Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2009

Bàn về tiêu chuẩn phong chức danh GS/PGS

Hôm kia, tôi có viết trong entry về kết quả phong hàm GS/PGS rằng người trẻ tuổi nhất là 32 tuổi. Hôm nay, qua Tuổi Trẻ tôi mới biết người đó là một nhà khoa học máy tính (“Phó giáo sư 31 tuổi: học xong về nước ngay”). Nhưng chẳng hiểu sao máy tính của tôi “nó” tính chẵn là 32 tuổi, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là đợt này có người tuổi trẻ tài cao được phong hàm PGS. Điều đáng nói là anh này cũng học từ Úc (trường Đại học Wollongong).

Trong một entry trước, tôi có nhận xét rằng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) hình như không quan tâm đến các tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học khi họ xét phong hay đề bạt chức danh giáo sư, và điều này là một điều bất bình thường. Bất bình thường là vì hầu như khắp nơi trên thế giới, các đại học đều dựa vào thành tựu nghiên cứu khoa học và thành tích giảng dạy làm 2 tiêu chuẩn để đề bạt chức danh khoa bảng. Thành tựu khoa học được phản ảnh qua số lượng và chất lượng ấn phẩm khoa học mà ứng viên đã công bố trên các tập san quốc tế. Ở đây, cần phải nhấn mạnh sự khác biệt giữa (a) các bài báo đăng trong các hội nghị (gọi là conference proceedings hay tương tự) và (b) những bài báo công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt nghiêm chỉnh. Khi nói đến “công bố quốc tế”, người ta chỉ nói đến những bài báo ở dạng (b). Cũng có ngành xem những bài báo ở dạng (a) là “công bố quốc tế” nhưng phải là các hội nghị lớn có uy tín, có bình duyệt hẳn hoi, và được cộng đồng của ngành đó công nhận. Trong ngành y, tất cả các bài báo trong các hội nghị -- dù lớn hay nhỏ -- đều không bao giờ được xem là “công bố quốc tế”.

Thành tích khoa học của anh Duy cho thấy anh rất tích cực làm việc, tham dự nhiều hội nghị. Nhưng hình như thành tựu khoa học của anh chỉ dừng ở đó. Không thấy anh công bố một bài báo khoa học nào trên các tập san quốc tế, mà chỉ thấy toàn những bài báo trong hội nghị, kể cả hội nghị trong nước. Có lẽ công bố bài báo trong hội nghị là “văn hóa ngành” bên khoa học máy tính chăng. Cũng có thể đó là văn hóa và tiêu chuẩn phong hàm ở Việt Nam.

Vậy câu hỏi đặt ra là ở các nước Âu Mĩ người ta làm như thế nào ? Ở các nước như Mĩ hay Úc này, muốn đề bạt vào các chức vụ khoa bảng như GS/PGS, ứng viên phải hội đủ một số điều kiện và tiêu chuẩn. Những điều kiện và tiêu chuẩn này thường không cố định hay cụ thể, mà còn tùy thuộc vào từng địa phương, đẳng cấp của trường đại học, và bộ môn khoa học. Chẳng hạn như mặc dù điều kiện đầu tiên là ứng viên phải có văn bằng tiến sĩ, nhưng trong các bộ môn như luật khoa, kinh tế hay y khoa, có khi ứng viên chỉ có bằng thạc sĩ (thậm chí cử nhân) cũng có thể xin đề bạt vào các chức vụ giáo sư.

Điều kiện thứ hai là thời gian. Thông thường, ứng viên thường phải trải qua ít nhất là hai năm nghiên cứu sau khi xong học vị tiến sĩ để có thể xin đề bạt lên chức vụ giảng sư (hay assistant professor). Thời gian cần thiết để một assistant professor được đề bạt lên phó giáo sư thường là ít nhất 3 năm và cao nhất là 6 năm. Từ phó giáo sư lên giáo sư, thời gian cần thiết ít nhất là 5 năm. Những con số trên đây chỉ là những qui định rất chung chung, bởi vì trong thực tế, nó còn tùy thuộc vào từng cá nhân ứng viên và nhu cầu của bộ môn khoa học. Trong các bộ môn như công nghệ thông tin, y học, kinh tế, v.v… thời gian tối thiểu có thể ngắn hơn những qui định chung trên đây.

Về tiêu chuẩn chung, để được đề bạt vào các chức vụ khoa bảng trên, ứng viên phải tự chứng minh và được đánh giá là những nhà khoa học hay nhà giáo xuất sắc:

  • Để trở thành một assistant professor (hay lecturer bên Úc và Anh), ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi trường đại học và quốc gia ;
  • Để được đề bạt vào chức phó giáo sư, ứng viên phải cung cấp bằng chứng cho thấy mình xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, giảng dạy, và uy danh được thừa nhận trong phạm vi quốc gia và quốc tế, có đóng góp cho việc phát triển chuyên môn, và có công trong việc đào tạo sinh viên cấp tiến sĩ ;
  • Để được đề bạt từ phó giáo sư lên giáo sư, ngoài thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, được đồng nghiệp quốc tế công nhận, ứng viên còn phải chứng minh cho thấy mình có khả năng lãnh đạo chuyên ngành trên trường quốc tế.

Về tiêu chuẩn "cụ thể", đề bạt giáo sư và giảng sư, các đại học thường dựa vào 4 tiêu chuẩn chính : thành tích hoạt động khoa học, giảng dạy và quản lí bộ môn, khả năng thu hút tài trợ cho nghiên cứu, và hoạt động cộng đồng.

Thành tích hoạt động khoa học được đánh giá bằng các tiêu chí như số lượng và chất lượng bài báo khoa học đã công bố, số lượng bằng phát minh (patents of invention), uy danh và sự công nhận của giới chuyên môn trong ngành. Không có trường nào có qui định cụ thể ứng viên phải có bao nhiêu bài báo khoa học để được đề bạt, nhưng thông thường, những con số được "hiểu ngầm" là assistant professor phải có từ 5 bài báo trở lên, phó giáo sư thì ít nhất là 20, và giáo sư thì ít nhất là 50. Chất lượng bài báo thường được đánh giá bằng hệ số ảnh hưởng (impact factor) của tập san mà bài báo khoa học được công bố. Hệ số ảnh hưởng của tập san cũng tùy thuộc vào bộ môn khoa học (chẳng hạn như các tập san thuộc bộ môn khoa học thực nghiệm thường có hệ số ảnh hưởng cao hơn các tập san trong các ngành khoa học tự nhiên và toán học), cho nên một cách đánh giá chất lượng khác là tính số lần các nhà khoa học khác trích dẫn bài báo (citations). Số lần trích dẫn nhiều cũng có nghĩa là công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành. Nếu ứng viên công bố toàn những bài báo mà không ai trích dẫn thì giá trị của chúng cũng chẳng cao hơn con số 0 (vô dụng) bao nhiêu !

Tiêu chuẩn về giảng dạy thì khó đánh giá hơn, bởi vì người đánh giá chính là sinh viên, và rất ít khi nào đại học tổ chức những cuộc bình bầu thầy cô qua hỏi ý kiến sinh viên một cách có hệ thống ! Nhưng cũng có thể đánh giá qua việc ứng viên khuyến khích sinh viên đào sâu suy nghĩ, hay đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển course học trong phạm vi trường đại học hay quốc gia.

Thu hút tài trợ cho nghiên cứu có liên quan mật thiết với thành tích hoạt động khoa học : nhà khoa học có thành tích khoa học cao dễ xin tài trợ và có khả năng thu hút tài trợ nhiều hơn nhà khoa học mới ở bước đầu sự nghiệp. Thông thường một phó giáo sư thường chủ trì những công trình nghiên cứu lên đến hàng trăm ngàn đô-la, và một giáo sư thường chủ trì những công trình hàng triệu đô-la.

