Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Chợ Bến Thành

Không nói ra chắc ai cũng biết Chợ Bến Thành đã trở thành một trong những biểu tượng của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các biển quảng cáo du lịch Việt Nam ở nước ngoài (và trong nước nũa), các công ti du lịch thường lấy Chợ Bến Thành làm hình ảnh thu hút du khách, và các nghệ sĩ chuyên thiết kế những biểu tượng du lịch cũng thường lấy hình tượng thiết kế Chợ (như cái nóc chợ, hay đồng hồ trước Chợ) làm icon cho du lịch TPHCM và Việt Nam. Cũng như bao nhiêu người Việt khác, tôi chẳng lạ lùng gì với Chợ Bến Thành. Nhưng cũng cả hơn 20 năm, tôi không ghé vào Chợ Bến Thành, vì không có dịp, hay có dịp thì lại nghĩ chắc cũng chẳng có gì mới để tốn thì giờ. Tuy nhiên, lần này vì ở khách sạn gần đó, nên tôi quyết định đi tham quan cho biết xem Chợ có gì mới hay không.

Sáng sớm (chắc khoảng 7 giờ), tôi lang thang đến các quán vỉa hè ăn sáng, rồi thả bách bộ vào Chợ BT. Tôi ngạc nhiên thấy Chợ bây giờ sạch sẽ và thứ tự hơn trước kia rất nhiều. Những quầy bán quần áo, bán đồ khô, bán thịt và rau cải, bán đồ lưu niệm, v.v… được tổ chức theo từng khu vực một cách có trật tự. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các quầy hàng thì quá hẹp làm cho khách đi lại rất khó khăn, và cũng rất có thể cách sắp xếp này tiềm ẩn nguy cơ bị … móc túi.

Mới bước vào đã có nhiều lời mời mọc bằng tiếng Anh, tiếng Tàu, Nhật, Hàn, v.v… vì người ta tưởng tôi là người ngoại quốc! Một em bé, chắc độ 15-16 tuổi, hỏi dồn dập nhưng lịch sự: What can I do for you, sir (tôi có thể làm gì cho ngài), What are you looking for, sir (ngài tìm gì), This shirt one is really nice (Cái áo này thật là dễ thương). Em nói một cách tự nhiên, phát âm tuy không chuẩn mấy nhưng nghe được. Tôi cũng giả bộ đóng vai du khách để … đùa vui. Tôi hỏi rằng những quần áo trong quầy hàng có phải là đồ nhái hay không, thì em đính chính là không phải đâu, toàn đồ thật không đó. Tôi bèn chỉ ra những logo được thêu một cách sơ sài (như logo của hãng Nautica được thêu không đúng), những đường may còn thô và không đúng với đồ thật, và nhất là vải thì không đạt chuẩn chất lượng. Chưa nói đến chất lượng, mà chỉ nói về hình thái, những hàng nhái của Việt Nam rất kém và rất dễ nhận ra. Họ chỉ có một kiểu may duy nhất, và cứ thế mà gắn các nhãn mác vào. Đó là một kiểu nhái lười biếng. Có vẻ thấy tôi là khách khó “dụ” nên em cũng thú nhận là hàng nhái, rồi giả lả cười nói giá chỉ có vài trăm ngàn thì chỉ thế thôi. Đến đây thì tôi nói bằng tiếng Việt làm em bé ngỡ ngàng, và trách sao nãy giờ không chịu nói tiếng Việt làm em uốn lưỡi nói tiếng Anh rất mệt!

Nói chuyện một lúc tôi mới biết những người bán hàng ở đây đều tự học tiếng nước ngoài qua khách hàng, chỉ học đủ từ vựng để giao tiếp và buôn bán thôi. Kể ra cũng khâm phục cho giới tiểu thương Việt Nam nói chung, vì họ rất … thông minh. Chắc chắn là thông minh hơn đồng nghiệp Thái Lan, những người chỉ biết dùng máy tính để nói chuyện và mặc cả với khách hàng. Nhìn qua phong cách nói tiếng ngoại quốc ở đây, tôi tự dưng nghĩ đến sự linh động của giới tiểu thương Việt Nam, nhất là ở phía Nam, nghĩ đến khả năng buôn bán của người dân. Chính họ là động cơ góp phần phát triển kinh tế Việt Nam.

Tuy vậy, tôi vẫn thấy những cảnh chèo kéo khách nước ngoài xảy ra ngay trong Chợ. Ngoài những lời mời đủ thứ tiếng Tây Tàu, còn có vài thái độ và hành động không mấy đẹp. Tôi đã thấy có chị bán hàng kéo tay khách đến quầy hàng của mình để giới thiệu hàng. Chính tôi cũng bị một chị bán hàng lưu niệm kéo tay đến xem hàng hóa của chị, nhưng sau một hồi không thuyết phục được tôi, chị đành nói: “Rồi, bữa nay hông hên chút nào hết!” Khách Âu Mĩ cũng bị lôi kéo sềnh sệch. Có lẽ các vị bán hàng ấy không biết, chứ đối với người phương Tây, chuyện nắm tay người ta kéo đi là một việc mất lịch sự, nếu không muốn nói là thô lỗ. Nói vậy thôi, chứ tôi thấy khách có vẻ cũng vui vẻ, không tỏ ý bất mãn gì, có lẽ họ xem đó là đặc thù của văn hóa buôn bán ở Việt Nam.

Bến Thành còn có chợ đêm, cũng rất nhộn nhịp. Một hôm khoảng 10 giờ tối, tôi lang thang ra chợ đêm để ăn uống và hòa mình vào thế giới đêm của Chợ. Nói chung, các hàng quán thức ăn ở đây ngon miệng mà giá cả thì vừa túi tiền, chứ không quá đắt như những quán “upmarket” nhưng thức ăn thì không mấy ngon. Bởi vậy, giới du khách phương Tây hay chỉ bảo nhau rằng ở Việt Nam, muốn ăn ngon thì nên tìm đến những quán bình dân hay quán vỉa hè, chứ đừng có dại dột mà “chui” vào các quán sang trọng để bị “chém”. Nói thì nói thế, chứ nếu tôi mà muốn đãi khách Tây phương thì chắc tôi phải chọn nhà hàng sạch sẽ thôi, chẳng lẽ phải đem họ ra những nơi vỉa hè mà vệ sinh và an toàn thực phẩm vẫn là một câu hỏi lớn. Thật vậy, nhìn vào cách rửa chén bát hay xử lí rau cải của các hàng quán bán thức ăn ở Chợ Bến Thành, thực khách chắc cũng hơi … ngán. Ngán thì ngán, nhưng cứ nhắm mắt ăn ngon miệng, rồi sau đó sẽ nhờ lomotil bảo vệ. :-)

Chợ Bến Thành và các con đường chung quanh là nơi người Việt có thể cảm thấy xấu hổ. Tôi nói như thế là vì ở khu vực này về đêm có rất nhiều cuộc “chào hàng” của những cô gái trẻ. Thoạt đầu, đứng trên khách sạn nhìn xuống tôi thấy một vài du khách người nước ngoài đang đi trên đường Lý Tự Trọng (đường Gia Long cũ) và có vài chiếc xe gắn máy lượn qua rồi dừng lại trao đổi gì với khách, tôi tưởng là họ bán các bưu thiếp và đồ lưu niệm, nhưng qua tìm hiểu thực tế thì không phải. Khoảng 10 giờ đêm, tôi thả bộ theo con đường Lý Tự Trọng, và không đầy 5 phút đã có 2 cô gái trên một chiếc xe gắn máy đến sát bên tôi hỏi bằng tiếng Anh là có muốn “đi vui vẻ”, tôi cũng giả bộ trả lời bằng tiếng Anh là không. Theo một hồi coi bộ không thuyết phục được tôi, họ bỏ đi. Nhưng chỉ một vài phút sau thì lại một chiếc xe khác cũng vẫn 2 cô gái ăn mặc hở hang đến chào mời. Ngay cả một số tài xế xe ôm và xích lô cũng chào mời. Có lẽ họ quá tuyệt vọng. Nhưng thú thật, nhìn cái cảnh họ chào mời khách Tây sao tôi thấy xấu hổ quá, và những ấn tượng buổi sáng về Chợ Bến Thành trong giây lát đã tan biến thành mây khói. Tôi hi vọng rằng TPHCM sẽ không trở thành một Bangkok của Thái Lan.

Chợ Bến Thành, cho dù có sạch sẽ hơn và trật tự hơn so với trước đây, theo cách nhìn của tôi vẫn là một cái chợ như bao nhiêu chợ khác ở Việt Nam, nó chưa thoát khỏi cái tư duy tiểu nông. Tôi muốn nói Bến Thành vẫn là một tập hợp những hàng tôm, hàng cá, hàng vải, buôn bán manh mún. Hàng hóa chủ yếu là đồ nhái, đồ nhập rẻ tiền từ … Trung Quốc, hay loại hàng chất lượng thấp. Cách bán vẫn là chèo kéo, vẫn là cách nói thách trên trời. Nó chẳng khác gì mộ bazaar của người Ả Rập. Tất cả những đặc điểm này chẳng có gì xứng đáng là văn hóa hay là biểu tượng cho một thành phố văn minh cả.

Do đó, tôi nghĩ cần phải tổ chức lại Chợ Bến Thành thành một trung tâm thương mại đàng hoàng và khang trang hơn, là một nơi buôn bán các mặt hàng truyền thống (kể cả quần áo) mà có chất lượng cao. Không cần biến Chợ Bến Thành thành một thương xá Tax (cũng thuộc loại manh mún và bán đồ giả) hay trung tâm upmarket như Diamond Plaza (quá đắt tiền cho người dân). Nhân viên buôn bán phải ăn mặc đồng phục lịch sự, và đặc biệt là có giá biểu nghiêm chỉnh chứ không có chuyện nói thách làm trò cười cho du khách. Hi vọng trong tương lai chúng ta sẽ có một Chợ Bến Thành như thế.

NVT

TB: Không ngờ những bài tôi viết về chuyến đi Nha Trang được nhiều bạn đọc phản hồi. Có vài bạn đọc đồng ý với những nhận xét của tôi, nhưng cũng có 1 bạn đọc tỏ ý không hài lòng vì anh nghĩ rằng tôi “chê” Nha Trang quá. Chuyện khen hay chê là cảm nhận cá nhân: cũng là một lời nhận xét, nhưng có người thì cho rằng đó là “chê”, nhưng người khác thì gọi là “góp ý”. Do đó, chê hay khen, chê hay góp ý tùy thuộc vào bản lĩnh và lòng thành của mình. Phần tôi, tôi có thể nói từ đáy lòng là không chê Nha Trang (hay chê bất cứ ai), nhưng tôi có những “critical comment” (dịch tiếng Việt là gì nhỉ?).

Thư của một người trong chuyến đi:

That la tinh co vi toi cung la mot khach trong chuyen di anh mo ta tren trang blog cua anh. Toi cung la nguoi thuong doc blog cua anh. Toi that su that vong cho chuyen di hom do vi gia dinh toi tuong rang se co mot chuyen di Nha Trang vui ve, ai ngo bi uot nhu chuot lot. Ho lam du lich do qua. Toi cung muon noi nhung may qua anh da phan anh dung van de. Rat cam on anh va chuc anh nhieu may man.”

Sau đây là trích thư của một bạn đọc (là người của công ti Long Phú mà tôi có nói trên entry trước).

[…]
- Khi tai Dao Khi duoc Cty chung toi nuoi va cho an hang ngay voi mot luong thuc an rat lon, nhung ban tinh pha phach cua chung thi khong co gi thay doi.

- Tren cac tau van chuyen hanh khach tren bien cua chung toi tuy cu ky nhung luon day du phao cuu sinh theo dung qui dinh nhung huong dan vien va thuyen truong khong gioi thieu cho hanh khach, do la khuyet diem cua nhan vien chung toi, xin BS yen tam ve dieu kien an toan tren bien.

- Viec giao duc Van Hoa giao tiep cho nhan vien chung toi thuc hien thuong xuyen, va coi day la mot tieu chi de thang tien trong cong viec, nhung viec kiem soat cua BGD chung toi thuc hien chua huu hieu da de lam phien long BS, day la trach nhiem chung toi chua lam tron chu khong phai la pho bien cua tat ca nhan vien nha nuoc nhu BS nghi.”

Và một thư khác của một người có tên là “Biển”:

Sao anh chê Nha Trang của Biển dữ vậy? Hihi, Biển nói đùa í. Cảm ơn anh đã đến Nha Trang của Biển. Cảm ơn 03 bài viết của anh về Nha Trang. Vui lắm, thích lắm.

Hì, anh phản ánh khá chính xác í. Dùng từ rất chính xác có vẻ đúng hơn í. Thực sự người Nha Trang dễ thương (hìhì mèo khen mèo dài đuôi) nhưng cung cách phục vụ của nhân viên dịch vụ du lịch thì hổng thể khen được. Biển cũng đã đi vài điểm nhưng ngoài sự nhăn nhó, cau có, mặt chù ụ, ăn nói cộc lốc, nhát gừng, cặp mắt sắc lẹm liếc liếc hoặc lạnh lùng ra rất hiếm gặp nụ cười thân thiệt. Anh àh, sốc hàng du khách mới nhớ dai và ... đi luôn hehehe. Lần sau có đi thì anh qua Vinpearl Land (đỡ hơn, dù sao khu du lịch cao cấp, gặp nụ cười khá nhiều), anh đi tour các đảo nói chuyện với người dân làng chài thích hơn í nhưng dễ bị lôi kéo mua đồ hải sản lắm í và cái khâu "xử lý" sau khi ăn uống no say, khi muốn đi ấy thì chỉ có ... ùm xuống biển hoặc trên tàu nhưng tất tần tật đều xuống biển cả. Í dza nói cái này chắc anh chẳng dám tắm biển nếu ra các đảo hehehe. Nhưng đó là thật í. Biển đã chứng kiến ...

Khu du lịch Dốc Lết, Cát Trắng (ở huyện Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang hơn 43km) có vẻ cũng dễ chịu. Thuê một lều và ở chơi cả ngày cũng được. Vài điểm là khu du lịch sinh thái Yang Bay, Nhân Tâm. Còn một khu nữa, Biển không nhớ tên khu du lịch này là gì. Là nhà dân nhưng rộng lắm, người ta đầu tư xây dựng thành điểm du lịch, nghiêng về miền quê, mặc áo bà ba, khăn rằn choàng cổ, quần lanh đen ...

[…]

Biển tí tóe vì vui khi có người đến thăm Nha Trang và viết về nó mặc dù hổng khen nhiều. Hì, thịêt tình Nha Trang chỉ đẹp vì biển, vì phố xá, vì con người thôi. Nhìn chung du lịch Nha Trang ở điểm nào cũng yếu cả hổng phải riêng cao cấp hay thứ cấp.”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét