Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2009

Về qui trình và tiêu chuẩn phong giáo sư ở VN

Cuối tuần qua, tôi đọc một mạch những trao đổi trực tuyến của ngài Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Bài dài quá, đề cập đến rất nhiều khía cạnh giáo dục và đào tạo, nhưng thông tin cụ thể thì không có bao nhiêu. Ngay cả các câu trả lời cũng chung chung, chứ không thấy có câu nào thiết thực hay giải quyết rốt ráo một vấn đề. Liên quan đến câu hỏi về đề bạt giáo sư / phó giáo sư tôi thấy câu sau đây đáng chú ý. Thế là tôi gõ lại vài nhận xét và suy nghĩ của mình sau khi đọc qua những trả lời của ông Bộ trưởng.

* Một ứng viên sau khi đủ điều kiện tối thiểu do Hội đồng chức danh giáo sư (HĐCDGS) nhà nước quy định phải được 2/3 thành viên HĐCDGS cơ sở, 3/4 thành viên HĐCDGS ngành và 2/3 thành viên HĐCDGS nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm mới được công nhận chức danh Phó giáo sư. Thành viên HĐCDGS ngành và nhà nước làm sao biết ứng viên là người như thế nào mà bỏ phiếu tín nhiệm? Bộ trưởng có cách gì để cải tiến cách tuyển chọn chức danh này không? (Lê Minh Thanh - Nam 40 tuổi - Giảng viên - PTIT)

Ông Nguyễn Thiện Nhân là chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước (có thể xem tin ở đây). Vì thế, câu hỏi này đến ông cũng là hợp lí. Mấy năm gần đây, trước những phàn nàn, góp ý về vấn đề phong chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS/PGS), Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có lắng nghe và có nhiều thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều qui định “không giống ai”, và nhất là qui trình làm việc thì rất cồng kềnh và nặng nề thủ tục hơn là tinh giản. Một trong những qui định khó hiểu đó là câu hỏi trên đây. Ở đây, tôi bàn sơ qua câu trả lời của ngài Bộ trưởng (viết nghiêng) như sau:

“Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Việc công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư rất có ý nghĩa, khẳng định trình độ, khả năng của các giảng viên đại học ở trình độ cao, trao cho họ quyền được chủ động trong nội dung môn học, quyền được hướng dẫn nghiên cứu sinh, quyền được giữ những trách nhiệm quản lý về khoa học cũng như về đề tài… nên phải lựa chọn rất khách quan. Nội dung hồ sơ được công nhận là đủ tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư gồm những cấu phần chủ yếu sau:”

Tôi không hiểu “quyền được chủ động trong nội dung môn học” là gì. Còn quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh thì có gì không ổn ở đây, bởi vì trước khi trở thành GS/PGS ứng viên đã làm hướng dẫn nghiên cứu sinh rồi! Tại sao trở thành GS/PGS mới có quyền hướng dẫn nghiên cứu sinh? Qui định hơi ngược đời! Còn quyền được giữ những trách nhiệm quản lí khoa học thì chắc chỉ có VN mới có, bởi vì ở nước ngoài, không cần phải là GS/PGS mới có quyền quản lí khoa học; chỉ cần người có khả năng chuyên môn – cho dù là bằng cấp chỉ cử nhân – cũng có thể quản lí khoa học. Các quan chức trong Bộ giáo dục ở Mĩ, Canada, Úc, v.v… đâu cần đến bằng tiến sĩ, và chắc chắn chẳng có chức danh giáo sư. Không thấy ông Bộ trưởng nói gì về nghiên cứu khoa học cả, một lĩnh vực nồng cốt của một giáo sư!

Tôi nghĩ rằng ông Bộ trưởng vẫn chưa quán triệt ý nghĩa của chức danh GS/PGS. Thực ra, đó chỉ là một chức vụ trong hệ thống đại học mà thôi. Chức danh này là một hình thức ghi nhận hay công nhận đóng góp của ứng viên trong khoa học và cống hiến cho trường cũng như cho quốc gia.

“1. Được đào tạo như thế nào: Phải có bằng Tiến sĩ ở những chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực mình được công nhận. Hội đồng từ cơ sở trở lên phải xem bằng cấp của người được công nhận xem có đúng không.”

Tại sao học vị tiến sĩ phải là một tiêu chuẩn phải có để được đề bạt lên chức danh GS/PGS? Tôi thấy ở các đại học phương Tây (tôi chỉ nói đại học lớn và có uy tín) ở một số khoa (như luật, y khoa, khoa học máy tính), GS/PGS không cần có học vị tiến sĩ. Ở Úc, khi cuộc cách mạng giáo dục đại học khởi đầu, một số trường cao đẳng được nâng cấp thành đại học, họ cũng phải bổ nhiệm GS/PGS cho những người có học vị thạc sĩ, thậm chí cử nhân. Trong bối cảnh ở Việt Nam, tôi nghĩ không cần phải đòi hỏi ứng viên chức danh giáo sư có học vị tiến sĩ, mà thạc sĩ hay thậm chí cử nhân cũng được, miễn là phải có thực tài và đáp ứng các tiêu chuẩn khách quan đặt ra.

“2. Kê khai quá trình tham gia đào tạo của mình từ trước đến nay, đặc biệt là số giờ giảng liên tục ở mức nhất định ở từng trình độ đại học. Ví dụ, phải có hướng dẫn nghiên cứu sinh (nếu làm Tiến sĩ), hướng dẫn Thạc sĩ (nếu đăng ký làm Phó Giáo sư). Hội đồng phải xem xét hồ sơ có đúng chất lượng.”

Như vậy là đặt nặng tiêu chí đào tạo! Nếu người chỉ làm nghiên cứu, tức ít giảng dạy, thì sao? Tôi nghĩ cái thiếu sót cơ bản của bộ tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS ở Việt Nam là không phân biệt ngạch đề bạt. Ở nước ngoài, các đại học phân biệt 2 ngạch đề bạt: giảng dạy và nghiên cứu. Ứng viên chức danh GS nếu muốn được đề bạt dựa vào nghiên cứu thì các tiêu chuẩn giảng dạy sẽ được hạ thấp một chút, và ngược lại khi ứng viên xin đề bạt qua ngạch giảng dạy thì các tiêu chuẩn về nghiên cứu sẽ được giảm.

“3. Biên soạn SGK, tài liệu tham khảo giảng dạy đại học. Những tài liệu này phải được chấm có hệ số tùy theo chất lượng phù hợp mục tiêu.”

Sách giáo khoa và tài liệu tham khảo giảng dạy đại học không nên tính vào điểm để đề bạt chức danh giáo sư. Trong thực tế, đại đa số sách giáo khoa ở VN chỉ là sách mà tác giả hoặc là dịch lại từ sách nước ngoài (nhưng không đề nguồn!) hoặc là những cuốn sách biên soạn lại từ các tài liệu ở nước ngoài hay của tác giả khác ở trong nước. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn các GS/PGS ở Việt Nam ít làm nghiên cứu khoa học, nên họ không có những dữ liệu của chính họ, mà phải “mượn” từ người khác. Do đó, đối với một số ngành (như ngành y chẳng hạn), sách giáo khoa không có giá trị khoa học. Mà, không có giá trị khoa học thì không nên tính vào điểm để được đề bạt.

“4. Các công trình khoa học được công bố ở trong nước hoặc nước ngoài, có chấm điểm từ 0-2 điểm với độ lệch 0,25 điểm.”

Tại sao 0-2 điểm? Chẳng lẽ một bài trên New England Journal of Medicine đánh đồng tương đương với một bài trên tập san Y học Thực hành của Bộ Y tế ư? Nếu thế thì quả là vô lí quá. Rồi lại có cái gọi là “độ lệch” 0,25 điểm ở đây nữa, chẳng biết cái độ lệch này là gì và phản ảnh cái gì. Chẳng lẽ là độ lệch chuẩn (standard deviation). Mà, chấm điểm là áp dụng cho từng cá nhân, cái độ lệch chuẩn đó áp dụng cho quần thể, chứ không thể áp dụng cho cá nhân được. Đúng là bí hiểm!

“5. Về mặt chuyên môn, phải bảo đảm một số điểm khoa học nhất định.”

Câu này không có thông tin gì cả!

“Vấn đề đặt ra là các thành viên Hội đồng ngành và liên ngành quốc gia có đủ khả năng chấm hay không. Trước hết, các thành viên Hội đồng ngành đều phải là Giáo sư, tức là những người có trình độ khoa học cao nhất trong ngành, có đủ khả năng đánh giá SGK, giáo trình, các bài báo khoa học. Nếu ngành chưa đủ số Giáo sư thì được bổ sung không quá 1/3 Phó Giáo sư.”

Có thật giáo sư là “những người có trình độ khoa học cao nhất trong ngành, có đủ khả năng đánh giá SGK, giáo trình, các bài báo khoa học”? Tôi nghi ngờ nhận xét này. Thật ra, tôi xem đây là một đánh giá / nhận xét naïve (ngây thơ). Khoa học thường đi vào những lĩnh vực hẹp, và một giáo sư không thể nào hiểu hết hay thông thái tất cả các vấn đề được. Lấy ví dụ một giáo sư chuyên gia về tiểu đường, nếu chỉ làm lâm sàng thì làm sao hiểu (chưa nói “biết”) các vấn đề sinh học phân tử hay gene liên quan đến tiểu đường được.

“Hội đồng liên ngành bao gồm Chủ tịch các Hội đồng ngành đều phải là Giáo sư. Hội đồng liên ngành chủ yếu rà soát những trường hợp sát nút. Ví dụ 12 điểm là Giáo sư, ứng viên đạt 13 điểm. Hội đồng liên ngành sẽ rà soát xem có sai sót, lỏng lẻo không. Hoặc có những khiếu kiện liên quan đến các công trình khoa học thì Hội đồng liên ngành sẽ làm rõ. Như vậy, tôi xin cam kết rằng những nhà khoa học này có đủ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm quản lý để đánh giá được năng lực của các ứng viên.”

Đây là một qui định máy móc (12 điểm)! Tôi nghĩ không nên cân đo đong đếm như thế, vì bản chất của các cách tính điểm của các chỉ tiêu cũng chỉ là tương đối. Thật ra, các chỉ tiêu này như tôi đã từng nói cũng không hẳn là thích hợp, thì nói gì đến chuyện tổng kết số điểm để đề bạt chức danh GS/PGS! Đáng lẽ hội đồng nên yêu cầu ứng viên chỉ ra rằng ứng viên tương đương với ai trên thế giới hay trong nước, và cách làm đó là một cách để ứng viên tự đánh giá cũng như tạo thuận lợi cho hội đồng xem xét thêm.

Cam kết của ông Bộ trưởng xem ra hơi lạc quan. Tôi nghĩ không một hội đồng ngành nào có đủ năng lực chuyên môn để đánh giá chính xác năng lực của một ứng viên cả. Chỉ có đồng nghiệp của ứng viên mới đánh giá chính xác năng lực của ứng viên mà thôi.

“Cuối cùng, Giáo sư phải thuyết trình bài bằng ngoại ngữ để Hội đồng thẩm định. Trong trường hợp không đủ thành viên Hội đồng thẩm định ngoại ngữ mà ứng viên lựa chọn thì sẽ mời phiên dịch.”

Vấn đề ngoại ngữ cũng quan trọng, nhưng không thể nói chung chung là giáo sư phải “thuyết trình bằng ngoại ngữ để hội đồng thẩm định” được, bởi vì ngay cả các vị thành viên trong hội đồng đã chắc gì thông thạo ngoại ngữ. Ngay cả ngài phó thủ tướng, dù mang hàm giáo sư, nhưng khả năng tiếng Anh của ngài cũng còn rất hạn chế, thì nói gì đến chuyện xét duyệt trình độ tiếng Anh của người khác! Ai muốn biết trình độ tiếng Anh của ngài Bộ trưởng thì có thể xem qua tài liệu này.

Theo tôi cái sai lầm cơ bản của qui trình phong chức danh giáo sư ở Việt Nam hiện nay là nó mang tính quá tập trung, cũng giống như thời bao cấp hay bắt chước theo các nước xã hội chủ nghĩa cũ (nay không còn nữa). Theo qui trình tập trung này, đơn của ứng viên phải được xem xét từ hội đồng cơ sở nơi ứng viên làm việc, sau đó lên hội đồng của Bộ (?), và cuối cùng là Hội đồng ngành trong Hội đồng chức danh Nhà nước. Trên giấy tờ thì phức tạp như thế, nhưng hội đồng cơ sở là quan trọng nhất, vì nếu hội đồng này thông qua thì 2 hội đồng kia cũng ok theo.

Cái sai lầm số 1 là để cho hội đồng cơ sở đánh giá. Là đồng nghiệp với nhau, chắc chắn các thành viên trong hội đồng cũng phải kiêng nể, vị tình, chứ khó mà có quyết định khách quan được. Thật ra, cũng có thể đặt câu hỏi về khả năng chuyên môn của hội đồng cơ sở trong việc đánh giá đơn của ứng viên.

Cái sai lầm thứ 2 là hội đồng ngành thường quá bao quát. Chẳng hạn như chỉ có một hội đồng cho ngành y, và hội đồng này phải lo tất cả các ứng viên từ các ngành hẹp trong ngành y như thần kinh, nội tiết, khớp, tim mạch, v.v… Làm sao 12 thành viên trong hội đồng này đánh giá các lĩnh vực chuyên môn hẹp? Đó là chưa nói đến tư cách của các thành viên này có xứng đáng ngồi trong hội đồng đó hay không!

Vậy thì phải làm gì để khắc phục vấn đề này? Theo tôi, trong bối cảnh Việt Nam, có lẽ cái hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vẫn cần, nhưng họ chỉ nên là một hội đồng phê chuẩn mà thôi. Tôi đề nghị một qui trình khác đơn giản hơn như sau:

1. Ứng viên soạn thảo đơn và hồ sơ xin đề bạt theo những tiêu chuẩn và tiêu chí mà tôi đã phát biểu trước đây;

2. Đơn sẽ do HĐCDGSNN gửi cho 8 người chuyên gia trong cùng ngành (trong và ngoài nước) bình duyệt;

3. Dựa vào báo cáo bình duyệt, HĐCDGSNN phỏng vấn ứng viên và phê chuẩn.

Nói tóm lại, tôi thấy qui trình và tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS/PGS ở Việt Nam dù có cải tiến, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét và sửa đổi sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Hi vọng rằng những đề nghị đơn giản trên đây của tôi sẽ góp phần vào định hướng đó.

NVT

Đọc thêm:
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/06/hoi-ong-chuc-danh-giao-su-nha-nuoc.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét