Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2009

Giải pháp chống tham nhũng trong khoa học

Bài nói thẳng nói thật dưới đây trên Tia Sáng phản ảnh những điều mà những ai làm khoa học chân chính ở Việt Nam đều biết hay kinh qua. Thoạt đầu khi nghe bạn bè nói rằng ở trong nước làm nghiên cứu (hay “dự án”) chỉ là một hình thức cải thiện thu nhập cá nhân mà thôi, chứ không phải làm nghiên cứu khoa học, tôi bán tín bán nghi. Nhưng bây giờ thì tôi biết đó là một thực tế đã tồn tại qua nhiều năm.

Ở nước ngoài không thiếu những trường hợp nhà khoa học gian dối và thiếu trung thực. Nhưng sự gian dối và thiếu trung thực của họ thường liên quan đến những vấn đề rất khoa học tính, như vặn vẹo dữ liệu theo ý mình, giả tạo dữ liệu, làm nghiên cứu ma, tác giả ma, v.v… chứ không liên quan đến tiền bạc như ở Việt Nam. Thật vậy, có lẽ đây là trường hợp đặc thù rất Việt Nam, bởi vì tôi chưa biết có nước nào trên thế giới mà nhà nghiên cứu có sử dụng tiền tài trợ để tăng thu nhập cá nhân.

Tôi nghĩ cụm từ “gian dối” và “thiếu trung thực” không thích hợp ở đây; phải nói như Gs Hoàng Tụy thì mới thích hợp hơn: tham những. Không còn nghi ngờ gì nữa, vì đây là tham nhũng theo đúng với nghĩa lạm dụng chức quyền để cố ý làm trái pháp luật nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân.

Vấn đề đặt ra là tại sao. Tại sao nhà khoa học tham nhũng?

Tôi nghĩ giải thích rằng do thu nhập cá nhân thấp cũng có lí, nhưng đó là động cơ để tham nhũng hơn là nguyên nhân. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là do thiếu những chuẩn mực khoa học cụ thể. Các công trình nghiên cứu ở Việt Nam được “nghiệm thu” bằng một buổi lễ khá màu mè, còn ở nước ngoài họ không có nghiệm thu, nhưng đòi hỏi nhà nghiên cứu phải báo cáo tiến độ của công trình nghiên cứu. Báo cáo tiến độ bao gồm những việc đã làm hay hoàn thành, bài báo khoa học công bố ở đâu, hay đào tạo bao nhiêu nghiên cứu sinh. Ở đây, bài báo khoa học rất quan trọng, vì không có cái này là xem như công trình nghiên cứu thất bại. Nếu ở Việt Nam cũng làm theo qui trình này, thì nguy cơ tham nhũng có thể sẽ giảm đi nhiều.

Nguyên nhân thứ hai là việc đánh giá đề tài nghiên cứu chưa được tốt. Ở ngoài này, một đề cương nghiên cứu thường được đánh giá (bình duyệt) bởi ít nhất là 2 chuyên gia trong ngành và một hội đồng chuyên ngành. Ở Việt Nam thì hình như chỉ có hội đồng chuyên ngành, mà không có bình duyệt (phản biện) độc lập của 2 chuyên gia ngoài hội đồng. Thật ra, trong bối cảnh khoa học Việt Nam hiện nay cũng rất khó mà chọn các chuyên gia vừa đủ uy tín khoa học (hiểu theo nghĩa có công bố quốc tế và có kinh nghiệm) và khách quan để đánh giá đề tài khoa học. Có lẽ vì lí do này mà việc tuyển chọn đề tài nghiên cứu phải phụ thuộc vào những mối liên hệ cá nhân (đồng nghiệp trong ngành đều quen biết nhau) và điều này là một cơ hội cho sự thiếu khách quan. Từ sự nể trọng và nhường nhau như thế được tích lũy dần theo thời gian nó tạo nên một mạng liên hệ thân hữu và dẫn đến “văn hóa bộ lạc”. Trong cái văn hóa này chỉ có người trong bộ lạc mới có cơ may xin tài trợ, còn người ngoài bộ lạc thì phải … chờ. Cũng trong văn hóa bộ lạc này, người ta thay phiên nhau cung cấp tài trợ và nghiệm thu theo những tiêu chuẩn của bộ lạc đặt ra. Tham nhũng xảy ra từ và trong văn hóa này. Thật ra, ở ngoài này cũng có văn hóa bộ lạc, nhưng vì họ có hệ thống bình duyệt độc lập, nên tham nhũng ít xảy ra so với ở Việt Nam.

Nguyên nhân thứ ba là do quản lí kém. Thủ tục tài trợ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam rất nhiêu khê và phức tạp. Nhìn vào thì thấy rất chặt chẽ, nhưng chẳng hiểu sao lại có tình trạng này. Có lẽ tình trạng bòn rút tiền Nhà nước cho nghiên cứu tự nó nói lên khả năng quản lí của cơ quan tài trợ quá kém. Bộ KHCN cũng nhận ra điều này nên gần đây đã có nhiều cải cách tích cực.

Ở ngoài này tôi thấy họ quản lí tiền bạc rất đơn giản, nhưng lại chặt chẽ. Cơ quan tài trợ trả tiền (thường từ 10% đến 15% tổng kinh phí công trình) cho phòng tài chính của trung tâm nghiên cứu quản lí tiền tài trợ. Chẳng hạn như nếu nhà nghiên cứu được tài trợ $100,000 thì cơ quan tài trợ phải rót $110,000 hay $115,000 cho trung tâm nghiên cứu. Số tiền này sẽ do phòng tài chính của trung tâm nghiên cứu quản lí, và phòng tài chính có nhiệm vụ chi tiền theo yêu cầu của nhà nghiên cứu. Nhưng phòng tài chính cũng có nhiệm vụ kiểm tra xem chi phí có đúng theo những gì nhà nghiên cứu hứa trong đơn xin tài trợ hay không. Do đó, nếu trong đơn xin tài trợ không có khoản lương bổng, thì không cách gì nhà nghiên cứu bòn rút số tiền đó cho lương bổng được.

Do đó, tôi nghĩ giải pháp để chống tham nhũng trong khoa học là tiêu chuẩn đánh giá công trình nghiên cứu phải minh bạch và cải cách qui trình quản lí.

NVT

===

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&CategoryID=3&News=3035

Cần có giải pháp ngăn ngừa những nhà khoa học thiếu trung thực

10:06-04/09/2009

Trong buổi làm việc với Bộ KH&CN gần đây Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu lãnh đạo Bộ KH&CN triển khai một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, trong đó ông nhấn mạnh cần đổi mới chính sách, cơ chế tài chính đối với KH&CN, chấm dứt việc các nhà KH phải nói dối.

Từ nhiều năm nay, chuyện nhà KH nói dối diễn ra với rất nhiều kiểu, nhiều cách lắt léo khác nhau, nhưng có thể quy vào hai trường hợp điển hình:

1. Các nhà KH buộc phải nói dối. Họ chính là những người đang thực sự làm KH và trong số họ ngay cả người có tài năng tâm huyết, dù được tuyển chọn làm chủ trì đề tài và làm ra kết quả hữu ích thật, cũng không thể sống “thật” với KH theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì: Tiền đề tài nhẽ ra chỉ được dành cho nghiên cứu lại phải “phù phép” lấy ra thêm thắt cho đồng lương giáo sư ít ỏi (vài ba triệu đồng) của mình và cộng sự; nếu nhà KH không có quyền lực hành chính (thậm chí có), hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng ngày phải hệ lụy từ cô kế toán, cậu văn thư, đến các trưởng phó phòng hành chính quản trị, viện phó, viện trưởng… để có được chữ ký, con dấu đỏ hợp pháp hóa cho các chứng từ, biểu mẫu, báo cáo “giả”, hóa đơn đỏ, nhằm “qua mặt” được các cuộc kiểm tra tài chính của cấp trên, để giải ngân, nghiệm thu… Kết quả là không ít % kinh phí đề tài không cánh mà bay; cùng với nó là sự chán nản, nhụt chí thậm chí mất lòng tin giữa nhà khoa học và nhà quản lý…

2. Không ít các nhà KH thuộc hàng ngũ cây đa cây đề, đã đề xuất với cơ quan quản lý KH cấp trên về những chương trình, dự án, đề tài (chủ yếu thuộc lĩnh vực nghiên cứu triển khai và ứng dụng, KHXH&NV), với những mục tiêu thật hoành tráng nhưng thiếu tính khả thi, hiệu quả và địa chỉ sử dụng “mơ hồ” nhưng vẫn tổ chức nghiệm thu với một hội đồng gồm các chức sắc quen thuộc, nể nang nhau, đánh giá xuất sắc rồi xếp vào tủ (cho đến nay vẫn chưa có tiêu chí đánh giá và quản lý các đề tài này một cách thực sự khoa học) hoặc bịa ra những điều kiện bảo đảm để nhận các dự án đầu tư lớn của Nhà nước. Một số nhà quản lý có quyền lực, mang danh nhà KH “đã biến” công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của cơ quan mình thành các đề tài nghiên cứu với kinh phí hàng tỉ đồng (GS. Hoàng Tụy gọi đây là một dạng tham nhũng mới - tham nhũng trong khoa học). Nói không ngoa vì lợi ích riêng, họ đã chủ động nói dối, lấy tiền đóng thuế của dân chi vào những việc ngoài KH.

Việc đầu tư kinh phí tới hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng các Phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) là một chủ trương đúng đắn. Khi tổ chức tuyển chọn các đơn vị chủ trì nhận dự án đó, lãnh đạo các đơn vị, tổ chức KH nào cũng đều khẳng định mình đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng, nhân lực và nhiệm vụ KH… Nhưng khi triển khai đạt hiệu quả thấp (thanh tra 3 PTNTĐ của ĐHQG TP.HCM, Vinashin, Bộ NN&PTNT đều phát hiện lãng phí hàng trăm triệu đồng trong xây dựng cơ bản, một số thiết bị chưa được lắp đặt, không có người sử dụng) thì lại nêu lý do chính là thiếu những cái mà khi lập hồ sơ họ cho là đã có đủ. Một Chương trình trong điểm quốc gia được duyệt kinh phí gần 700 triệu đồng, nhưng ông Trưởng ban Chương trình còn muốn “vẽ” thêm việc cần làm để được duyệt trên 1 tỷ, trong khi một thành viên của Chương trình cho rằng chỉ cần 300 triệu là đủ. Đó là hai ví dụ trong nhiều trường hợp nhà khoa học chủ động nói dối.

Với những quy định tài trợ cho NCCB mới được ban hành gần đây, trường hợp các nhà khoa học buộc phải nói dối đã giảm đi rất nhiều. Còn trong các lĩnh vực nghiên cứu khác dường như chúng ta chưa có giải pháp nào tỏ ra hữu hiệu để ngăn ngừa một số nhà KH chủ động nói dối. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế tác dụng, thậm chí vô hiệu hóa nhiều chính sách quản lý KH&CN tiến bộ như công khai tuyển chọn và đấu thầu các đề tài nghiên cứu, Nghị định 115…, từ đó nảy sinh nhiều vấn nạn nhũng nhiễu, lãng phí, gây nghi ngờ giữa các nhà khoa học,… hiệu quả hoạt động KH&CN thấp.

Vì vậy yêu cầu đặt ra đối với việc đổi mới chính sách, cơ chế quản lý tài chính trong khoa học không chỉ là để các nhà khoa học không phải nói dối mà còn là ngăn ngừa được những nhà khoa học thiếu trung thực không thể nói dối.

TIA SÁNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét