Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Học tiến sĩ ở Việt Nam

Bài dưới đây tôi sưu tầm từ một website có tên ngồ ngộ là “Thanh niên xa mẹ”. Tác giả mô tả quá trình “làm” tiến sĩ ở VN. Xin nói trước, bài viết có nhiều đoạn rất gay gắt, bạn đọc nào không chịu nổi thì … ráng chịu nhé.

Tôi không hiểu nổi tại sao người ta (ai đó?) lại ra những qui định rất máy móc và phản khoa học như thế này. Chẳng hạn như tại sao tên đề cương nghiên cứu không được thay đổi, tại sao những cái nhỏ nhặt như tên đề cương phải có động từ, hay tại sao nghiên cứu sinh phải chi tiền túi ra để chăm sóc buổi lễ “phản biện” mà ai cũng biết là chẳng có phản biện, v.v… Đọc qua những qui định ở trong nước thì bất cứ ai đang học tiến sĩ ở nước ngoài ắt hẳn thấy mình may mắn biết bao.

Tuy qui định máy móc như thế, nhưng đầu ra thì ... khó nói quá. Người viết bài này đã đọc qua nhiều luận án TS ở trong nước (chỉ trong ngành y thôi) thì thấy chưa xứng tầm với một luận án tiến sĩ theo chuẩn mực ở ngoài này. Chẳng hạn như mỗi thí sinh chỉ làm một nghiên cứu, mà nghiên cứu cũng rất sơ sài, rất đơn giản và không có gì mang tính "original". Đó là chưa nói đến vấn đề y đức. Hầu hết đều không có công bố quốc tế. Còn phần tổng quan tài liệu thì cũng rất thiếu thốn, không đầy đủ, nó chứng tỏ ứng viên thiếu thông tin. Phần phân tích thì ôi thôi mỗi người một phách chẳng đâu vào đâu. Phần trình bày kết quả cũng chỉ dừng lại ở mức độ mô tả là chính vì các phân tích mang tính suy luận đều có vấn đề về phương pháp. Muốn sửa những khiếm khuyết này không khó, vì chỉ cần tham khảo cách làm của các đại học trên thế giới là sẽ có một qui định tốt cho VN. Nhưng vấn đề là của hệ thống: muốn sửa thì phải sửa từ hệ thống, và phải bắt đầu từ những người đề ra những qui định này.

NVT

===

http://tathy.com/thanglong/showpost.php?p=638774&postcount=125

Làm tiến sĩ ở Việt Nam như thế nào?

Số tiền 80tr kia là chi phí chứ không phải là để trả cho giáo viên hướng dẫn (mặc dù đúng là giáo viên hướng dẫn chỉ được thù lao 2tr/năm).

Việc làm TS ở Vn cực kỳ nhiêu khê, phản khoa học, và phản động (theo nghĩa chổng mông vào tất cả các quy chuẩn tiên tiến của thế giới). Làm TS ở VN cực kỳ dễ mà cũng cực kỳ khó. Cực kỳ dễ là cực kỳ dễ về mặt chuyên môn khoa học, cực kỳ khó là về các thủ tục hành chính rườm rà và vô lý đến độ gây ức chế cho cả thầy và trò. Người làm NCS trong nước mà làm nghiêm túc có 2-3 bài quốc tế (tức là định lượng tương đương với một PhD ở đại học tiên tiến của thế giới) thì bản thân mình thấy rất rất đáng kính phục (mình cho là cực giỏi), vì ngoài những cái ức chế trên còn phải đủ mọi khó khăn về cơ sở vật chất (sách, báo không có, không có tiền dự hội nghị quốc tế), cuộc sống (vừa phải làm vừa phải lo kiếm tiền để sống và trả chi phí cho việc làm PhD của mình), và quan trọng nhất là quỹ thời gian thường rất eo hẹp (chắc chỉ độ bằng 1/4-1/5 các bạn xa mẹ), may mà gặp thầy ngon (rất hiếm) thì còn có cái thực chất không thì đa phần kết thúc là "tiến sỹ tắm giặt".

Ở VN người ta tự đặt ra các chuẩn, các quy định hành chính để lấy sự rườm rà, phức tạp của nó thay cho các quy chuẩn về khoa học và chuyên môn. Hãy lấy quá trình làm TS ở VN để thấy điều này (và qua đó sẽ lý giải cái 80tr kia).

Đầu vào:

- NCS phải đảm bảo điều kiện tối thiểu gồm có: Thi chuyên ngành, thi ngoại ngữ -> Tiền (tiền đóng phí và tiền tiêu cực phí cho nhiều anh nhất là ngoại ngữ).

- NCS phải có ít nhất 1-2 bài báo chuyên ngành đã đăng về lĩnh vực nghiên cứu của mình. Cái này hết sức thừa thãi và hình thức vì NCS thi vào làm PhD là học làm nghiên cứu khoa học chứ không phải đã là giỏi, Standford cũng không đòi hỏi tiêu chuẩn cứng như vậy. Vậy là nhiều NCS phải lo cho đủ tiêu chuẩn cứng này, thôi thì các loài bài báo trên các tạp chí củ chuối ra đời cho đủ điều kiện và thường là kèm với phí (phí cho các báo này để đăng cho nhanh cho kịp kỳ thi NCS)

- Sau khi phải đạt các tiêu chuẩn cứng trên rồi (thường là đỗ vì nói vậy chứ chỉ tiêu của bộ cho số TS hàng năm nhiều trường không có đủ học viên thi vào đâu, chắc tại chỉ tiêu 20ngàn nên mưa chỉ tiêu hàng năm về các trường), học viên phải bảo vệ research proposal. Cái này thì cũng bình thường đối với các đại học tiên tiến trên thế giới NCS nào cũng phải submit research proposal lúc đầu vào cả. Nhưng cái đặc trưng rất VN của RP của NCS trong nước là:

- Có tên chết cứng, nghĩa là lúc mới thi tên thế nào thì 3-4 năm sau bảo vệ tên luận văn cũng phải thế ấy. Việc thay đổi cực kỳ khó khăn và rườm rà về mặt hành chính. Do đó thường ở VN thầy và trò phải đối phó bằng cách đặt tên luận văn cực kỳ "mênh mông biển rộng" (Ví dụ: "Mạng Neural Mờ", "Tâm Lý Tắm Giặt Tập Thể" ....).

- Yêu cầu NCS phải đưa cả dự kiến nội dung luận văn (chi tiết đến từng đề mục trong từng chương). Một quy định ngu xuẩn và phi lý như vậy mà biết bao người đã góp ý mà bộ GD vẫn cứ trơ lấc (có lẽ là vì toàn những người mặt dầy và não trang như anh Phúc phát biểu "bằng giả" ở phía trên).

Làm luận văn và bảo vệ

Quá trình làm luận văn của NCS thì vô cùng gian nan vất vả, vừa phải lo chuyện gia đình, cơ quan, xã hội (khóc, cười, văn nghệ quần chúng, họp, học chính trị etc) vừa phải lo về kinh tế (để nuôi bản thân, gia đình, vừa để đóng cho những khoản này, khoản nọ trong quá trình làm NCS). Cơ sở vật chất thì thiếu thốn, sách báo không có, kinh phí cho nghiên cứu khoa học không có, NCS phải tự bỏ tiền túi ra hết . Những nghiên cứu nào phải làm thí nghiệm tốn kém thì tiền tấn (đối với mức sống ở VN). Không chỉ thế ở VN thiếu thầy giỏi làm khoa học thực sự nghiêm túc ở tầm quốc tế, môi trường làm nghiên cứu khoa học, học thuật nghiêm túc gần như trống vắng (không seminar, không nhóm nghiên cứu, không hội nghị, hội thảo etc). Thậm chí NCS có khi cả năm mới chỉ gặp thầy 1 hướng dẫn 1 lần, vào nơi đào tạo còn bị lạc etc là những "chuyện thường ngày ở huyện".

Sau khi hoàn thành xong luận văn, NCS bước vào một ma trận bảo vệ làm tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc. Để bảo vệ NCS phải trình luận văn (với nhiều tiêu chuẩn hay hay như luận văn phải có ít nhất 120 tài liệu tham khảo etc, số bài báo - phải in ra và có chứng nhận của các đồng tác giả), in ấn rất nhiều bản (tự bỏ tiền túi ra nhé). NCS phải bảo vệ hai lần trước hai hội đồng. Đầu tiên NCS phải bảo vệ tại hội đồng cơ sở, trình bày luận văn sau đó các thành viên đánh giá và góp ý sửa đổi. Nghe thì hợp lý, nhưng có chứng kiến các hội đồng kiểu này mới thấy hài, thậm chí ngay giữa hội đồng bảo vệ TS nọ, vị chủ tịch hội đồng còn hồn nhiên phát biểu là vị ấy chẳng biết tý quái gì về lĩnh vực nghiên cứu của NCS. Việc chọn hội đồng đa phần là theo cạ và bằng cấp, phẩm hàm (mà rất nhiều là rởm) thuần túy. Cũng nên nói, tiền bồi dưỡng các thành viên hội đồng, chủ tịch hội đồng, thư ký hội đồng (hai ông này mức cao hơn thành viên), thậm chí cả người ngồi nghe (thường là 100K/người; đâm ra bản thân mình thích đi ngồi dự nghe mấy cái này lắm), tiền thuê địa điểm (dù vẫn là phòng ốc của cơ sở đào tạo), tiền hoa, tiền hoa quả, trà thuốc, etc đều tự NCS phải bỏ tiền túi ra trả. Có những quy định bán chính thức của bộ về các mức tiền bồi dưỡng này chứ không phải là tiêu cực nhé (xin không đưa con số ra đây vì nó chỉ là quy định về số tối thiểu, NCS nào mà chỉ có bám vào đưa số tối thiểu thì kẹo quá, còn hơn thì nó rất ... vô cùng).

Sau khi bảo vệ xong hội đồng cơ sở thì thí sinh phải đợi ít nhất 6 tháng (thường là 1 năm) để hoàn thiện luận văn và chờ bảo vệ hội đồng quốc gia. Luận văn được phản biện kín (trên hình thức thì là thế), NCS còn phải tự bỏ tiền ra đăng tin trên đài báo có tầm vực quốc gia về việc bảo vệ (ngày, giờ, địa điểm) của mình, phải in 20 bản tóm tắt luận văn phát đi khắp nơi trong nước đến các chuyên gia và phải có ít nhất 12 phản hồi (đây là thứ rất hình thức và rắm rối, nhận xét luận văn 200 trang chỉ qua việc đọc tóm tắt 20 trang). Ngày bảo vệ đến lại các thủ tục, tiền nong như buổi bảo vệ hội đồng cơ sở (quên còn cả mục mời các thầy hội đồng liên hoan sau buổi bảo vệ cũng phải bỏ tiền túi ra nhé). Trong khi bảo vệ cũng nhiều tình huống cười ra nước mắt, những chuyện như GS Cao Xuân Hạo từng kể (cho một ông bảo vệ luận văn TS Ngữ văn 3 điểm vì như lời GS là:"Đọc luận văn anh này tôi khẳng định anh này chưa học hết lớp 3", nhưng đến hội đồng quốc gia thì người ta loại những ủy viên có nhận xét bất lợi và cài cắm cạ vào để TS trên có được 7 điểm và đạt TS). Và rồi mưa nhận xét đánh giá xuất sắc, xuất sắc, hoặc chí ít cũng là đạt. Thường thì phần bất ngờ nhất của buổi bảo vệ hội đồng cấp nhà nước chỉ là phần sau bảo vệ (ăn gì ở nhà hàng nào), chứ còn đa phần các hội đồng này mang tính hình thức sau khi thầy và trò đã lo chu đáo mọi chuyện (nếu để xảy ra tranh luận nảy lửa bất đồng sâu sắc tại buổi bảo vệ thì NCS nên trách thầy hướng dẫn không lo cho chu đáo, trách mình kẹo). Và tất nhiên hoa, lời chúc, ... chẳng mấy chốc số 20ngàn TS của anh Nhân đặt ra trở thành một con số khiêm tốn đến thảm hại.

Tổng kết thiệt hại thì thế này: Nếu NCS không được nhà nước trả tiền cho (nếu được thì nhà nước chỉ trả mức tối thiểu còn phụ trội NCS từ bỏ tiền túi) thì số tiền phải bỏ từ túi ra sẽ phụ thuộc vào từng ngành nhưng không thể dưới 50tr (ngành nào phải tốn kém chuyện làm thí nghiệm etc thì còn cao hơn), đó là không kể "tiêu cực phí", chỉ làm đúng các quy định vô cùng cứng nhắc và cũng vô cùng mềm dẻo của bộ. Nếu có tiêu cực phí thì con số này là ... vô cùng, không xác định chính xác được.

Nguyên nhân? Để lúc khác có thời gian, nhưng một trong những nguyên nhân chính là ta đa phải hứng chịu hậu quả của một thế hệ các "trí thức hữu nghị XHCN Liên Xô và Đông Âu", những người đang có quyền (hay tự cho là có quyền) ra các quy định và quyết định về đào tạo và nghiên cứu khoa học ở VN.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét