Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Thực phẩm biến gen: hiện tại và tương lai

Câu chuyện thực phẩm biến gien (genetically modified foods) đã và đang được bàn cãi ồn ào trên các diễn đàn báo chí nước ngoài, nhưng ngày nay cũng đã lan tràn sang Việt Nam. Có người bắt đầu đặt câu hỏi là có nên ăn những trái dưa hấu không hột, hay những trái soài (món khoái khẩu của tôi) được trồng theo kiểu thay đổi gien. Tìm câu trả lời cho những vấn đề này không dễ. Ở đây, tôi chỉ nói lên vài suy nghĩ chung quanh vấn đề thực phẩm biến gien.

Bất cứ thời đại nào cũng có những người cấp tiến và những người bảo thủ. Người cấp tiến thì sẵn sàng thay đổi, làm cách mạng. Còn người bảo thủ thì khư khư ôm lấy những lề lối sống và cách làm việc cũ, những lề lối mà họ cảm thấy họ có thể kiểm soát được sự hiểm nguy. Bởi vì lương thực là một yếu tố quan trọng nhất cho sự tồn tại của con người, cho nên những thay đổi về phương cách sản xuất thực phẩm thường xảy ra một cách chậm chạp và thường gặp nhiều phản đối. Đề hiểu phản đối này, có lẽ chúng ta phải nhìn nhận rằng con người và mùa vụ gắn bó một cách chặt chẽ với nhau, và nếu chúng ta hiểu được nền nông nghiệp trong quá khứ thì chúng ta cũng có thể đối phó với những mối quan tâm hiện nay về những tham vọng khoa học kĩ thuật trong việc sản xuất lương thực.

Nông dân đã từng chào đón những công nghệ sinh học mới, bởi vì nó chẳng những đem lại hiệu quả và năng suất cao mà còn bảo vệ mùa màng và làm giảm sự phụ thuộc vào hóa chất. Theo thống kê thì công nghệ sinh học đang được ứng dụng trên khoảng 110 triệu mẫu trồng trọt trong 12 quốc gia trên thế giới. Thực phẩm sản xuất từ các nông sản dùng công nghệ sinh học có thể lên đến con số hàng vạn trên toàn cầu. Và trong khi chưa có bằng chứng nào cho thấy những thực phẩm này có hại cho sức khỏe hay đến môi trường, thì một cuộc tranh luận nóng đang xảy ra mà trong đó có người đặt vấn đề an toàn và giá trị của những sản phẩm này.

Trong tình trạng thiếu thông tin chính xác, và những bản tin giật gân do giới truyền thông đưa ra hàng ngày làm sai lạc tình hình, và người tiêu thụ chưa nắm vững được các cơ chế sinh học, thì sự lo ngại của công chúng trước các thực phẩm biến gien là một điều có thể hiểu được. Cộng vào đó là ý kiến của những người nghi ngờ và chống đối giới kĩ nghệ cũng làm cho niềm tin của người tiêu thụ bị dao động trước những thực phẩm biến gien. Ngoài ra, giới làm khoa học cũng chưa diễn đạt rõ ràng về tác dụng của công nghệ sinh học hay trả lời những quan tâm của công chúng về thực phẩm biến gien. Nhưng công nghệ sinh học sẽ không thể nào ứng dụng được vào môi trường nông nghiệp nếu như xã hội và công chúng chưa chấp nhận những giá trị của nó.

Hai thập niên trước đây, nhiều nhà khoa học nông nghiệp nhận thấy công nghệ DNA là một phương tiện quan trọng để làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đồng thời duy trì sự phát triển lâu dài. Theo sau đó là những thành công trong việc thay đổi gien và chuyển gien trong thực vật làm cho việc ứng dụng công nghệ DNA vào nông nghiệp không còn là một giấc mơ mà hoàn toàn có thể tiến hành được. Và đối với người trồng trọt, công nghệ mới là một công cụ mới có thể bổ sung vào các công cụ mà họ đang có.

Kể từ đó, cộng đồng khoa học bắt đầu hỗ trợ phát triển công nghệ sinh học. Dựa vào kiến thức và kinh nghiệm về phương cách làm tăng sản lượng thu thập trong thời gian qua cộng với các thành quả dựa vào khoa học và nghiên cứu, giới khoa học tự tin đi đến một kết luận rằng thực phẩm biến gien không gây ra một nguy hiểm mới cho người tiêu thụ, và nếu có tiềm năng nguy hiểm thì giới khoa học có thể tiên đoán được và khống chế kịp thời.

Vì thế, những nguy hiểm, nếu có, từ thực phẩm biến gien cần phải được theo dõi và đánh giá thường xuyên. Nhưng mối quan tâm về sự hiểm nguy cần phải được cân nhắc với những lợi ích vô cùng to lớn mà công nghệ này có thể đem đến cho con người. Ở Mĩ có cơ quan FDA (Food and Drug Administration) đã từng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lí thực phẩm và qua thời gian, cơ quan này đã được sự ủng hộ của công chúng. Có lẽ vì thế mà mức độ mà công chúng Mĩ chấp nhận thực phẩm biến gien cao hơn công chúng ở các nước Âu châu.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra. Việc các nhà khoa học thay đổi các cơ chế sinh học trong các sinh thực vật có phải là một việc làm phi đạo đức hay không? Làm xáo trộn nguồn cung cấp thực phẩm thiên nhiên có phải là một hành động đúng với đạo đức môi sinh? Thực phẩm biến gien có nguy hiểm hay không? Mặc dù có biện pháp phòng ngừa, nhưng chúng ta có thể, một cách vô tình, làm phương hại đến nguồn thực phẩm? Dùng thực phẩm biến gien sẽ có hậu quả lâu dài nào? Trồng trọt thực phẩm biến gien có ảnh hưởng gì đến môi trường hay môi sinh, làm giảm sự đa dạng của thiên nhiên, đem lại lợi ích cho côn trùng, hay tác hại đến loài vương điệp? Mùa vụ thực phẩm biến gien có thể dẫn đến sự ra đời của một loại siêu cỏ hay không? Có phải chúng ta đang cấy vào môi trường những loại cây mà chúng ta chưa hoàn toàn hiểu và biết hết hậu quả của việc làm của chúng ta? Thế còn ô nhiễm di truyền thì sao? Những gien trong thực vật có thể truyền sang con người hay thú vật hay không?

Vấn đề không phải là chúng ta có nên thay đổi gien trong cây cỏ hay không, bởi vì chúng ta đã từng làm như thế hàng ngàn năm trước đây khi cây trồng được thuần hóa để dùng làm thực phẩm. Thay vì đánh giá một cách đơn giản cái phương tiện chúng ta dùng để thay đổi gien, chúng ta cần phải đưa lên cán cân những tiềm năng về lợi ích và tác hại mà những thay đổi đó có thể đem đến cho xã hội và môi trường.

Nông nghiệp được tiến hóa một cách độc lập trong nhiều vùng trên thế giới, nhưng bằng chứng cổ xưa nhất cho thấy kĩ thuật làm nghề nông đã được ứng dụng ở vùng Đông Nam Á (chứ không phải Trung Đông hay Trung Quốc như nhiều người lầm tưởng) hơn 10,000 năm trước đây. Trước đó khoảng 200,000 năm, trước khi nông nghiệp ra đời, con người sống theo cuộc sống du mục, mà thực phẩm được thu thập bằng săn bắn, hay đào bới từ những cây cỏ hoang và thú rừng. Sau khi cây cỏ và thú vật được thuần hóa, con người bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng nông nghiệp làm thay đổi xã hội con người.

Sự phát triển này xảy ra ở Đông Nam Á trước tiên, và sau đó lan truyền sang các vùng khác trên thế giới. Sự thay đổi từ cuộc sống du mục sang cuộc sống nông nghiệp cho ra đời một xã hội định cư, và dẫn đến phát triển về ngôn ngữ, văn học, khoa học, và công nghệ, bởi vì con người được giải phóng khỏi cái công việc săn hái lượm hàng ngày.

Cây quả cũng tiến hóa, hay nói cho đúng hơn là chúng cũng thay đổi nhanh chóng với sự “can thiệp” của con người. Mỗi cây quả mà chúng ta có ngày nay có liên hệ với những giống cây hoang trong thiên nhiên từ thời tiền sử, và “tổ tiên” của chúng vẫn hiện diện trong nhiều nơi hoang dã trên thế giới. Những con người đầu tiên chắc chắn đã thử qua hàng triệu cây cỏ trước khi chấp nhận và thuần hóa khoảng vài ngàn cây cỏ mà chúng ta dùng ngày nay. Ngày nay, trong số nhiều ngàn đó, chỉ có khoảng vài trăm giống cây được trồng một cách nhanh chóng để cung cấp thực phẩm cho chúng ta dùng hàng ngày.

Qua quá trình tiến hóa dần dần, tổ tiên chúng ta đã chọn một số rất nhỏ giống cây trong hàng ngàn giống và trồng trọt để cho ra hoa quả. Nhiều thay đổi lớn về đặc tính cây quả chắc chắn đã xảy ra, kể cả xác định tốc độ phát triển của cây, tránh những loại hạt giống dễ vỡ, làm cho trái cây chín nhanh hơn, làm giảm độ đắn, giảm những độc chất, gai tăng sản lượng (kể cả làm cho hoa quả lớn hơn), và ngay cả làm cho trái cây không còn hột (như chuối ngày xưa và dưa hấu ngày nay). Những cải tiến này làm cho hoa quả càng ngày càng hoàn thiện hơn, và dần dần xóa bỏ những “dấu vết” của loại cây hoang. Nói tóm lại, phòng ngừa mùa vụ hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc của con người.

Phần lớn những vụ mùa cung cấp thực phẩm cho chúng ta từng được thu hoạch và phát triển từ thời đại Đồ Đá, thường thường từ một số nhỏ cây cỏ. Từ một cây “nguyên thủy” này, tổ tiên chúng ta đã chế biến nên nhiều giống khác cho nhiều môi trường khác nhau. Chỉ riêng ngô (bắp), chúng ta đã có đến ít nhất là 10 loại, như bổng ngô, ngô ngọt, ngô mẻ, ngô đậu chổi, v.v…

Văn hóa và văn minh mang tính lan truyền. Ngày nay, chúng ta thấy Mĩ là nước sản xuất hàng đầu về bắp và đậu nành, dù các cây này có nguồn gốc từ Mễ Tây Cơ và Trung Quốc. Cây cà phê có nguồn gốc từ Ethiopia, nhưng ngày nay phần lớn cà phê được sản xuất ở Châu Mĩ La-tinh và Việt Nam. Cam Florida có nguồn gốc từ Ấn Độ, và mía thì đến từ Papua New Guinea.

Một số thực phẩm đến với chúng ta trong thời gian gần đây cũng được du nhập hay thuần hóa, chứ cũng chẳng phải nguyên thủy. Cây lí gai nguyên là một loại cây hoang không ăn được mọc ở Trung Quốc. Nhưng qua quá trình thuần hóa và gây giống, ngày nay nó là một món ăn ngon miệng, và được đặt tên mới là “cây Kiwi” ở Tân Tây Lan sau khi nó được du nhập vào đây vào cuối thế kỉ 19 hay đầu thế kỉ 20. Cây dâu là một sản phẩm của một sự lai giống [hoàn toàn tình cờ] giữa hai loài cây hoang từ Virginia ở Mĩ và Chile ở Pháp vào thế kỉ 18.

Hạt cải dầu (rapeseed) từng được trồng ở Ấn Độ qua nhiều thế kỉ, gần đây được gây giống để loại bỏ những thành phần độc hại (axít erucic) và xóa mùi để cho ra cây Canola dùng để làm dầu ăn. Triticale, một loại cây hoàn toàn mới, được tạo ra bằng cách phối hợp cây lúa mì và lúa mạch đen vào khoảng hai ba thập niên trước đây. Ngày nay, cây này được trồng trên hơn 3 triệu ha trên thế giới. Bánh mì mà người Tây phương dùng hàng ngày cũng là một sản phẩm của quá trình tiến hóa từ khoảng 4000 năm về trước qua lai giống cây lúa mì tetraploid với cỏ dê (loại cỏ không ăn được).

Con người luôn luôn tìm cách làm cho đất trở nên màu mỡ, và luôn luôn cải tiến thực vật. Trong cùng thời gian này, dân số toàn cầu tăng trưởng một cách chậm chạp. Phải cần đến 1800 năm để dân số toàn cầu tăng từ 300 triệu (vào thời Jesus còn sống) đến 1 tỉ. Nhưng chỉ cần 12 năm để thêm vào một tỉ.

Nhưng song song với sự gia tăng dân số, trong thế kỉ qua, kĩ thuật cũng phát triển một cách nhanh chóng để đảm bảo đủ thực phẩm nuôi thêm con người trên hành tình. Khởi đầu từ nghiên cứu của Mendel trong việc gây giống đậu Hà Lan, kiến thức về di truyền học đã giúp phát triển vụ mùa với năng suất cao. Sản lượng thực phẩm tăng khắp nơi trên thế giới trong vài thập niên qua, kể cả ở Phi châu. Số lượng thực phẩm tiêu thụ trên đầu người cũng tăng một cách đều đặn ở mọi nơi, ngoại trừ vùng Phi châu Sahara.

Ở Mĩ và Canada, nơi mà phát triển và ứng dụng khoa học được xem là chuyên sâu, một người nông dân ngày nay có thể sản xuất đủ sản lượng để nuôi 150 người. Đối với những sản phẩm dính dáng nhiều đến thành quả của công nghệ sinh học như như bắp, lúa mì, và gạo, năng suất tăng gấp 3 thậm chí 5 lần so với trước đây. Chẳng hạn như năng nông dân trồng bắp ở Mĩ chỉ có thể thu hoạch khoảng 26 giạ bắp trên mỗi mẫu vào năm 1928, nhưng ngày nay năng suất đó là 134 giạ. Hay như ở Việt Nam, năng suất lúa tăng gần hai lần chỉ trong vòng 20 năm.

Sự gia tăng năng suất như thế không chỉ là thành quả của khoa học và công nghệ di truyền, mà còn là thành quả của việc phát triển thủy lợi, cải tiến đất trồng, cơ khí hóa, và kiềm chế sâu bọ cũng như bệnh tật. Để phát triển nhiều giống mới, các nhà khoa học phải dùng nhiều công cụ và phương pháp. Lai giống giúp chúng ta đồng hóa những đặc tính tốt từ nhiều giống khác nhau và tạo thành một những giống mới có nhiều ưu điểm hơn.

Do đó, nếu kinh nghiệm trong quá khứ là bài học, thì chúng ta không có lí do gì để lo ngại về thực phẩm biến gien cả. Trong tình hình dân số thế giới gia tăng nhanh chóng, việc con người đi tìm công nghệ mới, kể cả ứng dụng công nghệ gien, để gia tăng sản xuất là một phát triển và tiến bộ bình thường của xã hội mà chúng ta có thể chấp nhận và nên hân hoan chào đón.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét