là một người yêu Tổ Quốc – theo cách của ông – đòi Pháp trả lại quyền cho vua Việt Nam – đấu tranh cho một nền quân chủ lập hiến hiện đại, v.v… Và cũng biết mình chưa nắm được tình hình diễn biến của thế sự, tin (cả tin) vào suy nghĩ của mình, không lường được những gì sẽ xảy ra, chủ quan không chủ động tìm hiểu thông tin để tự bảo vệ.[1]


Ngày 23 tháng 8 năm 1945, hai sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến – Huế là Đặng Văn Việt và Cao Pha[2] hạ cờ quẻ ly ở Kỳ đài Huế, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Vào lúc 14 giờ, lá cờ rộng chừng 100 mét vuông ấy đã tung bay trên bờ sông Hương, trước núi Ngự Bình, trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu.

Ngày 23 ấy, nhân dân Thừa Thiên-Huế đã tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.-

Cũng trong ngày 23, “Tôi (Phan Hàm sinh viên trường Thanh niên Tiền tuyến Huế-NVK chú) nhận lệnh, nghiên cứu thì được biết thêm là trong nhà Phạm Quỳnh cũng như nhà Ngô Đình Khôi đều có rất nhiều súng ống. Vì vậy buổi sáng hôm ấy, anh Hồ[3] và tôi phải cải trang đi trinh sát địa hình trước. Kết quả chỉ biết đích xác nhà (biệt thự Hoa Đường), sân, còn trong nhà không rõ. Đến trưa ông Phan Tử Lăng[4] trực tiếp chỉ thị cho tôi: đến trại Bảo An binh, ông ta sẽ phối thuộc cho hai tiểu đội lính Bảo An (một tiểu đội do tôi chỉ huy, một tiểu đội cho anh Việt chỉ huy) để giúp vào việc đi bắt hai tên Việt Gian đầu sỏ này. Ông ta còn nói thêm: “Bắt được rồi đem về lao Thừa Phủ, rồi báo xuống sân vận động Huế người ta biết, mở màn cuộc mít tinh.”

“Mệnh lệnh rất ngắn mà chúng tôi mang theo chỉ thấy nói “Ủy ban Khởi nghĩa Thuận Hóa mời Phạm Quỳnh ra làm việc”. Tôi được trang bị một khẩu súng lục St.Etienne 6.35. Khi xe của tôi vòng vào sân, thấy Nguyễn Tiến Lãng trong nhà chạy ra. Lúc bấy giờ trên áo tôi đã có cái băng cờ đỏ sao vàng nên Lãng biết, toan chạy. Tôi đưa súng lên bắn thì kẹt đạn, nên bắt lên xe luôn. Anh Hồ lên lầu bước vào phòng Quỳnh đang chuẩn bị nghỉ trưa. Đưa giấy “mời” ra, ông ta thản nhiên đứng dậy mặc áo ra đi.



Phần cuối tập tư liệu 10 trang do chính tay Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993 và Tuyên huấn Tỉnh  ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993. Có chữ ký trên tên do Thiếu tướng viết.

“Tôi lục soát khắp nhà (Chúng tôi nhấn mạnh-N.V.K) chẳng thấy súng đạn đâu cả ngoài khẩu súng săn cỡ 12 ly của con trai ông ta và ít đạn săn. Con trai của ông ta là Phạm Khuê cũng đi dự mít tinh, ở nhà chỉ còn hai cô con gái là học sinh trường Khải Định trước đây” (…) “Đây là ý kiến tôi muốn đóng góp với những bản tổng kết quân sự, Đảng, chính quyền của tỉnh nhà”.[5]

“Chúng tôi đưa những người bị bắt về lao Thừa Phủ, sau đó giao cho anh Nguyễn Trung Lập[6] đưa họ đi khỏi thành phố Huế để tránh sự dòm ngó của người ngoài[7].

Ngày 28 tháng 8, Pháp cho sáu tên nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Mười ngày sau (6 hoặc 7 tháng 9) lại có một toán người Pháp khác đổ bộ vào Thuận An. Bọn nhảy dù xuống Hiền Sĩ, vừa xuống mặt đất đã hỏi thăm người địa phương “Phạm Quỳnh ở đâu? (nguyên văn tiếng Pháp: Où est Pham Quynh?)”

Trong khi đó, cũng ngày 23 “sáng, Hồ Chí Minh (rời Tân Trào từ ngày 22 để về Hà Nội) đi qua huyện Đa Phúc, Phú Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Chiều, người qua sông Hồng ở bến Phúc Xá. Tối người đến nghỉ trong nhà ông Công Ngọc Kha ở làng Gạ (Phú Gia, huyện Từ Liêm)[8]”. Ngày 24 người nghỉ tại đây. “Sáng ngày 25, tại làng Gạ, Người nghe các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh từ nội thành ra báo cáo8. “Chiều, người đi ô tô vào Hà Nội, dừng ở số nhà 35 phố Hàng Cân, lên gác tầng hai nhà số 48 phố Hàng Ngang”8. Ngày 26, Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Ngày 27, Người họp với Ủy ban Dân tộc Giải phóng, “đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập chính phủ thống nhất quốc gia bao gồm cả những đảng phái, những người có danh vọng”8

Ngày 28, Hồ Chí Minh đến làm việc tại nhà số 12 Ngô Quyền, dành thời gian soạn Tuyên ngôn độc lập. Được báo cáo là Trần Huy Liệu cùng phái đoàn đã vào Huế nhận ấn kiếm của Bảo Đại thoái vị, Bác nói với Hoàng Hữu Nam: “Chú tìm một người[9] thay chú vào Huế gặp Phạm Quỳnh đưa thư tôi mời cụ Phạm[10]

Trong đêm 23 tháng 8, chính phủ cách mạng lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị. Chiều 30 tháng 8, Bảo Đại nộp ấn, kiếm  cho phái đoàn chính phủ ta[11]


Trở lại ngày 27 tháng 8, khi họp Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Hà Nội, chưa  rõ là Chủ tịch Hồ Chí Minh có “đả động” gì đến Phạm Quỳnh không? Và Người có kịp căn dặn Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Huy Cận vào Huế tìm hiểu hoặc đến thăm Phạm Quỳnh?

Ngày 28, Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ. Ngày 30, Trần Huy Liệu – nếu có tìm gặp Phạm Quỳnh cũng không được. Vì, có thể là những người lãnh đạo Ủy ban Khởi nghĩa cho biết là “có dấu hiệu Pháp liên lạc với Phạm Quỳnh” hoặc là Phạm Quỳnh bị bắt và đã giải đi xa rồi… Trần Huy Liệu chắc là có báo tin về Hà Nội, nên ngày 30 tháng 8 (ngày tiếp nhận thoái vị của Bảo Đại), Hoàng Hữu Nam đã thưa với Bác: “Ông Phạm Quỳnh đã bị bắt”[12] thì Bác đã nói ngay “Bất Tất Nhiên”.[13]

Ngày 31, Vũ Đình Huỳnh đưa các cô Phạm Thị Giá, Phạm Thị Thức đến gặp Hồ Chủ tịch, báo tin cha mình (Phạm Quỳnh) đã bị bắt.

Bảy ngày sau, tức mùng 6 hay 7 tháng 9 năm 1945[14], theo Phan Hàm, Võ Quang Hồ, sau khi Giải phóng quân Huế được thành lập vào ngày 1/9 thì có tin tàu Pháp xuất hiện ở cửa bể Thuận An[15]. Võ Quang Hồ cùng một số chiến sĩ có vũ khí đi thuyền áp mạn tàu Pháp, leo lên tàu Pháp đưa thư của ta cho chúng. “Xem xong thư, tên Pháp ôn tồn nói: Mời các ông lên bờ trước, tôi cho tàu nhổ neo sát vào bờ, rồi dùng ca nô lên bờ sau. Khi thuyền của Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên15 cặp bờ thì tàu Pháp nhổ neo, giương buồm, hướng biển khơi mà chạy.[16] Có thể là “sau đó” Phạm Quỳnh bị bắn, nhưng bị bắn vào ngày nào?

Báo Quyết Thắng, cơ quan tuyên truyền và tranh đấu của Việt Minh Trung bộ, số 11 ra ngày 9/12/1945, cho biết: “Cả ba tên Việt Gian đại bợm (Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Huân) bị bắt ngay trong giờ cướp chính quyền, 2 giờ (chiều) ngày 23/8 và đã bị Ủy ban Khởi nghĩa kết án tử hình và đã thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”[17].

Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế bấy giờ là Tố Hữu. Vậy, ông Phan Tử Lăng nhận lệnh đi bắt Phạm Quỳnh hẳn không phải là do ông Tôn Quang Phiệt Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hay ông Hoàng Anh – phụ trách chính trị đại diện Đảng bố trí trong chính quyền – ra lệnh, mà phải là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa.
Theo tư liệu nước ngoài, sau khi tàu chiến Pháp vào cửa Thuận An ngày 6 tháng 9, có lẽ Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa cho rằng “Pháp có thể tiếp tục tìm bắt liên lạc với Phạm Quỳnh (dù chỉ có một câu nói của nhóm nhảy dù “Phạm Quỳnh ở đâu?”. Cũng không rõ bọn Pháp hỏi để nhờ Phạm Quỳnh làm “phiên dịch” hoặc “tôn” Phạm Quỳnh lên làm chức gì đó?) nên họ xử lý ngay.



Sau khi Phạm Quỳnh “lên xe đi” (và “không bao giờ trở về nữa”), ông vẫn tin “Cách mạng sẽ cho về”. Và lúc nhận viên đạn trước khi rời bỏ cuộc đời, sự nghiệp còn dở dang, ông vẫn tự cho mình là không có tội với Nước – có chăng là chưa thuận theo thời đại – ông vẫn không tin rằng “Cách mạng, những người Cộng sản Việt Minh” lại xử bắn mình. Vì thế ông mới hét lên “Quân sát nhân!” (Quân giết người).

Theo Vũ Đình Huỳnh, khi ông Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội gặp Bác và báo cáo “Cụ Phạm Quỳnh đã bị khử rồi” (nguyên văn). Bác nói: “Giết một học giả (chú ý: Bác không nói người mà nói học giả) như vậy thì nhân dân ta được gì? Cách mạng được lợi ích gì? Tôi đã từng gặp, từng giao tiếp với Cụ Phạm (chú ý: Bác dùng chữ Cụ) ở Pháp. Đó không phải là người xấu”[18]

Trở lại với thông báo của Việt Minh Trung Bộ, ta có thể đặt các câu hỏi sau đây:

a) Tại sao đã xử bắn “Kết án tử hình” từ ngày 6 (7) tháng 9 năm 1945, mà mãi đến ngày 9 tháng 12 mới ra “thông báo”?

b) Bản án đã “thi hành ngay trong thời kỳ thiết quân luật”. Vậy “thời kỳ thiết quân luật” bắt đầu từ ngày nào đến ngày nào, trong phạm vi địa phương nào? Có được chính phủ cho phép?
c) Ủy ban Khởi nghĩa “kết án tử hình”. Vậy bản án ấy số bao nhiêu? Ai là quan tòa? (Hoặc do thời kỳ cách mạng, bão táp, v.v… và v.v…)

d) Thông báo viết: “Phạm Quỳnh còn dựa vào thế lực Pháp (…) bóc lột vơ vét tài sản quốc dân…”. Vậy, khi khám nhà Phạm Quỳnh đã thu được được bao nhiêu “tài sản”, vàng bạc, v.v…? Có mâu thuẫn gì không với ý kiến của thiếu tướng Phan Hàm: “Chẳng thấy dấu hiệu gì (chứng tỏ liên lạc với Pháp), cũng chẳng có tài sản gì…( ngoài khẩu súng săn)? Và nếu thu được “tài sản” liệu có thống kê không, danh mục ai thu, ai giữ, gửi ai, cơ quan nào bảo vệ?

đ) Tờ thông báo này là một công văn của “Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Nguyễn Tri Phương, Thừa Thiên-Huế gửi Toà án Quân sự Thuận Hóa

Thông báo này có hai điểm cần xem xét:

1/ Cho đến ngày 9/12/1945, nghĩa là sau khi nước ta tuyên bố độc lập, có chính phủ rồi, hệ thống chính quyền ở các địa phương là Ủy ban Nhân dân kỳ, tỉnh, huyện…liệu có phải chỉ riêng ở Thừa Thiên-Huế vẫn tồn tại Ủy ban Khởi nghĩa?

2/ Tòa án quân sự Thuận Hóa – sự thật đã có hay chưa? Ai là chánh án?

Trong sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 3, NXB Chính trị Quốc gia, 1993, trang 17 có viết: “Ngày 13 tháng 9, sắc lệnh số 33C quy định lập Tòa án Quân sự ở Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Ninh Bình), ở Trung Bộ (Vinh, Huế, Quảng Ngãi…) Tòa án Quân sự sẽ xử tất cả những ai có hành động phương hại đến nền độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Những quyết nghị của Tòa án Quân sự sẽ đem thi hành ngay (không có quyền chống án –NVK chú) trừ trường hợp tử hình (Chúng tôi nhấn mạnh – NVK), cần có thời gian cho tội nhân xin ân giảm (chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền ân giảm – NVK chú) nếu họ muốn và phải được ghi vào bản án. Nếu không, bản án (tử hình – NVK chú) thành vô giá trị”.

Xử Phạm Quỳnh trước khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự, “cũng phải” thôi! Sau khi có sắc lệnh lập Tòa án Quân sự ngày 13/9/1945 rồi, tại sao đến ngày 9 tháng 12 cùng năm, Ủy ban Khởi nghĩa mới báo cáo lên tòa án – một việc đã làm cách đó hơn ba tháng? Với mục đích gì? Nhằm giải quyết việc gì?

Phải chăng đây là một “tờ trình” cho hợp lệ, khi Ủy ban Khởi nghĩa có thể không còn, thời gian “thiết quân luật” đã qua, việc “kết án tử hình đã thi hành ngay rồi”. Cũng cần nói thêm là khó có thể tránh…Tuy nhiên, nước nhà đã độc lập, đã có chính phủ, chính quyền các cấp, người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải được hưởng quyền công dân (tự do báo chí, hội họp…không bị xâm phạm thư từ, tài sản, càng không được xâm phạm tính mệnh). Nhưng những người lãnh đạo ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, chịu trách nhiệm trước dân lại vô tình (hay hữu ý?) không biết (hay cậy quyền?) dựa vào uy tín của cách mạng, tự tiện quyết định mà không cần xin phép, không báo cáo…Họ chủ trương (có hay không?) làm một việc đã rồi. Khoan nói đến tầm nhìn hạn hẹp, ấu trĩ, mà cần xem xét sự việc này như là một “di căn” của “đấu tranh giai cấp” từ 1930 – 1931 còn sót lại, với “Trí-Phú-Địa-Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” của những “nhà cách mạng yêu nước” tinh thần cao nhưng lại giáo điều, tả khuynh “hủ Mác”.[19]

Tạp chí Tri Tân số 205 ra ngày 7/9/1945 (suýt soát ngày 6 (7) Phạm Quỳnh bị thủ tiêu) đăng bài Cuộc hội đàm giữa Cụ Hồ Chủ tịch với ba đại biểu Liên đoàn Văn hóa (Trương Tửu, Thượng Sĩ, Nguyễn Đức Quỳnh- NVK chú).

Trong buổi gặp ấy, Cụ Hồ có nói: “Trong chính phủ lâm thời có cả vua, quan lại cũng có, địa chủ cũng có, nông dân cũng có, công nhân cũng có (chú ý: Bác không nói Việt Minh – Cộng sản – Dân chủ – Quốc Dân đảng – NVK chú)… Lúc này bất cứ người nào miễn là có tài và đừng phản cách mạng thì có thể phụng sự quốc gia, Tổ quốc”[20]

Chắc chắn là vẫn còn những nhân chứng, chi tiết, sự kiện mà lịch sử chưa tiếp cận được, chưa khai thác được, hoặc chưa tìm ra, chưa công bố được nhiều vụ việc – trong đó có “vụ Phạm Quỳnh.”

Chúng ta có thể tự an ủi rằng: Bác Hồ đã “gặp” Phạm Quỳnh rồi mà vẫn “lỡ”[21]. “Gặp” ở tinh thần yêu nước, muốn làm gì đó để nước thoát khỏi ách nô lệ, mỗi người theo cách riêng của mình, “gặp” ở tri thức, “gặp” ở sự cống hiến cho Tổ quốc. Còn “lỡ” là “lỡ” không kháng chiến, kiến quốc, “lỡ” để mất đi “một học giả”… khi chính Cụ Hồ, Tổ quốc đang rất cần những “học giả” như thế…

Không phải là “bới lông tìm vết”. Mà khoa học lịch sử là phải công bằng, rõ ràng công, tội: Công bao nhiêu, tội bao nhiêu?.

Không thể “mờ mờ nhân ảnh”, để thế hệ này và cả các thế hệ mai sau cũng “mờ mờ” theo[22]
N.V.K

[1] Xin nói rằng bộ phim Ngọn nến hoàng cung, dù là phim “tiểu thuyết lịch sử” (do đạo diễn tuyên bố) nhưng đã “sáng tác” ra  quá nhiều chi tiết-sự kiện phi lịch sử – sai lệnh về cách ứng xử, nhân cách của các nhân vật trong phim.

[2] Đặng Văn Việt, năm 2009 vẫn còn sống, ở tuổi 90, là “đệ tứ quốc lộ đại vương”, vua đường số 4 những năm 1949-1950; Cao Pha, thiếu tướng Cục Tình báo, đã mất.

[3] Võ Quang Hồ, thiếu tướng, 120/6 đường Lê Văn Thọ, Phường 11, Quận Gò Vấp, TpHCM. Điện thoại số: 3996 7419

[4] Phan Tử Lăng bỏ nghề dạy học để đi học Võ bị Tông, cùng khóa với Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng hòa sau này, được chính phủ Trần Trọng Kim giao “Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang của chính phủ”, trực tiếp chỉ huy lực lượng Bảo An binh Trung Bộ, đồng thời là Hiệu trưởng trường Thanh niên Tiền tuyến.

[5] Tư liệu viết tay 10 trang, Thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 8/11/1993, Tuyên huấn Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế nhận chiều 14/11/1993

[6] Trung đoàn phó 84 – Quân khu V, liệt sĩ 1950. Địa chỉ gia đình: nhà 50- đường 40 – phường Thảo Điền – Quận 2 – Tp.HCM. Điện thoại số:  3512 5778

[7] Theo bài thiếu tướng Phan Hàm viết ngày 15/8/1995, ông đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: số 9 đường Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM. Điện thoại số: 3844 7396

[8] Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử tập II, 1930-1945, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, các trang 283, 284, 285….

[9] Theo hồi ký Trần Huy Liệu: “Nhớ là ngày 25/8/1945, phái đoàn chính phủ lâm thời từ thủ đô Hà Nội ra đi bằng hai chiếc ô tô, có một tiểu đội Giải phóng quân đi theo bảo vệ. Trong khi ấy bọn Pháp đã bắt đầu nhảy dù xuống Huế, tên Pháp vừa nhảy xuống đã hỏi ngay Bảo Đại, Phạm Quỳnh. Ta đã xử lý thích đáng ngay nhiều tên tay sai của Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh” Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 18 (tháng 9 năm 1960).

[10] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi Nhạc sĩ Phạm Tuyên, 12/2008. Trong lúc đó, Phạm Quỳnh đã bị bắt mà Chủ tịch nước vẫn chưa biết (không được báo cáo). Bác viết thư chứ không đánh điện, có thể là một cử chỉ coi trọng người hiền tài.

[11] Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, chủ biên Nguyễn Khánh Toàn, Lịch sử Việt Nam tập II, NXB Khoa học Xã hội, 1985, trang 340)

[12] Nhà văn Sơn Tùng thuật lại theo ý kiến của Vũ Đình Huỳnh, Bí thư của Bác hồi đó.

[13] Có nghĩa là “Không cần thế, có thể có cách khác”.

[14] Theo gia đình Phạm Quỳnh thì ông mất vào ngày 6/9/1945.

[15] Sách Trường Thanh niên Tiền tuyến- Huế, trang 242. Đoàn Huyên, thiếu tướng đã mất năm 2004. Địa chỉ gia đình: 7 Đống Đa, phường 2, quận Tân Bình, TpHCM. Điện thoại số: 3844 6322

[16] Trong hồi ký này không thấy Pháp có hỏi han gì về Phạm Quỳnh

[17] Lưu tại thư viện Trung ương Hà Nội, ký hiệu T520, không rõ Ngô Đình Huân, con trai Ngô Đình Khôi, “Việt Gian đại bợm” thế nào? Thông tin về con người này còn quá ít

[18] Tư liệu của nhà văn Sơn Tùng gửi nhạc sĩ Phạm Tuyên, ghi theo lời kể của ông Đào Nhật Vinh và Vũ Đình Huỳnh. Qua chữ khử mà Tôn Quang Phiệt dùng dễ nhận ra là ông Tôn Quang Phiệt cũng không đồng ý việc xử lý Phạm Quỳnh và cả cách (phương pháp) tiến hành vụ xử. Và dù ông Phiệt không đồng ý cũng chẳng làm được gì.

[19] Trong Cách Mạng Tháng Tám, ở Trung Bộ, Nam Bộ từng xảy ra một số vụ “xử bắn”, “bắt giam” người trái phép rất đáng tiếc. Còn ở Bắc Bộ, nhiều quan Tổng đốc, Án sát… do “đoàn thể” quán triệt đường lối của Đảng nên đã may mắn được an toàn.

[20] Cuối năm 1945, sau khi Đảng ta tuyên bố tự giải tán, trong một lần trả lời các nhà báo, Bác nói: “Sau này tôi sẽ thành lập một đảng mới. Đảng ấy có tên gọi là Đảng Việt Nam. Chỉ có hai hạng người không được vào Đảng: phản quốc và tham ô”.

[21] Bài Đã gặp rồi mà vẫn lỡ đăng trên Nhà báo Huế, Xuân 2009.

[22] Một vị Tổng đốc Hà Đông, giàu tiền lắm ruộng, xây lăng to, không ít “thành tích”, chỉ viết có một cuốn sử mỏng, vậy mà cũng đã được công chúng ngày nay hoan nghênh. Tại sao đánh giá, xác định vai trò của Phạm Quỳnh – người có công lớn với văn hóa nước nhà, lại phức tạp, khó khăn đến thế? Liệu lịch sử còn công bằng không? Có thể còn kéo dài chế độ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa hề có môn lịch sử?

Nguồn: http://phamquynh.wordpress.com/2011/04/20/m%E1%BB%99t-s%E1%BB%91-li%E1%BB%87u-qui-hi%E1%BA%BFm-v%E1%BB%81-ph%E1%BA%A1m-qu%E1%BB%B3nh-v%E1%BB%81-ngay-%E1%BB%A7y-ban-kh%E1%BB%9Fi-nghia-thu%E1%BA%ADn-hoa-m%E1%BB%9Di-ph%E1%BA%A1m-qu%E1%BB%B3nh/

Khả năng sáng tạo của người Việt

http://www.innov8.net.au/wp/wp-content/uploads/2010/05/ist2_7195412-innovation-crosswords-on-dices.jpg
Người Việt chúng ta – nói theo báo chí – là nổi tiếng thông minh và sáng tạo.  Cứ nhìn qua những sáng chế của giới “Hai Lúa” cũng thấy sức sáng tạo của người mình không đến nổi tệ.  Thế nhưng đo lường bằng những chỉ số khách quan thì chúng ta còn thua xa so với các nước trong vùng.


Năng suất khoa học của một quốc gia có thể đo bằng 2 chỉ số chính: số lượng bài báo khoa học và số bằng sáng chế.  Số lượng bài báo khoa học công bố trên các tập san khoa học trong danh mục của Viện thông tin khoa học (ISI) có lẽ là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá năng suất của nghiên cứu khoa học.  Trong quá khứ và hiện nay, các trung tâm nghiên cứu khoa học vẫn dùng chỉ tiêu đó để định vị một nước trong bản đồ khoa học quốc tế.  Chỉ tiêu thứ hai cũng rất quan trọng là số bằng sáng chế (patent).  Bằng sáng chế cũng chính là một hình thức chuyển giao công nghệ.  Bằng sáng chế có thể đăng kí trong và ngoài nước.  Ở nước ngoài, rất nhiều (có lẽ đa số) bằng sáng chế được đăng kí ở Mĩ. Do đó, người ta thường dùng số bằng sáng chế đăng kí ở Mĩ như là một thước đo thứ hai để đánh giá năng suất khoa học của một nước.

Trong thời gian qua, tôi và một số bạn khác đã phân tích số lượng và chất lượng bài báo khoa học.  Kết quả cho thấy năng suất khoa học nước ta còn rất thấp so với các nước trong vùng, nhưng có xu hướng tăng đáng kể trong thời gian gần đây.  Trong thời gian 1998-2008, Việt Nam công bố được 5070 bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế.  Trong cùng thời gian, Thái Lan công bố được 23163 bài, cao hơn VN 4.5 lần.  Số bài báo khoa học của nước ta chỉ bằng 2% của Úc (238,076), 10% so với Singapore (51762), 34% Malaysia (14731), nhưng cao hơn Philippines (4558) và tương đương với Indonesia (5212).  Tính chung, năng suất khoa học nước ta thuộc vào nhóm thấp nhất trong vùng.

Nhưng chưa ai phân tích số bằng sáng chế từ Việt Nam trong thời gian qua.  Nhân đọc báo cáo của UNESCO, tôi có trích ra một số dữ liệu thú vị dưới đây (Biểu đồ).  Số liệu của UNESCO cho thấy trong thời gian 2000-2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng kí được 19 bằng sáng chế, tức mỗi năm trung bình chỉ 2 bằng sáng chế.  Có năm (như 2002) chẳng có bằng sáng chế nào.  Trong cùng thời gian, Thái Lan đăng kí được 310 bằng sáng chế, Singapore 3644, cao hơn Việt Nam đến 192 lần!  Thật ra, số bằng sáng chế từ Việt Nam cũng thấp hơn Indonesia (85), Philippines (256), và Malaysia (901).

Số bằng sáng chế đăng kí trong thời gian 2000 - 2007 từ các nước trong khối ASEAN. Biểu đồ bên phải là phóng đại biểu độ bên trái cho những nước có tần số quá thấp

Một chỉ tiêu khác cũng đáng chú ý là số kim ngạch xuất hàng hóa kĩ thuật cao (hi-tech). Theo báo cáo của UNESCO, trong năm 2008, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ “hi tech” trị giá 48.6 tỉ USD.  Con số này tuy “ấn tượng”, nhưng thật ra chưa bằng 1/3 của Thái Lan (153.6 tỉ USD) và chỉ 16% của Singapore (399.3 tỉ USD).  Thật ra, xuất khẩu hàng hi-tech của Việt Nam thấp nhất so với các nước trong vùng.


Nước
Tổng giá trị xuất khẩu 2008 (tỉ USD)
Tỉ trọng lĩnh vực kinh tế (%)
Khoảng sản
Sản phẩm hóa chất
Máy móc, thiết bị
Hàng công nghiệp
Hàng hóa khác
Việt Nam
48.6
20.7
2.3
11.5
41.0
24.5
Thái Lan
153.6
4.5
7.9
44.8
24.1
18.7
Malaysia
198.8
17.3
5.2
32.3
22.6
22.6
Indonesia
137.0
29.4
5.4
13.7
25.3
26.2
Philippines
50.5
2.4
2.4
39.1
13.0
43.5
Singapore
299.3
13.8
7.9
44.8
24.1
18.7

Nhìn qua những con số thống kê trên đây, chúng ta thấy gần hơn 1/5 tổng trị giá xuất khẩu hi-tech của Việt Nam là khoáng sản, và 41% là hàng công nghiệp (chủ yếu là gia công, dệt may).  Trong khi đó, ngành xuất khẩu chủ đạo của Thái Lan là máy móc và thiết bị (chiếm 45% tổng giá trị xuất khẩu) và hàng công nghiệp (24%).  Singapore cũng có xu hướng giống với Thái Lan.

Những dữ liệu trên đây một lần nữa xác định năng suất khoa học của nước ta còn quá thấp so với các nước trong vùng.  Năng lực sáng tạo và chuyển giao công nghệ phản ảnh qua số bằng sáng chế cũng còn quá thấp, thấp đến độ không đáng kể.  Ngoài ra, hàng xuất khẩu hi-tech cũng chẳng là bao (dù phần lớn là do liên doanh với nước ngoài).  Năm 2020 được xem là năm nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa.  Nhưng những dữ liệu thực tế trên đây cho thấy mục tiêu đó vẫn còn rất xa vời. Người Việt có lẽ rất thông minh và sáng tạo ở mức độ cá nhân, nhưng ở mức độ tập thể khả năng sáng tạo của ta thì cực kì thấp lè tè.

Bây giờ thì chúng ta chẳng những phải phấn đấu không chỉ nâng cao số và chất lượng công trình nghiên cứu khoa học, mà còn phải tích cực nâng cao việc đăng kí bằng sáng chế.  Để đăng kí bằng sáng chế, Việt Nam chẳng những cần phải có đầu tư từ chính phủ (để giúp các nhà khoa học đăng kí) mà còn cần đến những tổ hợp luật sư chuyên nghiệp có thể giúp cho giới khoa học nâng cao sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.

Câu chuyện giấy khai sinh của ông Obama

http://www.iplanretirement.com/retirementblog/wp-content/uploads/2008/09/obama.jpg
Báo Tuổi trẻ chạy một bản tin ngằn về việc Nhà Trắng công bố giấy khai sinh của ông Obama.  Câu chuyện bên Mĩ tưởng chừng như chẳng có dính dáng gì đến Việt Nam, nhưng nghĩ kĩ thì có ...


Ngay từ trong thời gian tranh cử, giới báo chí đã đề cập đến nghi vấn ông Obama không phải sinh ra ở Mĩ. Nếu điều này đúng thì theo luật pháp Mĩ, ông không đủ tư cách để ứng cử và làm tổng thống Mĩ. Đến khi ông Obama đắc cử và làm tổng thống mà dư luận vẫn còn râm ran về nơi sinh của ông.

Theo truyền thống minh bạch, ông Obama nhờ luật sư cá nhân của ông là bà Judith Corley đi Hawaii để sưu lục lại giấy khai sinh và đem về Nhà Trắng cho ông.  Ngày hôm kia, Nhà Trắng cho công bố giấy khai sinh.  Giấy khai sinh cho thấy ông sinh ngày 4/8/1961 tại đảo Oahu, Honolulu.  Giấy khai sinh còn ghi rõ cha ông lúc đó 25 tuổi là sinh viên ở Hawaii, và mẹ là Ann Stanley Dunham.

Barack Obama's birth certificate

Giấy khai sinh của ông Barack Obama

Thế là những thuyết âm mưu (conspiracy) về nơi sinh của ông tan thành mây khói, và những thế lực chống ông một phen bẽ mặt. Ông Obama nổi nóng nói rằng những kẻ đứng đằng sau chuyện phao tin giả về nơi sinh của ông là “carnival barkers”, có lẽ tạm dịch là những kẻ mải võ sơn đông, nhưng barker còn có nghĩa là ... sủa (haha, ông này dùng chữ hay!) Dù không nói ra ai, nhưng ai cũng hiểu ông ám chỉ Donald Trump, một tỉ phú Mĩ cùng ra tranh cử với Obama.

Đó là chuyện bên xứ người, còn chuyện bên xứ ta thì sao?  Nước ta không thiếu những huyền thoại, nghi vấn, và lời đồn về đời tư và nhân thân của giới lãnh đạo.  Nhưng hình như các chính phủ nước ta, hết thời này sang thời khác, không có truyền thống minh bạch hóa, nên những nghi vấn và huyền thoại vẫn cứ là … nghi vấn.  Có khi ngay cả cá nhân lãnh đạo cũng không minh bạch hóa, hay chẳng có động thái nào xóa tan đám mây mù chung quanh nhân thân của mình.  Người đã qua đời thì cũng khó tự mình minh bạch hóa, nhưng điều đáng nói là người còn sống cũng không.  Chẳng hạn như ngài nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh lúc trả lời phỏng vấn cho một tờ báo Mĩ thì nói rằng thân mẫu của ngài là bà Hoàng Thị Nhình, nhưng một bài báo trên tờ Thế giới mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thân mẫu của ngài là bà Nông Thị Trưng.  Không thấy ngài nói đến thân phụ.  Không nói đến thân phụ nhưng ông có nhắc đến cụ Hồ: "Tôi nói rằng tất cả người dân Việt Nam ai cũng là con, cháu của Bác Hồ. Chúng tôi đều coi ông là người cha già của dân tộc Việt Nam.” Tôi nghĩ câu đầu (tất cả người dân Việt Nam ...) hình như không đúng. Còn câu sau thì là đề tài bàn tán trong dân gian. Nhưng ngài im lặng, và sự im lặng chỉ có hiệu quả tăng cường độ của đồn đại.  Nhưng đó không phải là trường hợp cá biệt, vì còn rất nhiều huyền thoại và nghi vấn khác, mà cho đến nay cũng chẳng có ai biết rõ hơn là chính đương sự.

Chính phủ Mĩ dù thỉnh thoảng có làm nhiều chuyện xấu xa động trời, nhưng phải phục và công nhận tính minh bạch của họ.  Tôi nghĩ tính minh bạch có giá trị khoa học.  Thử tưởng tượng trong tương lai, thế hệ sau sẽ viết sử sách và tìm hiểu những gì xảy ra trong quá khứ, những thông tin được bạch hóa hiện nay sẽ giúp cho họ rất nhiều.  Đó là những fact.  Mà, fact hay dữ liệu thật thì rất quan trọng cho nghiên cứu khoa học xã hội.  Nhưng ở nước ta, thế hệ sau (thật ra thế hệ này cũng vậy) tìm hiểu và viết sử sẽ rất gian nan vì họ thiếu fact, và phải dựa vào những câu chuyện truyền miệng, nhưng folklore (kiểu như cuốn Trong Cõi của Gs Trần Quốc Vượng), mà những câu chuyện như thế thì có tính tin cậy thấp hơn là fact. Hệ quả là một phần của quốc sử vẫn còn đắm chìm trong những sương mù dày đặc.

 NVT

Ghi thêm: cám ơn bạn đọc Việt Tùng đã góp ý và chỉ ra rằng bản gốc là chữ carnival barker (chứ không phải carnibal barker).

--------
http://tuoitre.vn/The-gioi/435462/Cong-bo-giay-khai-sinh-cua-Barack-Obama.html
Công bố giấy khai sinh của Barack Obama

TTO - Ngày 27-4, Nhà Trắng đã công bố giấy khai sinh của Tổng thống Barack Obama - một động thái khẳng định ông Obama sinh ra tại Mỹ, nhằm bác bỏ những dư luận đồn đoán về nơi sinh của ông Obama.

Giấy khai sinh bản gốc của ông Barack Obama

Ông Obama nói việc Nhà Trắng công bố giấy khai sinh bản gốc này (hiện đang được lưu giữ tại Hawaii) là một việc làm nhằm cố tránh những lời ra nói vào trong các cuộc thảo luận về chính trị.

"Chúng ta không có thời gian cho những lời đồn đoán vớ vẩn. Chúng ta có những việc đáng làm hơn", ông Obama nói.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008, mặc dù ông Obama đã đưa ra bản in chi tiết khai sinh và các quan chức y tế ở Hawaii chứng thực thông tin là đúng, song những lời đồn đoán vẫn hiện diện khắp nơi, cho rằng ông sinh ra ở Kenya.

Mới đây, tỷ phú Donald Trump - một nhân vật được cho là có thể sẽ ra tranh cử tổng thống - đã gợi lại những đồn đoán này. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Trump còn nói là ông được nghe rằng giấy khai sinh của ông Obama "đã mất".

Một cuộc thăm dò của CNN cho thấy 75% người Mỹ tin rằng ông Obama sinh ra tại Mỹ.
Hiến pháp Mỹ qui định chỉ có công dân Mỹ "sinh tự nhiên" tại Mỹ mới có thể trở thành tổng thống.

NHÃ KHANH

Viết cho dịp 2 triệu lượt khách ghé thăm

http://toprankedwebsite.com.au/blog/wp-content/uploads/2010/05/website.jpg
Nhìn qua đồng hồ đếm lượt khách ghé thăm trang nhà tôi mới biết đã có 2 triệu lượt khách ghé thăm. Trước đây, nhân cái mốc 1 triệu tôi có lời cám ơn, và nay cái mốc mới này, tôi muốn có vài lời cảm tạ bạn đọc xa gần đã ghé thăm “tệ xá”. 


Thế là trang nhà nguyenvantuan.net đã có 2 triệu lượt ghé thăm.  Trong thực tế thì con số có lẽ nhiều hơn, bởi vì có một thời gian ngắn website bị đánh sập và tôi có lúc không còn muốn dựng lại, cũng chẳng còn hứng thú cập nhật hóa, định bỏ cuộc chơi.  Nhưng nhờ sự động viên (nghe sao cách mạng quá!) của bạn đọc xa gần nên tôi lại tham dự cuộc chơi.  Tính từ hôm 16/5/2010 đến nay là 345 ngày (tức chưa đầy 1 năm). Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 5800 lượt khách ghé thăm.  Cố nhiên, cách tính trung bình như thế có tính … ăn gian.  Bởi vì trong thực tế, lượng ghé thăm tăng và giảm (nói chung là tăng) theo thời gian, nên tính trung bình như thế không hẳn hợp lí.  Tuy nhiên, trong thời gian khoảng 6 tháng gần đây thì số lượt khách ghé thăm trang nhà dao động từ 5000 đến 6000 khách, còn số lượt ghé thăm thì từ 7000 đến 10000.  Mấy con số đó thọat đầu nghe qua có vẻ cao, nhưng thật ra chẳng là gì so với các trang web và blog nổi tiếng khác như quechoa của bác Nguyễn Quang Lập, hay trang blog của bác Nguyễn Xuân Diện.  Nhưng tệ xá nhỏ bé như thế này mà được nhiều bạn bè khắp năm châu bốn biển chiếu cố như thế thì tôi thấy hạnh phúc rồi.  Thành thật cám ơn các bạn!


Qua trong web này tôi đã quen biết bao nhiêu bạn ngoài đời.  Nó cũng là phương tiện giúp tôi nối kết với bạn cũ mà còn quen biết thêm nhiều bạn mới trong và ngoài nước.  Năm ngoái tôi gặp lại anh bạn cũ đã vắng bóng cả 30 năm cũng nhờ qua trang web cá nhân này. Ngày xưa tôi từng giúp nhiều nghiên cứu sinh bên Nhật mà không hề biết mặt, nhưng đến khi về nước làm việc thì mới gặp lại họ và đều là quan chức cao cấp trong bệnh viện.  Gần đây, có một kỉ niệm đáng nhớ và cảm động là một anh nghiên cứu sinh tiến sĩ bên Trung Quốc, chỉ qua trang web, anh liên lạc tôi về một chuyện học hành, và chúng tôi (tôi và Nguyên) giúp anh ấy làm xong một công trình về meta-analysis như là một phần trong chương trình học, và bảo vệ luận án xuất sắc.  Đến khi tôi về giảng ở Đại học Y Hà Nội hồi đầu năm nay, tôi gặp anh, tay bắt mặt mừng như đã biết nhau từ thuở nào.  Tôi vẫn còn giữ cái caravat anh tặng cho như là một kỉ niệm đẹp.

Một kỉ niệm đẹp khác là tôi quen với vài người trên … đường phố!  Có không ít người biết tôi chỉ qua trang web, và sau này tình cờ gặp nhau ngoài đời.  Mấy tuần trước, tôi lang thang bên Hồ Hoàn Kiếm một buổi chiều, và thấy một anh chạy bộ (chắc đang tập thể dục) cứ nhìn tôi và anh đã đi xa rồi nhưng vẫn ngoái cổ nhìn tôi.  Tôi đoán chắc anh ta là bạn đọc trang nhà này.  Năm ngoái, tôi tình cờ gặp một anh ở khu Tràng Tiền (Hà Nội) và bàn chuyện nghiên cứu chất độc da cam.  Hay như hôm về Mỹ Tho và Bến Tre chơi, đi vào quán cà phê thì cũng có mấy người đang uống cà phê nhận ra tôi.  Kể ra mấy kỉ niệm đó tôi không có ý nói mình là “người của công chúng” gì đâu (vì tôi không hề và không bao giờ muốn), mà chỉ để nói rằng thế giới mạng làm cho chúng ta gần gũi nhau hơn. 
 

Gần gũi không chỉ ngoài xã hội mà còn trong học thuật.  Tôi biết có nhiều người ghé thăm trang web vì muốn có thông tin chuyên môn, hay các thông tin về các kĩ năng "bếp núc" như tiếng Anh, cách viết bài báo khoa học. Đã có ít nhất 5 em nghiên cứu sinh(tôi không thể nào nhớ hết) tìm được đề tài nghiên cứu qua những gì tôi và đồng nghiệp làm và công bố trên trang web này. Có đề tài rất thiết thực như tiên lượng bệnh tiểu đường, leptin, vitamin D. Chỉ có điều hơi buồn là sau khi các em ấy có đề tài, có ý tưởng rồi, họ "biến" mất. Không hề có một lời cám ơn, cũng chẳng có cập nhật hóa gì cả. Hình như người ta chỉ cần mình và xong việc thì biến mất luôn. Tôi đoán chắc các em ấy bận quá. Nhưng không phải ai cũng "quên" như vậy.  Hai tuần trước, có em nghiên cứu sinh bên Âu châu viết một cách cảm động (suýt làm tôi rơi nước mắt), cám ơn tôi. Điều trớ trêu là tôi chẳng có giúp gì cho em cả. Tất cả chỉ vì em ấy download mấy bài chỉ dẫn viết bài báo khoa học mà em đã hoàn tất 2 bài báo và có thể bảo vệ luận án. Đây cũng chính là một trong những động cơ để người viết entry này tiếp tục "cuộc chơi", và trong tương lai sẽ dành một phần không nhỏ cho các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh. 

Trang web này chẳng biết cơ duyên nào mà trở thành nơi phản biện một số vấn đề thời sự.  Từ chuyện giáo dục, y tế, đường sắt cao tốc, sông Mekong, đến chuyện vật lí (chẳng liên quan gì đến tôi).  Bạn đọc tin tưởng và gửi bài để tôi công bố.  Tôi hi vọng trong tương lai các bạn sẽ ủng hộ bằng cách gửi bài cho tôi đăng và chia sẻ cùng bạn đọc xa gần. Tuy không giảng dạy thường xuyên, nhưng tôi rất quan tâm đến giáo dục.  Tuy không ở trong nước, nhưng tôi lúc nào cũng đau đáu nhìn về quê nhà với những bài viết và góp ý chân tình. Rất có thể cách tôi diễn đạt trong những bài phản biện và góp ý đó chưa theo phong cách ở trong nước (tức nói bóng gió, nói gián tiếp), nhưng tôi có thể nói là không có ý gì xúc phạm ai cả. Quen với văn phong khoa học (nói cái gì là phải cụ thể và có chứng cứ) nên khi viết bài phản biện tôi cũng rất cụ thể (như nêu tên sự việc và đương sự) và đã gây ra không ít phản đối ngầm trong những người có chức có quyền. Sau này tôi được biết đó là việc nêu sự việc và đương sự cụ thể là một điều cấm kị ở trong nước!  Như thế là có mâu thuẫn giữa văn phong khoa học và những gì được/không được chấp nhận ở Việt Nam! 


Tôi có may mắn nho nhỏ là nhiều bạn đọc ghé qua và góp ý, trao đổi.  Có người cung cấp thông tin, và yêu cầu bình luận.  Có người chỉ đơn giản ghé qua và ghi cảm nhận.  Cảm nhận tích cực thì có nhiều.  Nhưng cảm nhận tiêu cực cũng có, tuy hơi ít.  Có người viết cho tôi chửi bới rất thậm tệ, chê rằng tôi dốt tiếng Việt, tồi tiếng Anh, mà tài khôn lên lớp người khác.  Nhưng nói chung, tôi nhận được nhiều bình luận tích cực.  Có người rất chân tình, chỉ ra những lỗi chính tả, dấu hỏi ngã, này nọ để tôi chỉnh sửa ngay.  Thật không biết nói gì hơn là nhân dịp này tôi một lần nữa cám ơn các bạn đọc đó đã giúp cho những bài trên trang web tốt hơn.

Qua những thư từ thăm hỏi và trao đổi tôi thấy có 3 dạng giao tiếp chính.  Cách giao tiếp thứ nhất là lịch sự, có qui củ.  Những người này xưng tên họ và có khi là nơi công tác đàng hoàng, và họ cũng rất lịch sự hỏi han hay phê phán.  Nhóm thứ hai là những người không hề xưng tên và viết rất … khó đọc.  Tôi đoán họ là những thanh niên, hay sinh viên chưa quen biết với cách thức giao tiếp bằng thư từ và văn bản, nên cũng bỏ qua.  Tuy nhiên, khi thấy nhiều quá thì tôi lờ đi, vì nghĩ là … hết thuốc chữa rồi.  Nhóm thứ ba là những người phá.  Họ dĩ nhiên là chẳng xưng tên họ, ghi địa chỉ email bậy bạ.  Nhóm này thì không cần bàn đến.  Lại có một vài email mà đọc lên tôi cứ cười hoài.  Đó là những email viết cho tôi với cách xưng tên như “Ông Tuấn”, “Ông Nguyễn Văn Tuấn” (chữ ông được viết hoa) làm ra vẻ rất trịnh trọng nhưng mang tính “hình sự”, làm tôi cười ngất vì tôi thấy có cái gì không thật trong cách xưng hô như thế.  Tôi ghét danh xưng.  Tôi nhận ra một điều là hình như người mình, nhất là thế hệ trẻ bây giờ, thiếu kĩ năng giao tiếp.  Tôi tự hỏi nếu họ làm đơn xin đi học, xin học bổng, mà không biết viết cho lịch sự thì khả năng thành công sẽ rất thấp.  Có lẽ cần phải huấn luyện kĩ năng này cho giới trẻ.

Hai triệu lượt ghé thăm tuy không phải là con số cao, nhưng nó nói lên một phần mối quan tâm của bạn đọc về các vấn đề khoa học và giáo dục. Thật vậy, khi phân tích số lượt truy cập các bài viết thì hơn 60% là liên quan đến giáo dục và khoa học. Đó cũng là những chuyện "gần trái tim" tôi.  Cũng xin "khoe" trước là một số bài viết của tôi liên quan đến giáo dục đại học sẽ được tập hợp thành một cuốn sách và sẽ xuất bản hi vọng là trong năm nay. Vậy, nhân dịp 2 triệu lượt khách ghé thăm, tôi muốn trước là nói lời cám ơn sự quan tâm của các bạn, sau là nhớ ủng hộ mua sách để giúp cho nhà xuất bản. :-). 

NVT 



PS. Bạn đọc gửi thư về thì nhiều, nhưng chỉ xin trích vài thư mà tôi cho là "tình cảm":



Cháu là […] sống ở Hà Nội. Là sinh viên (sắp tốt nghiệp) cháu thấy may mắn khi biết đến blog rồi trang web của bác vì nó cung cấp rất nhiều thông tin cần thiết cho cháu. Là một độc giả thường xuyên của bác hơn một năm nay, cháu luôn theo dõi các bài viết mới và đã chịu khó đọc hết các bài viết cũ trước khi cháu biết đến trang blog cũ. Đọc các bài viết của bác, cháu đã tập cho mình thói quen phê phán và cảnh giác với các bài viết khoa học (chủ yếu là từ Việt Nam) và cháu thấy quả thật tinh thần khoa học của những người viết không chuyên như nhà báo hay thậm chí là một số giảng viên cháu đang theo học thật đáng báo động.
[…]
Cháu còn ngổn ngang những thắc mắc về cách viết nhưng xin bác chỉ giùm cháu những thắc mắc cơ bản trên. Có thể cháu sẽ vỡ ra nhiều điều khác qua phản hồi của bác.  Cháu cũng thử tìm những thắc mắc này trên internet (bằng tiếng Việt) nhưng chưa thấy bài nào có ích cả. Có lẽ người Việt Nam chưa có thói quen này và nếu vậy thì cháu nghĩ có nhiều người khác cũng cần được đả thông về vấn đề này.
TT

Dear chú Tuấn,
[…] Cháu được biết chú từ khá lâu rồi. Tình cờ thôi khi mà cháu đang tiềm kiếm trên internet một số thông tin về y học để chuẩn bị viết đề cương tốt nghiệp.  Thời đại ngày nay, ở VN ta ngày càng có nhiều "học giả" về rất nhiều lĩnh vực kinh tế chính trị, khoa học kỹ thuật, sư phạm, y tế ... Những học giả này đều "thành danh" và đi lên từ con đường "học giả" của mình. Đó là mốt trong thời đại ngày nay chú ạ (ở VN thôi), nếu không như vậy, không theo phong trào thì mình sẽ mau chóng bị lạc hậu, tụt lại đằng sau trước sự " phát triển" như vũ bão của thời đại. Điều đáng nói ở đây là cháu cũng là một "học giả" như vậy. Một thực tế không thể phủ nhận chú ạ. Chú đừng có nhắm mắt lại và thở một hơi dài sau đó thốt lên rằng "thật đáng báo động, thật đáng buồn" chú nhé. Làm như vậy chú sẽ nhanh "già đi" và ảnh hưởng đến sức khỏe, sự sáng tạo của chú vì chú sẽ phải làm thế rất rất nhiều lần, nhiều tháng, nhiều năm, khi ấy sức khỏe của chú sẽ giảm, sự sáng tạo và đóng góp của chú ngày một ít đi ( biết đâu)  lúc ấy cháu lại thêm một lỗi nữa với bản thân,gia đình và với cả một thế hệ nữa ...

Hôm nay, viết những lời này tâm sự với chú với hy vọng cho lòng khuây khỏa, để vơi bớt đi những nỗi niềm cứ dằn vặt bản thân cháu bấy lâu nay. Có lòng nhưng bất lực vừa là do khả năng có hạn ( tri thức và tài chính), vừa là do dòng đời xô đẩy, xã hội cuốn theo. Cánh bèo yếu ớt làm gì để vượt qua phong ba, vượt qua bản thân đây? Mong ở chú một lời khuyên, một định hướng để con thuyền trở lại, vượt lên và vượt qua...Mong sớm nhận hồi âm từ nơi chú nhé. Chúc chú và gia đình mãi khỏe, mãi sáng tạo, mãi thành công và mãi quan tâm đến quê hương, dìu dắt đến thế hệ đằng sau chú !
PVT

Thân gởi anh Tuấn,
Tui tới Songkhla mùa hè năm 80 sau hơn nửa tháng trốn chui nhủi vòng vòng khu chợ Cà Mau chờ ngày ra Sông Đốc. 3 tháng SongKhla thật khó quên tuy khổ nhưng không có CA khu vực hỏi thăm. Lúc đó Nhật Tiến còn ở đó một thời gian ngắn trước khi rời trại và Trưởng ban Báo chí là GS Lý Hóa Lý Khánh Hồng mà tui nhớ hồi TH có học sách Giáo khoa Lý Hóa của nhóm ông ấy soạn. (Tui là dân trường Tỉnh).

Đọc những ghi nhớ của TS Tuấn về thăm VN cùng bài của GS Nguyễn Đăng Hưng thấy ở đâu cũng vậy. Tui về Tây Ninh vài lần, cảnh cũ mất nhiều,đời sống dân nghèo(quê) không thấy khác,ngoại trừ thanh phố thì nhà cửa xây vô trật tự.Nhiều lặt vặt khó khăn, thôi thì"nín thở qua sông" đợi ngày về Mỹ lại. Lần nào tui về thăm ông già đau nên đi vô, đi ra chỉ 7-8 ngày, không biết VN nhiều nên không dám bình luận. Nhiều khi thấy mình như đám lục bình trôi nổi xa, không biết lúc nào vướng vào đâu.

Một lần nữa,cám ơn TS Tuấn (Tui cũng nhớ ơn Talawas, Da Màu, Gió O, Diễn đàn) đã cho nhiều tin tức đề tài mà chỉ 5 năm trước dể gì biết được mọi thứ về VN. Sẽ vào trang luôn và mong bài mới (càng linh tinh và càng miệt vườn càng tốt). LTĐ.

Bài hát nhạc Nga lời Việt hay: Đôi Bờ

Đôi bờ - Tình ca Nga


Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới
Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời
Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Trên dòng sông, sóng đôi nhau, thiên nga đùa trên sóng
Bên bờ sông vai sánh vai nhau, đôi đôi bước theo dòng
Mình em riêng đứng ngóng trông anh, với tình yêu thiết tha
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Đêm dần qua ánh ban mai đang lan tràn dâng tới.
Trên bờ sông soi bóng em dài, xa xa phía chân trời.
Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha.
Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2011

Thiết kế biệt thự hợp phong thủy trên diện tích 30x60m


  Chồng sinh 1981, vợ sinh 1982. Xây biệt thự trên mảnh đất có diện tích 30m x 60m hướng đông. yêu cầu có 6 phòng ngủ, 1 phòng khách rộng, bếp WC tương xứng, 1 phòng thờ rộng, có sân vườn thoáng mát.
- Giải pháp Tư vấn:
 
Thiết kế biệt thự hợp phong thủy trên diện tích 30x60m - Archi 
 
- Nếu hai mảng nghiên cứu của phong thuỷ là dương trạch (phần phía trên mặt đất) và âm phần (phần phía dưới mặt đất) thì "Dương trạch tam yếu" (ba yếu tố quan trọng của Dương trạch) là Cửa chính, phòng ngủ của chủ nhà và bếp nấu.
 
+ Cửa chính: Quan niệm phong thuỷ cho rằng, môn mệnh phải tương phối (nghĩa là hướng cửa chính và mệnh của chủ nhà phải hợp với nhau, thì vượng khí mới tốt, gia chủ mới phát tài. Trường hợp của quý khách hoàn toàn thoả mãn Môn mệnh tương phối, nghĩa là hướng cửa chính rất lý tưởng, (Hướng Đông) Thiên Y.
 
+ Bếp nấu: Bếp nấu cũng là một yếu tố rất quan trọng, vì mọi bệnh tật, vệ sinh đều sinh ra từ đây. Hướng bếp nên đặt ở hướng xấu, và nhìn về hướng tốt, theo quan niệm Toạ hung hướng cát. Hướng bếp có thể hiểu là hướng cửa bếp đối với bếp lò, bếp dầu, hướng công tắc điều khiển đối với bếp điện, bếp gas.
 
Trong trường hợp của quý khách chúng tôi tư vấn:
 
Bếp đặt tại Tây và nhìn về Đông, tức là tọa tại Hoạ Hại nhìn về Thiên Y (bếp lành Thiên Y).
 
Thiết kế biệt thự hợp phong thủy trên diện tích 30x60m - Archi 
Mặt bằng tầng 1

Phòng ngủ chính: Con người luôn giành 30% cuộc đời mình cho việc ngủ, nên phòng ngủ chiếm một vai trò đặc biệt quan trọng.

- Vị trí phòng ngủ trong nhà và vị trí giường ngủ trong phòng ngủ nên ưu tiên ở hướng tốt (các hướng Sinh Khí, Thiên Y, Diên Niên, Phục Vị)

- Chủ nhà thuộc hành Mộc, Thủy sinh Mộc, nên hướng giường nên quay về hướng thuộc Thủy, tức là các hướng: Bắc, Đông, Đông Nam.

- Màu sơn trong phòng ngủ, màu sắc rèm cửa nên sử dụng màu Xanh dương, đây là màu đại diện cho hành Thủy, rất tốt cho người hành Mộc.

 Thiết kế biệt thự hợp phong thủy trên diện tích 30x60m - Archi
Mặt bằng tầng 2

- Nếu tính cho các phòng ngủ của các thành viên khác trong gia đình, thì cần tính hành ứng với mỗi thành viên.

 Thiết kế biệt thự hợp phong thủy trên diện tích 30x60m - Archi
Mặt bằng tầng 3
 
Tổng quan ngôi nhà
 
Biệt thự nhà vườn, tiện nghi, hiện đại, nên thiết kế sân vườn, tiểu cảnh, phụ trợ cho ngôi nhà, để nhà ở hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Nhà không chỉ là không gian để ở mà chính là nơi gia đình, bạn bè tụ họp…
 
Phòng thiết kế
Công ty CP kiến trúc xây dựng Skyline

Nhà lệch tầng trên diện tích 5m x 17 m


    Tôi sinh năm 1983, chồng tôi sinh năm 1978. Vợ chồng chúng tôi có một mảnh đất ( rộng 5 m; dài 17m) hướng Bắc, đang định xây nhà 4 tầng, mong kiến trúc sư tư vấn phương án thiết kế.
Yêu cầu:
 
Có tầng để xe ôtô, tầng 1 gồm có phòng khách, bếp ăn và 1 toilet ở khoảng sân sau nhà. Các tầng 2 và 3 gồm 3 phòng ngủ, 1 phòng sinh hoạt chung và phòng thờ.
 
Chúng tôi muốn xây nhà lệch tầng và có thông tầng để ngôi nhà thoáng và có thêm ánh sáng.
 
Nhờ các KTS tư vấn giúp tôi cách bố trí các phòng sao cho hợp lí và tạo được không gian thông thoáng.
 
Xin chân thành cám ơn và mong được nhận hồi âm.
 
Trả lời câu hỏi tư vấn :

Chào bạn .

Như nhu của bạn là xây một ngôi nhà 4 tầng có một khoảng sân sau trên đất 5 x17 m do đó chúng tôi đề xuất phương án xây nhà 5x13,5 m còn lại 3,5 m là sân sau.
 
 
Phối cảnh công trình
 
Nhà lệch tầng như bạn mong muốn là một dạng nhà có công năng đa dạng mới mẻ và mang phong cách trẻ chung phù hợp với các bạn trẻ mang phong cách hiện đại .
 
 
 Mặt cắt công trình
 
Trong bài tư vấn này chúng tôi xin đưa ra cách bố trí công năng cho ngôi nhà của bạn như sau .
 
Tầng 1 : 
 
 
Để một khoảng sân nhỏ sâu khoảng 1,8 m tạo một khoảng sân trước trồng cây. Bước vào nhà là gara để xe ô tô rộng khoảng 25m2. Tiếp đến là một vệ sinh nhỏ nằm dưới gầm cầu thang lên tầng 2. Bước qua mấy bậc tam cấp tạo không gian chênh cốt là khu phòng ăn và bếp nấu rộng khoảng 21 m2. Phòng ăn nhìn ra mảnh vườn sau nhà rộng 18m2. Dưới khoảng thông tầng toàn nhà là một tiểu cảnh nước, giếng trời lấy sáng và thông khí cho toàn nhà.
 
 
Tầng 2 và 3:
 
 
 
 
 
Bao gồm hai phòng ngủ với khu vệ sinh chung cho 2 phòng. Phòng ngủ phía trước có một ban công nhỏ vửa là nơi hóng gió vừa có tác dụng tránh nắng trực tiếp vào phòng ngủ. Phòng ngủ phía sau mở cửa sổ ra sân sau đồng thời nhìn ra giếng trời có trang trí ốp lát đá và cây cảnh tạo thiên nhiên trong nhà .
 
Tầng 4 :
 
 
 
Gồm một phòng ngủ nhỏ cho khách và một phòng thờ kết hợp làm phòng làm việc và đọc sách. Mặt trước là một sân thượng nhỏ làm nơi giặt và phơi đồ .
 
Để cụ thể hơn về phong thủy và giá thành xây dựng công trình cũng như tạo lên được mặt tiền nhà đẹp anh nên liên hệ với kiến trúc sư để hiện thực những ý tưởng bằng bản vẽ cụ thể. Chúc anh có ngôi nhà như ý muốn .

Kts. Nguyễn Quốc Tuấn
Văn phòng kiến trúc nội thất Đô Thị Xanh

Thiết kế nhà 6x13m cao 2,5 tầng


  Tôi có mảnh đất kích thước 6x20 m, tôi muốn xây dựng nhà trên diện tích 6x13m cao 2 tầng và 1 tum nhờ KTS tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:

Như những thông tin anh đưa ra, KTS Đô Thị Xanh có thể hiểu là anh cần một ngôi nhà 2,5 tầng có sân trước và sân sau, do đó chúng tôi xin tư vấn như sau:

Do chiều ngang nhà là 6m mà chỉ xây dựng 2,5 tầng, KTS Đô Thị Xanh xin đưa ra giải pháp chia nhỏ mặt tiền nhà làm 2 khối lệch nhau nhằm tạo một mặt đứng ngôi nhà thanh thoát. Đồng thời chia thêm hệ cột chịu lực ở giữa nhà nhằm giảm chiều cao dầm ngang nhà (nếu để dầm vượt nhịp 6m thì chiều cao dầm vào khoảng 0,5m gây lãng phí không gian và cốt thép làm dầm). Phương án mặt bằng bố cục như sau:

Tầng 1:  
 
Archi - Thiết kế nhà 6x13m cao 2,5 tầng 

Qua khoảng sân nhỏ là vào tới sảnh chính với hàng cột to đỡ mái dốc dán ngói tạo vẻ nghiêm túc, sang trọng (với cách trang trí gờ chỉ kiểu Pháp tạo nên nét gần gũi, thân thuộc trong kiến trúc dân dụng của người Việt).

Qua sảnh chính là tới phòng khách chính của gia đình. Với cách bố trí 2 hệ cửa đi lớn mở rộng về 2 phía tạo sự thoáng đãng và gần gũi với thiên nhiên bên ngoài.

Kế tiếp là khu cầu thang lên các tầng trên. Gầm thang được bố trí một nhà vệ sinh nhỏ cho khách và phòng ngủ người già tầng 1. Khu bếp được bố trí dọc theo lối đi ra sân sau nhà nhằm tạo sự kín đáo, đồng thời liên hệ với khu rửa sau nhà một cách linh hoạt và thuận tiện nhất.

Tầng 2:
 
 Archi - Thiết kế nhà 6x13m cao 2,5 tầng

Bao gồm hai phòng ngủ khoảng 16 m2/ 1 phòng và 1 phòng sinh hoạt chung. Phòng ngủ chính có lối ra ban công  trước nhà, là nơi hóng gió vừa có tác dụng tránh nắng trực tiếp vào phòng. Hai phòng ngủ sử dụng chung một khu vệ sinh rộng khoản 4m2.

Tầng tum:
 
Archi - Thiết kế nhà 6x13m cao 2,5 tầng

Bố trí một phòng thờ và 2 sân thượng. Sân phía sau có thể sử dụng mái tôn để tạo nơi giặt giũ và phơi đồ.
 
Phối cảnh gợi ý:
 
Archi - Thiết kế nhà 6x13m cao 2,5 tầng 
 
Archi - Thiết kế nhà 6x13m cao 2,5 tầng 

Chúc bạn có một ngôi nhà ưng ý, tiết kiệm và phù hợp với nhu cầu của bạn .

Kts. Nguyễn Quốc Tuấn
Văn phòng kiến trúc nội thất Đô Thị Xanh