Giáo sư đại học không nên chỉ ngồi trong tháp ngà, mà còn phải đóng góp vào các hoạt động cộng đồng. "Cống hiến cộng đồng" ở đây có nghĩa là giáo sư phải tích cực đóng góp vào những hoạt động nhằm phát triển mối liên hệ giữa đại học và cộng đồng, tham gia vào việc phát triển các hiệp hội chuyên ngành, và đóng góp vào những bàn luận về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị ở bình diện quốc gia và quốc tế. Phải thừa nhận rằng tiêu chuẩn này tương đối chủ quan vì không thể cân đo đong đếm được ; do đó, dù được xem là một tiêu chuẩn, trọng lượng của tiêu chuẩn này trong việc đề bạt chức vụ khoa bảng không mấy cao.

Nói tóm lại, trong 4 tiêu chuẩn này, thành tích hoạt động khoa học được xem là tiêu chuẩn số 1, còn các tiêu chuẩn khác cũng được xem xét nhưng trọng lượng không cao. Một số trường đòi hỏi ứng viên phải đạt được mức độ xuất sắc (excellence) ít nhất là hai tiêu chuẩn để được xét duyệt tiến phong chức danh giáo sư ; ứng viên chỉ xuất sắc một tiêu chuẩn thì không được xét đơn đề bạt. Một số tiêu chuẩn cụ thể cho từng cấp bậc giáo sư có thể tóm lước như sau:

Để được đề bạt lên chức assistant professor, ứng viên phải có công bố ít nhất là 5 bài báo khoa học mà ứng viên là tác giả số một của bài báo. Tất nhiên, khi nói đến "bài báo khoa học" ở đây là đề cập đến những bài báo trên các tập san có cơ chế bình duyệt nghiêm chỉnh (còn gọi là peer-review system), chứ không phải những bài báo trên các báo chí phổ thông dành cho công chúng. Ngoài ra, ứng viên còn phải chứng minh mình có khả năng giảng dạy, có khả năng phát triển course học hữu hiệu cho khoa. Các tiêu chuẩn về thu hút tài trợ và hoạt động cộng đồng cũng được xem xét, nhưng không phải là tiêu chuẩn hàng đầu, bởi vì ứng viên còn trong giai đoạn "tập sự".


Để được đề bạt lên chức phó giáo sư, ứng viên cần phải có ít nhất là 20 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế (có bình duyệt), và ít nhất là 30% trong số này phải trên các tập san số một trong ngành. Về giảng dạy, ứng viên phải chứng tỏ mình có khả năng giảng dạy, và đã đào tạo thành công sinh viên thạc sĩ và ít nhất là đào tạo thành công một tiến sĩ. Ngoài các tiêu chuẩn về nghiên cứu và giảng dạy, ứng viên còn phải chứng minh mình có uy tín trong phạm vi quốc gia và quốc tế, tức là được mời giảng dạy tại các đại học hay viện nghiên cứu khác (ngoài trường đại học). Ứng viên cũng phải chứng minh mình đã có cống hiến góp phần nâng cao tri thức cho quần chúng qua các hoạt động cộng đồng hay ngoài đại học, như làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ, công ti kĩ nghệ, hay viết báo cho các báo phổ thông nhằm phổ biến kiến thức. Ứng viên còn phải chứng tỏ mình có cống hiến cho chuyên ngành như tham gia bình duyệt báo khoa học cho các tập san quốc tế, tham gia trong ban chấp hành các hiệp hội chuyên môn, và đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức hội nghị, v.v…

Từ phó giáo sư lên giáo sư là một bước nhảy vọt tương đối lớn, cho nên tiêu chuẩn cũng càng cao. Tuổi đời trung bình của một giáo sư là 55 ; rất ít ai được đề bạt chức danh giáo sư trước độ tuổi 40. Về tiêu chuẩn nghiên cứu bất thành văn, thông thường các ứng viên phải có ít nhất là 50 bài báo khoa học, và trong số này ít nhất là 50% phải trên các tập san số một trong ngành. Chỉ số H trung bình của một giáo sư các trường lớn bên Mĩ thường là 20 trở lên. Số lượng bài báo phải đều hàng năm, chứ không phải bất thường (điều này chứng tỏ ứng viên có khả năng hoạt động khoa học về lâu về dài)! Về đào tạo, ứng viên phải đào tạo thành công ít nhất là 3 tiến sĩ trong thời gian giữ chức phó giáo sư. Ứng viên phải chứng minh đã từng chủ trì các công trình nghiên cứu lớn (3 năm trở lên với ngân sách trên nửa triệu đô-la). Ngoài các hoạt động cộng đồng và cố vấn cho chính phủ, quan trọng hơn hết ứng viên phải chứng minh mình có uy danh trên trường quốc tế. Nói cách khác, ứng viên phải từng được mời giảng dạy tại các đại học khác, được mời làm chủ tọa (chair) các hội nghị chuyên môn hay được mời làm phát biểu viên chính (keynote speaker) trong các hội nghị chuyên ngành, được bổ nhiệm vào ban biên tập của các tập san khoa học quốc tế, được mời bình duyệt các dự án nghiên cứu khoa học, v.v…

Đối chiếu các điều kiện và tiêu chuẩn trên đây với các tiêu chuẩn đề bạt giáo sư ở nước ta, ai cũng thấy có nhiều khác biệt, nhất các tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như trong một bài phỏng vấn đăng trên VietNamNet ngày 11/3/2004 (http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2004/03/54931), Giáo sư Đỗ Trần Cát cho biết : « Mỗi ứng viên cho chức danh giáo sư phải có 2 điểm - tương đương với hai công trình - đăng trong các tạp chí uy tín », và mỗi ngành chỉ có hai « tạp chí uy tín » ở trong nước, hiểu theo nghĩa « nếu đăng ở đấy thì nó khó, chất lượng cao hơn. Còn việc chọn đâu là hai tạp chí uy tín của mỗi ngành thì do hội đồng ngành đề xuất, hội đồng thường trực sẽ thông qua. Còn các bài báo đăng ở tạp chí khoa học ngoài nước tất nhiên là không hạn chế rồi ». Nói cách khác, theo qui định này, để đề bạt chức vụ giáo sư, ứng viên chỉ cần có 2 bài báo khoa học ! Tôi nghĩ tiêu chuẩn này quá … thấp cho một giáo sư. Ngay cả tiêu chuẩn "ít nhất 12 điểm công trình" cho một giáo sư cũng còn quá thấp.

Xã hội có quyền đặt kì vọng cao vào những nhà khoa học mang chức danh giáo sư, bởi vì họ là một phần của bộ mặt của khoa học Việt Nam. Người dân muốn thấy những người mang hàm giáo sư phải có khả năng tương xứng với đồng nghiệp quốc tế. Trong chiều hướng hội nhập quốc tế có lẽ đã đến lúc chúng ta xem xét lại các tiêu chuẩn đề bạt giáo sư ở nước ta. Đành rằng cũng cần phải xem xét đến các điều kiện mang tính địa phương trong khi đề bạt giáo sư, nhưng các hoạt động khoa học thì lại mang tính quốc tế, và không có lí do gì các thước đo khách quan mà đa số nước trên thế giới đang sử dụng không áp dụng cho nước ta. Việt Nam có thể nới lỏng hay hạ thấp vài con số để có giáo sư, nhưng về phương cách làm việc và thước đo thành tích khoa học thì không nên làm khác quốc tế, nhất là trong lúc chúng ta muốn hội nhập.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét