Dù đã đọc nhiều văn bản về qui trình phong hàm giáo sư ở VN tôi vẫn không thể hiểu hết và hiểu nổi những phức tạp của cái hàm này. Có lẽ chính vì thế mà những chức danh GS/PGS của VN rất độc đáo, hiểu theo nghĩa không giống ai trên thế giới này.
Ở các nước khác trên thế giới, tuy tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS có khác nhau giữa các trường, nhưng qui trình thì giống nhau. Tựu trung lại thì chức danh GS chỉ dành cho những người trực tiếp giảng dạy đại học hay làm nghiên cứu khoa học (chứ không dành cho người làm việc hành chính trong chính phủ hay quân đội). Người được đề bạt chức danh GS phải là người đang tại chức, chứ không phải … thất nghiệp. Chẳng hạn như nếu một ứng viên đang là phó giáo sư thấy mình đã đạt được thành tựu và tiêu chuẩn tương đương với chức danh GS thì ứng viên nộp đơn để được hội đồng khoa bảng xét duyệt.
Còn ở Việt Nam, GS/PGS là một phẩm hàm do Nhà nước phong tặng, chứ không hẳn là một chức vụ trong đại học. Vấn đề này đã được nhiều nhà giáo góp ý và phản biện trong quá khứ, nhưng theo tôi thấy vẫn chưa có thay đổi nào cho phù hợp với các đại học trên thế giới.
Nay đọc bài phỏng vấn dưới đây tôi lại thấy một khía cạnh khác: đó là GS/PGS như là một bằng tốt nghiệp! Theo ông tổng thư kí HĐCDGSNN, có 2 khâu trong việc phong hàm giáo sư: khâu thứ nhất là công nhận chức danh GS/PGS, và khâu thứ 2 là bổ nhiệm. Khâu thứ nhất là do HĐCDGSNN đảm nhiệm, còn khâu thứ 2 là tùy vào đại học hay cơ sở giáo dục. Nếu một người đã được HĐCDGSNN công nhận chức danh GS/PGS mà trong vòng 2 năm không có cơ sở giáo dục nào bổ nhiệm thì coi như giấy chứng nhận GS/PGS không còn hiệu lực. Như vậy, giấy chứng nhận GS/PGS cũng giống như một văn bằng tốt nghiệp, người có văn bằng này vẫn phải đi xin việc; nếu trong một thời gian sau khi tốt nghiệp ứng viên vẫn không có việc thì văn bằng sẽ không có hiệu lực. Thật là độc đáo!
NVT
===
http://www.cand.com.vn/vi-VN/thoisu/2009/12/124325.cand
Vì sao đủ tiêu chuẩn vẫn không được bổ nhiệm chức danh?
15:50:00 26/12/2009
Vừa qua, tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám, 65 nhà giáo được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS) và 641 nhà giáo được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư (PGS).
Như những năm trước, sau khi nhận giấy chứng nhận chức danh, các nhà giáo đương nhiên trở thành các tân PGS, GS. Song bắt đầu từ năm 2009, sau khi nhận giấy chứng nhận, các nhà giáo lại phải trải qua khâu chờ bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Nếu được bổ nhiệm, họ mới được gọi là các GS, PGS. Quy trình bổ nhiệm như thế nào, liệu có tình trạng "chạy" bổ nhiệm hay không, trường hợp không được bổ nhiệm trong năm nay thì năm sau có được xét bổ nhiệm lại?
Xung quanh vấn đề này, PV Báo CAND đã trao đổi với GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng Thư ký HĐCDGSNN và PGS.TS Nguyễn Hữu Bạch - Chánh Văn phòng HĐCDGSNN.
PGS Nguyễn Hữu Bạch: Cơ sở giáo dục đại học (CSGD ĐH) bổ nhiệm GS, PGS phải theo đúng chuyên ngành mà cơ sở có nhu cầu. Ví dụ Trường ĐH Kinh tế quốc dân thiếu GS, PGS về triết học, thì sẽ được quyền công bố thiếu GS, PGS về triết học và chỉ những nhà giáo về chuyên ngành đó mới được ứng cử. Với quy trình mới này, sẽ có người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh, nhưng chưa chắc đã được bổ nhiệm, nếu như CSGD đó chưa có nhu cầu. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
PV: Một số ứng viên cho biết, việc xem xét nhu cầu cần bổ nhiệm bao nhiêu GS, PGS, nên được rà soát trước khi tiến hành xem xét công nhận chức danh, như vậy việc công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh sẽ sát thực tế, sát với nhu cầu của chính CSGD hơn. Và như vậy sẽ tránh được hiện tượng, người được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh rồi, mà lại không được bổ nhiệm ở chính nơi mà mình đang công tác giảng dạy.
GS Trần Văn Nhung: Đất nước chúng ta có khoảng 85 triệu dân, trong khi chúng ta mới có khoảng 1.300 GS và khoảng hơn 7.000 PGS. Như vậy, 1 vạn người mới có 1 GS hoặc PGS, tỉ lệ này quá thấp, chúng ta đang rất thiếu GS và PGS. Hiện nay, ĐH Tây Bắc chỉ có 1 PGS, ĐH Tây Nguyên cũng có rất ít GS, PGS. ĐH An Giang khi GS Võ Tòng Xuân về làm hiệu trưởng thì chỉ mình ông có chức danh GS. Trong chiến lược xây dựng cán bộ, các trường đều nêu rõ tỉ lệ PGS, GS là bao nhiêu. Tách hai khâu công nhận chức danh và bổ nhiệm chức danh là một cơ chế khoa học để luân chuyển cán bộ. Theo tôi, trường hợp nào mà hai năm không CSGD nào bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì có lẽ phải làm lại trường hợp đó.
PV: Sau 2 năm, ứng viên không được bổ nhiệm thì tấm giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh còn giá trị không? Liệu có nảy sinh hiện tượng tiêu cực, chạy chọt?
GS. Trần Văn Nhung: Sau 2 năm nếu ứng viên không được cơ sở nào bổ nhiệm, thì tấm giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cũng chỉ giữ để làm kỷ niệm vì nó chỉ có giá trị trong 2 năm.
PV: Vậy có chuyện "chạy" bổ nhiệm không? HĐCDGS NN có chế tài gì để hạn chế các hiện tượng tiêu cực không?
PGS Nguyễn Hữu Bạch: Theo tôi không thể "chạy" được, thứ nhất anh phải đạt tiêu chuẩn chức danh, thứ hai phải bổ nhiệm đúng chuyên ngành. Tất cả các bước bổ nhiệm đã được nêu rõ trong bản dự thảo chính là để hạn chế thấp nhất tiêu cực.
PV: Các giáo viên có quyền được đến các trường khác để xin bổ nhiệm phải không?
GS. Trần Văn Nhung: Đúng như vậy! Như thế mới là cách làm hay, tạo một cơ chế tự nhiên để luân chuyển cán bộ về những nơi mà còn thiếu PGS, GS. Theo quy định, các cơ sở phải công bố công khai số lượng GS, PGS mà họ đang thiếu.
PV: Một số ứng viên băn khoăn, nếu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn mà không được bổ nhiệm chức danh GS, PGS thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín khoa học của họ vì để phấn đấu đạt tiêu chuẩn chức danh, họ đã phấn đấu không mệt mỏi.
PGS Nguyễn Hữu Bạch: Việc xét chức danh là do các ứng viên tự nguyện, còn việc bổ nhiệm là do CSGD có nhu cầu hay không. Hai việc đó hoàn toàn khác biệt. Cái đích chính theo tôi là họ làm chuyên môn tốt hay không. Trước đây, nhiều người sau khi được công nhận học hàm xong, thì không làm gì cả. Như thế rất lãng phí chức danh. Giờ theo quy trình mới này sẽ thiết thực hơn nhiều, chúng ta cần người làm việc, chứ không cần người có danh.
PV: Những người có tên trong hội đồng khoa học có được ứng cử xem xét bổ nhiệm không?
PGS. Nguyễn Hữu Bạch: Có thể họ có tên trong hội đồng khoa học, nhưng khi xét đến họ thì họ không được bỏ phiếu, không được tự mình xem xét cho mình.
PV: Xin cảm ơn đồng chí Tổng Thư ký và Chánh Văn phòng HĐCDGSNN.
Box:
Theo dự thảo Thông báo về việc xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS của HĐCDGSNN thì quy trình bổ nhiệm chức danh sẽ có 5 bước: Các CSGD ĐH sẽ thông báo công khai số lượng GS, PGS ở các ngành, mà đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm theo cơ cấu đội ngũ giảng viên đã được Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định; các nhà giáo thuộc đối tượng được bổ nhiệm chức danh (trong đó có các nhà giáo đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS); thủ trưởng CSGD ĐH căn cứ vào nhu cầu cần bổ nhiệm, đề nghị của khoa, bộ môn và ý kiến của Hội đồng khoa học của cơ sở để lập danh sách, báo cáo Thủ trưởng cơ quan chủ quản có thẩm quyền quản lý nhà giáo xác nhận và có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ GD & ĐT về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Bộ trưởng Bộ GD & ĐT ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS và cuối cùng, thủ trưởng CSGD ĐH có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho các GS, PGS đã được bổ nhiệm. Khâu bổ nhiệm sẽ do Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ và Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD & ĐT) đảm nhiệm.
Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009
Giáo sư như là một bằng tốt nghiệp ?
13:49
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét