Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Nha Trang ngày về và những ghi chép linh tinh

Tôi mới đi công tác bên Việt Nam về. Một chuyến đi ngắn hạn, nhưng cũng có nhiều chuyện vui buồn. Hôm nay rảnh rổi ghi lại vài chuyện xem như là những trang nhật kí trong những ngày cuối năm 2009.

Chỉ vài tuần trước tôi nhận được lời mời từ WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tham gia giảng dạy một khóa học về dịch tễ học thực địa tại Việt Nam. Hình như ban tổ chức tìm không được chuyên gia, hay tìm được mà các chuyên gia đều bận, nên họ quay sang nhờ tôi. Tôi là ”consultant” cho WHO từ nhiều năm nay, chủ yếu là duyệt các đề án nghiên cứu y khoa cho họ, chứ chưa tham gia giảng dạy cho họ bao giờ. Nhưng trong 5 năm qua tôi đã cùng đồng nghiệp trong nước tổ chức nhiều khóa học về dịch tễ học, phương pháp nghiên cứu, di truyền học, v.v... Vì thế việc soạn thảo tài liệu giảng dạy cho một khóa học như WHO yêu cầu cũng chẳng khó khăn gì. Chỉ cần một tuần là tôi đã có thể soạn được vài chục bài giảng, cộng với những tài liệu mà tôi thu thập trong quá khứ, tôi đã có đủ tài liệu cho một khóa học hoàn chỉnh. Thế là tôi nhận lời lên đường ”tòng quân” với lòng hào hứng, vì nghĩ rằng mình có dịp chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trong nước. Thế nhưng những gì xảy ra làm tôi phải suy nghĩ lại những lí tưởng mình đã có trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi nghĩ bây giờ chưa phải là thời điểm để nói chuyện không hay ho (hẹn khi nào đúng dịp tôi sẽ kể hết cho người đi sau rút kinh nghiệm), nên tôi chỉ nói chuyện vui.

Thứ Tư 9/12: Lên đường

Bay về Việt Nam, tôi luôn dành ưu tiên cho Vietnam Airlines (VNA), dù tôi có nhiều lựa chọn khác. Một lí do đơn giản và gần nhất: tôi là khách hàng thường xuyên của VNA, nhưng lí do quan trọng khác là tôi muốn ủng hộ ”gà nhà” cho dù gà nhà đối xử với tôi không mấy tốt đẹp.

Vì nghĩ như thế cho nên tôi không bao giờ thấy sốc khi phải trực diện với cung cách phục vụ của VNA từ khâu check-in cho đến khâu phục vụ trên máy bay. Tôi nghĩ [có lẽ hơi tiêu cực] rằng với VNA, họ phục vụ được như vậy là khá lắm rồi, không thể trông chờ họ trở thành Singapore Airlines hay Thai Airways được đâu, ít nhất là trong quãng đời còn lại của tôi.

Như bao chuyến bay khác của VNA, chuyến bay từ Sydney về Sài Gòn mang kí hiệu VN782 là một chuyến bay tầm thường. Vẫn những tiếp viên lạnh lùng, nói tiếng Anh lơ lớ khó nghe (điều này thì thông cảm được); vẫn những cách tiếp khách như cái máy; vẫn những cái rót rượu theo kiểu hà tiện ... Vẫn cái thời khóa biểu bất biến: cho khách ăn uống xong, tiếp viên kéo nhau vào khu của họ để tán gẫu. Toilet thì dơ bẩn (do khách Việt Nam ta không ý thức chứ không phải do tiếp viên) mà tiếp viên chẳng thèm làm sạch (điều này là do tiếp viên ... lười biếng). Phi công không hề nói chuyện với hành khách một câu, không hề thông báo hành khách đoạn đường đi ra sao, thời tiết như thế nào. Họ chỉ nói với phi hành đoàn hai câu lúc cất cánh và lúc hạ cánh như "Cabin crew! Prepare for landing". Ai thường đi máy bay đều có thể làm chứng cho nhận xét của tôi, vì phi công các hãng hàng không khác cực kì thân thiện và có khi vui tính nữa. Lên máy bay, họ nói vài câu chào mừng khách, sắp bay họ giải thích máy bay sẽ cất cánh hướng nào, trong khi bay họ nói đang bay cao độ bao nhiêu hay thời tiết ra sao, thỉnh thoảng còn báo cho biết thông tin về thể thao, và lúc sắp đáp họ nói lời cảm ơn khách. Không biết đến bao giờ phi công ta mới ”biết nói” với khách vài ba câu để tỏ sự thân thiện như phi công các hãng khác?

Cần nói thêm là hôm bay từ Sài Gòn về Sydney, cơ trưởng là Nguyễn Thành Trung, mà tôi đoán chắc là phó tổng giám đốc VNA. Anh này từng là sĩ quan không quân VNCH nhưng đó chỉ là bình phong thôi, chứ trong thực tế anh chính là đại tá QĐNDVN, người từng ném bom xuống Dinh Độc Lập vào tháng 4/1975. Với một phi công bậc thầy như Nguyễn Thành Trung, tôi không ngạc nhiên khi thấy máy bay cất cánh và hạ cánh một cách êm ru. Nhưng chuyến bay do anh chỉ huy cũng tẻ nhạt, vì không có ”giao lưu” với hành khách (dù anh có mở video cho khách xem máy bay di chuyển ra sao trong lúc máy bay cất cánh và hạ cánh).

Dù đi lại Việt Nam nhiều lần, nhưng cứ mỗi lần máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi nghe trong lòng sao cứ bồi hồi. Cái bồi hồi rất khó tả. Có lẽ vì biết rằng mình đang về nơi quê cha đất tổ chăng? Hay vì mình vẫn còn có một mối liên hệ vô hình với mảnh đất hình chữ S này. Nhưng sự bồi hồi của tôi chấm dứt khi phải chen chân xuống máy bay vào chiếc xe bus để vào nhà ga. Tôi thật sự không hiểu nổi tại sao máy bay không đậu ngay tại nhà ga để khách đi đường ống vào cho thoải mái, mà phải hành hạ khách đi xe bus như thế này. Tôi thì còn ok, nhưng nhìn thấy mấy ông bà cụ có tuổi lụm khụm đi lại khó khăn tôi thấy thật tội nghiệp cho họ. Ấy thế mà VNA không hề có ai giúp đỡ những hành khách cao tuổi này. Nhìn họ tôi lại nghĩ đến chính tôi: rồi một ngày nào đó tôi cũng như họ, và tôi có còn chọn VNA để đi nữa hay không?

Thứ Năm 10/12: Buổi ra mắt sách của GS Nguyễn Chấn Hùng

Sáng hôm nay có buổi họp mặt ra sách Sương mù tan biến của Gs Nguyễn Chấn Hùng. Gs Hùng là một chuyên gia về ung thư có tiếng ở Việt Nam. Anh viết nhiều bài báo rất hay về y khoa và y tế. Tuy chưa bao giờ gặp anh ngoài đời, nhưng tôi đã gặp anh trong tâm tưởng lâu lắm rồi. Tôi rất đồng cảm và chia sẻ những quan tâm của anh về ung thư và y tế nói chung. Do đó, nhận được lời mời của Sài Gòn Tiếp Thị tôi thu xếp thì giờ để tham dự buổi ra mắt sách của anh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tham dự một buổi ra mắt sách rất vui ở trong nước. Tôi đã in 6 cuốn sách ở trong nước nhưng tôi chưa bao giờ có buổi ra mắt sách cả, và lần này là một kinh nghiệm cho tôi.

Buổi ra mất sách của Gs Hùng có ~150 người đến dự trong một hội trường tương đối hẹp. Trong những người đến dự tôi thấy có nhiều người quen ngoài đời và quen qua báo chí như Bs Đỗ Hồng Ngọc (một tác gia về văn hóa Phật giáo mà tôi rất thích), Gs Nguyễn Hoài Nam (chuyên gia phẫu thuật và cũng là cựu sinh viên của anh Hùng), học giả Bùi Văn Nam Sơn, và một số người khác trong y giới. Tôi ngồi nghe anh Hùng thuyết trình về DNA và gien rất thú vị. Tôi thật sự thán phục anh sử dụng những ví von đậm tính văn hóa để giải thích chức năng của DNA, RNA, gien, protein, v.v... Anh gọi DNA là ”cô lái đò chở vốn di truyền”, hay human genome là cuốn sách của sự sống. Phải là một người có vốn văn hóa thâm hậu mới nhìn sự vật sinh học khô khan bằng một lăng kính dễ hiểu như vậy.

Trong buổi ra sách có nhiều độc giả nhận ra tôi, và họ đã làm cho tôi cảm động. Có một vị độc giả có lẽ thường đọc bài của tôi, kể cả những bài tôi viết về sự ra đi của Má tôi, nên nhân thấy tôi anh ấy tặng cho một cái quạt có viết chữ ”Nhẫn” trên vải. Chẳng biết anh có ý gì không, nhưng nhìn chữ ”Nhẫn” tôi cũng tự rèn lại mình và tự nhũ sẽ tu tập tính tình của mình. Tôi thật sự cảm động tấm thịnh tình của anh độc giả, nhưng rất tiếc là tôi không có dịp nói lời từ giã khi buổi ra mắt kết thúc do tôi có hẹn nên phải vộ vã đi về. Hôm nay, tôi muốn mượn dòng entry này để trước hết là chân thành cảm ơn anh, và sau là xin anh cho tôi địa chỉ để liên lạc sau.

Thứ Sáu 11/12 đến Chủ Nhật 20/12: Nha Trang

Ngày 11/12 tôi bay ra Nha Trang để tham gia giảng dạy khóa học dịch tễ học thực địa. Khóa học này nó làm cho tôi nhớ đời, một phần là tấm lòng của các học viên dành cho tôi quá đẹp và quá cảm động, nhưng một phần khác cũng khó quên là cách cư xử của của các quan chức y tế đối với tôi. Nhưng như tôi nói trên, bây giờ chưa phải là thời điểm để nói chuyện đó. Xin hẹn một dịp khác tôi sẽ nói hết những trò đời tưởng như là chỉ có trong tiểu thuyết để cho những người đi sau rút kinh nghiệm.

Nha Trang nhìn từ tầng 9 của khách sạn

Tôi đã có những ngày tuyệt với ở Nha Trang. Tôi đã đến đây 3 lần, nhưng 2 lần trước thì vội vã đến và cũng vội vã ra đi, còn lần này thì tôi có nhiều thời gian để khám phá thành phố này. Tôi đã có dịp đi du lịch đây đó ở Nha Trang và đã ghi lại vài hạt sạn trong hai bài trước. Nhưng dù hạt sạn thì vẫn có đấy, Nha Trang vẫn còn là nơi hấp dẫn tôi vì khung cảnh ở đây êm ả, vì người dân ở đây hiền hòa, vì thời tiết rất dễ chịu. Tôi chợt nhớ đến bài hát Nha Trang ngày về của Nhạc sĩ Phạm Duy: Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya / Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào.

Thời gian tôi ở Nha Trang là lúc đội túc cầu của phe ta đang tranh tài trong SEA Games bên Lào, cho nên tôi có vinh hạnh chứng kiến những thời khắc lịch sử bóng đá của phe ta. Trước đây, khi ở Qui Nhơn tôi chứng kiến phản ứng của thanh thiếu niên VN trước trận đội túc cầu của ta thắng Thái Lan. Lần này, tôi cũng chứng kiến đội U23 của ta thắng đội Singapore. Ôi thôi, đường phố rợp cờ đỏ, xe cộ ngập đường Trần Phú, những tiếng còi hòa quyện với những tiếng hét, tiếng nhạc chiến thắng. Dù không còn ở cái độ tuổi cuồng nhiệt thanh niên, nhưng nhìn thấy phản ứng của phe ta tôi cũng cảm được cái hạnh phúc ngọt ngào khi ta thắng. Đến hôm chung kết với Mã Lai, tôi cũng tự tin rằng chúng ta sẽ thắng, nhưng cái tự tin của tôi chết yểu khi thấy phe ta thua một trái banh lảng nhách. Hôm đó, tôi ngồi trong quán theo dõi trận đấu, tôi thấy li cà phê đen nó đắng và chát làm sao! Tôi tự an ủi: thôi thì thua keo này bày keo khác. Hi vọng lần sau sẽ có kết quả tốt hơn.

Những ngày ở Nha Trang tôi sống lại cái thú uống cà phê vỉa hè thồi xa xưa. Sáng nào tôi cũng thức sớm, lang thang đến cái quán vỉa hè bán đồ ăn sáng để chọn cái bàn gần gốc cây, mua một tờ báo, nhâm nhi li cà phê đen, ăn một đĩa cơm tấm hay một tô bún cá nổi tiếng của Nha Trang. Đã lâu lâu lắm rồi tôi không có cái thú đọc báo và uống cà phê vỉa hè như thế này, nên khi có dịp đến đây tôi như sống lại cái thời của >30 năm trước. Tôi đến đây thường xuyên đến nổi khi thấy tôi thì chị bán báo đã để sẵn một tờ báo trên bàn, và em bé chạy bàn hỏi: ”Bữa ni chú dùng chi? Cơm tấm hay bún cá ạ?” Một hôm, tôi quên đem tiền theo để trả tiền báo và tiền ăn, làm tôi hết sức lúng túng, tôi hứa rằng tôi sẽ về khách sạn và đem tiền lại trả, nhưng cả chị bán hàng và chị bán báo xua tay nói ngày mai cũng được mà. Người Nha Trang dễ thương như vậy đó.

Đây là quán vỉa hè tôi hay đến uống cà phê mỗi sáng. Chẳng nhớ quán tên gì, nhưng hình như là đối diện khách sạn Thế giới, chỉ cách biển khoảng 3 phút đi bộ.

Tôi còn có dịp gặp chị DH là chủ trang nhà Vietsciences ở Pháp cũng đang có mặt ở Nha Trang để chăm sóc cho Ba của chị là Nhà văn Võ Hồng. Lâu ngày gặp lại thấy chị vẫn vậy. Chị đòi đem xe đạp cho tôi mượn để đi dạo Nha Trang nhưng tôi nói bận suốt ngày thì đi đâu được. Vả lại, tối nào cũng có tiệc tùng với bạn bè, học viên thì làm gì có thời giờ để đạp xe đạp chung quanh thành phố.

Viện Pasteur hoành tráng

Trong thời gian ở Nha Trang, tôi có dịp ghé thăm Đại học Nha Trang (có tên tiếng Anh là NTU hay Nha Trang University). Đại học nằm bên cạnh bờ biển rất đẹp. Khó có đại học nào có vị trí ”đắc địa” như NTU. Tìm hiểu qua tôi mới biết khuôn viên của NTU ngày nay nguyên là đất và cơ sở của dòng tu công giáo Lasan. Mới vào phòng họp, anh hiệu phó đã nói ngay rằng anh biết tôi từ lâu rồi, nhất là qua những bài báo tôi góp ý về vấn đề phong chức danh giáo sư. Anh nói anh cũng học nước ngoài về và hoàn toàn đồng ý với những ý kiến của tôi. Anh tỏ ra thất vọng khi những gì tôi nêu vẫn chưa được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sửa đổi.

Tôi có dịp ghé qua trung tâm thí nghiệm và nghiên cứu công nghệ sinh học của trường. Nói chung trung tâm còn sơ sài, thiết bị tàm tạm, nhưng vấn đề an toàn trong lab hầu như chẳng ai chú ý. Cũng chẳng có nghiên cứu nào, vì chẳng có ngân sách nghiên cứu. Tôi gặp một tiến sĩ trẻ mới học ở Đức về đang hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm ở đây. Nói chuyện một hồi tôi mới biết thầy cô từng hợp tác với bạn tôi là Giáo sư T. Spector bên Anh (tôi cũng từng ở bệnh viện St Thomas bên London một thời gian để theo đuổi một dự án về di truyền trong thập niên 1990s). Thế giới này đúng là nhỏ!


Đường Trần Phú (Nha Trang)



Bãi biển Nha Trang



Thứ Hai 21/12: Đại học Nông Lâm

Chiều 20/12 tôi bay vào Sài Gòn. Đến sáng 21/12 tôi đi nói chuyện ở Đại học Nông Lâm TPHCM. Đại học Nông Lâm có tên tiếng Anh là Nong Lam University, đọc thầy ngồ ngộ! Trường này nguyên là Trường Nông Lâm Súc thời trước 1975, tọa lạc trong một khu đất rất rộng thuộc Quận Thủ Đức. Chỉ tính diện tích, Đại học Nông Lâm lớn nhất so với các đại học tại TPHCM. Tuy nhiên, số sinh viên thì chỉ 15 ngàn, tức thuộc vào loại trung bình. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm trường này, nhìn qua những vườn cây mát mẻ tôi cảm thấy mình “at home”, vì tôi vốn sống trong quê mà. Tôi khen thầm những người thời trước 1975 đã chọn khu đất và có viễn kiến xây dựng một trường đại học xanh như thế này.

Tôi đâu có biết gì về nông nghiệp mà nói. Do đó, lần này tôi phải “đội nón” thống kê để nói chuyện với một số giảng viên của trường. Trước khi nhận lời nói chuyện từ lúc còn ở Nha Trang, tôi đã lên internet tìm hiểu về trường, những thông tin tôi có rất hạn chế do cách thiết kế website của các đại học VN chẳng cung cấp thông tin gì có ích. Tôi muốn tìm hiểu xem các trường dạy môn thống kê học ra sao và họ nghiên cứu về vấn đề gì. Nhưng tôi chẳng có thông tin gì thiết thực, ngoại trừ thông tin về course thống kê ở Đại học Nông Nghiệp Hà Nội mà theo tôi là còn rất … lạc hậu so với thế giới. Qua tìm hiểu tôi mới quyết định đề tài mình nói chuyện. Tôi chọn đề tài ứng dụng thống kê trong nghiên cứu nông nghiệp. Tôi soạn slides từ 2 hôm trước (khi còn ở Nha Trang), nên tôi không hề cảm thấy bị động khi nói chuyện ở đây.

Nội dung bài nói chuyện của tôi gồm về 4 phần: năng suất khoa học nông nghiệp từ Việt Nam trên trường quốc tế; thống kê là một yếu tố tăng năng suất khoa học và chất lượng nghiên cứu nông nghiệp; một số phương pháp phân tích thống kê hiện đại; và trường pháp thống kê Bayes. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến những phương pháp hiện đại như mô hình mixed-effects, phương pháp bootstrap, và trường phái Bayesian cho các bạn nông nghiệp. Tôi không nói sâu mà chỉ giới thiệu nguyên lí đằng sau các phương pháp này và tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu nông nghiệp.

Tôi cũng nhân cơ hội giới thiệu R và cuốn sách về R của tôi đến các bạn. Điều làm tôi chút ngạc nhiên là các bạn này chưa bao giờ nghe đến R lần nào! Họ chỉ sử dụng các software như SPSS hay SAS hay Stata, mà ai cũng biết đây là những software phi pháp. Tôi ngạc nhiên là tại sao các trường đại học nhắm mắt để giáo sư và giảng viên sử dụng những phần mềm bất hợp pháp như thế, vì nếu ở ngoài thì sẽ bị phạt rất nặng (hàng triệu đô chứ chẳng chơi). Chẳng những dùng software lậu mà hình như họ còn “khoe” trên các bài báo khoa học là họ đã sử dụng những software đó để phân tích dữ liệu! Tôi nghĩ các công ti sản xuất software này biết VN dùng software lậu, nhưng có lẽ họ muốn có thị trường nên tạm làm ngơ để đến khi nào có dịp họ sẽ siết chặt qui chế sử dụng và bắt buộc mua licence.

Theo dự kiến thì chỉ có 5 người giảng viên chuyên về thống kê học tham dự để dành nhiều thời gian cho trao đổi. Nhưng trong khi tôi giảng thì hàng chục giảng viên khác kéo đến nghe, làm cho phòng họp trở nên chật chội nhưng … vui. Tôi thật sự vui và hài lòng vì đã đem một số thông tin có ích cho các giảng viên ở đây. Tôi nói khoảng 80 phút, và như vậy là cũng nhiều. Nhưng phần thảo luận thật là hào hứng, sôi nổi, và … vui. Qua thảo luận nảy sinh ra hàng loạt vấn đề mà tôi nghĩ sẽ có dịp quay lại để làm những seminar chuyên sâu hơn. Một điều thú vị là tôi gặp nhiều cựu du học sinh Úc ở Đại học Nông Lâm. Buổi chiều đi ăn với ban lãnh đạo trường và chia tay, hẹn ngày quay lại với những khóa học chuyên đề và “kĩ thuật” hơn.

Chia tay các bạn nông nghiệp, buổi tối, tôi ghé thăm bạn bè bên Thanh Đa và nghe được câu chuyện tại sao cháu Dương Trương Thiên Lý (con gái rượu của anh bạn tôi là D) không đóng phim Trần Thủ Độ. Tôi sẽ quay lại câu chuyện này trong một bài sau.

Thứ Ba 22/12: “hồi hương”

Buổi sáng, tôi có hẹn với đồng nghiệp để bàn về tiến độ của một công trình nghiên cứu qui mô về vitamin D. Trưa, tôi gặp một đại tá thuộc Viện quân y 175 để bàn về hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Chiều, tôi lại có hẹn với một giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để cố vấn cho anh về một nghiên cứu rất thú vị về TNFalpha. Chiều, lên đường ra phi trường bay về Sydney.

Chuyến về quê lần nào cũng để lại trong tôi nhiều dư âm. Cũng như lúc máy bay đáp xuống Việt Nam, lúc rời khỏi đất nước này tôi cũng thấy bồi hồi. Cái cảm giác bồi hồi này tôi không hề có khi đi công tác các nơi khác trên thế giới. Chắc đúng là do mình là người Việt, nên mới có một mối liên hệ vô hình với mảnh đất này. Có một điều làm tôi cảm động là các học viên trong khóa học ở Nha Trang, dù chỉ mới gặp nhau lần đầu, đã dành cho tôi nhiều thiện cảm. Họ đã đọc được tấm lòng của tôi dành cho họ nói riêng và cho đất nước này nói chung. (Tuy nhiên, tôi không quên vài trục trặc nhỏ vì nó làm tôi càng ngày càng có thêm bằng chứng để khẳng định rằng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa lời nói và hành động của các quan chức.) Tôi lan man suy nghĩ đến những cách thức giúp đỡ các bạn trẻ này hữu hiệu hơn, đến cách làm sao góp phần đưa nền y học nước nhà khá hơn hay ít ra cũng ngang tầm với các nước trong vùng mà nhiều người đang mơ ước, đến chuyện làm gì để cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ cho đúng chuẩn mực quốc tế, v.v… Biết rằng đó là những vấn đề “đại sự” có khi nằm ngoài tầm tay và khả năng của mình, nhưng nhìn thấy tình hình hiện tại ai mà chẳng nghĩ đến những chuyện to tát đó. Tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi là tại sao cũng là tóc đen da vàng mà người ta phát triển nhanh thế, còn mình thì cứ lẹt đẹt theo sau, dù mình cũng đâu có phải đần độn hay thua kém ai về trì lực (nếu không muốn nói có phần vượt trội mấy nước trong vùng). Người ta hay nói đến cơ chế để giải thích cho sự chậm chạp của khoa học VN, nhưng thú thật tôi không biết cơ chế là gì. Tôi nghĩ chỉ tại cái văn hóa của mình mà thôi: đó là cái văn hóa tiểu nông, đố kị, xảo quyệt và ranh vặt kiềm hãm chính mình. Tôi chợt nhớ đến buổi chiều ngồi tán gẫu với 2 anh bạn người Úc (là du khách business) bên bàn tiệc ở Louisane (một câu lạc bộ bia tuyệt vời ở Nha Trang). Hai người khách Úc này khi biết tôi là “Việt kiều” bèn buông ra một nhận xét rằng: tôi nghe nói rằng chính phủ vẫn chưa tin Việt kiều như mấy anh lắm, phải không? Không để tôi trả lời, anh nói thêm: tôi thấy chính quyền tin chúng tôi hơn là tin các anh, cho dù các anh có tài giỏi hơn chúng tôi. Chẳng lẽ tôi phụ họa lời nhận xét đó, nên tôi phải chống chế rằng VN cũng có chính sách thu hút đóng góp của Việt kiều đó chứ, vả lại VN vừa trải qua chiến tranh quá lâu nên sự nghi kị giữa bên thắng và phía thua vẫn còn tồn tại và là điều có thể hiểu được, chứ ở mức cá nhân với nhau thì không có gì là nghi kị cả. Nhưng hai người bạn Úc thông minh hơn tôi tưởng; họ phản bác rằng chiến tranh đã qua 30 năm rồi, và do đó lí giải của tôi … phi lí. Tôi chỉ biết ậm ừ cho qua chuyện, chứ nếu tranh luận một hồi thì chắc mệt lắm. Nhưng câu chuyện nhỏ đó cho thấy ngay cả người nước ngoài cũng cảm nhận được chuyện nội bộ của chúng ta. Cái nhận xét trần trụi và phũ phàng của hai anh bạn Úc cứ ám ảnh tôi hoài, và tôi nghĩ nó có lẽ là một gáo nước lạnh làm cho chúng ta phải tỉnh cuộc mộng du để nhìn vào thực tại.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét