Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

Mô hình nào của ĐH chuẩn mực quốc tế

Thấy tạp chí Tia Sáng có đi một bài bình luận về tính khả thi của đề án xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị (trích dưới đây), tôi cũng muốn có vài lời bình luận thêm (bổ sung entry trước đây của tôi).

Một quan chức của Bộ GDĐT lấy mô hình của Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) để cho rằng đề án của Bộ là khả thi. Quan chức này nói: “Tuy vậy, chỉ trong vòng 15 năm kể từ ngày khai giảng khoá đầu, trường đã được NewsWeek xếp hạng 60 trên toàn thế giới, cao nhất trong số các trường ĐH ở Hồng Kông.” Thật khó tin! Tia Sáng hỏi “không biết trường này có trong tốp 200 theo xếp hạng của ĐH Thượng Hải?”

Nhưng như tôi nói trước đây, có nhiều cách xếp hạng, và chẳng có cách nào khách quan cả. Ngay cả cách xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải cũng bị các chuyên gia Hà Lan xem là ngớ ngẩn, và thiếu chuyên nghiệp. Nhưng để trả lời câu hỏi của Tia Sáng, tôi thử tra bảng xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải thì thấy HKUST được xếp vào hạng 212 trên thế giới, sau trường Chinese University of Hong Kong (hạng 204). Ngay cả xếp hạng ở Á châu năm 2008, trường Chinese University of Hong Kong vẫn cao hơn HKUST.

Do đó, nói như quan chức của Bộ GDĐT không hẳn đúng, vì HKUST không phải là trường được xếp hạng cao nhất ở Hồng Kông. Lấy HKUST ra làm mô hình để phát triển thì tôi e rằng không nên.

Cách xếp hạng thường dựa vào các chỉ tiêu như sự thành đạt của cựu sinh viên, giải thưởng quốc tế của các giáo sư, nghiên cứu khoa học, v.v… Nhìn vào bảng xếp hạng thì thấy điểm về cựu sinh viên và giải thưởng quốc tế của HKUST là 0 (có lẽ còn quá “trẻ”, mới 18 năm); điểm về các công trình nghiên cứu có chất lượng cao, có ảnh hưởng, thì trường này thuộc vào loại làng nhàng (16.3 trên 100), nhưng điểm về nghiên cứu khoa học nói chung thì họ kha khá (33.5 trên 100). Nói cách khác, HKUST đi lên nhờ vào nghiên cứu khoa học là chính.

Tuy nhiên, phải ghi nhận một điều là chỉ trong vòng 18 năm mà HKUST đã vươn từ một trường vô danh thành một trường có tiếng như vậy cũng rất đáng được khen. Thành tựu đó một phần là do kinh phí dồi dào (hàng tỉ USD đã được đầu tư), nhưng phần lớn là do lãnh đạo tốt, có uy tín thu hút một lực lượng giáo sư và nhà khoa học có tiếng làm việc cho trường. Tôi chưa đến HKUST lần nào, nhưng từng làm visiting professor (hình như VN dịch là “giáo sư thỉnh giảng”) cho Chinese University of Hong Kong thì tôi thấy cách làm việc ở đây (từ quản lí đến hành chính) chẳng khác gì các đại học phương Tây. Thật vậy, tôi thấy mình “at home” và rất thoải mái ngay từ ngày đầu tiên làm việc ở đây, “at home” đến nỗi có lần tôi suýt bỏ Úc sang đây đầu quân theo lời mời của một đồng nghiệp.

Nhìn lại tình hình ở Việt Nam ta, tôi thấy khó có trường nào có thể đuổi kịp HKUST. Ở Việt Nan, có thể chúng ta không có nhiều nhà khoa học tài giỏi như Hồng Kông, nhưng chúng ta không thiếu những tài năng vượt trội tầm cỡ quốc tế; cái mà chúng ta thiếu môi trường cho tài năng được chấp cánh và phát huy.

Môi trường khoa học còn quá kém. Lãnh đạo với tư duy cũ, tầm nhìn về khoa học còn hạn hẹp, tính đố kị của người Việt, chuyện cởi mở, chuyện hiểu biết thế nào là đẳng cấp quốc tế, v.v… Tôi có nói chuyện với vài hiệu trưởng đại học ở trong nước, và cảm nhận mà tôi có được là họ quá bận rộn với việc quản lí (management) nên không có thì giờ suy nghĩ về chiến lược (strategy). Nói cách khác, lãnh đạo đại học ở VN đang chỉ là nhà quản lí chứ chưa là nhà chiến lược. Họ chưa có thì giờ nhìn xa để thấy 5 hay 10 năm nữa đại học của mình ở đâu trên thế giới này, mà chỉ loay hoay với những chuyện hàng ngày. Họ cũng không có cố vấn có kính nghiệm quốc tế. Có lãnh đạo đại học y thậm chí vẫn còn khám bệnh và làm phẫu thuật! Thế thì khó mà đòi hỏi họ một tầm nhìn chiến lược được.

Môi trường quản lí còn quá nhiều rào cản và mang màu sắc chính trị hóa. Nào là phải đảng viên mới có quyền làm hiệu trưởng hay trưởng khoa được, rồi chuyện “cơ cấu” (xếp người vào vị trí theo một qui trình nào đó), chuyện “hành là chính”, v.v… Chẳng nói gì xa xôi, chỉ việc một giáo sư nước ngoài về giảng bài hay nói chuyện trong hội nghị mà ban tổ chức cũng phải chạy đôn chạy đáo xin phép … an ninh. Với những khó khăn như thế thì thì nói gì đến chuyện xây dựng một (chứ chưa nói 4) đại học đẳng cấp quốc tế.

Trước đây tôi có phát biểu trên Tia Sáng, và nay lặp lại một ý liên quan đến vấn đề này: Tôi nghĩ mô hình đại học mới phải như CalTech hay ANU của Úc, tức là tập trung vào nghiên cứu sinh và nghiên cứu khoa học. Không cần đại học lớn, chỉ vài trăm (<1000 sinh viên tài giỏi) và một nhóm giáo sư tài giỏi tầm cỡ quốc tế thật sự thì có thể trong vòng 10-15 năm đưa trường lên đẳng cấp quốc tế (lấy kinh nghiệm ANU). Chúng ta nên bắt đầu nhỏ nhưng chắc và tốt, và sau đó phát triển lớn lên; chứ không nên bắt chước một trường như HKUST. Không nên đặt mục tiêu duy ý chí kiểu 10 năm nữa phải có trường đẳng cấp quốc tế, hay “phấn đấu” thế này thế nọ; chỉ âm thầm thực hiện và thực hiện tốt thì thế giới sẽ biết chứ không cần đánh trống tự xưng mình là “đẳng cấp quốc tế”.

Tôi vẫn nghĩ giáo dục đại học VN cần một cuộc cách mạng, mà người cầm đầu phải như … Đặng Tiểu Bình. Mèo đen hay mèo trắng gì cũng được, miễn là đưa giáo dục đại học lên một tầm cỡ mới, sánh vai cùng bè bạn trên thế giới, để sao cho sinh viên mình cầm mảnh bằng MS hay PhD từ đại học VN ra ngoài không cảm thấy xấu hổ.

NVT

===

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=76&CategoryID=3&News=2979

Tự xây dựng trường ĐH chuẩn mực quốc tế 02:52-17/08/2009

Việc bàn thảo xây dựng ở Việt Nam một trường đại học đẳng cấp quốc tế khởi đầu cách đây vài năm, dường như đã lắng xuống thì gần đây sôi động trở lại khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra dự án sẽ vay của WB và ADB khoảng 400 triệu USD và hợp tác với một số đại học và tổ chức nước ngoài vào năm 2013, sẽ xây dựng mới 4 trường đại học công lập đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, tiến tới trình độ quốc tế vào năm 2020, trong đó có ít nhất một trường lọt vào tốp 200 của thế giới.

Cụ thể là trường đại học Việt Đức trong khuôn viên ĐHQG TP.HCM, Đại học KH&CN tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và hai trường đại học ở Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại cuộc lấy ý kiến các chuyên gia và nhà khoa học trong và ngoài nước ở Hà Nội đầu tháng 8, dường như để minh chứng cho tính khả thi của dự án này, bà Trần Thị Hà Vụ trưởng Vụ GD-ĐH đã dẫn ra sự thành công của ĐH KH&CN HongKong (HKVST) - chỉ sau 15 năm xây dựng đã được Newsweek xếp hàng 60 trên thế giới(không biết trường này có trong tốp 200 theo xếp hạng của ĐH Thượng Hải?). Nhưng phần lớn những người am hiểu giáo dục đại học đều không tin vào tính khả thi của dự án, dù chúng ta có đổ vào đó không chỉ 400 triệu USD mà là cả tỉ USD. Họ đã có lý, vì tiêu chí hàng đầu của một đại học đẳng cấp quốc tế là một trung tâm nghiên cứu và đào tạo mạnh với một đội ngũ GS, giảng viên có nhiều công bố quốc tế, có hệ số trích dẫn cao. Vậy chỉ trong thời gian gần chục năm làm cách nào chúng ta có được đội ngũ GS, giảng viên như vậy cho các trường kể trên? Trong khi chất lượng nghiên cứu của đội ngũ GS, giảng viên các trường ĐH hiện nay của ta còn rất hạn chế. (Số công bố quốc tế trong lĩnh vực toán - một lĩnh vực thuộc loại mạnh hàng đầu của Việt Nam - của tất cả các trường ĐH và Viện toán của ta trong năm chỉ bằng số công bố quốc tế của trường ĐH Toulouse - một trường ĐH hạng trung bình ở Pháp). Hơn nữa, theo nguồn tin rất đáng tin cậy của một giáo sư, thì có đối tác của 4 trường trên còn xa mới được coi là trường đạt chuẩn mực quốc tế, nói gì đến đẳng cấp quốc tế. Đối tác như vậy không hy vọng họ có thể thu hút được các nhà khoa học uy tín nước ngoài đến Việt Nam tham gia giảng dạy.

Từ bài học các nước đang phát triển có trình độ KH&CN và tiềm lực kinh tế hơn ta nhiều như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác trong xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế cho thấy không có trường hợp nào do nước ngoài làm hoặc áp đặt một mô hình của nước ngoài mà thành công. Điển hình là năm 2005, George Mason, một trong những trường Đại học Mỹ đầu tiên mở một chi nhánh đào tạo ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, nhưng vào tháng 5 vừa qua, nó trở thành trường đầu tiên quyết định đóng cửa, dù chưa hề cho tốt nghiệp một sinh viên nào. Vì vậy việc chúng ta hợp tác với nước ngoài để xây dựng một số trường ĐH là cần thiết nhưng với thực trạng của nền kinh tế - xã hội và giáo dục đại học hiện nay của ta, không nhất thiết đặt ra mục tiêu top 200 - “có tính chính trị” như vậy- mà chỉ đặt vấn đề xây dựng các trường ĐH theo chuẩn mực quốc tế, nhằm đào tạo những chuyên gia có kỹ năng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Theo GS Hoàng Tụy, nếu chúng ta thực sự mong muốn về lâu dài có được một trường đại học có đẳng cấp quốc tế thuộc hạng trung bình của các nước tiên tiến, thì trước mắt phải bắt đầu từ việc tự xây dựng một trường đại học với qui mô nhỏ, chọn lọc một vài ngành học mà ta có tiềm lực mạnh với từ 200 - 300 sinh viên, nhưng mọi hoạt động giảng dạy và đào tạo của trường ngay từ đầu phải theo các chuẩn mực quốc tế và ngày càng phấn đấu theo chuẩn mực cao hơn. Bộ máy quản lý của trường thời kỳ đầu cần thu hút được những GS có uy tín lớn, cần thiết có thể mời các GS người nước ngoài. Trong bối cảnh của Việt Nam, để có thể xây dựng được một trường ĐH đẳng cấp quốc tế, là một việc lâu dài rất khó khăn, phải vượt qua không ít chướng ngại về thể chế, về văn hóa nghiên cứu, tính cạnh tranh... đặc biệt là chính sách tiền lương, đãi ngộ vật chất. Vì vậy theo GS Hoàng Tụy, sự quyết tâm cùng với các chính sách của các nhà quản lý là điều cần nhưng chưa đủ. Phải huy động được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo có uy tín quốc tế và chỉ có họ mới có thể huy động thêm được nguồn lực và tư vấn cho các nhà quản lý những bước đi và giải pháp thích hợp.

TIA SÁNG

0 nhận xét:

Đăng nhận xét