Mục khoa học của Vietnamnet dạo này chạy một số bản tin rất buồn cười. Tiêu biểu cho những bản tin đó là bài dưới đây (hình như là lấy từ báo Sức khỏe & Đời sống của Bộ Y tế). Theo bài này thì bà giáo sư người Nga tên là Tatjana Abaramova [1] cho rằng có thể tiên lượng hàng chục bệnh tật chính xác qua xem dấu vân tay. Thoạt đầu mới nghe qua thì quả là tuyệt vời, vì chẳng cần đến các phương tiện máy móc tinh vi và đắt tiền để chẩn đoán và tiên lượng bệnh. Nhưng suy nghĩ kĩ thì nhận định này sai ngay từ giả định và cách làm có vẻ giống như cách đoán của … thầy bói tướng.
Trước hết là giả định. Người viết cho rằng “vân tay là bộ gen người được lật ngược từ trong ra ngoài,” tức là vân tay thể hiện sự đa dạng của DNA, của gien, nhưng đây là giả định sai. Con người chúng ta có khoảng 25-30 ngàn gien (con số chính xác không thể biết chính xác), và khoảng 10 triệu SNP. Những bệnh mà bài báo này đề cập đến đều là những bệnh do nhiều gien gây ra (còn gọi là polygenic diseases). Cho đến nay, y học vẫn chưa biết hết gien nào có liên quan đến bệnh nào. Chẳng hạn như chưa ai biết có bao nhiêu gien ảnh hưởng đến bệnh cao huyết áp. Ngay cả với hàng trăm SNP và hàng chục gien, chúng ta chỉ có thể tiên lượng khoảng 30-40% ca bệnh cao huyết áp, tức còn sai sót đến 60-70%. Vậy thì làm sao đơn giản xem qua vân tay có thể tiên lượng bệnh cao huyết áp? Người nào viết như thế này thật là … can đảm.
Cái kiểu xem vân tay giống như coi bói, mà cái khác biệt căn bản giữa khoa học và bói toán là khoa học dựa vào những thí nghiệm có định lượng, còn bói toán thì dựa vào cảm nhận chủ quan. Phát biểu của người Nga vừa đề cập trên hoàn toàn không thấy dựa trên một nghiên cứu nào cả. Truy tìm trên PubMed tôi chỉ thấy 3 bài báo duy nhất của bà Abramova, và cả 3 bài đều không đề cập đến chuyện xem vân tay để tiên lượng bệnh. Trong 3 bài báo, 2 bài viết bằng tiếng Nga và 1 bài xuất hiện trên một tập san vô danh. Nhìn như thế để thấy rằng cái thuyết xem vân tay để tiên lượng bệnh tật có vẻ là một sự tưởng tượng phong phú.
Bàn sâu hơn, chúng ta sẽ thấy bói toán theo kiểu xem vân tay còn có nhiều vấn đề khác như: thiếu tính nhất quán nội tại và ngoại tại (consistency); thiếu tính “parsimony” để giải thích hiện tượng; không có tính phản nghiệm (falsificationism); và không dựa vào thí nghiệm có đối chứng. Do đó, xem vân tay không thể xem là một khoa học được.
Nước Nga có thể giỏi về toán và vật lí, nhưng nền y học của Nga thì chắc chưa so sánh được với các nước phương Tây. Chỉ riêng ngành di truyền học (và sinh học phân tử) thì Nga không thể nào so được với phương Tây, do hệ quả của một giai đoạn “tăm tối” dưới thời Stalin. Số lượng ấn phẩm khoa học và bằng sáng chế từ Nga trong lĩnh vực y sinh học không bằng 1/1000 của Mĩ và thấp hơn các nước như Anh, Đức, Pháp, Nhật rất xa. Giới y khoa phương Tây thường nói nửa đùa nửa thật rằng người Nga có thể không tài giỏi về y khoa, nhưng họ rất giỏi trong việc sáng chế ra những kĩ thuật và độc chất ám hại người. Tôi nghĩ không báo chí VN không nên tốn giấy mực để quảng bá cho những “thuyết” vớ vẩn như xem vân tay của người Nga.
NVT
[1] Tôi nghi nhà báo viết sai tên bà này, vì tôi tìm trong PubMed chỉ thấy Tatyana F. Abramova thuộc viện All-Russian Institute of Physical Training and Sport, Moscow, Russia.
===
http://vietnamnet.vn/khoahoc/200912/Xem-van-tay-doan-benh-tat-886327/
Xem vân tay, đoán bệnh tật
Cập nhật lúc 10:30, Thứ Bảy, 26/12/2009 (GMT+7)
Vân tay là bộ gen người được lật ngược từ trong ra ngoài. Qua dấu vân tay có thể xác định được hàng chục loại bệnh tật khác nhau, có bản chất di truyền sẽ xuất hiện trong cuộc đời một con người. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở còn cho biết chính xác sức khỏe thế hệ con cái, bao gồm những bệnh di truyền mà chúng sẽ mắc phải và tiến triển của những bệnh đó trong tương lai.
Cơ sở kiến tạo lý luận y học vân tay
Từ xa xưa, môn tướng học chỉ tay đã phát triển để tiên đoán tương lai cho con người. Tuy nhiên phải đến cuối thế kỉ thứ XIX, khoa học thực sự về dấu vân tay mới được Francis Galton khởi xướng. Các nhà hình pháp học khi đó mới bắt đầu sử dụng vân tay để nhận dạng con người. Từ đó đến nay, ngành vân tay học đã được phát triển mạnh mẽ nhờ một đội ngũ hùng hậu các nhà di truyền học và sinh vật học. Giờ đây, các đường hoa văn trên mỗi đầu ngón tay lại trở thành tâm điểm nghiên cứu của giới y khoa. Bộ môn y học vân tay đã được định hình và đang phát triển, trở thành một ngành khoa học chuyên biệt: nghiên cứu vân tay để phát hiện và dự đoán các loại bệnh tật mà con người mắc phải trong cuộc đời cũng như gợi mở những cách chữa trị hữu hiệu cho các loại bệnh đó.
Theo GS. Tatjana Abaramova, người đứng đầu phòng thí nghiệm nhân học thể thao, hình thái học và di truyền học thuộc Viện nghiên cứu thể lực Nga, các hoa văn trên da ở đầu ngón tay hình thành hoàn chỉnh ở tháng thứ ba đến tháng thứ năm của bào thai và không thay đổi trong suốt cuộc đời. Da và hệ thần kinh trung ương cùng phát triển đồng thời từ một mầm bào thai. Vì vậy hoa văn ở đầu ngón tay là chỉ dấu về đặc điểm tổ chức của não người. Không những thế, dấu vân tay được hình thành dưới tác động của hệ thống gen di truyền mà thai nhi được thừa hưởng và tác động của môi trường phát triển vi mô thông qua hệ thống mạch máu và hệ thống thần kinh nối với cơ thể mẹ. Có thể coi vân tay là một bức tranh tổng thể, phản ánh hệ thống gen mà con người được thừa kế và những dấu ấn của môi trường sống mà con người đã trải qua từ khi còn là bào thai. Vì thế việc xem xét và phân tích vân tay cũng tương tự như việc nghiên cứu bản đồ gen của mỗi người. Qua đó, các chuyên gia có thể xác định được hàng chục loại bệnh tật khác nhau có bản chất di truyền sẽ xuất hiện trong cuộc đời một con người. Đương nhiên cũng sẽ có những sai số nhất định vì cơ cấu vân tay cực kỳ phức tạp.
Y học vân tay lấy thực tiễn lâm sàng làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm khách quan duy nhất. Đối tượng của nghiên cứu là toàn bộ cơ thể con người, bao gồm sinh lý, tinh thần, hành vi, tình cảm, dinh dưỡng, tình trạng kinh tế cùng với bất kỳ nhân tố nào đủ để ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngành khoa học này dùng phương pháp tư duy khoa học hiện đại làm lý luận chỉ đạo. Với sự giúp đỡ của khoa học kỹ thuật tiên tiến đã xây dựng nên một mô thức lý luận và khung lý luận mới có cơ sở nhận thức chung, phương thức diễn đạt chung với y học hiện đại, dựa trên mức độ chỉnh thể nắm chắc quy luật phát sinh phát triển của bệnh tật. Theo đó, tất cả những ai có cơ sở y học hiện đại đều có thể tiếp nhận và lý giải nội dung quan điểm của khoa học y học vân tay, từ đó ứng dụng vào phương pháp chẩn đoán và điều trị lâm sàng để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Nhìn vân tay có thể đoán ra hàng chục bệnh
Theo hướng nghiên cứu mà ngành y học vân tay đưa ra, các nhà khoa học ở Trường Đại học Kỹ thuật tổng hợp quốc gia Moskva mang tên N.E.Bauman đã hệ thống được 39 dạng đường vân tay, xếp thành bốn nhóm chính: vòng cung, vòng quai, vòng xoáy và họa tiết hình chữ S. Để xác định những căn bệnh mà đối tượng sẽ mắc, nhóm chuyên gia này cũng đã sáng chế tạo ra một loại thiết bị có thể tự động xác định độ nghiêng của các yếu tố hoa văn, tính số "ren" và xác định các thông số cuối cùng của vân tay mỗi cá nhân. Dựa vào việc phân tích các thông số này, kết hợp với các dữ liệu đã thu được về đối tượng, các bác sĩ có thể xác định được hơn chục loại bệnh khác nhau có bản chất di truyền mà cá nhân đó có thể mắc phải. Không những thế, qua vân tay của phụ nữ đang dự định có mang, người ta còn có thể xác định được chính xác sức khỏe của thế hệ con cái.
Những loại bệnh có thể phát hiện và dự đoán được dựa trên việc phân tích dấu vân tay bao gồm:
- Những bệnh do sai lệch gen như hội chứng Down, hội chứng ba nhiễm sắc thể 18, ba nhiễm sắc thể 13, sai lệch nhiễm sắc thể giới tính XXX, XXY...
- Những chứng ung thư và nhóm người có nguy cơ cao của bệnh sử gia tộc có chứng ung thư. Y học vân tay có thể dự đoán bệnh u bướu với độ chính xác đạt tới 85%, bao gồm các thông số: có xuất hiện hay không, vào thời gian nào và ở bộ phận nào. Đối với người bệnh đã mắc u bướu, còn có thể thông qua vân tay quan sát tính chất u bướu của họ: lành tính hay ác tính, có nguy cơ biến thành ác tính hay không? Từ đó gợi mở hướng điều trị tiếp theo cho phù hợp, kịp thời.
- Bệnh huyết áp cao và đái tháo đường: Nhìn bàn tay của người đời sau có thể thấy cha mẹ họ có bệnh huyết áp cao, bệnh đái tháo đường hay không, đồng thời nhắn nhủ người đời sau kịp thời đề phòng và chữa trị sớm hai căn bệnh này, từ đó hạ thấp xác suất bệnh huyết áp cao và bệnh di truyền có tính lặn do gen đột biến gây nên chuyển hoá thành bệnh di truyền có tính trội.
- Các bệnh phi di truyền: Theo đà nhận thức đối với di truyền học ngày càng sâu, người ta cũng đã phát hiện nhiều bệnh tật gọi là phi di truyền trước kia cho là không liên quan đến di truyền, đều có quan hệ nhất định với di truyền. Do đó, một số quan niệm truyền thống về nhận thức bệnh tật phi di truyền đã bắt đầu sinh ra dao động, thậm chí nhiều người đã cho rằng tuyệt đại đa số bệnh tật của loài người đều có khả năng có liên quan với di truyền. Thông qua quan sát vân tay, rất nhiều bệnh tật trước kia cho rằng không có liên quan với di truyền, như: viêm túi mật, u xơ tử cung, đau đầu có tính huyết quản (mạch máu)... cũng có thể được phát hiện khi giữa các đời thân thuộc của họ đồng thời có bệnh này mà biểu hiện hình vân cơ bản lại giống nhau.
Thực tiễn chẩn đoán vân tay đang ủng hộ quan điểm mới nhất này của di truyền học. Các chuyên gia đã có thể chẩn đoán được bệnh co thắt tim, bệnh bại liệt nửa người, đặc biệt là vân bệnh lý đột tử. Nếu thấy trên bàn tay có xuất hiện vân này thì có thể kịp thời nhắc nhở người bệnh phòng trị sớm; Có thể phân tích phán đoán nguyên nhân đau đầu, như: có thể phán đoán đau đầu do chấn thương gây nên hay đau đầu do thần kinh suy nhược, hoặc là đau đầu do có tính huyết quản...
- Đối với viêm túi mật, chứng sỏi mật, độ chính xác phán đoán đạt 90%, có thể phán đoán hình thái kết sỏi; Có thể tiến hành phân dạng bệnh lý đối với bệnh viêm dạ dày như: có thể phán đoán phân biệt độ nặng, nhẹ, vừa của chứng viêm dạ dày có tính nông cạn và viêm dạ dày có tính teo; Có thể tiến hành phán đoán đối với mỡ máu, đường máu và công năng hoá sinh của gan có khác thường hay không.
Tóm lại, chẩn đoán vân tay có thể dự đoán và phán đoán các bệnh thường gặp chủ yếu mà con người hay mắc phải. Khai thác thế mạnh phán đoán bệnh của môn khoa học này sẽ rất hữu ích trong điều tra dịch tễ học và phòng ngừa. Hướng đi sắp tới của ngành y học vân tay là phổ biết rộng rãi hệ thống lý luận, đưa kỹ thuật chẩn đoán bệnh qua vân tay vào máy tính để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và chữa trị bệnh cho con người.
Theo SK-ĐS
Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009
Nhìn vân tay để đoán bệnh?
12:54
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét