Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Phi trường Quốc tế Cam Ranh: vài hạt sạn

Hôm 11/12, tôi có vinh hạnh là một trong những hành khách đầu tiên chứng kiến thời khắc lịch sử của phi trường Cam Ranh. Ngày 12/12 phi trường Cam Ranh chính thức trở thành phi trường quốc tế, đón nhận 2 chuyến bay của các hãng Silk Airlines (Singapore) và Transaero (Nga). Vì có dịp sử dụng dịch vụ của phi trường này lần đầu, tôi có vài hàng ghi lại để gọi là nhật kí một chuyến đi ngắn …

Nhà ga phi trường quốc tế Cam Ranh
Phi trường Cam Ranh có diện tích 750 ha, tức còn rộng hơn cả phi trường quốc tế Nội Bài. Phi trường này do quân đội Mĩ xây dựng và sử dụng làm căn cứ không quân Mĩ trong thời chiến. Năm 1973, sau Hiệp Định Paris, Mĩ giao căn cứ này lại cho VNCH. Sau 1975, phi trường Cam Ranh vẫn là phi trường quân sự, mãi đến năm 2004 mới trở thành phi trường dân sự. Phải ghi nhận một điều ở đây là hầu hết các phi trường ở phía Nam hiện nay đang được khai thác (như Phú Bài, Phù Cát, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, v.v…) đều do Mĩ xây cả 30-40 năm trước nhưng vẫn còn rất tốt!

Phi trường Cam Ranh mới được xây dựng lại theo kiến trúc hiện đại, và nâng cấp trên nền tảng của phi trường quân sự cho Mĩ xây trước đây trong thời chiến. Cố nhiên, “Quốc tế” ở đây phải hiểu là có chuyến bay quốc tế, chứ dịch vụ và chất lượng dịch vụ thì chắc còn xa mới trở thành quốc tế theo chuẩn mực của Bangkok hay Singapore. Cho đến nay, phi trường vẫn chưa có đường ống dẫn hành khách đi từ máy bay thẳng vào nhà ga, mà vẫn phải qua xe bus (giống như ở Tân Sơn Nhất vậy). Kể ra thì cũng khôi hài, vì nơi máy bay đáp và nhà ga chỉ cách khoảng 1-2 phút đi bộ, ấy vậy mà hành khách vẫn phải chen chúc nhau trong xe bus để được vào nhà ga!

Phía trong phi trường Cam Ranh cũng rộng rãi, có khả năng đón 600 khách. Có lẽ mới xây, nên phi trường còn khá sạch, nhưng tôi không thấy một nét nào đặc biệt gây ấn tượng hay để lại trong tôi về một phi trường mang dấu ấn của miền cát trắng này. Thật vậy, tôi vẫn thấy dù là hạng “quốc tế” nhưng phi trường vẫn còn mang vài nét rất đặc thù … Việt Nam. Chẳng hạn như khu nhà vệ sinh, vẫn rất sơ sài, vẫn có phần hơi bẩn, và cách thiết kế vẫn không thoát ra được cái tư duy tiểu nông, chứ chưa nói đến chất lượng. Hay như những hàng quán bên trong nhà ga vẫn còn tạm bợ, chất lượng xoàng xỉnh.

Phi trường có một cửa hàng sách. Nói “cửa hàng” cho oai, chứ thật ra đó là một tủ sách nhỏ, với loe ngoe vài ba cuốn sách du lịch và lịch sử tiếng Anh lẫn tiếng Việt được bày trong một tủ kính nhỏ cỡ tủ sách gia đình dành cho con em học tiểu học. Khốn khổ hơn là cửa kính của tủ sách này bị hư hỏng, xiêu vẹo một cách thảm hại, nên thoạt đầu nhìn vào người ta cứ tưởng là một tủ sách từ thiện do một nhà giàu nào đó tặng cho hành khách. Chính vì sự lầm tưởng này mà tôi mon men đến tủ sách. Đến gần thì thấy một em bé trai ra chào bán sách. Em mặc sơ mi áo trắng bỏ ra ngoài, quần tây đen, tóc dài trông rất “ngầu”, nhưng nói chuyện thật dễ thương. (Người Nha Trang chính gốc rất dễ mến, chứ không phải người Nha Trang từ miền khác đến đây có vẻ … hung hãn). Em không có ghế ngồi, nên phải ngồi trên sàn gạch. Em “dụ” tôi mua mấy quyển sách sử của cụ Trần Trọng Kim và những cuốn sách về chiến tranh Việt Nam đã dịch sang tiếng Việt. Tôi đành đau lòng từ chối mua vì … chẳng có cuốn nào là mới với tôi cả.

Không có ghế ngồi chờ

Thật ra, khu vực “check-in” của phi trường không có ghế ngồi công cộng. Vâng, chuyện khó tin nhưng có thật: không có ghế ngồi. Tôi tự hỏi nếu có một hành khách cao tuổi khó đi lại và trong khi chờ check-in (vì lâu lâu nhân viên check-in mới có mặt làm thủ tục) thì họ sẽ ngồi ở đâu. Có lẽ phải ngồi xuống sàn gạch mà thôi. Chưa có một phi trường quốc tế nào có cách thiết kế này. Ngay cả phi trường Jeddah mà tôi có dịp kể qua, tuy tồi tệ về dịch vụ, nhưng vẫn có ghế công cộng cho khách ngồi chờ check-in.

Thật ra, khách muốn ngồi thì phải đến một quán cà phê ngay bên cạnh quày check-in của Vietnam Airlines, nhưng đương nhiên khách phải trả tiền uống cà phê mới được ngồi ghế. Tôi gọi cách thiết kế này là cách “thiết kế móc túi”. Người nào nghĩ ra cách thiết kế này đáng được thưởng một bằng khen về cách móc túi hành khách. Cũng có thể gọi cách thiết kế không có ghế ngồi công cộng này là một cách thiết kế hà tiện. Mà, cách họ móc túi khách có vẻ quá trắng trợn và thô thiển.

Bị “móc túi”

Hôm đến Cam Ranh, tôi trải qua một kinh nghiệm đáng nhớ. Mới đáp xuống phi trường, phải chen chúc nhau trong một cái xe bus chật chội để vào nhà ga, chưa kịp hoàn hồn và chưa kịp lấy hành lí thì đã có người đến gạ đi xe taxi về Nha Trang. Tôi chưa vội trả lời, đi một vòng nhà ga để tìm phương tiện đi về Nha Trang thì thấy có 2 cách: hoặc bằng xe bus, hoặc bằng taxi. Bảng niêm yết giá in chữ đỏ cho biết giá xe bus là 40.000 đồng, còn taxi thì 260.000 đồng. Như đọc được suy nghĩ của tôi, người gạ tôi đi taxi (vẫn theo đuổi tôi) nói rằng tuy giá xe bus rẻ đấy, nhưng xe chỉ chở về bến và tôi phải mua một vé khác về khách sạn. Tôi quay lại hỏi anh là có hãng taxi nào khác không, thì anh nói không. Nói cách khác, tôi không có lựa chọn nào khác là phải đi xe taxi của anh. Thôi thì khoảng đường gần 30 km mà giá 260.000 đồng tuy đắt đó, nhưng vẫn còn rẻ hơn so với bên trời Tây; vả lại, mình chỉ chi tiền cho người xứ mình như là một cách giúp đồng hương thì tôi tiếc cái nỗi gì. Tôi tự an ủi và tự làm “công tác tư tưởng” như thế để lên xe theo anh đi về Nha Trang.

Đến khi theo anh ra ngoài bãi đậu xe, thấy có vài người đứng ngóng chờ, tôi hỏi anh tài xế họ là ai, thì anh nói là “họ đang chờ thân nhân”. Nhưng anh nói dối. Những người đứng lóng ngóng ngoài nhà ga không đón thân nhân, mà cũng là tài xế taxi như anh, nhưng taxi của họ thuộc các hãng khác, không được vào nhà ga đón khách. Trong những hãng taxi không được vào (hay bị ép đứng ngoài) nhà ga có hãng Mai Linh. Tình trạng cạnh tranh thị trường taxi tại phi trường Cam Ranh cũng giống như tình trạng ở phi trường Tân Sơn Nhất mà tôi đã có dịp kể lại trước đây, và nó thể hiện sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong thương trường ở Việt Nam.

Khi vào Nha Trang, tôi có dịp đi taxi Mai Linh và mới biết một thông tin thú vị: giá đi từ Nha Trang ra phi trường Cam Ranh (hay ngược lại) là 150.000 đồng. Thật vậy, khi rời Nha Trang, tôi đi xe hãng Mai Linh và đó là giá chính thức. Như vậy, taxi của phi trường Cam Ranh đã “chặt” tôi 110.000 đồng. Cũng là một bài học khi đến những nơi lạ nước lạ cái. Tôi không bực mình vì bị mất toi 110.000 đồng (chưa đến 10 USD), nhưng tôi bực mình vì cung cách làm ăn thiếu nguyên tắc và chụp giựt của một số người trong ngành du lịch và vận tải. Biết bao giờ chúng ta tiến đến một giai đoạn mà tất cả những công ti taxi làm ăn đàng hoàng như Mai Linh, Vinasun, và một số hãng khác?

Trong thời gian gần đây, một loạt phi trường nhỏ ở Việt Nam được nâng cấp thành “quốc tế”. Trong số các phi trường này phải kể đến Đà Nẵng, Phú Bài, và Cam Ranh. Nghe nói Phú Quốc và Chu Lai cũng có kế hoạch trở thành phi trường quốc tế. Tôi hi vọng các phi trường quốc tế tương lai của Việt Nam xem cách thiết kế sao cho văn minh và tiện lợi cho hành khách. Quan trọng hơn là nên đối xử với hành khách, nhất là hành khách ngoại quốc, một cách tử tế một chút để tránh tình trạng khách “một đi không quay lại”.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét