Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Du lịch Nha Trang: một lần đi rất khó quay lại

Nha Trang được xem là Địa trung hải của Việt Nam, là nơi thu hút một lượng du khách thuộc vào hàng nhất nhì ở Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu, vì Nha Trang có bờ biển dài, sạch, và đẹp; có nhiều hòn đảo hoang sơ chờ sự khám phá của du khách; và nhất là người dân ở đây rất thân thiện. Đây là lần thứ 3 tôi đến Nha Trang, nhưng 2 lần trước đến đây chỉ làm việc chứ không có thì giờ dạo quanh thành phố, còn lần này tôi có chút thời gian để làm du khách.

Do vậy, nhân một ngày ”mất dạy”, tôi tranh thủ đi một tour du lịch của công ti Long Phú. Tôi mua vé tốn chỉ 200.000 đồng hay 120.000 đồng (tôi quên) và chờ giờ đi tham quan. Buổi sáng, xe bus đên khách sạn đón tôi và một khách khác. Lên xe bus, đã có khoảng 20 khách từ các khách sạn khác trên xe. Tôi nhìn chung quanh thì thấy có một số khách người Nga, và một anh khách người Đức ngồi bên cạnh tôi. Người hướng dẫn là một thanh niên nhanh nhẹn, hoạt bát, và vui tính. Trên xe bus anh ta nói qua về chương trình du lịch và kèm theo những lời pha trò vui nhộn. Theo chương trình của tour, chúng tôi sẽ tháp tùng với các khách khác để đi tham quan các nơi như Hòn Thị, đảo Khỉ, và tắm suối Hoa Lan. Anh ta nói tiếng Việt, vì phần lớn là khách người Việt. Anh chàng người Đức không hiểu mấy, nên tôi trở thành một thông dịch bất đắc dĩ. Cái khổ là anh chàng người Đức này cũng không rành tiếng Anh mấy, nên tôi phải nói chậm để anh ta hiểu những câu nói của hướng dẫn viên.

Chúng tôi đến bến Đá Chồng (cách trung tâm thành phố Nha Trang chắc khoảng 10 km) để lên tàu đi ra đảo. Chúng tôi được đi trên một tàu đánh cá đã thiết kế lại cho các tour du lịch, nên không được tiên nghi mấy. Ngồi trên tàu, nhìn biển trời mênh mông, trong cái nắng dịu dàng của tháng 12, tôi như bỏ quên tất cả những phiền lụy sau lưng và thả hồn mình bồng bềnh theo sông nước trời mây ... Đương nhiên, tôi vẫn duy trì nhiệm vụ thông dịch của mình cho anh bạn người Đức. Nói chuyện một hồi tôi mới biết anh này sống ở một thành phố gần thành phố Basle bên Thụy Sĩ. Ngày xưa tôi từng làm postdoc ở thành phố Basle, và thỉnh thoảng cũng sang Đức đi chơi, nên nhân dịp này tôi kể về những kỉ niệm của tôi ở Đức. Chúng tôi trở thành hai người bạn đồng hành.

Thái độ thiếu thân thiện của nhân viên

Sau khoảng 30 phút, chúng tôi lên Hòn Thị. Rời tàu lên đảo, tôi thấy du khách chỉ loe ngoe vài người. Thật ra, chuyến tàu của chúng tôi là chuyến thứ hai, sau chuyến trước gồm chỉ 7 người. Nhìn qua quầy hàng bán nước ngọt trống trơn và xiêu vẹo tôi thấy du lịch nước ta sao mà ảm đạm thế!

Một quầy hàng trống trơn và buồn thảm

Chúng tôi được dẫn đến khu cưỡi đà điểu (ostrich). Nghe nói giống đà điều cao to này được du nhập từ châu Phi, và nó vẫn sống bình thường ở Đông Nam Á. Giá vé hình như là 20.000 đồng / người. Chỉ có người dưới 65 kg mới được mua vé, và người ta không có cân, nên chỉ chủ quan nhìn khách mà phán là có đủ tiêu chuẩn cưởi đà điểu hay không. Tôi biết mình nặng 72 kg, nên tự nguyện rút lui, không mua vé, mà chỉ đứng nhìn khách trong chuồng. Chuồng đà điểu thiết kế rất tạm bợ, theo hình tròn với đường kính rộng chỉ khoảng 20 mét. Khi mua vé xong, khách được một nhân viên mặc đồng phục bảo vệ hướng dẫn cưỡi đà điểu. Anh nhân viên bảo vệ này nói giọng Huế, nhưng tỏ ra rất thiếu thân thiện với khách. Tôi chứng kiến một khách phàn nàn rằng sao đà điểu đi chậm quá, thì bị anh bảo vệ nạc rằng "chỉ trả có 20 ngàn mà đòi đi nhanh à?" Một người khác xin vào chụp hình người yêu anh ta đang cưỡi đà điểu, thì bị gạt phăng ra như ra lệnh: "anh đứng đó, không được vào"! Tôi thật ngao ngán cho cách làm du lịch kiểu này.

Đà điểu gốc Phi châu cao gần bằng người

Trong khi chờ các khách cùng chuyến đi đà điểu, tôi lang thang vào khu mua đồ lưu niệm trên đảo. Đến quầy hàng Hoa Lan tôi để ý đến cái áo T-shirt có in chữ "Nha Trang" và hàng dừa trông cũng khá đẹp, mà tôi đã thấy từ lúc còn trong bến ở đất liền. Giá áo trong bến là 30.000 đồng. Nhưng khi tôi hỏi giá ở đây thì cô bán hàng nói là 35.000 đồng. Tôi hỏi là tại sao giá áo trong bờ và ngoài đảo, cũng cùng một công ti, mà chênh lệch đến 5.000 đồng. Thay vì nói lí do của sự chênh lệch, cô nhân viên bán hàng phang một câu: "Anh tìm được chỗ nào bán 30000 đồng, tôi cho anh 2 cái áo đó." Tôi sững sờ trước cách nói khiêu khích đó, nhìn cô một phút để xem cô ấy phản ứng ra sao, nhưng cô ta cắm cúi viết gì đó mà không nhìn tôi. Tôi bèn nói nhỏ rằng: chị chưa trả lời câu hỏi của tôi. Chị ta ngẩng mặt lên và lặp lại câu nói đó: "Anh tìm được chỗ nào bán 30000 đồng, tôi cho anh 2 cái áo đó." Đến lúc này thì tôi đành phải nói: xin lỗi chị, tôi hỏi chị rất rõ ràng là tại sao có sự chênh lệch giá, có phải vì chi phí vận chuyển hay vì khác hiệu may, hay vì lí do khác; tôi không trách móc gì, tôi chỉ muốn biết lí do. Nếu chị không muốn bán thì chị đừng thách thức khách như thế. Làm du lịch cũng cần có văn hóa chị à. Vài người chung quanh nhìn tôi tỏ vẻ đồng tình và gật đầu. Cô nhân viên bán hàng lẳng lặng bỏ vào trong, mặc cho chúng tôi ngẩn ngơ nhìn.

Quầy hàng Hoa Lan: "Anh tìm được chỗ nào bán 30000 đồng, tôi cho anh 2 cái áo đó."

Khách còn được dẫn đến trại nuôi nai cũng chỉ cách đó vài bước. Người ta nuôi nai để lấy sừng làm thuốc Bắc. Nhìn những chú nai ngây thơ bị cắt sừng làm tôi thấy thương cho mấy con vật này quá. Nghe nói người ta lấy sừng để ngâm thuốc Bắc và bán cho khách. Anh hướng dẫn viên an ủi tôi rằng dù không cắt sừng thì khi già chúng cũng rụng ra mà thôi; và lại cắt sừng cũng cho bác sĩ thú y làm và không sợ nhiễm trùng như tôi quan tâm đâu. Nghe vậy thì biết vậy, chứ tôi vẫn không thể nào tưởng tượng việc nuôi nai chỉ để cắt sừng nai đem đi bán. Con người đúng là ... dã man.

Những chú nai bị cắt sừng

Tiếp theo cưỡi đà điểu, là đi tắm suối Hoa Lan. Anh hướng dẫn viên cảnh báo trước rằng đường lên suối khoảng 1 cây số và phải lội bộ theo những bậc thang nhân tạo khá mệt, nên ai không muốn đi có thể ở lại đây tắm biển. Tôi và anh bạn người Đức giơ tay chọn đi tắm suối. Một số người cũng đi theo, nhưng một số khác nghe đi lên dốc 1 cây số thì hơi ngán nên chọn khâu tắm biển. Trên đường đi lên suối, tôi phàn nàn về thái độ của cô bán hàng với anh hướng dẫn viên đoàn. Anh này rất dễ mến, thích đi bên tôi để nói chuyện đời và học tiếng Anh. Anh cám ơn tôi rối rít vì đã làm thông dịch viên bất đắc dĩ cho anh. Anh hướng dẫn viên nói với tôi rằng những nhân viên này không biết văn hóa du lịch là gì đâu, họ chỉ làm hết giờ, ăn lương nhà nước mà thôi, anh thông cảm. OK, thông cảm.

Không có biển cảnh báo nguy cơ

Sau gần 30 phút, chúng tôi cũng đến suối Hoa Lan. Đó là một suối nước tương đối nhỏ, với diện tích chỉ khoảng 20 x 20 mét. Suối nước trong veo, rất lí tưởng cho tắm biển. Đến nơi thì đã có một số khách người Nga đang tắm suối. Tôi nhìn chung quanh chẳng thấy chỗ nào thay đồ, nên đành phải chui vào một bụi cây để thay đồ tắm, và quay lại tắm biển. Một số người trong đoàn đi đến đây thì chỉ ngồi nhìn mà không tắm, có lẽ vì không có chỗ thay đồ, hay vì thấy nước tương đối lạnh. Riêng tôi đã có gần nửa tiếng tắm suối thoải mái. Đây là lần đầu tiên tôi được tắm suối nên rất thích.

Tắm suối Hoa Lan

Tuy nhiên ở đây tôi cũng thấy một vài “hạt sạn”. Vấn đề không có phòng thay đồ cá nhân là một khiếm khuyết có thể bỏ qua, vì trong thực tế khách vẫn có thể làm như tôi, tức là vào bụi rậm thay đồ. Nhưng khiếm khuyết đáng ngại nhất là vấn đề an toàn cho khách. Như nhiều suối tắm khác, có nơi tương đối cạn, nhưng cũng có nơi khá sâu. Nếu khách chủ quan không biết thì rất dễ hụt chân và dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, phía dưới và chung quanh suối có nhiều đá, nếu không cẩn thận khách có thể va chạm phải đá và “đau thấu trời” chứ chẳng chơi. Chính tôi đã chạm vào một hòn đá đau điếng tay! Ấy thế mà người ta không có bất cứ một bảng nào cảnh báo về chiều sâu của suối, chẳng có một biển nào cảnh báo về đá dưới suối. Nếu anh nào muốn chơi trò mạo hiểm nhảy từ trên xuống suối thì sẽ … lãnh đủ.

Chung quanh suối đầy những bọc plastic, lon bia, lon nước ngọt … trông rất phản cảm. Tôi có nói với anh hướng dẫn viên, và anh cũng đồng ý. Nhưng khi nào sẽ có những tấm biển cảnh báo thì tôi không biết.

Điểm tham quan thứ 2 là Hòn Lao (còn gọi là Đảo Khỉ). Gọi là Đảo Khỉ vì trên đảo có hàng ngàn chú khỉ nhỏ đang gọi đây là nhà. Khách được xem một màn xiếc khỉ rất thú vị, nhưng cách tổ chức có phần lượm thượm, và vẫn còn cái gì đó rất đặc thù … Việt Nam. Tôi muốn nói đến sự tạm bợ, nhếch nhác, và thiếu chuyên nghiệp trong show diễn. Tuy nhiên, sau màn trình diễn tôi và khách vẫn tặng tiền (trong một hộp tiền giống như hộp tiền từ thiện) cho đoàn xiếc một cách xứng đáng.

Qua tìm hiểu tôi mới biết rằng hồi xưa (cách đây trên 15 năm) đây là một đảo hoang. Thời thập niên 1980s, các nhà khoa học Nga nuôi vài trăm con khỉ để làm thí nghiệm ở Nha Trang. Sau khi Liên Xô sụp đổ, họ không còn kinh phí để làm nghiên cứu, và bàn giao số khỉ này cho phía Việt Nam. Có lẽ do không biết làm gì với mấy chú khỉ này, người ta chở chúng ra đảo này và … sống chết mặc bay. Đến nay, đàn khỉ ban đầu đã sản sinh ra nhiều ngàn con khỉ khác, nhưng con số chính xác thì không ai biết được, vì chẳng ai quan tâm. Giới kinh doanh du lịch thấy tiềm năng du lịch của đàn khỉ nên biến đảo này thành một điểm du lịch để du khách có dịp tiếp xúc với đàn khỉ.

Đảo Khỉ

Nói chung mấy chú khỉ khá thân thiện với khách, nhưng chúng cũng láu cá lắm. Chúng cũng giành ăn, cũng học thói ăn cắp của con người nếu du khách lơ đễnh với hành lí cá nhân của mình. Khi thấy khách có đồ ăn, chúng quay quần như là một đàn khỉ đói xin ăn. Tuy nhiên, khi có khỉ chúa xuất hiện thì các khỉ quân thần phải biến mất hay ngồi chung quanh chứ không dám đến gần giành ăn. Mỗi một “cộng đồng” có một chú khỉ chúa, và “chức danh” của nó có thể nhận dạng qua cái đuôi cong vút lên.

Cảnh báo về khỉ với những hàng chữ tiếng Anh ngộ nghĩnh

Tôi vẫn phân vân với cách làm du lịch dựa vào khỉ này. Tôi không biết ngày xưa các nhà khoa học Nga nghiên cứu gì, có nghiên cứu bệnh truyền nhiễm hay không, có can thiệp các chú khỉ này bằng các biện pháp làm cho chúng nhiễm trùng (một phương pháp nghiên cứu rất thông dụng) không? Nếu có thì tình trạng sức khỏe của mấy chú khỉ này ra sao, và nếu tiếp xúc với con người, nhiều chuyện không hay có thể xảy ra. Sự tăng trưởng của khỉ sẽ được kiểm soát như thế nào? Thức ăn cho chúng ra sao? Hiện nay chúng chỉ chủ yếu ăn dừa (mấy cây dừa trên đảo không có trái vì bị mấy chủ khỉ thành toán sạch). Nói chung là đàn khỉ này đặt ra nhiều vấn đề sinh thái và sức khỏe. Nhưng hình như giới làm thương mại du lịch không chia sẻ những quan tâm này của tôi, vì trước mắt họ chỉ thấy đồng tiền.

Ướt như chuột lột

Sau chuyến ghé thăm Đảo Khỉ thì trời đột nhiên đổ mưa. Mưa càng lúc càng nặng hạt, buộc đoàn du khách phải lên tàu quay về bến (đất liền). Chúng tôi lũ lượt lên tàu. Lên tàu xong tôi mới phát hiện tàu không có bất cứ một tấm màn cao su che mưa che nắng cho khách! Không một ai trong nhóm hướng dẫn du lịch quan tâm. Mà, thật ra, có quan tâm họ cũng bó tay chứ làm gì được. Một điều quan trọng tôi còn phát hiện là tàu không có phao cứu hộ! Thật là một chuyến đi nguy hiểm!

Trên tàu có một số khách có con nhỏ đi theo, thậm chí có chị bồng con trên tay. Nhưng không các chị này phải gồng mình chịu mưa tạt vào làm ướt cả quần áo. Bản thân tôi cũng chẳng may mắn hơn ai, vì ngồi ghế phía ngoài nên cũng lãnh đủ mưa. Một số chúng tôi ướt như … chuột lột. Thật khó mà tưởng tượng được mới hồi sáng chúng tôi còn vui vẻ với chuyến đi thì chiều nay, chúng ta phải chịu cái cảnh trớ trêu này. Chuyến đi du lịch đáng nhớ, nhưng cái đáng nhớ nhất và để lại dấu ấn trong chúng tôi lâu dài nhất có lẽ là chất lượng dịch vụ quá kém cỏi.

Nha Trang có nhiều cảnh đẹp, nhưng hình như các sản phẩm du lịch (tôi dùng chữ "sản phẩm" ở đây để chỉ những tour tham quan) chưa khai thác hết tiềm năng của vùng đất được mệnh danh là Địa trung hải của Việt Nam này. Tuy tôi chỉ nói về du lịch Nha Trang, nhưng kinh nghiệm của tôi cho thấy các điểm du lịch ở nhiều nơi trong nước cũng kém cỏi như thế. Thật ra, dịch vụ du lịch Nha Trang đã khá hơn nhiều so với các tỉnh khác. Tôi chợt nhớ đến những chuyến đi ở Thái Lan, nơi mà du khách được chăm sóc chu đáo trong một chu trình khép kín. Nghĩ và so sánh với cách làm du lịch của nước láng giềng tôi chỉ biết lắc đầu và càng hiểu vì sao 75% du khách đến nước ta không muốn quay trở lại. Tôi nghĩ giới kinh doanh du lịch cần phải xem xét lại chính mình và sản phẩm của mình trước khi quá trễ.

NVT

TB. Sau đây là vài hình cho thấy chất lượng du lịch của ta kém như thế nào. Đặc điểm du lịch ở VN là cái gì cũng phải mua: muốn tắm nước ngọt? Mua vé. Muốn có dù che nắng? Mua vé. Muốn đi toilet? Mua. Người ta tận dụng mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống để móc túi du khách. Nhưng chất lượng có xứng đáng với đồng tiền bỏ ra mua không? Tôi nghĩ là không. Tôi nghĩ Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét quá chính xác: đó là một nền du lịch hỗn hào.


Cái gì cũng mua: đi tắm cũng phải mua vé !


Bồn rửa tay phản cảm (chú ý không có khăn)



Toilet thiết kế không có giấy!





0 nhận xét:

Đăng nhận xét