Mấy hôm nay bận đi công tác xa nên không cập nhật hóa trang blog. Hôm nay xong việc và có dịp bàn về một chủ đề có lẽ sẽ đụng chạm đến nhiều người. Số là hôm nọ đọc bài “Phong thủy là khoa học chứ không phải tín ngưỡng” tôi hơi ngạc nhiên. Hình như đâu có ai nói phong thủy là tôn giáo; chỉ có người cho rằng phong thủy không phải là khoa học mà thôi. Đọc qua bài viết này tôi không thấy người viết chỉ ra khía cạnh khoa học của phong thủy là gì. Chỉ có một đoạn chung chung như thế này: “Những phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy, Phong thủy là một bộ môn khoa học xác định sự phù hợp với cảnh quan môi trường, thiên nhiên hài hòa với cuộc sống con người, chứ không phải là loại tín ngưỡng bí ẩn.” Không thấy giải thích thế nào là khoa học cả!
Phong thủy, như chúng ta biết, là niềm tin cho rằng mỗi địa điểm có một năng lượng tự nhiên thiết yếu gọi là qi (hay khí), và các tòa nhà hay trang trí nội thất phải được bố trí sao cho hòa hợp với khí. Do đó, người ta mời các chuyên gia về phong thủy cố vấn cho cách đặt bàn ghế trong phòng với ước nguyện được dồi dào sức khỏe và … giàu có. Nhưng phong thủy không chỉ dừng ở đó, mà còn là những qui ước bố trí cửa, trồng cây, làm hồ chứa nước sao cho phù hợp với khí. Nghe nói ở các thành phố lớn như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, không một tòa nhà cao tầng nào mà không có sự cố vấn của các chuyên gia phong thủy. Ngay cả các tòa nhà ở các thành phố phương Tây như Vancouver, Toronto, San Francisco, Los Angeles và Sydney đều có sự tư vấn của các chuyên gia phong thủy nếu chủ những tòa nhà đó là người Hoa.
Quay lại chuyện khoa học: hai chữ “khoa học” thường nhận được nhiều sự kính mến trong công chúng. Ngay cả những người dù không am hiểu nhiều về khoa học cũng thấy có một cái gì đó đặc biệt trong khoa học và phương pháp khoa học. Chỉ cần đặt hai chữ “khoa học” vào trước một lời phát biểu hay một lí lẽ là người ta cảm nhận ngay rằng đây là những phát biểu hay lí lẽ có thể tin cậy được. Một quảng cáo về một sản phẩm hay hoạt động nào đó cho rằng đã được kiểm chứng bằng khoa học và cho thấy sản phẩm này tốt hơn các sản phẩm đang bày bán. Vậy thì câu hỏi đặt ra là: thế nào là khoa học? Trả lời câu hỏi này cần cả chục cuốn sách, nhưng ở đây tôi bạo gan thử lí giải vài nét chính và đối chiếu lại với phong thủy xem nó có phù hợp với hoạt động khoa học hay không.
Nói một cách ngắn gọn, khoa học là tập hợp những phương pháp trí tuệ và phương pháp thực tiễn dùng để diễn tả và giải thích những hiện tượng quan sát được hay suy đoán được, trong quá khứ hay hiện tại, nhằm xây dựng một hệ thống tri thức mà chúng ta có thể bác bỏ hay xác nhận được. Khoa học là một phương pháp suy nghĩ và hành động nhằm vào mục đích hiểu và cảm nhận được thế giới chung quanh một cách trực tiếp hay gián tiếp, quá khứ hay hiện tại. Những phương pháp trí tuệ bao gồm linh cảm, ước đoán, tư tưởng, giả thuyết, lí thuyết, và mô hình. Những phương pháp thực tiễn bao gồm bối cảnh của nghiên cứu, thu thập dữ kiện, hệ thống hóa dữ kiện, cộng tác cùng đồng nghiệp, thí nghiệm, tìm tòi và khám phá, phân tích thống kê, viết báo cáo khoa học, trình bày trong các hội nghị khoa học, và công bố kết quả nghiên cứu.
Khoa học dựa vào sự thật (facts). Những sự thật phải được quan sát hay thu thập bằng những phương pháp khách quan. Khoa học dựa vào những sự thật có thể thấy, có thể nghe, có thể sờ được, chứ không dựa vào kinh nghiệm cá nhân hay suy luận theo cảm tính. Điều quan trọng và cần thiết trong khoa học là không chỉ sự thật, mà là sự thật có liên quan đến vấn đề đang được điều tra. Những sự thật này phải được thu thập (i) có tổ chức, trực tiếp, và khách quan; (ii) độc lập với lí thuyết; và (iii) một cách tin cậy để làm nền tảng cho suy luận. Tôi không thấy phong thủy có những đặc tính "sự thật" nào cả. Đi sâu và cụ thể hơn, chúng ta có thể so sánh vài đặc điểm của khoa học và phong thủy để rõ hơn như sau:
Đặc điểm thứ nhất của khoa học là công khai. Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học được lưu truyền chủ yếu trong các tập san chuyên khoa, những tập san này được giới chuyên môn quản lí và điều hành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được các đồng nghiệp kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khách quan; do đó phẩm chất của chúng khá cao và đáng tin cậy. Còn đối với phong thủy, chúng ta không biết được chính xác những cách trang trí nội thất hay xây dựng nhà cửa theo phong thủy có thật sự có hiệu quả hay không. “Hiệu quả” ở đây là những “outcome” mà những người theo thuyết phong thủy tuyên bố như an bình thịnh vượng. Hầu như những bằng chứng về hiệu quả của phong thủy chỉ là những giai thoại, thậm chí huyền thoại, chứ chưa được phân tích một cách có hệ thống. Do đó, có thể nói rằng bằng chứng về hiệu quả của phong thủy không mang tính khoa học.
Đặc điểm thứ hai của khoa học là tất cả kết quả nghiên cứu đều phải có khả năng tái xác nhận (repeatability). Nói một cách khác, nếu giả có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự. Còn phong thủy, chúng ta không biết kết quả có khả năng lặp lại hay được kiểm tra hay không. Như nói trên, những thành công của phong thủy, nếu có, thường được mô tả một cách mù mờ, ỡm ờ, để cố tình không cho người khác biết rõ là họ đã làm gì và làm bằng cơ chế nào.
Đặc điểm thứ ba của khoa học là logic. Khoa học thuyết phục bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận của toán học, bằng cách dựa vào dữ kiện, không đi ra ngoài dữ kiện. Còn phong thủy thì hình như ngược lại: nó thuyết phục bằng niềm tin và những lí giải mù mờ, huyền bí. Ít ai biết khí là gì và tại sao sắp xếp bàn ghế trong nhà hợp với khí sẽ đem lại lợi ích sức khỏe cho chủ nhà, và nếu đem lại lợi ích thì cách giải thích là như thế nào.
Danh sách so sánh đặc điểm trên có thể kéo dài đến vô tận, bởi vì giữa khoa học thật và khoa học dỏm không có một điểm nào tương đồng với nhau, nó giống như hai con đường song song không bao giờ gặp nhau. Trong việc tìm hiểu và học hỏi về thiên nhiên, khoa học thật và khoa học dỏm là hai phương pháp đối nghịch nhau. Khoa học thật đòi hỏi những phương pháp tìm hiểu nghiêm túc, có giả thuyết, có trình tự, khó khăn, tự chất vấn, và suy luận theo logic, theo lí trí, và đạo đức khoa học làm cho nhà khoa học rất khó bị nhầm lẫn trước sự thật. Còn khoa học dỏm thì ngược lại, luôn luôn gìn giữ những giá trị lỗi thời, phi lí, chủ quan, và có khi phi đạo đức khoa học hàng ngàn năm trước khi khoa học ra đời. Khoa học dỏm khuyến khích người ta tin vào bất cứ cái gì mà người ta cảm thấy cần phải tin. Khoa học dỏm sẵn sàng cung cấp những “bằng chứng” cho những tín đồ như thế để họ lầm tưởng rằng niềm tin của họ là khoa học, là chân lí. Khoa học thật bắt đầu bằng một phát biểu đơn giản là “Hãy bỏ qua và quên hết những gì chúng ta tin tưởng vào, và cố gắng điều tra, tìm hiểu xem sự thật là gì.”
Phân tích như trên để thấy rằng phong thủy có vẻ gần với pseudoscience hay khoa học dỏm hơn là khoa học thật.
NVT
Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009
Phong thủy là khoa học?
19:51
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét