Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Năm mới, chỉ tiêu mới

Xin các bạn thông cảm cho cái tiêu đề có màu sắc thời “bao cấp” đó, nhưng tôi chưa nghĩ ra chữ nào hay hơn. Để tôi giải thích …

Sydney bắn pháo bông chào đón năm 2010

Thế là năm 2010 đã đến với chúng ta. Theo thông lệ, cứ mỗi lần tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới, chúng ta nhìn về những gì mình đã làm trong năm qua. Tôi có thói quen đếm xem năm qua Việt Nam đã có bao nhiêu ấn phẩm khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. Con số năm nay (2009) là ~1100, tức tăng khoảng 10% so với năm ngoái và 2,2 lần só với năm 2004. Như vậy số bài báo khoa học của VN đã lần đầu tiên vượt con số 1000 bài. Đó là một tin mừng.

Nhưng mình tăng thì các nước láng giềng cũng tăng. Số bài báo khoa học của ta hiện nay bằng 1/3 của Thái Lan (năm 2004, ta chỉ bằng 1/4 Thái Lan), 1/5 của Singapore (năm 2004 ta bằng 1/10). Các con số này cho thấy tỉ lệ tăng trưởng của chúng ta nhanh hơn Thái Lan và Singapore, và chúng ta đang dần dần rút ngắn khoảng cách giữa ta và hai nước này. Tuy nhiên, khoảng cách vẫn còn khá lớn, và theo ước tính của tôi thì chúng ta cần đến 10 năm nữa mới có thể vượt qua Thái Lan. Còn Singapore thì tạm thời chúng ta chưa đặt mục tiêu vượt qua họ, do chúng ta xuất phát từ một cái base thấp quá.

Ngành y sinh học vẫn là ngành chủ đạo, đóng góp nhiều bài báo khoa học cho Việt Nam nhất. Khoảng 1/5 những bài báo khoa học trên các tập san quốc tế là thuộc về lĩnh vực y học, sinh học, và công nghệ sinh học. Ngành toán và vật lí, mỗi ngành chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam. Tuy nhiên, đại đa số những bài báo về y sinh học của Việt Nam là do hợp tác với đồng nghiệp ngoại quốc, chứ con số “nội lực” (tức hoàn toàn do VN đứng tên tác giả) chỉ chiếm 2% tổng số.

So sánh với Thái Lan, tôi thấy các lĩnh vực nghiên cứu “mạnh” của Thái Lan tập trung vào các ngành khoa học ứng dụng và y sinh học. Các lĩnh vực “top 10” của Thái Lan là: công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, sinh học phân tử, khoa học vật liệu, vi sinh học, khoa học môi trường, bệnh truyền nhiễm, polymer, và hóa học. Còn “top” của Việt Nam là y sinh học, vật lí, toán học, và khoa học môi trường. Nói cách khác, hoạt động khoa học Thái Lan nghiêng về lĩnh vực ứng dụng, còn Việt Nam nghiêng về khoa học cơ bản (như toán và vật lí).

Về chất lượng, đại đa số các bài báo khoa học Việt Nam được công bố trên những tập san có impact factor rất thấp. Chẳng hạn như trong ngành y sinh học (một lĩnh vực tương đối mạnh của nước ta), phần lớn các bài báo đều công bố trên tập san có chỉ số IF dưới 3 như American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (IF= 2,5), Journal of Clinical Microbiology (IF=3,5), Tropical Medicine & International Health (IF=2,6), International Journal of Tubeculosis and Lung Disease (IF=2), Chemical and Pharmaceutical Bulletin (IF=1.3). Ngay cả các ngành như toán và vật lí, phần lớn bài báo từ Việt Nam cũng chỉ công bố trên các tập san có chỉ số IF thấp (dưới 1).

Quay lại con số ấn phẩm khoa học: chúng ta cần đặt con số vào số lượng giáo sư và phó giáo sư. Theo báo Nhân Dân, tính từ năm 1980 đến nay, VN đã công nhận 8398 giáo sư và phó giáo sư (con số chính xác là 1336 GS và 7062 PGS). Như vậy, số bài báo khoa học trên mỗi giáo sư và phó giáo sư chỉ khoảng 0.13, hay nói cách khác, phải cần đến gần 8 GS/PGS mới cho ra một bài báo khoa học. Như vậy, có thể nói rằng năng suất khoa học của chúng ta quá thấp.

Do đó, trong năm mới tôi đề nghị các Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, v.v… ra chỉ tiêu cho mỗi giáo sư hay phó giáo sư phải công bố một bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nếu trong vòng 2 năm mà họ không có bài báo khoa học nào trên các tập san quốc tế, họ sẽ bị miễn nhiệm. Tôi tin rằng với qui định này, chúng ta không cần đến 10 năm mới đuổi kịp Thái Lan, mà có thể vượt qua Singapore một cách dễ dàng ngay từ bây giờ.

Nhân dịp này, tôi xin mến chúc các bạn xa gần, các bạn đã quen và chưa quen, các bạn tôi đã từng gặp và chưa gặp ngoài đời một năm mới nhiều may mắn và an lành.

NVT

Học tiến sĩ ở Việt Nam

Bài dưới đây tôi sưu tầm từ một website có tên ngồ ngộ là “Thanh niên xa mẹ”. Tác giả mô tả quá trình “làm” tiến sĩ ở VN. Xin nói trước, bài viết có nhiều đoạn rất gay gắt, bạn đọc nào không chịu nổi thì … ráng chịu nhé.

Tôi không hiểu nổi tại sao người ta (ai đó?) lại ra những qui định rất máy móc và phản khoa học như thế này. Chẳng hạn như tại sao tên đề cương nghiên cứu không được thay đổi, tại sao những cái nhỏ nhặt như tên đề cương phải có động từ, hay tại sao nghiên cứu sinh phải chi tiền túi ra để chăm sóc buổi lễ “phản biện” mà ai cũng biết là chẳng có phản biện, v.v… Đọc qua những qui định ở trong nước thì bất cứ ai đang học tiến sĩ ở nước ngoài ắt hẳn thấy mình may mắn biết bao.

Tuy qui định máy móc như thế, nhưng đầu ra thì ... khó nói quá. Người viết bài này đã đọc qua nhiều luận án TS ở trong nước (chỉ trong ngành y thôi) thì thấy chưa xứng tầm với một luận án tiến sĩ theo chuẩn mực ở ngoài này. Chẳng hạn như mỗi thí sinh chỉ làm một nghiên cứu, mà nghiên cứu cũng rất sơ sài, rất đơn giản và không có gì mang tính "original". Đó là chưa nói đến vấn đề y đức. Hầu hết đều không có công bố quốc tế. Còn phần tổng quan tài liệu thì cũng rất thiếu thốn, không đầy đủ, nó chứng tỏ ứng viên thiếu thông tin. Phần phân tích thì ôi thôi mỗi người một phách chẳng đâu vào đâu. Phần trình bày kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức độ mô tả là chính vì các phân tích mang tính suy luận đều có vấn đề về phương pháp. Muốn sửa những khiếm khuyết này không khó, vì chỉ cần tham khảo cách làm của các đại học trên thế giới là sẽ có một qui định tốt cho VN. Nhưng vấn đề là của hệ thống: muốn sửa thì phải sửa từ hệ thống, và phải bắt đầu từ những người đề ra những qui định này.

NVT

===

http://tathy.com/thanglong/showpost.php?p=638774&postcount=125

Làm tiến sĩ ở Việt Nam như thế nào?

Số tiền 80tr kia là chi phí chứ không phải là để trả cho giáo viên hướng dẫn (mặc dù đúng là giáo viên hướng dẫn chỉ được thù lao 2tr/năm).

Việc làm TS ở Vn cực kỳ nhiêu khê, phản khoa học, và phản động (theo nghĩa chổng mông vào tất cả các quy chuẩn tiên tiến của thế giới). Làm TS ở VN cực kỳ dễ mà cũng cực kỳ khó. Cực kỳ dễ là cực kỳ dễ về mặt chuyên môn khoa học, cực kỳ khó là về các thủ tục hành chính rườm rà và vô lý đến độ gây ức chế cho cả thầy và trò. Người làm NCS trong nước mà làm nghiêm túc có 2-3 bài quốc tế (tức là định lượng tương đương với một PhD ở đại học tiên tiến của thế giới) thì bản thân mình thấy rất rất đáng kính phục (mình cho là cực giỏi), vì ngoài những cái ức chế trên còn phải đủ mọi khó khăn về cơ sở vật chất (sách, báo không có, không có tiền dự hội nghị quốc tế), cuộc sống (vừa phải làm vừa phải lo kiếm tiền để sống và trả chi phí cho việc làm PhD của mình), và quan trọng nhất là quỹ thời gian thường rất eo hẹp (chắc chỉ độ bằng 1/4-1/5 các bạn xa mẹ), may mà gặp thầy ngon (rất hiếm) thì còn có cái thực chất không thì đa phần kết thúc là "tiến sỹ tắm giặt".

Ở VN người ta tự đặt ra các chuẩn, các quy định hành chính để lấy sự rườm rà, phức tạp của nó thay cho các quy chuẩn về khoa học và chuyên môn. Hãy lấy quá trình làm TS ở VN để thấy điều này (và qua đó sẽ lý giải cái 80tr kia).

Đầu vào:

- NCS phải đảm bảo điều kiện tối thiểu gồm có: Thi chuyên ngành, thi ngoại ngữ -> Tiền (tiền đóng phí và tiền tiêu cực phí cho nhiều anh nhất là ngoại ngữ).

- NCS phải có ít nhất 1-2 bài báo chuyên ngành đã đăng về lĩnh vực nghiên cứu của mình. Cái này hết sức thừa thãi và hình thức vì NCS thi vào làm PhD là học làm nghiên cứu khoa học chứ không phải đã là giỏi, Standford cũng không đòi hỏi tiêu chuẩn cứng như vậy. Vậy là nhiều NCS phải lo cho đủ tiêu chuẩn cứng này, thôi thì các loài bài báo trên các tạp chí củ chuối ra đời cho đủ điều kiện và thường là kèm với phí (phí cho các báo này để đăng cho nhanh cho kịp kỳ thi NCS)

- Sau khi phải đạt các tiêu chuẩn cứng trên rồi (thường là đỗ vì nói vậy chứ chỉ tiêu của bộ cho số TS hàng năm nhiều trường không có đủ học viên thi vào đâu, chắc tại chỉ tiêu 20ngàn nên mưa chỉ tiêu hàng năm về các trường), học viên phải bảo vệ research proposal. Cái này thì cũng bình thường đối với các đại học tiên tiến trên thế giới NCS nào cũng phải submit research proposal lúc đầu vào cả. Nhưng cái đặc trưng rất VN của RP của NCS trong nước là:

- Có tên chết cứng, nghĩa là lúc mới thi tên thế nào thì 3-4 năm sau bảo vệ tên luận văn cũng phải thế ấy. Việc thay đổi cực kỳ khó khăn và rườm rà về mặt hành chính. Do đó thường ở VN thầy và trò phải đối phó bằng cách đặt tên luận văn cực kỳ "mênh mông biển rộng" (Ví dụ: "Mạng Neural Mờ", "Tâm Lý Tắm Giặt Tập Thể" ....).

- Yêu cầu NCS phải đưa cả dự kiến nội dung luận văn (chi tiết đến từng đề mục trong từng chương). Một quy định ngu xuẩn và phi lý như vậy mà biết bao người đã góp ý mà bộ GD vẫn cứ trơ lấc (có lẽ là vì toàn những người mặt dầy và não trang như anh Phúc phát biểu "bằng giả" ở phía trên).

Làm luận văn và bảo vệ

Quá trình làm luận văn của NCS thì vô cùng gian nan vất vả, vừa phải lo chuyện gia đình, cơ quan, xã hội (khóc, cười, văn nghệ quần chúng, họp, học chính trị etc) vừa phải lo về kinh tế (để nuôi bản thân, gia đình, vừa để đóng cho những khoản này, khoản nọ trong quá trình làm NCS). Cơ sở vật chất thì thiếu thốn, sách báo không có, kinh phí cho nghiên cứu khoa học không có, NCS phải tự bỏ tiền túi ra hết . Những nghiên cứu nào phải làm thí nghiệm tốn kém thì tiền tấn (đối với mức sống ở VN). Không chỉ thế ở VN thiếu thầy giỏi làm khoa học thực sự nghiêm túc ở tầm quốc tế, môi trường làm nghiên cứu khoa học, học thuật nghiêm túc gần như trống vắng (không seminar, không nhóm nghiên cứu, không hội nghị, hội thảo etc). Thậm chí NCS có khi cả năm mới chỉ gặp thầy 1 hướng dẫn 1 lần, vào nơi đào tạo còn bị lạc etc là những "chuyện thường ngày ở huyện".

Sau khi hoàn thành xong luận văn, NCS bước vào một ma trận bảo vệ làm tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc. Để bảo vệ NCS phải trình luận văn (với nhiều tiêu chuẩn hay hay như luận văn phải có ít nhất 120 tài liệu tham khảo etc, số bài báo - phải in ra và có chứng nhận của các đồng tác giả), in ấn rất nhiều bản (tự bỏ tiền túi ra nhé). NCS phải bảo vệ hai lần trước hai hội đồng. Đầu tiên NCS phải bảo vệ tại hội đồng cơ sở, trình bày luận văn sau đó các thành viên đánh giá và góp ý sửa đổi. Nghe thì hợp lý, nhưng có chứng kiến các hội đồng kiểu này mới thấy hài, thậm chí ngay giữa hội đồng bảo vệ TS nọ, vị chủ tịch hội đồng còn hồn nhiên phát biểu là vị ấy chẳng biết tý quái gì về lĩnh vực nghiên cứu của NCS. Việc chọn hội đồng đa phần là theo cạ và bằng cấp, phẩm hàm (mà rất nhiều là rởm) thuần túy. Cũng nên nói, tiền bồi dưỡng các thành viên hội đồng, chủ tịch hội đồng, thư ký hội đồng (hai ông này mức cao hơn thành viên), thậm chí cả người ngồi nghe (thường là 100K/người; đâm ra bản thân mình thích đi ngồi dự nghe mấy cái này lắm), tiền thuê địa điểm (dù vẫn là phòng ốc của cơ sở đào tạo), tiền hoa, tiền hoa quả, trà thuốc, etc đều tự NCS phải bỏ tiền túi ra trả. Có những quy định bán chính thức của bộ về các mức tiền bồi dưỡng này chứ không phải là tiêu cực nhé (xin không đưa con số ra đây vì nó chỉ là quy định về số tối thiểu, NCS nào mà chỉ có bám vào đưa số tối thiểu thì kẹo quá, còn hơn thì nó rất ... vô cùng).

Sau khi bảo vệ xong hội đồng cơ sở thì thí sinh phải đợi ít nhất 6 tháng (thường là 1 năm) để hoàn thiện luận văn và chờ bảo vệ hội đồng quốc gia. Luận văn được phản biện kín (trên hình thức thì là thế), NCS còn phải tự bỏ tiền ra đăng tin trên đài báo có tầm vực quốc gia về việc bảo vệ (ngày, giờ, địa điểm) của mình, phải in 20 bản tóm tắt luận văn phát đi khắp nơi trong nước đến các chuyên gia và phải có ít nhất 12 phản hồi (đây là thứ rất hình thức và rắm rối, nhận xét luận văn 200 trang chỉ qua việc đọc tóm tắt 20 trang). Ngày bảo vệ đến lại các thủ tục, tiền nong như buổi bảo vệ hội đồng cơ sở (quên còn cả mục mời các thầy hội đồng liên hoan sau buổi bảo vệ cũng phải bỏ tiền túi ra nhé). Trong khi bảo vệ cũng nhiều tình huống cười ra nước mắt, những chuyện như GS Cao Xuân Hạo từng kể (cho một ông bảo vệ luận văn TS Ngữ văn 3 điểm vì như lời GS là:"Đọc luận văn anh này tôi khẳng định anh này chưa học hết lớp 3", nhưng đến hội đồng quốc gia thì người ta loại những ủy viên có nhận xét bất lợi và cài cắm cạ vào để TS trên có được 7 điểm và đạt TS). Và rồi mưa nhận xét đánh giá xuất sắc, xuất sắc, hoặc chí ít cũng là đạt. Thường thì phần bất ngờ nhất của buổi bảo vệ hội đồng cấp nhà nước chỉ là phần sau bảo vệ (ăn gì ở nhà hàng nào), chứ còn đa phần các hội đồng này mang tính hình thức sau khi thầy và trò đã lo chu đáo mọi chuyện (nếu để xảy ra tranh luận nảy lửa bất đồng sâu sắc tại buổi bảo vệ thì NCS nên trách thầy hướng dẫn không lo cho chu đáo, trách mình kẹo). Và tất nhiên hoa, lời chúc, ... chẳng mấy chốc số 20ngàn TS của anh Nhân đặt ra trở thành một con số khiêm tốn đến thảm hại.

Tổng kết thiệt hại thì thế này: Nếu NCS không được nhà nước trả tiền cho (nếu được thì nhà nước chỉ trả mức tối thiểu còn phụ trội NCS từ bỏ tiền túi) thì số tiền phải bỏ từ túi ra sẽ phụ thuộc vào từng ngành nhưng không thể dưới 50tr (ngành nào phải tốn kém chuyện làm thí nghiệm etc thì còn cao hơn), đó là không kể "tiêu cực phí", chỉ làm đúng các quy định vô cùng cứng nhắc và cũng vô cùng mềm dẻo của bộ. Nếu có tiêu cực phí thì con số này là ... vô cùng, không xác định chính xác được.

Nguyên nhân? Để lúc khác có thời gian, nhưng một trong những nguyên nhân chính là ta đa phải hứng chịu hậu quả của một thế hệ các "trí thức hữu nghị XHCN Liên Xô và Đông Âu", những người đang có quyền (hay tự cho là có quyền) ra các quy định và quyết định về đào tạo và nghiên cứu khoa học ở VN.

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Chợ Bến Thành

Không nói ra chắc ai cũng biết Chợ Bến Thành đã trở thành một trong những biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các biển quảng cáo du lịch Việt Nam ở nước ngoài (và trong nước nũa), các công ti du lịch thường lấy Chợ Bến Thành làm hình ảnh thu hút du khách, và các nghệ sĩ chuyên thiết kế những biểu tượng du lịch cũng thường lấy hình tượng thiết kế Chợ (như cái nóc chợ, hay đồng hồ trước Chợ) làm icon cho du lịch TPHCM và Việt Nam. Cũng như bao nhiêu người Việt khác, tôi chẳng lạ lùng gì với Chợ Bến Thành. Nhưng cũng cả hơn 20 năm, tôi không ghé vào Chợ Bến Thành, vì không có dịp, hay có dịp thì lại nghĩ chắc cũng chẳng có gì mới để tốn thì giờ. Tuy nhiên, lần này vì ở khách sạn gần đó, nên tôi quyết định đi tham quan cho biết xem Chợ có gì mới hay không.

Sáng sớm (chắc khoảng 7 giờ), tôi lang thang đến các quán vỉa hè ăn sáng, rồi thả bách bộ vào Chợ BT. Tôi ngạc nhiên thấy Chợ bây giờ sạch sẽ và thứ tự hơn trước kia rất nhiều. Những quầy bán quần áo, bán đồ khô, bán thịt và rau cải, bán đồ lưu niệm, v.v… được tổ chức theo từng khu vực một cách có trật tự. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các quầy hàng thì quá hẹp làm cho khách đi lại rất khó khăn, và cũng rất có thể cách sắp xếp này tiềm ẩn nguy cơ bị … móc túi.

Mới bước vào đã có nhiều lời mời mọc bằng tiếng Anh, tiếng Tàu, Nhật, Hàn, v.v… vì người ta tưởng tôi là người ngoại quốc! Một em bé, chắc độ 15-16 tuổi, hỏi dồn dập nhưng lịch sự: What can I do for you, sir (tôi có thể làm gì cho ngài), What are you looking for, sir (ngài tìm gì), This shirt one is really nice (Cái áo này thật là dễ thương). Em nói một cách tự nhiên, phát âm tuy không chuẩn mấy nhưng nghe được. Tôi cũng giả bộ đóng vai du khách để … đùa vui. Tôi hỏi rằng những quần áo trong quầy hàng có phải là đồ nhái hay không, thì em đính chính là không phải đâu, toàn đồ thật không đó. Tôi bèn chỉ ra những logo được thêu một cách sơ sài (như logo của hãng Nautica được thêu không đúng), những đường may còn thô và không đúng với đồ thật, và nhất là vải thì không đạt chuẩn chất lượng. Chưa nói đến chất lượng, mà chỉ nói về hình thái, những hàng nhái của Việt Nam rất kém và rất dễ nhận ra. Họ chỉ có một kiểu may duy nhất, và cứ thế mà gắn các nhãn mác vào. Đó là một kiểu nhái lười biếng. Có vẻ thấy tôi là khách khó “dụ” nên em cũng thú nhận là hàng nhái, rồi giả lả cười nói giá chỉ có vài trăm ngàn thì chỉ thế thôi. Đến đây thì tôi nói bằng tiếng Việt làm em bé ngỡ ngàng, và trách sao nãy giờ không chịu nói tiếng Việt làm em uốn lưỡi nói tiếng Anh rất mệt!

Nói chuyện một lúc tôi mới biết những người bán hàng ở đây đều tự học tiếng nước ngoài qua khách hàng, chỉ học đủ từ vựng để giao tiếp và buôn bán thôi. Kể ra cũng khâm phục cho giới tiểu thương Việt Nam nói chung, vì họ rất … thông minh. Chắc chắn là thông minh hơn đồng nghiệp Thái Lan, những người chỉ biết dùng máy tính để nói chuyện và mặc cả với khách hàng. Nhìn qua phong cách nói tiếng ngoại quốc ở đây, tôi tự dưng nghĩ đến sự linh động của giới tiểu thương Việt Nam, nhất là ở phía Nam, nghĩ đến khả năng buôn bán của người dân. Chính họ là động cơ góp phần phát triển kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, tôi vẫn thấy những cảnh chèo kéo khách nước ngoài xảy ra ngay trong Chợ. Ngoài những lời mời đủ thứ tiếng Tây Tàu, còn có vài thái độ và hành động không mấy đẹp. Tôi đã thấy có chị bán hàng kéo tay khách đến quầy hàng của mình để giới thiệu hàng. Chính tôi cũng bị một chị bán hàng lưu niệm kéo tay đến xem hàng hóa của chị, nhưng sau một hồi không thuyết phục được tôi, chị đành nói: “Rồi, bữa nay hông hên chút nào hết!” Khách Âu Mĩ cũng bị lôi kéo sềnh sệch. Có lẽ các vị bán hàng ấy không biết, chứ đối với người phương Tây, chuyện nắm tay người ta kéo đi là một việc mất lịch sự, nếu không muốn nói là thô lỗ. Nói vậy thôi, chứ tôi thấy khách có vẻ cũng vui vẻ, không tỏ ý bất mãn gì, có lẽ họ xem đó là đặc thù của văn hóa buôn bán ở Việt Nam.

Bến Thành còn có chợ đêm, cũng rất nhộn nhịp. Một hôm khoảng 10 giờ tối, tôi lang thang ra chợ đêm để ăn uống và hòa mình vào thế giới đêm của Chợ. Nói chung, các hàng quán thức ăn ở đây ngon miệng mà giá cả thì vừa túi tiền, chứ không quá đắt như những quán “upmarket” nhưng thức ăn thì không mấy ngon. Bởi vậy, giới du khách phương Tây hay chỉ bảo nhau rằng ở Việt Nam, muốn ăn ngon thì nên tìm đến những quán bình dân hay quán vỉa hè, chứ đừng có dại dột mà “chui” vào các quán sang trọng để bị “chém”. Nói thì nói thế, chứ nếu tôi mà muốn đãi khách Tây phương thì chắc tôi phải chọn nhà hàng sạch sẽ thôi, chẳng lẽ phải đem họ ra những nơi vỉa hè mà vệ sinh và an toàn thực phẩm vẫn là một câu hỏi lớn. Thật vậy, nhìn vào cách rửa chén bát hay xử lí rau cải của các hàng quán bán thức ăn ở Chợ Bến Thành, thực khách chắc cũng hơi … ngán. Ngán thì ngán, nhưng cứ nhắm mắt ăn ngon miệng, rồi sau đó sẽ nhờ lomotil bảo vệ. :-)

Chợ Bến Thành và các con đường chung quanh là nơi người Việt có thể cảm thấy xấu hổ. Tôi nói như thế là vì ở khu vực này về đêm có rất nhiều cuộc “chào hàng” của những cô gái trẻ. Thoạt đầu, đứng trên khách sạn nhìn xuống tôi thấy một vài du khách người nước ngoài đang đi trên đường Lý Tự Trọng (đường Gia Long cũ) và có vài chiếc xe gắn máy lượn qua rồi dừng lại trao đổi gì với khách, tôi tưởng là họ bán các bưu thiếp và đồ lưu niệm, nhưng qua tìm hiểu thực tế thì không phải. Khoảng 10 giờ đêm, tôi thả bộ theo con đường Lý Tự Trọng, và không đầy 5 phút đã có 2 cô gái trên một chiếc xe gắn máy đến sát bên tôi hỏi bằng tiếng Anh là có muốn “đi vui vẻ”, tôi cũng giả bộ trả lời bằng tiếng Anh là không. Theo một hồi coi bộ không thuyết phục được tôi, họ bỏ đi. Nhưng chỉ một vài phút sau thì lại một chiếc xe khác cũng vẫn 2 cô gái ăn mặc hở hang đến chào mời. Ngay cả một số tài xế xe ôm và xích lô cũng chào mời. Có lẽ họ quá tuyệt vọng. Nhưng thú thật, nhìn cái cảnh họ chào mời khách Tây sao tôi thấy xấu hổ quá, và những ấn tượng buổi sáng về Chợ Bến Thành trong giây lát đã tan biến thành mây khói. Tôi hi vọng rằng TPHCM sẽ không trở thành một Bangkok của Thái Lan.

Chợ Bến Thành, cho dù có sạch sẽ hơn và trật tự hơn so với trước đây, theo cách nhìn của tôi vẫn là một cái chợ như bao nhiêu chợ khác ở Việt Nam, nó chưa thoát khỏi cái tư duy tiểu nông. Tôi muốn nói Bến Thành vẫn là một tập hợp những hàng tôm, hàng cá, hàng vải, buôn bán manh mún. Hàng hóa chủ yếu là đồ nhái, đồ nhập rẻ tiền từ … Trung Quốc, hay loại hàng chất lượng thấp. Cách bán vẫn là chèo kéo, vẫn là cách nói thách trên trời. Nó chẳng khác gì mộ bazaar của người Ả Rập. Tất cả những đặc điểm này chẳng có gì xứng đáng là văn hóa hay là biểu tượng cho một thành phố văn minh cả.

Do đó, tôi nghĩ cần phải tổ chức lại Chợ Bến Thành thành một trung tâm thương mại đàng hoàng và khang trang hơn, là một nơi buôn bán các mặt hàng truyền thống (kể cả quần áo) mà có chất lượng cao. Không cần biến Chợ Bến Thành thành một thương xá Tax (cũng thuộc loại manh mún và bán đồ giả) hay trung tâm upmarket như Diamond Plaza (quá đắt tiền cho người dân). Nhân viên buôn bán phải ăn mặc đồng phục lịch sự, và đặc biệt là có giá biểu nghiêm chỉnh chứ không có chuyện nói thách làm trò cười cho du khách. Hi vọng trong tương lai chúng ta sẽ có một Chợ Bến Thành như thế.

NVT

TB: Không ngờ những bài tôi viết về chuyến đi Nha Trang được nhiều bạn đọc phản hồi. Có vài bạn đọc đồng ý với những nhận xét của tôi, nhưng cũng có 1 bạn đọc tỏ ý không hài lòng vì anh nghĩ rằng tôi “chê” Nha Trang quá. Chuyện khen hay chê là cảm nhận cá nhân: cũng là một lời nhận xét, nhưng có người thì cho rằng đó là “chê”, nhưng người khác thì gọi là “góp ý”. Do đó, chê hay khen, chê hay góp ý tùy thuộc vào bản lĩnh và lòng thành của mình. Phần tôi, tôi có thể nói từ đáy lòng là không chê Nha Trang (hay chê bất cứ ai), nhưng tôi có những “critical comment” (dịch tiếng Việt là gì nhỉ?).

Thư của một người trong chuyến đi:

That la tinh co vi toi cung la mot khach trong chuyen di anh mo ta tren trang blog cua anh. Toi cung la nguoi thuong doc blog cua anh. Toi that su that vong cho chuyen di hom do vi gia dinh toi tuong rang se co mot chuyen di Nha Trang vui ve, ai ngo bi uot nhu chuot lot. Ho lam du lich do qua. Toi cung muon noi nhung may qua anh da phan anh dung van de. Rat cam on anh va chuc anh nhieu may man.”

Sau đây là trích thư của một bạn đọc (là người của công ti Long Phú mà tôi có nói trên entry trước).

[…]
- Khi tai Dao Khi duoc Cty chung toi nuoi va cho an hang ngay voi mot luong thuc an rat lon, nhung ban tinh pha phach cua chung thi khong co gi thay doi.

- Tren cac tau van chuyen hanh khach tren bien cua chung toi tuy cu ky nhung luon day du phao cuu sinh theo dung qui dinh nhung huong dan vien va thuyen truong khong gioi thieu cho hanh khach, do la khuyet diem cua nhan vien chung toi, xin BS yen tam ve dieu kien an toan tren bien.

- Viec giao duc Van Hoa giao tiep cho nhan vien chung toi thuc hien thuong xuyen, va coi day la mot tieu chi de thang tien trong cong viec, nhung viec kiem soat cua BGD chung toi thuc hien chua huu hieu da de lam phien long BS, day la trach nhiem chung toi chua lam tron chu khong phai la pho bien cua tat ca nhan vien nha nuoc nhu BS nghi.”

Và một thư khác của một người có tên là “Biển”:

Sao anh chê Nha Trang của Biển dữ vậy? Hihi, Biển nói đùa í. Cảm ơn anh đã đến Nha Trang của Biển. Cảm ơn 03 bài viết của anh về Nha Trang. Vui lắm, thích lắm.

Hì, anh phản ánh khá chính xác í. Dùng từ rất chính xác có vẻ đúng hơn í. Thực sự người Nha Trang dễ thương (hìhì mèo khen mèo dài đuôi) nhưng cung cách phục vụ của nhân viên dịch vụ du lịch thì hổng thể khen được. Biển cũng đã đi vài điểm nhưng ngoài sự nhăn nhó, cau có, mặt chù ụ, ăn nói cộc lốc, nhát gừng, cặp mắt sắc lẹm liếc liếc hoặc lạnh lùng ra rất hiếm gặp nụ cười thân thiệt. Anh àh, sốc hàng du khách mới nhớ dai và ... đi luôn hehehe. Lần sau có đi thì anh qua Vinpearl Land (đỡ hơn, dù sao khu du lịch cao cấp, gặp nụ cười khá nhiều), anh đi tour các đảo nói chuyện với người dân làng chài thích hơn í nhưng dễ bị lôi kéo mua đồ hải sản lắm í và cái khâu "xử lý" sau khi ăn uống no say, khi muốn đi ấy thì chỉ có ... ùm xuống biển hoặc trên tàu nhưng tất tần tật đều xuống biển cả. Í dza nói cái này chắc anh chẳng dám tắm biển nếu ra các đảo hehehe. Nhưng đó là thật í. Biển đã chứng kiến ...

Khu du lịch Dốc Lết, Cát Trắng (ở huyện Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang hơn 43km) có vẻ cũng dễ chịu. Thuê một lều và ở chơi cả ngày cũng được. Vài điểm là khu du lịch sinh thái Yang Bay, Nhân Tâm. Còn một khu nữa, Biển không nhớ tên khu du lịch này là gì. Là nhà dân nhưng rộng lắm, người ta đầu tư xây dựng thành điểm du lịch, nghiêng về miền quê, mặc áo bà ba, khăn rằn choàng cổ, quần lanh đen ...

[…]

Biển tí tóe vì vui khi có người đến thăm Nha Trang và viết về nó mặc dù hổng khen nhiều. Hì, thịêt tình Nha Trang chỉ đẹp vì biển, vì phố xá, vì con người thôi. Nhìn chung du lịch Nha Trang ở điểm nào cũng yếu cả hổng phải riêng cao cấp hay thứ cấp.”

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Nhìn vân tay để đoán bệnh?

Mục khoa học của Vietnamnet dạo này chạy một số bản tin rất buồn cười. Tiêu biểu cho những bản tin đó là bài dưới đây (hình như là lấy từ báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế). Theo bài này thì bà giáo sư người Nga tên là Tatjana Abaramova [1] cho rằng có thể tiên lượng hàng chục bệnh tật chính xác qua xem dấu vân tay. Thoạt đầu mới nghe qua thì quả là tuyệt vời, vì chẳng cần đến các phương tiện máy móc tinh vi và đắt tiền để chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Nhưng suy nghĩ kĩ thì nhận định này sai ngay từ giả định và cách làm có vẻ giống như cách đoán của … thầy bói tướng.

Trước hết là giả định. Người viết cho rằng “vân tay là bộ gen người được lật ngược từ trong ra ngoài,” tức là vân tay thể hiện sự đa dạng của DNA, của gien, nhưng đây là giả định sai. Con người chúng ta có khoảng 25-30 ngàn gien (con số chính xác không thể biết chính xác), và khoảng 10 triệu SNP. Những bệnh mà bài báo này đề cập đến đều là những bệnh do nhiều gien gây ra (còn gọi là polygenic diseases). Cho đến nay, y học vẫn chưa biết hết gien nào có liên quan đến bệnh nào. Chẳng hạn như chưa ai biết có bao nhiêu gien ảnh hưởng đến bệnh cao huyết áp. Ngay cả với hàng trăm SNP và hàng chục gien, chúng ta chỉ có thể tiên lượng khoảng 30-40% ca bệnh cao huyết áp, tức còn sai sót đến 60-70%. Vậy thì làm sao đơn giản xem qua vân tay có thể tiên lượng bệnh cao huyết áp? Người nào viết như thế này thật là … can đảm.

Cái kiểu xem vân tay giống như coi bói, mà cái khác biệt căn bản giữa khoa học và bói toán là khoa học dựa vào những thí nghiệm có định lượng, còn bói toán thì dựa vào cảm nhận chủ quan. Phát biểu của người Nga vừa đề cập trên hoàn toàn không thấy dựa trên một nghiên cứu nào cả. Truy tìm trên PubMed tôi chỉ thấy 3 bài báo duy nhất của bà Abramova, và cả 3 bài đều không đề cập đến chuyện xem vân tay để tiên lượng bệnh. Trong 3 bài báo, 2 bài viết bằng tiếng Nga và 1 bài xuất hiện trên một tập san vô danh. Nhìn như thế để thấy rằng cái thuyết xem vân tay để tiên lượng bệnh tật có vẻ là một sự tưởng tượng phong phú.

Bàn sâu hơn, chúng ta sẽ thấy bói toán theo kiểu xem vân tay còn có nhiều vấn đề khác như: thiếu tính nhất quán nội tại và ngoại tại (consistency); thiếu tính “parsimony” để giải thích hiện tượng; không có tính phản nghiệm (falsificationism); và không dựa vào thí nghiệm có đối chứng. Do đó, xem vân tay không thể xem là một khoa học được.

Nước Nga có thể giỏi về toán và vật lí, nhưng nền y học của Nga thì chắc chưa so sánh được với các nước phương Tây. Chỉ riêng ngành di truyền học (và sinh học phân tử) thì Nga không thể nào so được với phương Tây, do hệ quả của một giai đoạn “tăm tối” dưới thời Stalin. Số lượng ấn phẩm khoa học và bằng sáng chế từ Nga trong lĩnh vực y sinh học không bằng 1/1000 của Mĩ và thấp hơn các nước như Anh, Đức, Pháp, Nhật rất xa. Giới y khoa phương Tây thường nói nửa đùa nửa thật rằng người Nga có thể không tài giỏi về y khoa, nhưng họ rất giỏi trong việc sáng chế ra những kĩ thuật và độc chất ám hại người. Tôi nghĩ không báo chí VN không nên tốn giấy mực để quảng bá cho những “thuyết” vớ vẩn như xem vân tay của người Nga.

NVT

[1] Tôi nghi nhà báo viết sai tên bà này, vì tôi tìm trong PubMed chỉ thấy Tatyana F. Abramova thuộc viện All-Russian Institute of Physical Training and Sport, Moscow, Russia.

===

http://vietnamnet.vn/khoahoc/200912/Xem-van-tay-doan-benh-tat-886327/

Xem vân tay, đoán bệnh tật

Cập nhật lúc 10:30, Thứ Bảy, 26/12/2009 (GMT+7)

Vân tay là bộ gen người được lật ngược từ trong ra ngoài. Qua dấu vân tay có thể xác định được hàng chục loại bệnh tật khác nhau, có bản chất di truyền sẽ xuất hiện trong cuộc đời một con người. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở còn cho biết chính xác sức khỏe thế hệ con cái, bao gồm những bệnh di truyền mà chúng sẽ mắc phải và tiến triển của những bệnh đó trong tương lai.

Cơ sở kiến tạo lý luận y học vân tay

Từ xa xưa, môn tướng học chỉ tay đã phát triển để tiên đoán tương lai cho con người. Tuy nhiên phải đến cuối thế kỉ thứ XIX, khoa học thực sự về dấu vân tay mới được Francis Galton khởi xướng. Các nhà hình pháp học khi đó mới bắt đầu sử dụng vân tay để nhận dạng con người. Từ đó đến nay, ngành vân tay học đã được phát triển mạnh mẽ nhờ một đội ngũ hùng hậu các nhà di truyền học và sinh vật học. Giờ đây, các đường hoa văn trên mỗi đầu ngón tay lại trở thành tâm điểm nghiên cứu của giới y khoa. Bộ môn y học vân tay đã được định hình và đang phát triển, trở thành một ngành khoa học chuyên biệt: nghiên cứu vân tay để phát hiện và dự đoán các loại bệnh tật mà con người mắc phải trong cuộc đời cũng như gợi mở những cách chữa trị hữu hiệu cho các loại bệnh đó.

Theo GS. Tatjana Abaramova, người đứng đầu phòng thí nghiệm nhân học thể thao, hình thái học và di truyền học thuộc Viện nghiên cứu thể lực Nga, các hoa văn trên da ở đầu ngón tay hình thành hoàn chỉnh ở tháng thứ ba đến tháng thứ năm của bào thai và không thay đổi trong suốt cuộc đời. Da và hệ thần kinh trung ương cùng phát triển đồng thời từ một mầm bào thai. Vì vậy hoa văn ở đầu ngón tay là chỉ dấu về đặc điểm tổ chức của não người. Không những thế, dấu vân tay được hình thành dưới tác động của hệ thống gen di truyền mà thai nhi được thừa hưởng và tác động của môi trường phát triển vi mô thông qua hệ thống mạch máu và hệ thống thần kinh nối với cơ thể mẹ. Có thể coi vân tay là một bức tranh tổng thể, phản ánh hệ thống gen mà con người được thừa kế và những dấu ấn của môi trường sống mà con người đã trải qua từ khi còn là bào thai. Vì thế việc xem xét và phân tích vân tay cũng tương tự như việc nghiên cứu bản đồ gen của mỗi người. Qua đó, các chuyên gia có thể xác định được hàng chục loại bệnh tật khác nhau có bản chất di truyền sẽ xuất hiện trong cuộc đời một con người. Đương nhiên cũng sẽ có những sai số nhất định vì cơ cấu vân tay cực kỳ phức tạp.

Y học vân tay lấy thực tiễn lâm sàng làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm khách quan duy nhất. Đối tượng của nghiên cứu là toàn bộ cơ thể con người, bao gồm sinh lý, tinh thần, hành vi, tình cảm, dinh dưỡng, tình trạng kinh tế cùng với bất kỳ nhân tố nào đủ để ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngành khoa học này dùng phương pháp tư duy khoa học hiện đại làm lý luận chỉ đạo. Với sự giúp đỡ của khoa học kỹ thuật tiên tiến đã xây dựng nên một mô thức lý luận và khung lý luận mới có cơ sở nhận thức chung, phương thức diễn đạt chung với y học hiện đại, dựa trên mức độ chỉnh thể nắm chắc quy luật phát sinh phát triển của bệnh tật. Theo đó, tất cả những ai có cơ sở y học hiện đại đều có thể tiếp nhận và lý giải nội dung quan điểm của khoa học y học vân tay, từ đó ứng dụng vào phương pháp chẩn đoán và điều trị lâm sàng để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Nhìn vân tay có thể đoán ra hàng chục bệnh

Theo hướng nghiên cứu mà ngành y học vân tay đưa ra, các nhà khoa học ở Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman đã hệ thống được 39 dạng đường vân tay, xếp thành bốn nhóm chính: vòng cung, vòng quai, vòng xoáy và họa tiết hình chữ S. Để xác định những căn bệnh mà đối tượng sẽ mắc, nhóm chuyên gia này cũng đã sáng chế tạo ra một loại thiết bị có thể tự động xác định độ nghiêng của các yếu tố hoa văn, tính số "ren" và xác định các thông số cuối cùng của vân tay mỗi cá nhân. Dựa vào việc phân tích các thông số này, kết hợp với các dữ liệu đã thu được về đối tượng, các bác sĩ có thể xác định được hơn chục loại bệnh khác nhau có bản chất di truyền mà cá nhân đó có thể mắc phải. Không những thế, qua vân tay của phụ nữ đang dự định có mang, người ta còn có thể xác định được chính xác sức khỏe của thế hệ con cái.

Những loại bệnh có thể phát hiện và dự đoán được dựa trên việc phân tích dấu vân tay bao gồm:

- Những bệnh do sai lệch gen như hội chứng Down, hội chứng ba nhiễm sắc thể 18, ba nhiễm sắc thể 13, sai lệch nhiễm sắc thể giới tính XXX, XXY...

- Những chứng ung thư và nhóm người có nguy cơ cao của bệnh sử gia tộc có chứng ung thư. Y học vân tay có thể dự đoán bệnh u bướu với độ chính xác đạt tới 85%, bao gồm các thông số: có xuất hiện hay không, vào thời gian nào và ở bộ phận nào. Đối với người bệnh đã mắc u bướu, còn có thể thông qua vân tay quan sát tính chất u bướu của họ: lành tính hay ác tính, có nguy cơ biến thành ác tính hay không? Từ đó gợi mở hướng điều trị tiếp theo cho phù hợp, kịp thời.

- Bệnh huyết áp cao và đái tháo đường: Nhìn bàn tay của người đời sau có thể thấy cha mẹ họ có bệnh huyết áp cao, bệnh đái tháo đường hay không, đồng thời nhắn nhủ người đời sau kịp thời đề phòng và chữa trị sớm hai căn bệnh này, từ đó hạ thấp xác suất bệnh huyết áp cao và bệnh di truyền có tính lặn do gen đột biến gây nên chuyển hoá thành bệnh di truyền có tính trội.

- Các bệnh phi di truyền: Theo đà nhận thức đối với di truyền học ngày càng sâu, người ta cũng đã phát hiện nhiều bệnh tật gọi là phi di truyền trước kia cho là không liên quan đến di truyền, đều có quan hệ nhất định với di truyền. Do đó, một số quan niệm truyền thống về nhận thức bệnh tật phi di truyền đã bắt đầu sinh ra dao động, thậm chí nhiều người đã cho rằng tuyệt đại đa số bệnh tật của loài người đều có khả năng có liên quan với di truyền. Thông qua quan sát vân tay, rất nhiều bệnh tật trước kia cho rằng không có liên quan với di truyền, như: viêm túi mật, u xơ tử cung, đau đầu có tính huyết quản (mạch máu)... cũng có thể được phát hiện khi giữa các đời thân thuộc của họ đồng thời có bệnh này mà biểu hiện hình vân cơ bản lại giống nhau.

Thực tiễn chẩn đoán vân tay đang ủng hộ quan điểm mới nhất này của di truyền học. Các chuyên gia đã có thể chẩn đoán được bệnh co thắt tim, bệnh bại liệt nửa người, đặc biệt là vân bệnh lý đột tử. Nếu thấy trên bàn tay có xuất hiện vân này thì có thể kịp thời nhắc nhở người bệnh phòng trị sớm; Có thể phân tích phán đoán nguyên nhân đau đầu, như: có thể phán đoán đau đầu do chấn thương gây nên hay đau đầu do thần kinh suy nhược, hoặc là đau đầu do có tính huyết quản...

- Đối với viêm túi mật, chứng sỏi mật, độ chính xác phán đoán đạt 90%, có thể phán đoán hình thái kết sỏi; Có thể tiến hành phân dạng bệnh lý đối với bệnh viêm dạ dày như: có thể phán đoán phân biệt độ nặng, nhẹ, vừa của chứng viêm dạ dày có tính nông cạn và viêm dạ dày có tính teo; Có thể tiến hành phán đoán đối với mỡ máu, đường máu và công năng hoá sinh của gan có khác thường hay không.

Tóm lại, chẩn đoán vân tay có thể dự đoán và phán đoán các bệnh thường gặp chủ yếu mà con người hay mắc phải. Khai thác thế mạnh phán đoán bệnh của môn khoa học này sẽ rất hữu ích trong điều tra dịch tễ học và phòng ngừa. Hướng đi sắp tới của ngành y học vân tay là phổ biết rộng rãi hệ thống lý luận, đưa kỹ thuật chẩn đoán bệnh qua vân tay vào máy tính để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và chữa trị bệnh cho con người.

Theo SK-ĐS

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Giáo sư như là một bằng tốt nghiệp ?

Dù đã đọc nhiều văn bản về qui trình phong hàm giáo sư ở VN tôi vẫn không thể hiểu hết và hiểu nổi những phức tạp của cái hàm này. Có lẽ chính vì thế mà những chức danh GS/PGS của VN rất độc đáo, hiểu theo nghĩa không giống ai trên thế giới này.

Ở các nước khác trên thế giới, tuy tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS có khác nhau giữa các trường, nhưng qui trình thì giống nhau. Tựu trung lại thì chức danh GS chỉ dành cho những người trực tiếp giảng dạy đại học hay làm nghiên cứu khoa học (chứ không dành cho người làm việc hành chính trong chính phủ hay quân đội). Người được đề bạt chức danh GS phải là người đang tại chức, chứ không phải … thất nghiệp. Chẳng hạn như nếu một ứng viên đang là phó giáo sư thấy mình đã đạt được thành tựu và tiêu chuẩn tương đương với chức danh GS thì ứng viên nộp đơn để được hội đồng khoa bảng xét duyệt.

Còn ở Việt Nam, GS/PGS là một phẩm hàm do Nhà nước phong tặng, chứ không hẳn là một chức vụ trong đại học. Vấn đề này đã được nhiều nhà giáo góp ý và phản biện trong quá khứ, nhưng theo tôi thấy vẫn chưa có thay đổi nào cho phù hợp với các đại học trên thế giới.

Nay đọc bài phỏng vấn dưới đây tôi lại thấy một khía cạnh khác: đó là GS/PGS như là một bằng tốt nghiệp! Theo ông tổng thư kí HĐCDGSNN, có 2 khâu trong việc phong hàm giáo sư: khâu thứ nhất là công nhận chức danh GS/PGS, và khâu thứ 2 là bổ nhiệm. Khâu thứ nhất là do HĐCDGSNN đảm nhiệm, còn khâu thứ 2 là tùy vào đại học hay cơ sở giáo dục. Nếu một người đã được HĐCDGSNN công nhận chức danh GS/PGS mà trong vòng 2 năm không có cơ sở giáo dục nào bổ nhiệm thì coi như giấy chứng nhận GS/PGS không còn hiệu lực. Như vậy, giấy chứng nhận GS/PGS cũng giống như một văn bằng tốt nghiệp, người có văn bằng này vẫn phải đi xin việc; nếu trong một thời gian sau khi tốt nghiệp ứng viên vẫn không có việc thì văn bằng sẽ không có hiệu lực. Thật là độc đáo!

NVT

===

http://www.cand.com.vn/vi-VN/thoisu/2009/12/124325.cand
Vì sao đủ tiêu chuẩn vẫn không được bổ nhiệm chức danh?
15:50:00 26/12/2009

Vừa qua, tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, 65 nhà giáo được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS) và 641 nhà giáo được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư (PGS).

Như những năm trước, sau khi nhận giấy chứng nhận chức danh, các nhà giáo đương nhiên trở thành các tân PGS, GS. Song bắt đầu từ năm 2009, sau khi nhận giấy chứng nhận, các nhà giáo lại phải trải qua khâu chờ bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Nếu được bổ nhiệm, họ mới được gọi là các GS, PGS. Quy trình bổ nhiệm như thế nào, liệu có tình trạng "chạy" bổ nhiệm hay không, trường hợp không được bổ nhiệm trong năm nay thì năm sau có được xét bổ nhiệm lại?

Xung quanh vấn đề này, PV Báo CAND đã trao đổi với GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký HĐCDGSNN và PGS.TS Nguyễn Hữu Bạch - Chánh Văn phòng HĐCDGSNN.

PGS Nguyễn Hữu Bạch: Cơ sở giáo dục đại học (CSGD ĐH) bổ nhiệm GS, PGS phải theo đúng chuyên ngành mà cơ sở có nhu cầu. Ví dụ Trường ĐH Kinh tế quốc dân thiếu GS, PGS về triết học, thì sẽ được quyền công bố thiếu GS, PGS về triết học và chỉ những nhà giáo về chuyên ngành đó mới được ứng cử. Với quy trình mới này, sẽ có người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, nhưng chưa chắc đã được bổ nhiệm, nếu như CSGD đó chưa có nhu cầu. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

PV: Một số ứng viên cho biết, việc xem xét nhu cầu cần bổ nhiệm bao nhiêu GS, PGS, nên được rà soát trước khi tiến hành xem xét công nhận chức danh, như vậy việc công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh sẽ sát thực tế, sát với nhu cầu của chính CSGD hơn. Và như vậy sẽ tránh được hiện tượng, người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh rồi, mà lại không được bổ nhiệm ở chính nơi mà mình đang công tác giảng dạy.

GS Trần Văn Nhung: Đất nước chúng ta có khoảng 85 triệu dân, trong khi chúng ta mới có khoảng 1.300 GS và khoảng hơn 7.000 PGS. Như vậy, 1 vạn người mới có 1 GS hoặc PGS, tỉ lệ này quá thấp, chúng ta đang rất thiếu GS và PGS. Hiện nay, ĐH Tây Bắc chỉ có 1 PGS, ĐH Tây Nguyên cũng có rất ít GS, PGS. ĐH An Giang khi GS Võ Tòng Xuân về làm hiệu trưởng thì chỉ mình ông có chức danh GS. Trong chiến lược xây dựng cán bộ, các trường đều nêu rõ tỉ lệ PGS, GS là bao nhiêu. Tách hai khâu công nhận chức danh và bổ nhiệm chức danh là một cơ chế khoa học để luân chuyển cán bộ. Theo tôi, trường hợp nào mà hai năm không CSGD nào bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì có lẽ phải làm lại trường hợp đó.

PV: Sau 2 năm, ứng viên không được bổ nhiệm thì tấm giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh còn giá trị không? Liệu có nảy sinh hiện tượng tiêu cực, chạy chọt?

GS. Trần Văn Nhung: Sau 2 năm nếu ứng viên không được cơ sở nào bổ nhiệm, thì tấm giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cũng chỉ giữ để làm kỷ niệm vì nó chỉ có giá trị trong 2 năm.

PV: Vậy có chuyện "chạy" bổ nhiệm không? HĐCDGS NN có chế tài gì để hạn chế các hiện tượng tiêu cực không?

PGS Nguyễn Hữu Bạch: Theo tôi không thể "chạy" được, thứ nhất anh phải đạt tiêu chuẩn chức danh, thứ hai phải bổ nhiệm đúng chuyên ngành. Tất cả các bước bổ nhiệm đã được nêu rõ trong bản dự thảo chính là để hạn chế thấp nhất tiêu cực.

PV: Các giáo viên có quyền được đến các trường khác để xin bổ nhiệm phải không?

GS. Trần Văn Nhung: Đúng như vậy! Như thế mới là cách làm hay, tạo một cơ chế tự nhiên để luân chuyển cán bộ về những nơi mà còn thiếu PGS, GS. Theo quy định, các cơ sở phải công bố công khai số lượng GS, PGS mà họ đang thiếu.

PV: Một số ứng viên băn khoăn, nếu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn mà không được bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín khoa học của họ vì để phấn đấu đạt tiêu chuẩn chức danh, họ đã phấn đấu không mệt mỏi.

PGS Nguyễn Hữu Bạch: Việc xét chức danh là do các ứng viên tự nguyện, còn việc bổ nhiệm là do CSGD có nhu cầu hay không. Hai việc đó hoàn toàn khác biệt. Cái đích chính theo tôi là họ làm chuyên môn tốt hay không. Trước đây, nhiều người sau khi được công nhận học hàm xong, thì không làm gì cả. Như thế rất lãng phí chức danh. Giờ theo quy trình mới này sẽ thiết thực hơn nhiều, chúng ta cần người làm việc, chứ không cần người có danh.

PV: Những người có tên trong hội đồng khoa học có được ứng cử xem xét bổ nhiệm không?

PGS. Nguyễn Hữu Bạch: Có thể họ có tên trong hội đồng khoa học, nhưng khi xét đến họ thì họ không được bỏ phiếu, không được tự mình xem xét cho mình.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Tổng Thư ký và Chánh Văn phòng HĐCDGSNN.

Box:

Theo dự thảo Thông báo về việc xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS của HĐCDGSNN thì quy trình bổ nhiệm chức danh sẽ có 5 bước: Các CSGD ĐH sẽ thông báo công khai số lượng GS, PGS ở các ngành, mà đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm theo cơ cấu đội ngũ giảng viên đã được Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định; các nhà giáo thuộc đối tượng được bổ nhiệm chức danh (trong đó có các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS); thủ trưởng CSGD ĐH căn cứ vào nhu cầu cần bổ nhiệm, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở để lập danh sách, báo cáo Thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo xác nhận và có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GD & ĐT về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Bộ trưởng Bộ GD & ĐT ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS và cuối cùng, thủ trưởng CSGD ĐH có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các GS, PGS đã được bổ nhiệm. Khâu bổ nhiệm sẽ do Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD & ĐT) đảm nhiệm.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2009

Anh và Mĩ không có bộ giáo dục và đào tạo?

Hỏi: Nếu so sánh với các nước phát triển đã thực hiện kiểm định ĐH lâu rồi thì Việt Nam đã thực hiện được gì và còn lúng túng nhất ở khâu nào, thưa bà?

Trả lời: Cá nhân tôi nắm rất sâu về kiểm định của Hoa Kỳ thì tôi thấy các bước kiểm định của Việt Nam thực hiện đúng chuẩn của Hoa Kỳ và chuẩn chung của các nước gồm: tự đánh giá, đánh giá ngoài và hội đồng ra quyết định.

[…]

Ở Anh, Mỹ, khi kiểm định, Hội đồng thẩm định có quyền tối cao, nhà nước không tham gia nữa vì họ không có Bộ GD-ĐT.”

Đó là nội dung trao đổi giữa báo Vietnamnet và phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng và Nghiên cứu phát triển giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Tôi bị sốc khi đọc câu thứ hai của phần trả lời: đó là các nước Anh, Mỹ không có Bộ giáo dục và đào tạo. Thật khó tin là một quốc gia như Anh và Mĩ mà không có bộ giáo dục và đào tạo!

Tôi hỏi google thì được biết là có đấy. Ở Mĩ, bộ này có tên là “U.S. Department of Education” và website đàng hoàng www.ed.gov/index.jhtml. Còn Anh thì bộ giáo dục và đào tạo xuất hiện qua nhiều tên khác nhau như Ministry of Education (trước đây là Board of Education). Tra wikipedia thì được biết cơ quan quản lí giáo dục và đào tạo của Anh đã trải qua nhiều tên như Department for Education and Skills (từ năm 2001 đến 2007), Department for Children, Schools and Families (2007), Department for Innovation, Universities and Skills (2007-2009). Nói tóm lại, Anh và Mĩ đều có bộ giáo dục và đào tạo với tên gọi khác nhau, chứ nói rằng họ không có bộ này tôi e rằng không đúng.

Ít ai dám tự tin nói mình “nắm rất sâu” về kiểm định giáo dục của một nước khác, nhất là các vấn đề về kĩ thuật thì càng khó hiểu hơn (chứ chưa nói đến “nắm sâu”). Ấy vậy mà chị này tuyên bố một cách tự tin như thế! Tôi nghĩ chắc chị này có nhiều công trình nghiên cứu về kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, nên muốn tìm hiểu xem sao. Qua trang web này, chúng ta có thể thấy những nghiên cứu của trung tâm. Không có một bài báo nào nào được công bố trên một tập san khoa học quốc tế. Chẳng lẽ đó là nghiên cứu khoa học?

Ước gì công chúng được xem 10 tiêu chuẩn và 53 tiêu chí về kiểm định chất lượng giáo dục đại học mà Bộ GDĐT phát triển ra.

NVT

Chuyện của Thiên Lý

Chuyện điện ảnh vốn không phải là đề tài tôi quan tâm, nhưng đọc mãi những tin về diễn viên bỏ vai đóng phim cũng làm mình chú ý. Mới đây, diễn viên Phạm Văn Phương bên Sinagpore tuyên bố rút lui khỏi một vai quan trọng mà cô cho là do người làm phim đi lệch kịch bản bằng cách lồng cảnh sex vào. Ở nước ta, cũng có ít nhất 2 trường hợp diễn viên rút lui sau khi mới quay một vài tuần. Trong số này có Dương Trương Thiên Lý, con của anh bạn tôi mà tôi có dịp đề cập đến trong một entry trước đây. Trong chuyến về quê lần này, tôi có dịp ghé thăm bạn tôi, anh D và bà xã anh là chị A. Hôm đó có cả cháu Thiên Lý, người vừa rút khỏi vai Trần Thị Dung trong phim dự kiến sẽ trình làng nay mai “Trần Thủ Độ”. (Phim Trần Thủ Độ lúc ban đầu có tên là Trần Thủ Độ và người tình nhưng hình như có người phản đối nên tựa đề phim đơn giản hơn). Ở ngoài, tôi đã theo dõi chuyện Thiên Lý rút khỏi vai quan trọng này, nhưng tin tức thường bị “nhiễu”, nên nhân dịp này tôi tìm hiểu lí do chính xác hơn.

Những thông tin về nguyên nhân Thiên Lý bỏ đóng phim Trần Thủ Độ thì có nhiều, và hình như sự thật đằng sau những nguyên nhân này cũng có phần mâu thuẫn. Về phía nhà làm phim, khi giải thích cho sự rút lui của Thiên Lý, ông Đặng Tất Bình, Giám đốc Hãng phim truyện I cho biết vì Thiên Lý chỉ có 4 tháng nghỉ học để đóng phim, và thời gian này không đủ để hoàn thành cuốn phim. Tuy nhiên, giải thích này không thuyết phục vì sự thật là Thiên Lý đã xin hoãn học một năm bên Mĩ để về đóng phim.

Một người khác trong đoàn làm phim thì chát miệng ác mồm hơn, cho rằng Thiên Lý đóng phim chưa đạt yêu cầu! Trả lời nhận xét này, Thiên Lý cho biết đã được mời đóng phim ngay từ lúc còn ở bên Mĩ chứ “Tôi không hề chạy chọt để có được vai Trần Thị Dung. Đoàn làm phim lựa chọn tôi vì thấy tôi phù hợp với vai diễn. Đây là một vai nặng kí nên có yêu cầu rất khắt khe. Tôi vào vai một nguyên phi chứ không phải một nàng hầu. .. Trong quá trình làm phim, chính đạo diễn Tất Bình đã nói, Lan Hương, vợ ông, người vào vai Đàm hoàng hậu và là một diễn viên kì cựu, đã đánh giá rất cao khả năng diễn xuất của tôi. Sau mỗi lần quay, cả đoàn làm phim đều vỗ tay ngợi khen và chúc mừng tôi. Tôi cho rằng, tôi đã hoàn thành trách nhiệm của một diễn viên về mặt diễn xuất”.

Còn báo chí, phần lớn giới phóng viên đều cho rằng vì cảnh phim có “màu sex” thô thiển, nên Thiên Lý không tiếp tục tham gia đóng phim. Trên Doanh Nhân Sài Gòn (số ra ngày 23-29/12/2009) trong bài “Người ít tuổi vào phim ‘nhiều tiền’”, tác giả viết như sau: “Cũng thất vọng vì diễn viên trẻ: Lý do để không tin tưởng vào thế hệ diễn viên mới toanh ấy là những lùm xùm chung quanh hậu trường của các đoàn làm phim. Sau khi bấm máy chưa đầy một tháng, Dương Trương Thiên Lý đã lên tiếng dừng hợp đồng với phim Trần Thủ Độ vì liên quan đến cảnh sex.”

Vậy sự thật ở đâu? Tôi nhân cơ hội gặp cháu nên phải tìm hiểu cho biết. Thật ra, cháu nói ít, còn mẹ của cháu là chị A thì giải thích cặn kẽ hơn. Tôi nghĩ những thông tin của chính đương sự sẽ làm cho “bức tranh” Thiên Lý bỏ đóng phim sáng tỏ hơn. Do đó, nhân dịp gặp “đương sự” tôi tranh thủ tìm hiểu nguyên nhân.

Theo chị A, tín hiệu về sự mất niềm tin vào đoàn làm phim đã nhen nhúm từ những 3 tuần trước khi Thiên Lý quyết định rút lui. Một diễn viên múa từ Hà Nội tham gia đóng một vai trong phim, sau nhiều lần quay phim, với những đoạn và cảnh lệch đi so trong kịch bản ban đầu, kể cả những đoạn có màu sắc … sex, làm cho cô ta rất bức xúc. Có lẽ vì không có ai cố vấn nên cô đành chịu trận với những cảnh quay, chẳng những với nhiều ống kính của đoàn làm phim mà còn có sự “tham gia” của hàng chục người trong đoàn làm phim dùng máy điện thoại di động để quay những cảnh đó. Có một người phía Nam trong đoàn làm phim (anh là người miền Nam duy nhất trong đoàn quay phim) nhìn thấy cảnh này thốt lên rằng “Tội nghiệp cho cô ấy quá”. Những đồng nghiệp miền Bắc nhìn anh như con cừu đen xa lạ! Người diễn viên múa đó được đoàn làm phim cư xử một cách thô bạo. Người ta thậm chí không cho cô một cái vé máy bay để về Hà Nội. Họ chở cô đến gần trạm xe lửa và cho cô xuống xe để tự mua vé xe lửa về Hà Nội. Cách cư xử với diễn viên như thế đã để lại một dấu hỏi lớn về tính chuyên nghiệp và tình đồng nghiệp của những người làm phim.

Đến phiên Thiên Lý, đoàn làm phim cư xử tương đối tốt hơn so với người diễn viên kém may mắn đó. Theo kịch bản thì trong một đoạn phim, Thiên Lý sẽ đóng vai Trần Thị Dung trong cảnh mới thức giấc, mặc yếm và có mặc “nội y”. Nội y ở đây có lẽ hiểu chính xác hơn là loại đồ lót được làm bằng silicon, nên sẽ không thấy qua ống kính từ xa. Không ai có vấn đề với cảnh này. Trong lần quay phim này, đạo diễn chính về Hà Nội, nên một người khác đứng ra thay thế đạo diễn để quay phim. Tuy nhiên, khi quay phim, người quay phim còn yêu cầu Thiên Lý cởi yếm. Vì nghĩ rằng vẫn còn nội y, nên việc cởi yếm cũng chẳng “quan trọng”, nhưng khi được yêu cầu cởi cả nội y thì Thiên Lý không thể nào chấp nhận được. Hơn thế nữa, theo chương trình thì chỉ một máy quay phim duy nhất được sử dụng cho cảnh quay, và máy phải ở vị trí xa diễn viên để tạo hình mờ nhạt. Tuy nhiên, khi ra trường quay thì có đến 2 hay 3 máy quay, và lại quay rất gần.

Thiên Lý báo tin này cho mẹ biết, và chị A bị sốc. Chị khóc gần 5 giờ đồng hồ vì sự lệch kịch bản này. Chị A yêu cầu người quay phim cho xem đoạn vừa mới quay, nhưng yếu cầu của chị bị từ chối. Trong khi từ chối không cho chị A xem khúc phim đó, những người quay phim tụ tập nhau bên ống kính và có vẻ cười đùa khoái trá như là vừa thu tóm được một “chiến lợi phẩm”. Chẳng những thế, những người này còn tuôn ra những ngôn từ xúc phạm phụ nữ, những câu nói vô giáo dục chỉ có thể thấy ở những thành phần lưu manh đường phố. Chị A lại bị sốc thêm về thái độ cực kì vô văn hóa của những người đang làm cái công việc văn hóa này. Chị và Thiên Lý quyết định ngưng hợp đồng, và yêu cầu phải xóa bỏ đoạn phim vừa quay.

Phát biểu về sự rút lui này, Thiên Lý nói rõ ràng: “… khi quan điểm về nghệ thuật bất đồng, tôi gần như suy sụp và quyết định chọn giải pháp rút lui. Tôi không muốn hình ảnh một Trần Thị Dung nổi danh trong lịch sử dân tộc được dựng lên sai lệch. Những người làm phim có thể sợ phim nhàm chán khi làm theo lối chính luận nên luôn muốn đưa những cảnh ‘tươi mát’, gợi cảm vào. Nếu đạo diễn có tài, diễn viên giỏi thì vẫn có thể lột tả được nhân vật Trần Thị Dung rất phụ nữ, trân trọng tình yêu nam nữ thiêng liêng nhưng trên hết là biết sống vì nghiệp lớn cho một sơn hà xã tắc hùng cường, cho một dân tộc đoàn kết, một nền chính trị ổn định. Đâu nhất thiết phải xây dựng một Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung gợi cảm, với những cảnh hở hang trên phim. Thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì, những bậc cao niên sẽ nghĩ gì khi thấy một Trần Thị Dung lồ lộ da thịt được khai thác triệt để trong phim?”

Câu chuyện Thiên Lý ngưng đóng phim hơi giống với lí do Phạm Văn Phương bên Sinagpore rút lui khỏi vai một phim quan trọng vì người làm phim bắt cô ta vào vài những cảnh không có trong kịch bản, thậm chí tạo điều kiện cho vai nam quấy nhiễu tình dục bạn diễn. Tuy trường hợp của Thiên Lý chưa đến mức độ quấy nhiễu, nhưng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, quyết định rút lui khỏi phim Trần Thủ Độ là một cách bệnh voyeurism hay vì một động cơ thiếu lành mạnh nào đó.

Một đạo diễn nổi tiếng khi gặp Thiên Lý trong một buổi liên hoan ra mắt phim của Johnny Trí Nguyễn, ông hỏi: “nguyên nhân thật mà cháu rút lui khỏi cuốn phim là gì”. Ông nhấn mạnh cụm từ “Nguyên nhân thật”. Chỉ nghe qua vài câu trả lời, và với cái nhìn của dân trong nghề ông tóm lược rằng đấy là vì diễn viên không tin tưởng vào đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của đoàn làm phim.

NVT

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Nha Trang ngày về và những ghi chép linh tinh

Tôi mới đi công tác bên Việt Nam về. Một chuyến đi ngắn hạn, nhưng cũng có nhiều chuyện vui buồn. Hôm nay rảnh rổi ghi lại vài chuyện xem như là những trang nhật kí trong những ngày cuối năm 2009.

Chỉ vài tuần trước tôi nhận được lời mời từ WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) tham gia giảng dạy một khóa học về dịch tễ học thực địa tại Việt Nam. Hình như ban tổ chức tìm không được chuyên gia, hay tìm được mà các chuyên gia đều bận, nên họ quay sang nhờ tôi. Tôi là ”consultant” cho WHO từ nhiều năm nay, chủ yếu là duyệt các đề án nghiên cứu y khoa cho họ, chứ chưa tham gia giảng dạy cho họ bao giờ. Nhưng trong 5 năm qua tôi đã cùng đồng nghiệp trong nước tổ chức nhiều khóa học về dịch tễ học, phương pháp nghiên cứu, di truyền học, v.v... Vì thế việc soạn thảo tài liệu giảng dạy cho một khóa học như WHO yêu cầu cũng chẳng khó khăn gì. Chỉ cần một tuần là tôi đã có thể soạn được vài chục bài giảng, cộng với những tài liệu mà tôi thu thập trong quá khứ, tôi đã có đủ tài liệu cho một khóa học hoàn chỉnh. Thế là tôi nhận lời lên đường ”tòng quân” với lòng hào hứng, vì nghĩ rằng mình có dịp chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trong nước. Thế nhưng những gì xảy ra làm tôi phải suy nghĩ lại những lí tưởng mình đã có trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi nghĩ bây giờ chưa phải là thời điểm để nói chuyện không hay ho (hẹn khi nào đúng dịp tôi sẽ kể hết cho người đi sau rút kinh nghiệm), nên tôi chỉ nói chuyện vui.

Thứ Tư 9/12: Lên đường

Bay về Việt Nam, tôi luôn dành ưu tiên cho Vietnam Airlines (VNA), dù tôi có nhiều lựa chọn khác. Một lí do đơn giản và gần nhất: tôi là khách hàng thường xuyên của VNA, nhưng lí do quan trọng khác là tôi muốn ủng hộ ”gà nhà” cho dù gà nhà đối xử với tôi không mấy tốt đẹp.

Vì nghĩ như thế cho nên tôi không bao giờ thấy sốc khi phải trực diện với cung cách phục vụ của VNA từ khâu check-in cho đến khâu phục vụ trên máy bay. Tôi nghĩ [có lẽ hơi tiêu cực] rằng với VNA, họ phục vụ được như vậy là khá lắm rồi, không thể trông chờ họ trở thành Singapore Airlines hay Thai Airways được đâu, ít nhất là trong quãng đời còn lại của tôi.

Như bao chuyến bay khác của VNA, chuyến bay từ Sydney về Sài Gòn mang kí hiệu VN782 là một chuyến bay tầm thường. Vẫn những tiếp viên lạnh lùng, nói tiếng Anh lơ lớ khó nghe (điều này thì thông cảm được); vẫn những cách tiếp khách như cái máy; vẫn những cái rót rượu theo kiểu hà tiện ... Vẫn cái thời khóa biểu bất biến: cho khách ăn uống xong, tiếp viên kéo nhau vào khu của họ để tán gẫu. Toilet thì dơ bẩn (do khách Việt Nam ta không ý thức chứ không phải do tiếp viên) mà tiếp viên chẳng thèm làm sạch (điều này là do tiếp viên ... lười biếng). Phi công không hề nói chuyện với hành khách một câu, không hề thông báo hành khách đoạn đường đi ra sao, thời tiết như thế nào. Họ chỉ nói với phi hành đoàn hai câu lúc cất cánh và lúc hạ cánh như "Cabin crew! Prepare for landing". Ai thường đi máy bay đều có thể làm chứng cho nhận xét của tôi, vì phi công các hãng hàng không khác cực kì thân thiện và có khi vui tính nữa. Lên máy bay, họ nói vài câu chào mừng khách, sắp bay họ giải thích máy bay sẽ cất cánh hướng nào, trong khi bay họ nói đang bay cao độ bao nhiêu hay thời tiết ra sao, thỉnh thoảng còn báo cho biết thông tin về thể thao, và lúc sắp đáp họ nói lời cảm ơn khách. Không biết đến bao giờ phi công ta mới ”biết nói” với khách vài ba câu để tỏ sự thân thiện như phi công các hãng khác?

Cần nói thêm là hôm bay từ Sài Gòn về Sydney, cơ trưởng là Nguyễn Thành Trung, mà tôi đoán chắc là phó tổng giám đốc VNA. Anh này từng là sĩ quan không quân VNCH nhưng đó chỉ là bình phong thôi, chứ trong thực tế anh chính là đại tá QĐNDVN, người từng ném bom xuống Dinh Độc Lập vào tháng 4/1975. Với một phi công bậc thầy như Nguyễn Thành Trung, tôi không ngạc nhiên khi thấy máy bay cất cánh và hạ cánh một cách êm ru. Nhưng chuyến bay do anh chỉ huy cũng tẻ nhạt, vì không có ”giao lưu” với hành khách (dù anh có mở video cho khách xem máy bay di chuyển ra sao trong lúc máy bay cất cánh và hạ cánh).

Dù đi lại Việt Nam nhiều lần, nhưng cứ mỗi lần máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất tôi nghe trong lòng sao cứ bồi hồi. Cái bồi hồi rất khó tả. Có lẽ vì biết rằng mình đang về nơi quê cha đất tổ chăng? Hay vì mình vẫn còn có một mối liên hệ vô hình với mảnh đất hình chữ S này. Nhưng sự bồi hồi của tôi chấm dứt khi phải chen chân xuống máy bay vào chiếc xe bus để vào nhà ga. Tôi thật sự không hiểu nổi tại sao máy bay không đậu ngay tại nhà ga để khách đi đường ống vào cho thoải mái, mà phải hành hạ khách đi xe bus như thế này. Tôi thì còn ok, nhưng nhìn thấy mấy ông bà cụ có tuổi lụm khụm đi lại khó khăn tôi thấy thật tội nghiệp cho họ. Ấy thế mà VNA không hề có ai giúp đỡ những hành khách cao tuổi này. Nhìn họ tôi lại nghĩ đến chính tôi: rồi một ngày nào đó tôi cũng như họ, và tôi có còn chọn VNA để đi nữa hay không?

Thứ Năm 10/12: Buổi ra mắt sách của GS Nguyễn Chấn Hùng

Sáng hôm nay có buổi họp mặt ra sách Sương mù tan biến của Gs Nguyễn Chấn Hùng. Gs Hùng là một chuyên gia về ung thư có tiếng ở Việt Nam. Anh viết nhiều bài báo rất hay về y khoa và y tế. Tuy chưa bao giờ gặp anh ngoài đời, nhưng tôi đã gặp anh trong tâm tưởng lâu lắm rồi. Tôi rất đồng cảm và chia sẻ những quan tâm của anh về ung thư và y tế nói chung. Do đó, nhận được lời mời của Sài Gòn Tiếp Thị tôi thu xếp thì giờ để tham dự buổi ra mắt sách của anh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi tham dự một buổi ra mắt sách rất vui ở trong nước. Tôi đã in 6 cuốn sách ở trong nước nhưng tôi chưa bao giờ có buổi ra mắt sách cả, và lần này là một kinh nghiệm cho tôi.

Buổi ra mất sách của Gs Hùng có ~150 người đến dự trong một hội trường tương đối hẹp. Trong những người đến dự tôi thấy có nhiều người quen ngoài đời và quen qua báo chí như Bs Đỗ Hồng Ngọc (một tác gia về văn hóa Phật giáo mà tôi rất thích), Gs Nguyễn Hoài Nam (chuyên gia phẫu thuật và cũng là cựu sinh viên của anh Hùng), học giả Bùi Văn Nam Sơn, và một số người khác trong y giới. Tôi ngồi nghe anh Hùng thuyết trình về DNA và gien rất thú vị. Tôi thật sự thán phục anh sử dụng những ví von đậm tính văn hóa để giải thích chức năng của DNA, RNA, gien, protein, v.v... Anh gọi DNA là ”cô lái đò chở vốn di truyền”, hay human genome là cuốn sách của sự sống. Phải là một người có vốn văn hóa thâm hậu mới nhìn sự vật sinh học khô khan bằng một lăng kính dễ hiểu như vậy.

Trong buổi ra sách có nhiều độc giả nhận ra tôi, và họ đã làm cho tôi cảm động. Có một vị độc giả có lẽ thường đọc bài của tôi, kể cả những bài tôi viết về sự ra đi của Má tôi, nên nhân thấy tôi anh ấy tặng cho một cái quạt có viết chữ ”Nhẫn” trên vải. Chẳng biết anh có ý gì không, nhưng nhìn chữ ”Nhẫn” tôi cũng tự rèn lại mình và tự nhũ sẽ tu tập tính tình của mình. Tôi thật sự cảm động tấm thịnh tình của anh độc giả, nhưng rất tiếc là tôi không có dịp nói lời từ giã khi buổi ra mắt kết thúc do tôi có hẹn nên phải vộ vã đi về. Hôm nay, tôi muốn mượn dòng entry này để trước hết là chân thành cảm ơn anh, và sau là xin anh cho tôi địa chỉ để liên lạc sau.

Thứ Sáu 11/12 đến Chủ Nhật 20/12: Nha Trang

Ngày 11/12 tôi bay ra Nha Trang để tham gia giảng dạy khóa học dịch tễ học thực địa. Khóa học này nó làm cho tôi nhớ đời, một phần là tấm lòng của các học viên dành cho tôi quá đẹp và quá cảm động, nhưng một phần khác cũng khó quên là cách cư xử của của các quan chức y tế đối với tôi. Nhưng như tôi nói trên, bây giờ chưa phải là thời điểm để nói chuyện đó. Xin hẹn một dịp khác tôi sẽ nói hết những trò đời tưởng như là chỉ có trong tiểu thuyết để cho những người đi sau rút kinh nghiệm.

Nha Trang nhìn từ tầng 9 của khách sạn

Tôi đã có những ngày tuyệt với ở Nha Trang. Tôi đã đến đây 3 lần, nhưng 2 lần trước thì vội vã đến và cũng vội vã ra đi, còn lần này thì tôi có nhiều thời gian để khám phá thành phố này. Tôi đã có dịp đi du lịch đây đó ở Nha Trang và đã ghi lại vài hạt sạn trong hai bài trước. Nhưng dù hạt sạn thì vẫn có đấy, Nha Trang vẫn còn là nơi hấp dẫn tôi vì khung cảnh ở đây êm ả, vì người dân ở đây hiền hòa, vì thời tiết rất dễ chịu. Tôi chợt nhớ đến bài hát Nha Trang ngày về của Nhạc sĩ Phạm Duy: Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya / Tôi đi vào thương nhớ, tôi xây lại mộng mơ năm nào.

Thời gian tôi ở Nha Trang là lúc đội túc cầu của phe ta đang tranh tài trong SEA Games bên Lào, cho nên tôi có vinh hạnh chứng kiến những thời khắc lịch sử bóng đá của phe ta. Trước đây, khi ở Qui Nhơn tôi chứng kiến phản ứng của thanh thiếu niên VN trước trận đội túc cầu của ta thắng Thái Lan. Lần này, tôi cũng chứng kiến đội U23 của ta thắng đội Singapore. Ôi thôi, đường phố rợp cờ đỏ, xe cộ ngập đường Trần Phú, những tiếng còi hòa quyện với những tiếng hét, tiếng nhạc chiến thắng. Dù không còn ở cái độ tuổi cuồng nhiệt thanh niên, nhưng nhìn thấy phản ứng của phe ta tôi cũng cảm được cái hạnh phúc ngọt ngào khi ta thắng. Đến hôm chung kết với Mã Lai, tôi cũng tự tin rằng chúng ta sẽ thắng, nhưng cái tự tin của tôi chết yểu khi thấy phe ta thua một trái banh lảng nhách. Hôm đó, tôi ngồi trong quán theo dõi trận đấu, tôi thấy li cà phê đen nó đắng và chát làm sao! Tôi tự an ủi: thôi thì thua keo này bày keo khác. Hi vọng lần sau sẽ có kết quả tốt hơn.

Những ngày ở Nha Trang tôi sống lại cái thú uống cà phê vỉa hè thồi xa xưa. Sáng nào tôi cũng thức sớm, lang thang đến cái quán vỉa hè bán đồ ăn sáng để chọn cái bàn gần gốc cây, mua một tờ báo, nhâm nhi li cà phê đen, ăn một đĩa cơm tấm hay một tô bún cá nổi tiếng của Nha Trang. Đã lâu lâu lắm rồi tôi không có cái thú đọc báo và uống cà phê vỉa hè như thế này, nên khi có dịp đến đây tôi như sống lại cái thời của >30 năm trước. Tôi đến đây thường xuyên đến nổi khi thấy tôi thì chị bán báo đã để sẵn một tờ báo trên bàn, và em bé chạy bàn hỏi: ”Bữa ni chú dùng chi? Cơm tấm hay bún cá ạ?” Một hôm, tôi quên đem tiền theo để trả tiền báo và tiền ăn, làm tôi hết sức lúng túng, tôi hứa rằng tôi sẽ về khách sạn và đem tiền lại trả, nhưng cả chị bán hàng và chị bán báo xua tay nói ngày mai cũng được mà. Người Nha Trang dễ thương như vậy đó.

Đây là quán vỉa hè tôi hay đến uống cà phê mỗi sáng. Chẳng nhớ quán tên gì, nhưng hình như là đối diện khách sạn Thế giới, chỉ cách biển khoảng 3 phút đi bộ.

Tôi còn có dịp gặp chị DH là chủ trang nhà Vietsciences ở Pháp cũng đang có mặt ở Nha Trang để chăm sóc cho Ba của chị là Nhà văn Võ Hồng. Lâu ngày gặp lại thấy chị vẫn vậy. Chị đòi đem xe đạp cho tôi mượn để đi dạo Nha Trang nhưng tôi nói bận suốt ngày thì đi đâu được. Vả lại, tối nào cũng có tiệc tùng với bạn bè, học viên thì làm gì có thời giờ để đạp xe đạp chung quanh thành phố.

Viện Pasteur hoành tráng

Trong thời gian ở Nha Trang, tôi có dịp ghé thăm Đại học Nha Trang (có tên tiếng Anh là NTU hay Nha Trang University). Đại học nằm bên cạnh bờ biển rất đẹp. Khó có đại học nào có vị trí ”đắc địa” như NTU. Tìm hiểu qua tôi mới biết khuôn viên của NTU ngày nay nguyên là đất và cơ sở của dòng tu công giáo Lasan. Mới vào phòng họp, anh hiệu phó đã nói ngay rằng anh biết tôi từ lâu rồi, nhất là qua những bài báo tôi góp ý về vấn đề phong chức danh giáo sư. Anh nói anh cũng học nước ngoài về và hoàn toàn đồng ý với những ý kiến của tôi. Anh tỏ ra thất vọng khi những gì tôi nêu vẫn chưa được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước sửa đổi.

Tôi có dịp ghé qua trung tâm thí nghiệm và nghiên cứu công nghệ sinh học của trường. Nói chung trung tâm còn sơ sài, thiết bị tàm tạm, nhưng vấn đề an toàn trong lab hầu như chẳng ai chú ý. Cũng chẳng có nghiên cứu nào, vì chẳng có ngân sách nghiên cứu. Tôi gặp một tiến sĩ trẻ mới học ở Đức về đang hướng dẫn sinh viên làm thí nghiệm ở đây. Nói chuyện một hồi tôi mới biết thầy cô từng hợp tác với bạn tôi là Giáo sư T. Spector bên Anh (tôi cũng từng ở bệnh viện St Thomas bên London một thời gian để theo đuổi một dự án về di truyền trong thập niên 1990s). Thế giới này đúng là nhỏ!


Đường Trần Phú (Nha Trang)



Bãi biển Nha Trang



Thứ Hai 21/12: Đại học Nông Lâm

Chiều 20/12 tôi bay vào Sài Gòn. Đến sáng 21/12 tôi đi nói chuyện ở Đại học Nông Lâm TPHCM. Đại học Nông Lâm có tên tiếng Anh là Nong Lam University, đọc thầy ngồ ngộ! Trường này nguyên là Trường Nông Lâm Súc thời trước 1975, tọa lạc trong một khu đất rất rộng thuộc Quận Thủ Đức. Chỉ tính diện tích, Đại học Nông Lâm lớn nhất so với các đại học tại TPHCM. Tuy nhiên, số sinh viên thì chỉ 15 ngàn, tức thuộc vào loại trung bình. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm trường này, nhìn qua những vườn cây mát mẻ tôi cảm thấy mình “at home”, vì tôi vốn sống trong quê mà. Tôi khen thầm những người thời trước 1975 đã chọn khu đất và có viễn kiến xây dựng một trường đại học xanh như thế này.

Tôi đâu có biết gì về nông nghiệp mà nói. Do đó, lần này tôi phải “đội nón” thống kê để nói chuyện với một số giảng viên của trường. Trước khi nhận lời nói chuyện từ lúc còn ở Nha Trang, tôi đã lên internet tìm hiểu về trường, những thông tin tôi có rất hạn chế do cách thiết kế website của các đại học VN chẳng cung cấp thông tin gì có ích. Tôi muốn tìm hiểu xem các trường dạy môn thống kê học ra sao và họ nghiên cứu về vấn đề gì. Nhưng tôi chẳng có thông tin gì thiết thực, ngoại trừ thông tin về course thống kê ở Đại học Nông Nghiệp Hà Nội mà theo tôi là còn rất … lạc hậu so với thế giới. Qua tìm hiểu tôi mới quyết định đề tài mình nói chuyện. Tôi chọn đề tài ứng dụng thống kê trong nghiên cứu nông nghiệp. Tôi soạn slides từ 2 hôm trước (khi còn ở Nha Trang), nên tôi không hề cảm thấy bị động khi nói chuyện ở đây.

Nội dung bài nói chuyện của tôi gồm về 4 phần: năng suất khoa học nông nghiệp từ Việt Nam trên trường quốc tế; thống kê là một yếu tố tăng năng suất khoa học và chất lượng nghiên cứu nông nghiệp; một số phương pháp phân tích thống kê hiện đại; và trường pháp thống kê Bayes. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến những phương pháp hiện đại như mô hình mixed-effects, phương pháp bootstrap, và trường phái Bayesian cho các bạn nông nghiệp. Tôi không nói sâu mà chỉ giới thiệu nguyên lí đằng sau các phương pháp này và tiềm năng ứng dụng trong nghiên cứu nông nghiệp.

Tôi cũng nhân cơ hội giới thiệu R và cuốn sách về R của tôi đến các bạn. Điều làm tôi chút ngạc nhiên là các bạn này chưa bao giờ nghe đến R lần nào! Họ chỉ sử dụng các software như SPSS hay SAS hay Stata, mà ai cũng biết đây là những software phi pháp. Tôi ngạc nhiên là tại sao các trường đại học nhắm mắt để giáo sư và giảng viên sử dụng những phần mềm bất hợp pháp như thế, vì nếu ở ngoài thì sẽ bị phạt rất nặng (hàng triệu đô chứ chẳng chơi). Chẳng những dùng software lậu mà hình như họ còn “khoe” trên các bài báo khoa học là họ đã sử dụng những software đó để phân tích dữ liệu! Tôi nghĩ các công ti sản xuất software này biết VN dùng software lậu, nhưng có lẽ họ muốn có thị trường nên tạm làm ngơ để đến khi nào có dịp họ sẽ siết chặt qui chế sử dụng và bắt buộc mua licence.

Theo dự kiến thì chỉ có 5 người giảng viên chuyên về thống kê học tham dự để dành nhiều thời gian cho trao đổi. Nhưng trong khi tôi giảng thì hàng chục giảng viên khác kéo đến nghe, làm cho phòng họp trở nên chật chội nhưng … vui. Tôi thật sự vui và hài lòng vì đã đem một số thông tin có ích cho các giảng viên ở đây. Tôi nói khoảng 80 phút, và như vậy là cũng nhiều. Nhưng phần thảo luận thật là hào hứng, sôi nổi, và … vui. Qua thảo luận nảy sinh ra hàng loạt vấn đề mà tôi nghĩ sẽ có dịp quay lại để làm những seminar chuyên sâu hơn. Một điều thú vị là tôi gặp nhiều cựu du học sinh Úc ở Đại học Nông Lâm. Buổi chiều đi ăn với ban lãnh đạo trường và chia tay, hẹn ngày quay lại với những khóa học chuyên đề và “kĩ thuật” hơn.

Chia tay các bạn nông nghiệp, buổi tối, tôi ghé thăm bạn bè bên Thanh Đa và nghe được câu chuyện tại sao cháu Dương Trương Thiên Lý (con gái rượu của anh bạn tôi là D) không đóng phim Trần Thủ Độ. Tôi sẽ quay lại câu chuyện này trong một bài sau.

Thứ Ba 22/12: “hồi hương”

Buổi sáng, tôi có hẹn với đồng nghiệp để bàn về tiến độ của một công trình nghiên cứu qui mô về vitamin D. Trưa, tôi gặp một đại tá thuộc Viện quân y 175 để bàn về hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Chiều, tôi lại có hẹn với một giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để cố vấn cho anh về một nghiên cứu rất thú vị về TNFalpha. Chiều, lên đường ra phi trường bay về Sydney.

Chuyến về quê lần nào cũng để lại trong tôi nhiều dư âm. Cũng như lúc máy bay đáp xuống Việt Nam, lúc rời khỏi đất nước này tôi cũng thấy bồi hồi. Cái cảm giác bồi hồi này tôi không hề có khi đi công tác các nơi khác trên thế giới. Chắc đúng là do mình là người Việt, nên mới có một mối liên hệ vô hình với mảnh đất này. Có một điều làm tôi cảm động là các học viên trong khóa học ở Nha Trang, dù chỉ mới gặp nhau lần đầu, đã dành cho tôi nhiều thiện cảm. Họ đã đọc được tấm lòng của tôi dành cho họ nói riêng và cho đất nước này nói chung. (Tuy nhiên, tôi không quên vài trục trặc nhỏ vì nó làm tôi càng ngày càng có thêm bằng chứng để khẳng định rằng vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa lời nói và hành động của các quan chức.) Tôi lan man suy nghĩ đến những cách thức giúp đỡ các bạn trẻ này hữu hiệu hơn, đến cách làm sao góp phần đưa nền y học nước nhà khá hơn hay ít ra cũng ngang tầm với các nước trong vùng mà nhiều người đang mơ ước, đến chuyện làm gì để cải cách hệ thống đào tạo tiến sĩ cho đúng chuẩn mực quốc tế, v.v… Biết rằng đó là những vấn đề “đại sự” có khi nằm ngoài tầm tay và khả năng của mình, nhưng nhìn thấy tình hình hiện tại ai mà chẳng nghĩ đến những chuyện to tát đó. Tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi là tại sao cũng là tóc đen da vàng mà người ta phát triển nhanh thế, còn mình thì cứ lẹt đẹt theo sau, dù mình cũng đâu có phải đần độn hay thua kém ai về trì lực (nếu không muốn nói có phần vượt trội mấy nước trong vùng). Người ta hay nói đến cơ chế để giải thích cho sự chậm chạp của khoa học VN, nhưng thú thật tôi không biết cơ chế là gì. Tôi nghĩ chỉ tại cái văn hóa của mình mà thôi: đó là cái văn hóa tiểu nông, đố kị, xảo quyệt và ranh vặt kiềm hãm chính mình. Tôi chợt nhớ đến buổi chiều ngồi tán gẫu với 2 anh bạn người Úc (là du khách business) bên bàn tiệc ở Louisane (một câu lạc bộ bia tuyệt vời ở Nha Trang). Hai người khách Úc này khi biết tôi là “Việt kiều” bèn buông ra một nhận xét rằng: tôi nghe nói rằng chính phủ vẫn chưa tin Việt kiều như mấy anh lắm, phải không? Không để tôi trả lời, anh nói thêm: tôi thấy chính quyền tin chúng tôi hơn là tin các anh, cho dù các anh có tài giỏi hơn chúng tôi. Chẳng lẽ tôi phụ họa lời nhận xét đó, nên tôi phải chống chế rằng VN cũng có chính sách thu hút đóng góp của Việt kiều đó chứ, vả lại VN vừa trải qua chiến tranh quá lâu nên sự nghi kị giữa bên thắng và phía thua vẫn còn tồn tại và là điều có thể hiểu được, chứ ở mức cá nhân với nhau thì không có gì là nghi kị cả. Nhưng hai người bạn Úc thông minh hơn tôi tưởng; họ phản bác rằng chiến tranh đã qua 30 năm rồi, và do đó lí giải của tôi … phi lí. Tôi chỉ biết ậm ừ cho qua chuyện, chứ nếu tranh luận một hồi thì chắc mệt lắm. Nhưng câu chuyện nhỏ đó cho thấy ngay cả người nước ngoài cũng cảm nhận được chuyện nội bộ của chúng ta. Cái nhận xét trần trụi và phũ phàng của hai anh bạn Úc cứ ám ảnh tôi hoài, và tôi nghĩ nó có lẽ là một gáo nước lạnh làm cho chúng ta phải tỉnh cuộc mộng du để nhìn vào thực tại.

NVT

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Du lịch Nha Trang: một lần đi rất khó quay lại

Nha Trang được xem là Địa trung hải của Việt Nam, là nơi thu hút một lượng du khách thuộc vào hàng nhất nhì ở Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, vì Nha Trang có bờ biển dài, sạch, và đẹp; có nhiều hòn đảo hoang sơ chờ sự khám phá của du khách; và nhất là người dân ở đây rất thân thiện. Đây là lần thứ 3 tôi đến Nha Trang, nhưng 2 lần trước đến đây chỉ làm việc chứ không có thì giờ dạo quanh thành phố, còn lần này tôi có chút thời gian để làm du khách.

Do vậy, nhân một ngày ”mất dạy”, tôi tranh thủ đi một tour du lịch của công ti Long Phú. Tôi mua vé tốn chỉ 200.000 đồng hay 120.000 đồng (tôi quên) và chờ giờ đi tham quan. Buổi sáng, xe bus đên khách sạn đón tôi và một khách khác. Lên xe bus, đã có khoảng 20 khách từ các khách sạn khác trên xe. Tôi nhìn chung quanh thì thấy có một số khách người Nga, và một anh khách người Đức ngồi bên cạnh tôi. Người hướng dẫn là một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, và vui tính. Trên xe bus anh ta nói qua về chương trình du lịch và kèm theo những lời pha trò vui nhộn. Theo chương trình của tour, chúng tôi sẽ tháp tùng với các khách khác để đi tham quan các nơi như Hòn Thị, đảo Khỉ, và tắm suối Hoa Lan. Anh ta nói tiếng Việt, vì phần lớn là khách người Việt. Anh chàng người Đức không hiểu mấy, nên tôi trở thành một thông dịch bất đắc dĩ. Cái khổ là anh chàng người Đức này cũng không rành tiếng Anh mấy, nên tôi phải nói chậm để anh ta hiểu những câu nói của hướng dẫn viên.

Chúng tôi đến bến Đá Chồng (cách trung tâm thành phố Nha Trang chắc khoảng 10 km) để lên tàu đi ra đảo. Chúng tôi được đi trên một tàu đánh cá đã thiết kế lại cho các tour du lịch, nên không được tiên nghi mấy. Ngồi trên tàu, nhìn biển trời mênh mông, trong cái nắng dịu dàng của tháng 12, tôi như bỏ quên tất cả những phiền lụy sau lưng và thả hồn mình bồng bềnh theo sông nước trời mây ... Đương nhiên, tôi vẫn duy trì nhiệm vụ thông dịch của mình cho anh bạn người Đức. Nói chuyện một hồi tôi mới biết anh này sống ở một thành phố gần thành phố Basle bên Thụy Sĩ. Ngày xưa tôi từng làm postdoc ở thành phố Basle, và thỉnh thoảng cũng sang Đức đi chơi, nên nhân dịp này tôi kể về những kỉ niệm của tôi ở Đức. Chúng tôi trở thành hai người bạn đồng hành.

Thái độ thiếu thân thiện của nhân viên

Sau khoảng 30 phút, chúng tôi lên Hòn Thị. Rời tàu lên đảo, tôi thấy du khách chỉ loe ngoe vài người. Thật ra, chuyến tàu của chúng tôi là chuyến thứ hai, sau chuyến trước gồm chỉ 7 người. Nhìn qua quầy hàng bán nước ngọt trống trơn và xiêu vẹo tôi thấy du lịch nước ta sao mà ảm đạm thế!

Một quầy hàng trống trơn và buồn thảm

Chúng tôi được dẫn đến khu cưỡi đà điểu (ostrich). Nghe nói giống đà điều cao to này được du nhập từ châu Phi, và nó vẫn sống bình thường ở Đông Nam Á. Giá vé hình như là 20.000 đồng / người. Chỉ có người dưới 65 kg mới được mua vé, và người ta không có cân, nên chỉ chủ quan nhìn khách mà phán là có đủ tiêu chuẩn cưởi đà điểu hay không. Tôi biết mình nặng 72 kg, nên tự nguyện rút lui, không mua vé, mà chỉ đứng nhìn khách trong chuồng. Chuồng đà điểu thiết kế rất tạm bợ, theo hình tròn với đường kính rộng chỉ khoảng 20 mét. Khi mua vé xong, khách được một nhân viên mặc đồng phục bảo vệ hướng dẫn cưỡi đà điểu. Anh nhân viên bảo vệ này nói giọng Huế, nhưng tỏ ra rất thiếu thân thiện với khách. Tôi chứng kiến một khách phàn nàn rằng sao đà điểu đi chậm quá, thì bị anh bảo vệ nạc rằng "chỉ trả có 20 ngàn mà đòi đi nhanh à?" Một người khác xin vào chụp hình người yêu anh ta đang cưỡi đà điểu, thì bị gạt phăng ra như ra lệnh: "anh đứng đó, không được vào"! Tôi thật ngao ngán cho cách làm du lịch kiểu này.

Đà điểu gốc Phi châu cao gần bằng người

Trong khi chờ các khách cùng chuyến đi đà điểu, tôi lang thang vào khu mua đồ lưu niệm trên đảo. Đến quầy hàng Hoa Lan tôi để ý đến cái áo T-shirt có in chữ "Nha Trang" và hàng dừa trông cũng khá đẹp, mà tôi đã thấy từ lúc còn trong bến ở đất liền. Giá áo trong bến là 30.000 đồng. Nhưng khi tôi hỏi giá ở đây thì cô bán hàng nói là 35.000 đồng. Tôi hỏi là tại sao giá áo trong bờ và ngoài đảo, cũng cùng một công ti, mà chênh lệch đến 5.000 đồng. Thay vì nói lí do của sự chênh lệch, cô nhân viên bán hàng phang một câu: "Anh tìm được chỗ nào bán 30000 đồng, tôi cho anh 2 cái áo đó." Tôi sững sờ trước cách nói khiêu khích đó, nhìn cô một phút để xem cô ấy phản ứng ra sao, nhưng cô ta cắm cúi viết gì đó mà không nhìn tôi. Tôi bèn nói nhỏ rằng: chị chưa trả lời câu hỏi của tôi. Chị ta ngẩng mặt lên và lặp lại câu nói đó: "Anh tìm được chỗ nào bán 30000 đồng, tôi cho anh 2 cái áo đó." Đến lúc này thì tôi đành phải nói: xin lỗi chị, tôi hỏi chị rất rõ ràng là tại sao có sự chênh lệch giá, có phải vì chi phí vận chuyển hay vì khác hiệu may, hay vì lí do khác; tôi không trách móc gì, tôi chỉ muốn biết lí do. Nếu chị không muốn bán thì chị đừng thách thức khách như thế. Làm du lịch cũng cần có văn hóa chị à. Vài người chung quanh nhìn tôi tỏ vẻ đồng tình và gật đầu. Cô nhân viên bán hàng lẳng lặng bỏ vào trong, mặc cho chúng tôi ngẩn ngơ nhìn.

Quầy hàng Hoa Lan: "Anh tìm được chỗ nào bán 30000 đồng, tôi cho anh 2 cái áo đó."

Khách còn được dẫn đến trại nuôi nai cũng chỉ cách đó vài bước. Người ta nuôi nai để lấy sừng làm thuốc Bắc. Nhìn những chú nai ngây thơ bị cắt sừng làm tôi thấy thương cho mấy con vật này quá. Nghe nói người ta lấy sừng để ngâm thuốc Bắc và bán cho khách. Anh hướng dẫn viên an ủi tôi rằng dù không cắt sừng thì khi già chúng cũng rụng ra mà thôi; và lại cắt sừng cũng cho bác sĩ thú y làm và không sợ nhiễm trùng như tôi quan tâm đâu. Nghe vậy thì biết vậy, chứ tôi vẫn không thể nào tưởng tượng việc nuôi nai chỉ để cắt sừng nai đem đi bán. Con người đúng là ... dã man.

Những chú nai bị cắt sừng

Tiếp theo cưỡi đà điểu, là đi tắm suối Hoa Lan. Anh hướng dẫn viên cảnh báo trước rằng đường lên suối khoảng 1 cây số và phải lội bộ theo những bậc thang nhân tạo khá mệt, nên ai không muốn đi có thể ở lại đây tắm biển. Tôi và anh bạn người Đức giơ tay chọn đi tắm suối. Một số người cũng đi theo, nhưng một số khác nghe đi lên dốc 1 cây số thì hơi ngán nên chọn khâu tắm biển. Trên đường đi lên suối, tôi phàn nàn về thái độ của cô bán hàng với anh hướng dẫn viên đoàn. Anh này rất dễ mến, thích đi bên tôi để nói chuyện đời và học tiếng Anh. Anh cám ơn tôi rối rít vì đã làm thông dịch viên bất đắc dĩ cho anh. Anh hướng dẫn viên nói với tôi rằng những nhân viên này không biết văn hóa du lịch là gì đâu, họ chỉ làm hết giờ, ăn lương nhà nước mà thôi, anh thông cảm. OK, thông cảm.

Không có biển cảnh báo nguy cơ

Sau gần 30 phút, chúng tôi cũng đến suối Hoa Lan. Đó là một suối nước tương đối nhỏ, với diện tích chỉ khoảng 20 x 20 mét. Suối nước trong veo, rất lí tưởng cho tắm biển. Đến nơi thì đã có một số khách người Nga đang tắm suối. Tôi nhìn chung quanh chẳng thấy chỗ nào thay đồ, nên đành phải chui vào một bụi cây để thay đồ tắm, và quay lại tắm biển. Một số người trong đoàn đi đến đây thì chỉ ngồi nhìn mà không tắm, có lẽ vì không có chỗ thay đồ, hay vì thấy nước tương đối lạnh. Riêng tôi đã có gần nửa tiếng tắm suối thoải mái. Đây là lần đầu tiên tôi được tắm suối nên rất thích.

Tắm suối Hoa Lan

Tuy nhiên ở đây tôi cũng thấy một vài “hạt sạn”. Vấn đề không có phòng thay đồ cá nhân là một khiếm khuyết có thể bỏ qua, vì trong thực tế khách vẫn có thể làm như tôi, tức là vào bụi rậm thay đồ. Nhưng khiếm khuyết đáng ngại nhất là vấn đề an toàn cho khách. Như nhiều suối tắm khác, có nơi tương đối cạn, nhưng cũng có nơi khá sâu. Nếu khách chủ quan không biết thì rất dễ hụt chân và dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, phía dưới và chung quanh suối có nhiều đá, nếu không cẩn thận khách có thể va chạm phải đá và “đau thấu trời” chứ chẳng chơi. Chính tôi đã chạm vào một hòn đá đau điếng tay! Ấy thế mà người ta không có bất cứ một bảng nào cảnh báo về chiều sâu của suối, chẳng có một biển nào cảnh báo về đá dưới suối. Nếu anh nào muốn chơi trò mạo hiểm nhảy từ trên xuống suối thì sẽ … lãnh đủ.

Chung quanh suối đầy những bọc plastic, lon bia, lon nước ngọt … trông rất phản cảm. Tôi có nói với anh hướng dẫn viên, và anh cũng đồng ý. Nhưng khi nào sẽ có những tấm biển cảnh báo thì tôi không biết.

Điểm tham quan thứ 2 là Hòn Lao (còn gọi là Đảo Khỉ). Gọi là Đảo Khỉ vì trên đảo có hàng ngàn chú khỉ nhỏ đang gọi đây là nhà. Khách được xem một màn xiếc khỉ rất thú vị, nhưng cách tổ chức có phần lượm thượm, và vẫn còn cái gì đó rất đặc thù … Việt Nam. Tôi muốn nói đến sự tạm bợ, nhếch nhác, và thiếu chuyên nghiệp trong show diễn. Tuy nhiên, sau màn trình diễn tôi và khách vẫn tặng tiền (trong một hộp tiền giống như hộp tiền từ thiện) cho đoàn xiếc một cách xứng đáng.

Qua tìm hiểu tôi mới biết rằng hồi xưa (cách đây trên 15 năm) đây là một đảo hoang. Thời thập niên 1980s, các nhà khoa học Nga nuôi vài trăm con khỉ để làm thí nghiệm ở Nha Trang. Sau khi Liên Xô sụp đổ, họ không còn kinh phí để làm nghiên cứu, và bàn giao số khỉ này cho phía Việt Nam. Có lẽ do không biết làm gì với mấy chú khỉ này, người ta chở chúng ra đảo này và … sống chết mặc bay. Đến nay, đàn khỉ ban đầu đã sản sinh ra nhiều ngàn con khỉ khác, nhưng con số chính xác thì không ai biết được, vì chẳng ai quan tâm. Giới kinh doanh du lịch thấy tiềm năng du lịch của đàn khỉ nên biến đảo này thành một điểm du lịch để du khách có dịp tiếp xúc với đàn khỉ.

Đảo Khỉ

Nói chung mấy chú khỉ khá thân thiện với khách, nhưng chúng cũng láu cá lắm. Chúng cũng giành ăn, cũng học thói ăn cắp của con người nếu du khách lơ đễnh với hành lí cá nhân của mình. Khi thấy khách có đồ ăn, chúng quay quần như là một đàn khỉ đói xin ăn. Tuy nhiên, khi có khỉ chúa xuất hiện thì các khỉ quân thần phải biến mất hay ngồi chung quanh chứ không dám đến gần giành ăn. Mỗi một “cộng đồng” có một chú khỉ chúa, và “chức danh” của nó có thể nhận dạng qua cái đuôi cong vút lên.

Cảnh báo về khỉ với những hàng chữ tiếng Anh ngộ nghĩnh

Tôi vẫn phân vân với cách làm du lịch dựa vào khỉ này. Tôi không biết ngày xưa các nhà khoa học Nga nghiên cứu gì, có nghiên cứu bệnh truyền nhiễm hay không, có can thiệp các chú khỉ này bằng các biện pháp làm cho chúng nhiễm trùng (một phương pháp nghiên cứu rất thông dụng) không? Nếu có thì tình trạng sức khỏe của mấy chú khỉ này ra sao, và nếu tiếp xúc với con người, nhiều chuyện không hay có thể xảy ra. Sự tăng trưởng của khỉ sẽ được kiểm soát như thế nào? Thức ăn cho chúng ra sao? Hiện nay chúng chỉ chủ yếu ăn dừa (mấy cây dừa trên đảo không có trái vì bị mấy chủ khỉ thành toán sạch). Nói chung là đàn khỉ này đặt ra nhiều vấn đề sinh thái và sức khỏe. Nhưng hình như giới làm thương mại du lịch không chia sẻ những quan tâm này của tôi, vì trước mắt họ chỉ thấy đồng tiền.

Ướt như chuột lột

Sau chuyến ghé thăm Đảo Khỉ thì trời đột nhiên đổ mưa. Mưa càng lúc càng nặng hạt, buộc đoàn du khách phải lên tàu quay về bến (đất liền). Chúng tôi lũ lượt lên tàu. Lên tàu xong tôi mới phát hiện tàu không có bất cứ một tấm màn cao su che mưa che nắng cho khách! Không một ai trong nhóm hướng dẫn du lịch quan tâm. Mà, thật ra, có quan tâm họ cũng bó tay chứ làm gì được. Một điều quan trọng tôi còn phát hiện là tàu không có phao cứu hộ! Thật là một chuyến đi nguy hiểm!

Trên tàu có một số khách có con nhỏ đi theo, thậm chí có chị bồng con trên tay. Nhưng không các chị này phải gồng mình chịu mưa tạt vào làm ướt cả quần áo. Bản thân tôi cũng chẳng may mắn hơn ai, vì ngồi ghế phía ngoài nên cũng lãnh đủ mưa. Một số chúng tôi ướt như … chuột lột. Thật khó mà tưởng tượng được mới hồi sáng chúng tôi còn vui vẻ với chuyến đi thì chiều nay, chúng ta phải chịu cái cảnh trớ trêu này. Chuyến đi du lịch đáng nhớ, nhưng cái đáng nhớ nhất và để lại dấu ấn trong chúng tôi lâu dài nhất có lẽ là chất lượng dịch vụ quá kém cỏi.

Nha Trang có nhiều cảnh đẹp, nhưng hình như các sản phẩm du lịch (tôi dùng chữ "sản phẩm" ở đây để chỉ những tour tham quan) chưa khai thác hết tiềm năng của vùng đất được mệnh danh là Địa trung hải của Việt Nam này. Tuy tôi chỉ nói về du lịch Nha Trang, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy các điểm du lịch ở nhiều nơi trong nước cũng kém cỏi như thế. Thật ra, dịch vụ du lịch Nha Trang đã khá hơn nhiều so với các tỉnh khác. Tôi chợt nhớ đến những chuyến đi ở Thái Lan, nơi mà du khách được chăm sóc chu đáo trong một chu trình khép kín. Nghĩ và so sánh với cách làm du lịch của nước láng giềng tôi chỉ biết lắc đầu và càng hiểu vì sao 75% du khách đến nước ta không muốn quay trở lại. Tôi nghĩ giới kinh doanh du lịch cần phải xem xét lại chính mình và sản phẩm của mình trước khi quá trễ.

NVT

TB. Sau đây là vài hình cho thấy chất lượng du lịch của ta kém như thế nào. Đặc điểm du lịch ở VN là cái gì cũng phải mua: muốn tắm nước ngọt? Mua vé. Muốn có dù che nắng? Mua vé. Muốn đi toilet? Mua. Người ta tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống để móc túi du khách. Nhưng chất lượng có xứng đáng với đồng tiền bỏ ra mua không? Tôi nghĩ là không. Tôi nghĩ Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét quá chính xác: đó là một nền du lịch hỗn hào.


Cái gì cũng mua: đi tắm cũng phải mua vé !


Bồn rửa tay phản cảm (chú ý không có khăn)



Toilet thiết kế không có giấy!