Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Làm sao em biết con cá không đau?

Xin phép nhạc sĩ TCS cho tôi nhại ca từ của ông trong bài Diễm Xưa: làm sao em biết bia đá không đau ... để đặt câu hỏi: cá có biết đau không?


Minh họa lấy từ Slate.com

Một câu hỏi vô duyên. Sinh vật nào mà chẳng biết đau, tuy cách biểu hiện cái đau có thể rất khác nhau giữa con người và sinh vật. Nhưng ở đây, chúng ta đang nói chuyện khoa học, chuyện phương pháp: làm sao “chứng minh” rằng cá cũng biết đau?

Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Purdue (Mĩ) và đồng nghiệp Na Uy mới công bố một công trình nghiên cứu cho thấy cá vàng (goldfish) có phản ứng rất nhất quán với đau đớn, và các động vật này cũng đau đớn một cách có ý thức, hơn là phản ứng phản xạ. Trong một nghiên cứu, các nhà sinh học phát hiện rằng khi cá vàng được tiêm một liều nước biển và cho phơi nhiễm cái nóng ở mức độ làm đau đớn, rồi sau đó bỏ lại một hồ nước khác nhưng ở nhiệt độ bình thường. Khi về hồ nước ở nhiệt độ bình thường, mấy con cá cứ lởn vởn một chỗ không dám bơi ra ngoài khu vực nhỏ đó. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng hành vi tránh sự đau đớn đó phản ảnh khía cạnh nhận thức, chứ không phải phản xạ. Một số cá khác, khi được tiêm morphine để giảm đau thì không có hành vi như mấy con cá vàng.

Nghiên cứu này đặt ra nhiều vấn đề đạo đức xã hội, nhất là ở nước ta. Tôi muốn nói đến một cảnh tượng quen thuộc (ở trong nước). Đó là cảnh chúng ta hay thấy trong các quán nhậu: người ta thả cá sống vào một chảo dầu nóng, đậy nắp nồi lại để mặc cho con cá vẫy vùng trước cái nóng chết người, và chúng ta biết số phận những con cá sẽ ra sao. Sau đó là con cá biến thành món mồi nhậu khoái khẩu. Hình như người nhậu lấy đó làm một điều đắc ý là mình đã chinh phục con cá, được ăn lúc nó còn sống hay giãy chết. Phải nói ngay rằng đó là một cách ăn uống dã man.

Thật ra, cảnh đó cũng hay thấy ở vài nhà hàng phương Tây. Ở các nước phương Tây, những người thích ăn các món ăn đồ biển thường ba hoa rằng cá không có cảm giác đau đớn, như là một biện minh cho hành động dã man của mình. Nếu cá biết đau, chúng ta có nên ăn cá không? Tôi không dám trả lời câu hỏi này ra sao vì tôi cũng … ăn cá. :-)

Như vậy ăn thực vật là an toàn nhất, vì thực vật đâu có biết đau? Sai. Khoa học cho thấy cây cỏ cũng biết đau. Có nhiều nghiên cứu phát hiện rằng khi một loài cây được vuốt ve chúng tăng trưởng nhanh hơn là cây không được vuốt ve. Ngay cả cây cỏ, có thể chúng cũng “nói chuyện” với nhau. Một thí nghiệm vài năm trước đây cho thấy khi cây lúa bị sâu rầy tấn công, cây lúa bệnh nhân đó gửi tín hiệu cho cây lúa khác tiết ra các miễn dịch tố để phòng ngừa nhiễm bệnh.

Nếu quả thật cây cỏ cũng biết đau đớn, và nếu vì lí do đạo đức, chúng ta không làm hại các sinh vật thì tôi không biết chúng ta sẽ ăn gì để sống. Có lẽ đây là vấn đề thuộc về lĩnh vực tôn giáo mà khi nào có dịp tôi sẽ quay lại bàn cho vui.

Làm sao em biết bia đá không đau”. Bia đá còn biết đau (cũng hao mòn khi bị nước biển “tấn công”) thì huống hố gì con cá hay cây cỏ.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét