Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Linh tinh chuyện báo chí

Chuyện tiêu đề bài báo

Hôm nay đọc báo mới biết là bài viết về chuyện phong hàm giáo sư của tôi đã đăng trên TVN, nhưng cái tiêu đề hơi sốc: “80% giáo sư Việt chưa xứng tầm quốc tế”. Thật ra, tôi không có viết câu đó, mà tôi chỉ trích lại phát biểu của Gs Hoàng Tụy mà thôi.

Tuy nhiên, tôi phải khen người đặt tiêu đề cho bài viết, vì người này rõ ràng là “có nghề” làm báo. Tôi nghĩ đến 2 cách đặt tiêu đề: (a) “20% giáo sư Việt Nam xứng tầm quốc tế”, và (b) “80% giáo sư Việt Nam chưa xứng tầm quốc tế”. Tiêu đề thứ nhất mang tính tích cực hơn (ví “xứng tầm”), còn tiêu đề thứ hai thì tiêu cực một chút. Nhưng con số 20% không ấn tượng bằng 80%. Do đó, nếu muốn thu hút độc giả, người làm báo phải tìm một con số hay cách nói gây sốc hay nói theo tiếng Anh là sensationalization một chút. Nếu nói “xứng tầm” thì chắc chẳng có gì để làm thông tin, nhưng nói “chưa xứng tầm” thì chắc chắn đó là một thông tin, một cái “news”. Mà, tâm lí người đọc thì chỉ thích những cái gì có thông tin và giật gân. Do đó, người đặt tiêu đề này rõ ràng là nắm lấy được tâm lí người đọc, nên chọn cách đặt tiêu đề nhằm thu hút độc giả, chứ trong thực tế thì câu nói đó chỉ là một phần nhỏ trong nội dung bài viết.

đến chuyện ái tử thi

Câu chuyện về người đàn ông ôm tử thi 7 năm (hay 5, hay 6 năm, tùy theo báo nào viết) lại rộ lên. Có người khẳng định rằng người đàn ông đó không sai, nhưng cũng có người đề nghị "Hãy trả người đã chết về nơi của họ". Có lẽ ý kiến gây ồn ào nhất là của Nhà văn Phan Thị Vàng Anh trong bài “Ai ôm xác ai” đặt một loạt câu hỏi cho phóng viên Kim Dung như: “làm sao từ trường hợp của ông Vân mà bạn có thể quy về chứng Necrophilia”, “Bạn có tìm được tài liệu nào về việc làm tình với một bộ cốt không?”, “Và bạn lấy đâu bằng chứng để nói việc ‘ôm’ đồng nghĩa với 'làm tình'”, v.v…

Tôi thấy cách đặt câu hỏi cho Kim Dung không công bằng, bởi vì trong bài báo đó không có đoạn nào mà tác giả khẳng định rằng người đàn ông đó mắc chứng “ái tử thi”. Phóng viên Kim Dung chỉ đơn giản tường thuật sự việc và trích dẫn ý kiến của người khác. Còn hỏi “Bạn có tìm được tài liệu nào về việc làm tình với một bộ cốt không” thì nếu chịu khó tham khảo y văn cũng có đấy. Nhưng Kim Dung là phóng viên, chứ đâu phải là bác sĩ hay nhà khoa học; do vậy, đặt câu hỏi đó cho phóng viên chẳng khác gì làm khó người ta một cách thiếu công bằng.

Ngay sau khi đọc bản tin, tôi chỉ nghĩ những gì mô tả là gần với hội chứng “ái tử thi”, chứ làm sao dám khẳng định được. Sau đó, tôi đã gửi email hỏi đồng nghiệp và các chuyên gia tâm thần, ai cũng nói những gì mô tả trong bài báo quả thật là rất gần với hội chứng ái tử thi. Có người còn đoán ông này có thể có vấn đề về tâm thần, và quả thật bài báo kế tiếp trên Người lao động phản ảnh khía cạnh này.

Vàng Anh nói rằng không nên nhân danh cái bình thường để làm nhục người khác, khi thấy người ta khác thường. Tôi đồng ý với ý kiến này (và tôi thấy quan điểm này khá phổ biến trong giới đồng tính luyến ái ở phương Tây chống lại những ai kì thị giới đồng tính luyến ái). Nhưng ở đây có 2 điều cần bàn: thế nào là bình thường và bất bình thường và thế nào là làm nhục. Tôi nghĩ phân biệt giữa “bình thường” và “bất bình thường” đôi khi cũng không dễ. Hiểu theo nghĩa phổ thông thì bất bình thường là những gì đi ra ngoài cái “norm” (thông thường), nhưng những cái norm còn tùy thuộc vào văn hóa địa phương và thời gian. Chẳng hạn, đàn ông Phi châu mặc đồ màu hồng là bình thường ở Phi châu, nhưng hơi bất bình thường ở các nước Âu châu. Hay như đồng tính luyến ái ban đầu là hiện tượng bất bình thường, nhưng theo thời gian thì … bình thường. Tuy nhiên, có những điều không (hay rất ít) thay đổi theo thời gian và không gian, như an táng người quá cố. Trong bất cứ xã hội hiện đại nào, người chết đều được an táng; có nơi còn có luật pháp về an táng. Do đó, hành động giữ xác tử thi trong nhà, dù là được bọc bằng thạch cao, phải được xem là bất bình thường trong bất cứ xã hội hiện đại nào. Hiểu theo nghĩa này thì quả thật hành động của người đàn ông kia quả là bất bình thường. Tôi nghĩ không ai gây nhục nhã cho ông ấy cả. Thật ra, ông ấy còn mời phóng viên đến để kể lại câu chuyện và thậm chí còn “khoe” việc ông làm. Do đó, những gì Vàng Anh cáo buộc phóng viên Kim Dung hình như chẳng có cơ sở nào đáng tin cậy.

Dù tên hội chứng là gì đi nữa, dù là ái tử thi ở dạng và mức độ nào, thì sự thật là người đàn ông đó đã làm một việc bất bình thường. Chưa nói đến chuyện “thuần phong mĩ tục” và qui ước xã hội bình thường, chỉ việc ông ôm giữ tử thi trong nhà có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe cho chính ông cũng đủ để cộng đồng có lí do yêu cầu ông trả xác người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét