Xin các bạn thông cảm cho cái tiêu đề có màu sắc thời “bao cấp” đó, nhưng tôi chưa nghĩ ra chữ nào hay hơn. Để tôi giải thích …
Thế là năm 2010 đã đến với chúng ta. Theo thông lệ, cứ mỗi lần tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới, chúng ta nhìn về những gì mình đã làm trong năm qua. Tôi có thói quen đếm xem năm qua Việt Nam đã có bao nhiêu ấn phẩm khoa học trên các tập san khoa học quốc tế. Con số năm nay (2009) là ~1100, tức tăng khoảng 10% so với năm ngoái và 2,2 lần só với năm 2004. Như vậy số bài báo khoa học của VN đã lần đầu tiên vượt con số 1000 bài. Đó là một tin mừng.
Nhưng mình tăng thì các nước láng giềng cũng tăng. Số bài báo khoa học của ta hiện nay bằng 1/3 của Thái Lan (năm 2004, ta chỉ bằng 1/4 Thái Lan), 1/5 của Singapore (năm 2004 ta bằng 1/10). Các con số này cho thấy tỉ lệ tăng trưởng của chúng ta nhanh hơn Thái Lan và Singapore, và chúng ta đang dần dần rút ngắn khoảng cách giữa ta và hai nước này. Tuy nhiên, khoảng cách vẫn còn khá lớn, và theo ước tính của tôi thì chúng ta cần đến 10 năm nữa mới có thể vượt qua Thái Lan. Còn Singapore thì tạm thời chúng ta chưa đặt mục tiêu vượt qua họ, do chúng ta xuất phát từ một cái base thấp quá.
Ngành y sinh học vẫn là ngành chủ đạo, đóng góp nhiều bài báo khoa học cho Việt Nam nhất. Khoảng 1/5 những bài báo khoa học trên các tập san quốc tế là thuộc về lĩnh vực y học, sinh học, và công nghệ sinh học. Ngành toán và vật lí, mỗi ngành chỉ chiếm khoảng 7-8% tổng số bài báo khoa học từ Việt Nam. Tuy nhiên, đại đa số những bài báo về y sinh học của Việt Nam là do hợp tác với đồng nghiệp ngoại quốc, chứ con số “nội lực” (tức hoàn toàn do VN đứng tên tác giả) chỉ chiếm 2% tổng số.
So sánh với Thái Lan, tôi thấy các lĩnh vực nghiên cứu “mạnh” của Thái Lan tập trung vào các ngành khoa học ứng dụng và y sinh học. Các lĩnh vực “top 10” của Thái Lan là: công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, sinh học phân tử, khoa học vật liệu, vi sinh học, khoa học môi trường, bệnh truyền nhiễm, polymer, và hóa học. Còn “top” của Việt Nam là y sinh học, vật lí, toán học, và khoa học môi trường. Nói cách khác, hoạt động khoa học Thái Lan nghiêng về lĩnh vực ứng dụng, còn Việt Nam nghiêng về khoa học cơ bản (như toán và vật lí).
Về chất lượng, đại đa số các bài báo khoa học Việt Nam được công bố trên những tập san có impact factor rất thấp. Chẳng hạn như trong ngành y sinh học (một lĩnh vực tương đối mạnh của nước ta), phần lớn các bài báo đều công bố trên tập san có chỉ số IF dưới 3 như American Journal of Tropical Medicine and Hygiene (IF= 2,5), Journal of Clinical Microbiology (IF=3,5), Tropical Medicine & International Health (IF=2,6), International Journal of Tubeculosis and Lung Disease (IF=2), Chemical and Pharmaceutical Bulletin (IF=1.3). Ngay cả các ngành như toán và vật lí, phần lớn bài báo từ Việt Nam cũng chỉ công bố trên các tập san có chỉ số IF thấp (dưới 1).
Quay lại con số ấn phẩm khoa học: chúng ta cần đặt con số vào số lượng giáo sư và phó giáo sư. Theo báo Nhân Dân, tính từ năm 1980 đến nay, VN đã công nhận 8398 giáo sư và phó giáo sư (con số chính xác là 1336 GS và 7062 PGS). Như vậy, số bài báo khoa học trên mỗi giáo sư và phó giáo sư chỉ khoảng 0.13, hay nói cách khác, phải cần đến gần 8 GS/PGS mới cho ra một bài báo khoa học. Như vậy, có thể nói rằng năng suất khoa học của chúng ta quá thấp.
Do đó, trong năm mới tôi đề nghị các Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, v.v… ra chỉ tiêu cho mỗi giáo sư hay phó giáo sư phải công bố một bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Nếu trong vòng 2 năm mà họ không có bài báo khoa học nào trên các tập san quốc tế, họ sẽ bị miễn nhiệm. Tôi tin rằng với qui định này, chúng ta không cần đến 10 năm mới đuổi kịp Thái Lan, mà có thể vượt qua Singapore một cách dễ dàng ngay từ bây giờ.
Nhân dịp này, tôi xin mến chúc các bạn xa gần, các bạn đã quen và chưa quen, các bạn tôi đã từng gặp và chưa gặp ngoài đời một năm mới nhiều may mắn và an lành.
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét