Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2009

Tiếp viên của Vietnam Airlines

Hôm nay, ngày cuối tuần, có chút thì giờ kể chuyện cổ tích ...

Đã từng nghe qua nhiều về thái độ kẻ cả và hống hách của các tiếp viên thuộc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, nhưng tôi chưa từng chứng kiến cho đến chuyến bay vừa qua từ Phú Quốc về Sài Gòn, và bây giờ thì tôi có thể làm nhân chứng về hành vi hết sức vô giáo dục của hai tiếp viên VNA. Tôi phải dùng “VNA” vì tôi sợ làm hoen ố cụm từ “Hàng không Quốc gia Việt Nam”.

Chuyến bay Phú Quốc – TPHCM mang kí danh VN482, ngày 16/8/2009 (2 giờ chiều), cũng chẳng có gì “eventful” nếu không bị làm phiền phức bởi tiếp viên của VNA. Câu chuyện thật đơn giản: tôi ngỏ ý muốn gửi hành lí xách tay của tôi trong khoan sau cùng của máy bay vì tôi thấy khoang chứa hành lí trên đầu ghế có vẻ hơi nhỏ, không giống như máy bay B777 hay Airbus 320. Tuy nhiên, một cô tiếp viên tên là “Bich Thuy” (mà tôi đoán là Bích Thủy hay Bích Thúy) gạt phăng đề nghị của tôi, và nói phải để phía trước ghế. Thấy cách nói hách dịch của cô ấy tôi hơi ngạc nhiên, vì chỉ cách đây vài ngày trong chuyến bay từ TPHCM ra Phú Quốc tôi có dịp tiếp chuyện một anh tiếp viên trẻ của VNA rất dễ mến và hết lòng giúp đỡ khách.

Đến khi đến ghế ngồi số 1D, tôi không thể để hành lí phía trước ghế vì đó là nơi thoát hiểm. Trong khi máy bay đang lăn bánh trên phi đạo sắp cất cánh, một cô tiếp viên khác tên là “Anh Thu” (có lẽ là Anh Thư, nói giọng miền Nam) ra lệnh tôi phải đứng dậy để sắp xếp hành lí vào phía trên. Cô ra lệnh “Anh phải đứng dậy cất hành lí vào đây này”, và chỉ cái khoang hành lí trên đầu. Tôi giải thích rằng khoang đó đã đầy và chưa chắc vừa hành lí xách tay này. Cô ta nhất định không chịu giải thích của tôi. Nhưng tôi cực kì ngạc nhiên về cách nói hống hách và kẻ cả của cô. Tôi sử dụng danh từ “lệnh” vì đó thực sự là cách cô ta nói với tôi. Bởi vì máy bay sắp cất cánh nên tôi từ chối không làm theo “lệnh” của cô.

Thế là cô Anh Thu báo cáo cho cô Bich Thuy (có lẽ là tiếp viên trưởng), và cô Bich Thuy đến làm phiền tôi. Bằng một giọng nói “Hà Lam Linh”, rất chát chúa và khó lọt tai, cũng cực kì hống hách (y như lúc tôi mới gặp lúc nãy) mà chỉ có thể mô tả là thô lỗ và vô giáo dục, cô Bich Thuy lại đến dọa tôi rằng nếu tôi không xếp hành lí vào đúng chỗ thì máy bay sẽ phải quay lại sân bay. Tôi không chịu nỗi và không thể nào chấp nhận thái độ của cô, nên tôi giải thích rằng: “Cô là tiếp viên, cung cấp dịch vụ cho hành khách, phục vụ cho hành khách, chứ không phải là người ra lệnh tôi một cách vô giáo dục như thế”. Một đồng nghiệp tôi thấy cảnh chướng tai gai mắt nên nói thẳng hơn: “Tôi thấy cử chỉ của cô rất ư là mất dạy.”

Có thể đoán được cô ta sốc với cách nói thành thật của chúng tôi. Chúng tôi rất cẩn thận với tiếng Việt, nhưng chúng tôi phải dùng tính từ “mất dạy” để nói với cô ấy, vì chúng tôi không tìm tính từ nào thích hợp hơn.

Qua một vài phút đôi đo, cô Bich Thuy lại dọa ngừng máy bay. Tôi cũng đồng ý để máy bay quay lại nhà ga và giải quyết. Cô ta báo cáo với cơ trưởng. Cơ trưởng (người ngoại quốc) xuất hiện. Tôi chỉ vào cô tiếp viên và nói (bằng tiếng Anh) với ông cơ trưởng rằng tôi không chấp nhận cử chỉ và lời nói thô lỗ của tiếp viên Bich Thuy. Tôi còn nói thêm rằng ông phải dạy cô ta cách hành nghề vì cô ta quá vô giáo dục. Ông ta chỉ nói “Ok”. Máy bay vẫn tiếp tục hành trình một cách êm thắm.

Nhưng tôi và đồng nghiệp tôi không được để yên. Khoảng 20 phút sau khi máy bay cất cánh, cô tiếp viên Bich Thuy lại đến chỗ chúng tôi đòi nói chuyện. Tôi từ chối nói chuyện với cô ta vì tôi không muốn tốn chữ nghĩa với một kẻ mà tôi đã đánh giá là mất dạy. Bằng ánh mắt “ăn tươi nuốt sống” (vì chúng tôi chỉ nhìn thấy mắt do họ đeo khẩu trang), cô ta hung hãn lớn tiếng xúc phạm đến vị đồng nghiệp của tôi (là một tiến sĩ – bác sĩ) trước mặt các hành khách gần đó. Trước thái độ trả đũa đó, tôi kiên quyết yêu cầu cô ta xa chỗ chúng tôi ngồi để chúng tôi được bình yên.

Câu hỏi mà tôi loay hoay đi tìm câu trả lời là tại sao một số tiếp viên VNA quá mất dạy như thế? Thì ra, câu trả lời nằm ở cái văn hóa mà họ được nuôi dưỡng và trưởng thành.

Qua tiết lộ của một giám đốc VNA trên báo chí gần đây, tôi biết rằng nhiều tiếp viên VNA thiếu trình độ học vấn thích hợp cho công việc. Phần lớn họ chỉ học đến trung học, rồi khi vào làm, họ được vội vã gửi đi học tiếng Anh và huấn luyện sơ sài về văn hóa phục vụ trên máy bay. Hệ thống giáo dục ngày nay không đặt nặng giáo dục đạo đức xã hội, nên có thể họ không biết cách hành xử với hành khách. Vì thế tôi nghĩ họ không am hiểu các qui ước xã giao tối thiểu. Lớn lên trong xã hội vô cảm trong thời buổi này càng làm cho họ trở thành những người vô đạo lí. Chính vì thế mà họ không biết kính trên, nhường dưới là gì.

Có lẽ do thiếu huấn luyện tốt nên đại đa số tiếp viên VNA nói tiếng Anh giọng lơ lớ, thậm chí sai. Chẳng hạn như cô Bich Thuy trong chuyến bay của tôi nói tiếng Anh sai, và giọng rất khó nghe. Người khách ngoại quốc ngồi kế tôi nghe tiếng Anh của cô này nói rằng anh ta không hiểu cô nói gì! Trình độ tiếng Anh của họ kém xa đồng nghiệp ngoại quốc.

Tôi cũng biết rằng nhiều cô cậu tiếp viên VNA thường xuất thân từ thành phần COCC (con ông cháu cha), quen kiểu hống hách của cha mẹ là quan chức, nên họ có thể hành xử như kẻ cả người trên. Vì xuất thân COCC và chắc trong nhà cũng có kẻ hầu người hạ nên họ không quen phục vụ người khác như là một nhiệm vụ. Có lẽ chính vì thế mà họ ra lệnh cho hành khách hơn là giúp hành khách. Họ quên chức năng và nhiệm vụ của tiếp viên là gì.

Dù biết và hiểu như thế, nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nỗi một tiếp viên hàng không, mặc áo dài Việt Nam, lại có thái độ hung hãn như thế, một thái độ mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “chợ búa” và “giang hồ”. Tôi không thể nào tưởng tượng nỗi một tiếp viên hàng không mà hành xử như những kẻ côn đồ như thế!

Trong nhiều năm qua, tôi luôn chọn Vietnam Airlines làm phương tiện đi lại giữa Úc và Việt Nam, hoặc di chuyển trong nước. Trong thời gian đó, dù cung cách phục chưa được tốt như các hãng hàng không quốc tế khác, nhưng tôi chưa bao giờ bị một tiếp viên VNA xúc phạm. Tôi nghĩ rằng hai cô tiếp viên Bich Thuy và Anh Thu chỉ là hai “con sâu làm rầu nồi canh” trong đội ngũ tiếp viên của Vietnam Airlines.

Tôi cũng nghĩ rằng hai tiếp viên Bich Thuy và Anh Thu không xứng đáng đứng trong hàng ngũ tiếp viên của Vietnam Airlines. Thật ra, hai người này không xứng đáng làm bất cứ việc gì có liên quan đến hành khách vì thái độ của họ rất vô giáo dục và vô văn hóa, hoàn toàn phản lại mục tiêu”đem văn hóa Việt đến thế giới” mà VNA đã và đang ra sức quảng bá trên thế giới.

Tôi viết entry này để cảnh báo các hành khách khác nếu chẳng may mắn gặp hai cô tiếp viên Anh Thư và đặc biệt là cô Bích Thủy trên máy bay VNA thì nên đề phòng, hay cách hay nhất là tránh xa hai kẻ lưu manh đội lốt tiếp viên VNA này.

NVT

PS. Ngoài ra, xin mời các bạn ghé đọc câu chuyện "Cướp ngày" do một đồng nghiệp kể lại về hành vi của một viên chức hải quan Tân Sơn Nhất:

http://ngdinhnguyen.multiply.com/journal/item/140

Lần đầu tiên trong đời tôi biết làm một trong những điều mà tôi cho là đáng tởm nhất: hối lộ! Nhưng nói thế thì tôi thấy tội cho tôi, đúng hơn là tôi bị cướp!

...

Bổ sung 21/9/09. Hai bài sau đây do một bạn đọc giới thiệu cũng nói lên phần nào chất lượng phục vụ của tiếp viên VNA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VietnamAirlinesFaceMoreComplaints_TMi-20060623.html

Tính chuyên nghiệp của đội ngũ tiếp viên hàng không Việt Nam

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Thời gian gần đây, Vietnam Airlines đang phải liên tiếp đối diện với những vụ tai tiếng làm đau đầu chính phủ và gây bức xúc trong dư luận như việc lãng phí ngân sách nhà nước mua sắm động cơ, hay việc tuỳ tiện đài thọ cho con cháu quan chức du học nước ngoài.

Vào khi giới chức của Tổng công ty hàng không Việt Nam vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thoả đáng trước hàng loạt các nghi vấn đang được đặt ra thì mới đây lại xuất hiện thêm các cáo buộc về những khoản “tiêu cực phí” hàng chục ngàn mỹ kim lót đường cho một vị trí tiếp viên hàng không.
Việc này khiến công luận lại thêm chú ý đến tính chuyên nghiệp cũng như tiêu chuẩn của đội ngũ tiếp viên hàng không Việt Nam vốn lâu nay đã bị than phiền rất nhiều.

Trà Mi trao đổi với một nhân viên của hãng và một hành khách quen thuộc của Vietnam Airlines liên quan đến đề tài này.

Đánh giá chung về thái độ cư xử và cung cách làm việc của lực lượng tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, anh Phúc, ngừơi thừơng xuyên sử dụng dịch vụ của hãng cho các chuyến công tác nội địa và quốc tế, nhận xét:

Anh Phúc: Nói chung và trung bình kém, chắc chắn là không bằng nước ngoài, nhiều điều chưa tốt.

Trà Mi:
Thưa anh nói là trung bình kém, anh có thể nói rõ hơn ở những khía cạnh nào?

Anh Phúc: Service dịch vụ trên máy bay, cung cách và thái độ phục vụ của tiếp viên ở đây. Rất nhiều người mặt lạnh lùng, vô cảm, khả năng ngoại ngữ không tốt. Một số theo tôi nghĩ là không đủ tiêu chuẩn đâu, thế còn vấn đề tại sao họ vào được thì mình không có ý kiến.

Vietnam Airlines xưa giờ mọi người vẫn than phiền nhiều lắm rồi, nhất là việc chuyến bay muộn, không đúng giờ. Dạo gần đây tôi bay nội địa nhiều hơn nước ngoài và có cảm giác rằng chất lượng của tiếp viên đoàn từ hình thức đến nội dung đều không bằng lúc trước. Tôi mong muốn điều này được cải thiện tốt hơn vì là khách hàng, mình phải trả tiền cho dịch vụ đó mà. Trước mắt thì còn rất nhiều hạn chế khó mà khắc phục được ngay nên dịch vụ không tốt cũng phải đành chịu.

Cùng một đề tài, chúng tôi đã hỏi thăm một nhân viên của hãng hiện đang công tác tại sân bay Tân Sơn Nhất để tìm hiểu thêm. Cô cho biết nhận xét của mình về đội ngũ tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines hiện nay.

Nhân viên Vietnam Airlines: Bây giờ đã có tiến bộ khá hơn rất nhiều nhưng so với nước ngoài thì vẫn còn yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, gọn gàng, chưa niềm nở.

Trà Mi: Còn nói về cung cách phục vụ có ân cần chu đáo hay không?

Nhân viên Vietnam Airlines: Tương đối thôi không tốt lắm.

Trà Mi: Bản thân chị cũng có nhiều cơ hội đi ra nước ngoài, nếu so sánh đội ngũ tiếp viên nhà với quốc tế, chị thấy có những điểm gì khác biệt?

Nhân viên Vietnam Airlines: Nhiều lắm. Tiếp viên của mình được cái là đẹp. Tiếp viên nước ngoài rất nhanh nhẹn, chu đáo, chỉ cần hỏi mình ngắn gọn là biết mình cần gì là đáp ứng ngay. Về khả năng ngoại ngữ của đội ngũ tiếp viên nhà thì không giỏi lắm. Giao tiếp thông thừơng chỉ nhiêu đó thôi vì không có thời gian tiếp chuyện với khách nhiều để trao dồi thêm.

Trà Mi: Nói vậy có nghĩa là những gì họ trang bị trước khi trở thành 1 tiếp viên quá sơ sài chỉ giới hạn ở những giao tiếp bình thừơng thôi?

Nhân viên Vietnam Airlines: Khả năng ngoại ngữ họ rất hạn chế không phải cái gì cũng nói được, và phát âm không chuẩn…

Trà Mi: Như vậy trước khi vào nghề người ta không dành thời gian đào tạo chuyên sâu khả năng ngoại ngữ cho nhân viên sao?

Nhân viên Vietnam Airlines: Không, những khoá ngoại ngữ đa số căn bản, không chuyên sâu, trong thời gian ngắn hạn thôi và ở trình độ thấp…

Trà Mi: Có nhiều lời đồn đại không hay rằng tiếp viên hàng không đa số là do quen biết, lo lót . Chị làm trong sân bay, chị thấy điều này có phải là một thực tế?

Nhân viên Vietnam Airlines: Có chứ. Gần đây nhất là có 1 nguòi tố cáo phải mất 20 ngàn đô để xin một vị trí tiếp viên. Hồi khoá tôi vào là những năm 90 lúc đó 1 ngàn đô lớn lắm mà người ta đã phải trả 5-6 ngàn cho một vị trí dưới mặt đất rồi huống hồ chi bay.

Trà Mi: Nhưng chị thấy điều này có phổ biến không hay chỉ là hiện tượng lâu lâu một lần?

Nhân viên Vietnam Airlines: Khoá nào cũng có hết. Thừơng họ tuyển vào chọn những người quen biết trước, sau đó là thành phần lo lót , cuối cùng mới tới những ngừơi may mắn bên ngoài lọt vào. Tiêu cực thật ra là do có người hữu trách ra giá chứ làm sao mà người ở ngoài biết giá mà chạy.

Trà Mi: Nếu những chuyện này ai cũng biết như vậy và xảy ra lâu dài mà không có biện pháp thay đổi sao?

Nhân viên Vietnam Airlines: Rất khó thay đổi những việc này là do chính những ngừơi lãnh đạo…có rất nhiều phức tạp mà khó chấm dứt được… Mặt khác, nhiều ngừơi cứ lo chạy chọt vào ngành hàng không vì sự hào nhoáng của nó… Có người xin xỏ thì mới xảy ra những chuyện như vậy…

Trà Mi: Nhưng chắc thực tế nó cũng là một nghề hái ra tiền nên người ta mới lao chân vào?

Nhân viên Vietnam Airlines: Chính xác, làm rất nhiều tiền. Tiếp viên có thể buôn bán, vận chuyển hàng lậu các loại. Nhân viên mặt đất kiểm tra thì kiếm tiền trên hành lý của khách. Chứng kiến thấy nhiều người chỉ cần vài tháng là kiếm rất nhiều tiền. Có ngừơi chỉ vài tháng tết mà có thể mua sắm hột soàn rất mắc tiền. Nói chung đó là 1 guồng máy. Thực tế 100% ai vô ngành cũng phải làm ăn như thế cả.

Trà Mi: Những tiêu cực nảy xảy ra thừơng xuyên như vậy có phải là do không có biện pháp xử phạt, chế tài?

Nhân viên Vietnam Airlines: Có chứ. Quy định cấm thậm chí có cả camera trong sân bay mà nhưng không hiểu vì sao vẫn không kiểm soát được. Chỉ những trường hợp nào quá lộ liễu mới bị đuổi, bị phạt thậm chí đưa qua khâu vệ sinh làm 6 tháng rồi quay lại vị trí nhưng cũng không hiệu quả, không ngăn chặn được gì cả. Tất cả vẫn theo 1 guồng máy.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2006/06/printable/060620_airlines_luongchiduc.shtml

Xét 'lý lịch' vào làm ở Vietnam Airlines

Một người đã được Vietnam Airlines tuyển dụng vào làm tiếp viên và tốt nghiệp đào tạo sau kỳ trúng tuyển nói rằng hiện đang phải ở nhà chừng một năm không được trả lương và chưa được đi làm bởi điều ông gọi là Vietnam Airlines đang còn chờ Bộ Công An xác minh lý lịch.

Ông Lương Chí Đức nói với BBC rằng ông đã trúng tuyển vào học lớp nghiệp vụ tiếp viên hàng không, có thời hạn 6 tháng tại Trung tâm Huấn luyện bay.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khoá huấn luyện thì gần một năm qua ông Đức không được sắp xếp công việc với lý do mà Vietnam Airlines nói là 'còn chờ Bộ Công an đang xác minh lý lịch'.

Trong mấy ngày gần đây một số tờ báo tại Việt Nam đăng tin trong kỳ thi tuyển tiếp viên khoá 41 của Vietnam Airlines, đã xuất hiện đường dây 'chạy việc' cho các thí sinh và rằng gia đình ông Lương Chí Đức đã đóng 20.000 đôla cho một 'cò' vốn hứa sẽ đưa Đức trở thành tiếp viên của Vietnam Airlines.

Ông Đức nói với BBC rằng "đó là tiêu cực xã hội và nhà tôi bị lừa và việc chạy chọt này là không liên quan đến kết quả xét tuyển của tôi".

Ông Đức nói quá trình mà ông gọi là bị lừa đảo này thực ra liên quan tới quá tình thi tuyển đầu vào và công an đang chứng minh điều này chứ không hề liên quan tới việc xét lý lịch của ông.
Trả lời phỏng vấn của BBC Việt Ngữ ngày hôm 20/06, ông Lương Chí Đức nói cho tới thời điểm này ông không nhận được câu trả lời nào từ phía Vietnam Airlines:

Lương Chí Đức: Khi tôi vào tham dự khóa huấn luyện lớp tiếp viên hàng không, cái quyết định cho biết trúng tuyển không chỉ có riêng tôi mà đó là danh sánh của hơn 150 người. Chứ có phải là tôi tự vào học đâu.

Thủ tục là thế này, trong quy trình tuyển lựa, khi tôi đáp ứng yêu cầu của ban tuyển sinh thì tôi nhận được quyết định trúng tuyển, và trở thành học viên của trung tâm huấn luyện bay. Khóa học kết thúc, tôi sẽ thành tiếp viên của Vietnam Airlines.

Như nhiều người khác, tôi đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khóa học, tốt nghiệp rồi, nhưng bây giờ Vietnam Airlines chưa cho tôi đi làm vì bên Bộ Công an chưa gửi bản xác minh lý lịch của tôi cho Vietnam Airlines. Nên tôi vẫn chưa được đi làm. Nghĩa là bây giờ chỉ thiếu một bản xác minh lý lịch gia đình là theo nguyên tắc, tôi sẽ được đi làm như những người khác.

BBC:Khoảng thời gian chờ đợi này như vậy là có lâu không, hay cũng bình thường khi áp dụng với các học viên khác?

Không bình thường ở chỗ Bộ Công an hoặc bên tổ chức cán bộ cố tình gây khó dễ cho tôi. Tôi chờ một năm qua mà không có câu trả lời của Vietnam Airlines. Tôi bây giờ chịu cảnh thất nghiệp trong khi đã ký giấy cam kết rằng sau khi hoàn tất khoá học thì phải làm cho Vietnam Airlines, nếu không phải đền tiền đào tạo.

BBC:Việc xác minh lý lịch của anh lẽ ra cần làm trước khi anh thi tuyển vào Vietnam Airlines, sao lại là sau khi vào rồi mới làm, thưa anh?

Câu hỏi rất là đúng. Tại sao Vietnam Airlines không phối hợp với Bộ Công an làm công việc ấy trước khi tuyển? Phi công thì được xác minh trước khi tuyển, nhưng tiếp viên chúng tôi thì họ lại làm sau khi đã tuyển. Tôi thuộc khóa 41, và nhiều người ở các khóa, 38, 39 cũng đã rơi vào tình trạng như tôi hiện nay. Có người cũng đã chờ đợi cả năm để chờ được xác minh lý lịch, rất là mệt mỏi.

BBC:Sau khi đào tạo cho anh mà không tuyển dụng, vậy có điều khoản nào bắt Vietnam Airlines bồi thường không?

Nếu Vietnam Airlines không bồi thường, chúng tôi sẽ kiện lên Bộ Lao động – Thương Binh – Xã hội.

BBC:Trong trường hợp Bộ Công an kết luận là không thể tuyển anh vì lý do gì đấy trong lý lịch, anh làm gì?

Không có lý do gì để mà tôi không được tuyển cả. Gia đình nhà tôi không phải thành phần chống đối nhà nước, chưa từng phạm pháp. Bản thân tôi chưa bao giờ làm gì phạm pháp, nên không có lý do gì mà không cho tôi đi làm.

Tôi đã hỏi bên Vietnam Airlines thì hỏi chỉ trả lời rằng họ không biết, mà còn đang chờ kết quả xác minh lý lịch của Bộ Công an. Tôi biết có nhiều người vướng mắc như tôi vậy, cứ vấp lý do chưa được xác minh lý lịch và phải chờ đợi một thời gian mới xong.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét