Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Văn hóa sợ hãi trong mùa đại dịch

Tuần trước, trong khi đại dịch cúm A/H1N1 đang vào thời cao điểm, trên một chuyến xe điện, người viết bài này hắt hơi. Một hành khách ở hàng ghế phía trước ngoảnh mặt lại nhìn tôi với cặp mắt lo sợ, như là tôi đã bị nhiễm virus cúm heo và đang lây lan sang cô ta. Trong cái nhìn tò mò của hành khách trong toa xe, tôi giải thích cho cô ấy biết rằng đó không phải là triệu chứng của cúm heo mà chỉ là một phản ứng nhất thời và ngẫu nhiên mà thôi, chắc chắn không làm ai phải chết. Tôi cố ý nói vừa đủ để các hành khách chung quanh nghe. Cô ta quay lại xin lỗi tôi. Câu chuyện nhỏ nhưng có lẽ khá phổ biến trên phản ảnh một khía cạnh của “văn hóa sợ hãi” đang bao trùm cộng đồng về một trận đại dịch đang xảy ra.

Trong vài chuyến bay từ Úc về Việt Nam vài tháng qua, tôi vẫn thấy hành khách và tiếp viên Vietnam Airlines bịt miệng và che mặt bằng khẩu trang. Tuy nhiên, khi bay với các hãng khác như Singapore Airlines, United Airlines, hay Qantas, tôi không thấy tiếp viên nào bịt miệng che mặt như thế, dù có một số rất ít khách dùng khẩu trang.

Tuy có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy đeo khẩu trang không có tác dụng phòng chống nhiễm virus ở cộng đồng, nhưng người ta vẫn đeo khẩu trang. Nhưng có thể khẩu trang có hiệu ứng tâm lí. Khi chúng ta nhìn thấy ai đó đeo khẩu trang, có lẽ chúng ta nghĩ rằng người đó không muốn chúng ta đến gần. Do đó, cách tốt nhất là chúng ta giữ một “khoảng cách an toàn” với người đó để khỏi bị phiền phức và tránh nghi ngờ. Cái hiệu ứng tâm lí này có thể là một cơ chế giúp giảm lây lan virus trong cộng đồng, nhưng rất tiếc là cho đến nay chúng ta vẫn chưa có bằng chứng khoa học để nói như thế!

Hiệu ứng tâm lí quan trọng. Có khi một cái hắt hơi cũng làm ảnh hưởng đến chính sách quốc gia. Một công trình nghiên cứu mới xuất bản tuần này cho thấy quả thật công chúng có xu hướng hoảng sợ cúm A/H1N1 chỉ vì … một cái hắt hơi! Chỉ cần nghe một tiếng hắt hơi, tâm trí chúng ta trở nên hoang mang về nguy cơ một trận đại dịch. Cái hắt hơi nhỏ như thế cũng có thể làm cho chúng ta lo lắng về những bệnh chẳng liên quan gì đến dịch cúm, thậm chí thái độ chính trị.

Ngày 7/5/2009 khi dịch cúm A/H1N1 lan rộng đến 24 nước trên thế giới, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Michigan tiến hành một thí nghiệm độc đáo. Họ ngẫu nhiên tìm đến 26 người từng nghe hắt hơi, và 24 người chưa bao giờ nghe hắt hơi, và nhờ họ trả lời một số câu hỏi. Nhóm từng nghe hắt hơi đánh giá rằng nguy cơ mà họ nhiễm bệnh từ người hắt hơi là 41% (nhưng trong thực tế thì nguy cơ chỉ khoảng 25%). Những người này (từng nghe hắt hơi) cũng ước tính nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tai nạn xe cộ cao hơn những người không nghe hắt hơi. Họ cũng là những người thiếu tin tưởng vào hệ thống y tế của Mĩ.

Sau đó một tháng, khi dịch cúm A/H1N1 lan rộng gấp hai lần so với trước đó 1 tháng, nhóm nghiên cứu trên lại thực hiện một nghiên cứu khác ở các siêu thị. Lần này, họ hỏi những người đi mua sắm một số câu hỏi ngắn. Có 23 người đưa câu hỏi -- và chỉ đưa câu hỏi chứ không làm gì khác -- cho người qua đường. Một nhóm khác, có 24 người cũng đưa câu hỏi cho người qua đường nhưng họ giả bộ hắt hơi (và có che miệng bằng tay).

Câu hỏi đầu tiên hỏi đối tượng có muốn chính phủ liên bang chi ra 1.3 tỉ USD để sản xuất vaccine hay là để tạo ra công ăn việc làm cho dân chúng. Kết quả cho thấy 50% số đối tượng được người hắt hơi hỏi trả lời rằng họ muốn chính phủ tiêu tiền sản xuất vaccine; nhưng chỉ có 17% trong nhóm đối tượng mà người đưa câu hỏi không hắt hơi muốn chính phủ tiêu tiền cho vaccine.

Những kết quả nghiên cứu trên đây cho thấy rõ ràng rằng những sự kiện nhỏ thường ngày như hắt hơi có thể gia tăng những mối nguy cơ không liên đới, bởi vì nó (hắt hơi) làm cho chúng ta lo ngại về một đe dọa lớn như đại dịch. Cảm tính của chúng ta chịu sự chi phối bởi khả năng đánh giá nguy cơ của chúng ta. Với cơ chế đó, cảm giác về một mối nguy cơ làm cho chúng ta đánh giá một nguy cơ khác. Hắt hơi trong thời kì đại dịch làm cho chúng ta lo ngại về những mối hiểm nguy khác như bệnh tim và tội phạm.

Con người nói chung có xu hướng nghĩ rằng chúng ta là những sinh vật cao quí nhất, có một không hai. Nhưng sự thật thì không phải như thế, con người chúng ta không tồn tại một môi trường hộp hay bốn bức tường cô lập. Chúng ta phụ thuộc vào các sinh vật khác, kể cả thực vật, để tồn tại. Cuộc sống và sự sống là một hàm số khổng lồ, mà trong đó có những mối tương tác phức tạp và đa tầng chúng ta không thể nào hiểu hết. Trong mối liên hệ đa chiều đó, con người không thể nào thoát khỏi những hệ lụy từ một cá nhân khác. Nói cách khác, con người là “sản phẩm” của những mối tương tác xã hội. Chúng ta là những sinh vật, nhưng sự hiểu biết, ý nghĩa và cảm nhận của chúng ta về tình trạng an nguy tùy thuộc vào môi trường sống, phụ thuộc vào cá nhân khác trong xã hội.

Sợ hãi là một “phó sản” của những mối tương tác xã hội, nhưng bản chất của sợ hãi là cảm nhận: một khi chúng ta cảm thấy mình có nguy cơ cao mắc bệnh nào đó, chúng ta cảm thấy sợ hãi, dù xác suất mắc bệnh rất thấp. Tâm lí học cho biết chúng ta thường sợ những gì chúng ta không hay chưa biết. Khoa học về H1N1 vẫn còn trong giai đoạn phôi thai, chúng ta không thấy con virus ra sao, và chưa biết vaccine có hiệu quả như thế nào, cho nên, sợ hãi cúm A/H1N1 là một điều hoàn toàn có thể hiểu được và giải thích được bằng tâm lí. Nhưng để cho nỗi sợ hãi đó ám ảnh việc làm thường ngày của chúng ta và làm ảnh hưởng tiêu cực đến mối tương tác xã hội của chúng ta thì nỗi sợ đó đã trở thành một cái bệnh. Điều đáng mừng là bệnh này có thể tự điều trị, và phương pháp điều trị là lí trí. Những cái khẩu trang, những thái độ tránh né cái hắt hơi của người hành khách ngồi bên không làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh (nếu có nguy cơ), nhưng có thể là những động thái che dấu thói đạo đức giả và tính ích kỉ của con người.

Trịnh Công Sơn lúc sinh thời từng nói một câu rất bình thường nhưng hàm chứa một thông điệp có ích cho đời sống trong thời đại dịch: Sống trong đời sống này, điều quan trọng nhất là phải tử tế với nhau.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét