Thứ Hai, 2 tháng 11, 2009

Chung quanh chuyện website Tia Sáng bị đóng cửa

Như tôi có viết trong entry trước, website của Tạp chí Tia Sáng bị xóa sổ (mất tên miền). Dư luận xôn xao chẳng biết lí do gì dẫn đến sự kiện trên, nhưng có người cho rằng do bài báo “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng” của Gs Hoàng Tụy làm cho người ta nổi giận. Để biết thêm câu chuyện, các bạn có thể đọc lá thư dưới đây của Gs Hoàng Tụy (công bố trên Diễn Đàn).

Trong thư Gs Hoàng Tụy có nói đến một số đoạn bị Tia Sáng cắt bỏ. Những đoạn bị cắt rất thẳng thắn. Cụ thể, những đoạn đó là:

"Sự sa sút của giáo dục có nguyên nhân khách quan: do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là “đồng tác giả” của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục, v.v. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân này đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới.

Có nghĩa sự sa sút của giáo dục không thể đổ cho khách quan, do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu, do phụ huynh cũng là “đồng tác giả” của nhiều sai lầm yếu kém của giáo dục, v.v. Đương nhiên tất cả những nguyên nhân này đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm và từ trên xuống dưới.

Giờ là lúc cần trung thực nhìn thẳng vào sự thật. Đó là lương tâm, là trách nhiệm chẳng những đối với xã hội hiện tại mà còn đối với lịch sử, đối với nhiều thế hệ mai sau. Những ai thường hô hào học sinh trung thực xin trước hết hãy tỏ rõ sự trung thực ở đây, trong việc này.

Những “đổi mới” trong các đề án công tác của ngành giáo dục, giỏi lắm cũng chỉ cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ: ví thử chiến lược này được thực hiện đầy đủ (điều khó thể), thì đến 2020 Việt Nam cũng chỉ có một nền giáo dục kiểu 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.

Những “đổi mới” như thế kia giỏi lắm cũng chỉ cho ta một nền giáo dục tốt theo chuẩn mực… nửa thế kỷ 20, chứ không thể biến nó thành một nền giáo dục hiện đại ở thế kỷ 21. Cứ xem bản chiến lược giáo dục 2009-2020 thì rõ: ví thử chiến lược này được thực hiện đầy đủ (điều khó thể), thì đến 2020 Việt Nam cũng chỉ có một nền giáo dục kiểu 1950, lạc hậu, còn xa mới hòa nhập được vào nền văn minh thời đại.

Quan điểm coi thường lợi ích của xã hội thể hiện trong nhiều chủ trương giáo dục mà nếu mô tả là “ngoan cố” có lẽ cũng không sai lắm. Về hàng loạt vấn đề quan trọng như quy chế công nhận, bổ nhiệm GS, PGS, quy chế tổ chức Hội Đồng Giáo Dục Quốc Gia, chuyện biên soạn, xuât bản và phát hành sách giáo khoa, chuyện thi cử, đào tạo Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, v.v… đã có biết bao đề xuất hợp lý bị bỏ ngoài tai, phải chờ đợi đến cả chục năm trời hay hơn mới được nghiên cứu để tiếp thu. Có người khen Bộ GD-ĐT “trơ như đá, vững như đồng”, nhưng dù bậc trí lự cao siêu cũng không thể luôn luôn sáng suốt. Huống chi, nhìn vào bảng chi tiêu của ngành giáo dục thấy quá nhiều khoản chi lớn để “nâng cấp năng lực quản lý”, cử cán bộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước, chứng tỏ điều ngược lại có lẽ đúng hơn.

Đáng lo là ở nước ta có quá nhiều vị được giao nhiệm vụ rồi mới học việc, có khi học việc chưa xong chỗ này đã chuyển sang học việc chỗ khác quan trọng hơn, rốt cuộc biến mỗi ngành công tác thành một phòng thí nghiệm đồ sộ, một nơi thực tập, học việc cực kỳ tốn kém cho xã hội."

Tôi không có bình luận gì thêm. Nhưng tôi thấy nếu chỉ vì một bài viết phê phán hay phản biện chí tình chí nghĩa như thế mà làm cho ai đó bực bội thì thật là khó hiểu. Trong lá thư này, Gs Tụy có nói đến “quan Thượng” mà tôi đoán là “Thượng thư” (= bộ trưởng), nhưng chẳng biết bộ trưởng nào. :-) Tôi chợt nhớ đến lời nói của một biên tập viên trẻ của Tia Sáng nói rằng Bộ trưởng Bộ GDĐT và Bộ KHCN là hai người thường xuyên đọc Tia Sáng, hầu như không sót một số nào, và họ cũng rất thích những bài phản biện đăng trên tạp chí. Do đó, tôi rất khó mà nghĩ rằng hai “quan Thượng” này đã làm khó Tia Sáng, mà rất có thể là một quan khác.

Nhưng có lẽ chuyện đoán mò đó chẳng đem lại lợi ích gì khi Tia Sáng đã biến mất trong không gian cyber. Vấn đề là được đối thoại như Gs Hoàng Tụy viết trong đoạn cuối của bài viết: “Trong giáo dục, khoa học có những vấn đề mà tranh luận cả ngày cũng không kết luận nổi, nếu vốn hiểu biết và vốn văn hóa phổ quát quá khác nhau. Cho nên cần, rất cần chờ đợi và lắng nghe nhau, song trước hết phải được thẳng thắn trao đổi ý kiến.”

NVT

====

http://www.diendan.org/viet-nam/hoang-tuy-thu

LTS. Đáp lại lời thăm hỏi của bạn bè trong và ngoài nước trước thông tin về việc báo mạng Tia Sáng bị đình bản vì đã đăng bài "Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng" của ông, giáo sư Hoàng Tuỵ đã gửi một lá thư chung tới nhiều người, và cho phép Diễn Đàn đăng lại nó để thông tin được phổ biến rộng rãi hơn.

Thưa các anh, chị

Sau khi báo Tia Sáng đăng bài “Giáo dục: xin cho tôi nói thẳng” của tôi, nghe nói (nhưng tôi không có điều kiện kiểm chứng) có một vị rất bực tức, chỉ thị ngay cho thuộc cấp phải "phản pháo" ! Việc báo mạng Tia Sáng bị đình bản vì bài báo của tôi (hay nhân cớ bài đó, việc này cũng khó kiểm chứng) chắc có liên quan đến lệnh “phản pháo” của quan Thượng nọ. Cũng may là khi đăng bài của tôi Tia Sáng đã cẩn thận, bỏ bớt một đoạn ngắn, nếu không thì chắc còn lãnh án nặng hơn.

Tiếp theo, Bộ GD đăng lên website của Bộ bài viết của Koblitz, có lẽ cũng với mục đích "phản pháo" ấy. Lãnh đạo Bộ lại gửi thẳng bài đó cho tôi, đề nghị tôi “tham khảo”, không biết rằng chính Koblitz đã gửi bài đó cho anh em ở Viện Toán chúng tôi từ trước. Tôi và Koblitz là bạn tốt của nhau từ lâu, nhưng chính tôi cũng chưa hiểu rõ Koblitz định nói gì qua bài này. Chẳng hạn Koblitz phản đối kịch liệt việc xem tư nhân hóa giáo dục bừa bãi như hiện nay Bộ GD đang làm là giải pháp cứu giáo dục và coi đó là một quan niệm sai lầm của tôi, nhưng tôi chắc chắn Koblitz biết đó là một chủ trương “chiến lược” của Bộ GD mà xưa nay tôi vẫn chống quyết liệt (hậu quả của chiến lược này, như mọi người đã thấy, là tràn lan các "đại học Phan Thiết " mà vừa qua Bộ GD sau khi kiểm tra vẫn một mực xác nhận là "đủ điều kiện để cho tiếp tục hoat động"). Koblitz cũng phản đối việc VN trả tiền toàn bộ để nhập khẩu nguyên xi một đại học Mỹ hoàn toàn ("through and through") và gán cho tôi ý kiến đó, chứ anh ấy chắc thừa hiểu trong bài "Năm mới, chuyện cũ" của tôi (được dịch và dẫn ra trong báo cáo Harvard) hoàn toàn không có ý đó, và cũng thừa biết rằng đó chính là nội dung một đề nghị chính thức của Bộ GD với Đại sứ Mỹ cách đây không lâu.

Vì tình bạn lâu năm với tôi, có lẽ Koblitz nghĩ rằng muốn phản đối một ý kiến sai lầm nào đó của lãnh đạo Bộ giáo duc, cách hiệu quả nhất là gán ý kiến đó cho tôi (người đọc sẽ hiểu rằng vì chúng tôi là bạn, hơn nữa là bạn lâu năm, nên sẽ chẳng có ai nghi ngờ gì thiện chí của Koblitz đối với lãnh đạo Bộ hay đối với tôi).

Thưa các bạn, tôi quá mệt mỏi rồi, tuổi đã vượt xa cái hạn "xưa nay hiếm", hơn nữa từ hơn năm nay sức khỏe suy sụp. Ngoài việc chuyên môn vốn đã bận tôi phải dành khá lớn thời gian và tâm trí lo nghĩ về giáo dục nước nhà mà xem ra chỉ làm cho nhiều người tốt bị liên luỵ. Vậy xin các bạn thông cảm và lượng thứ nếu thấy tôi “im lặng đáng sợ" trong thời gian tới. Xin nhường lại công việc cho các bạn tâm huyết với nước nhà và chia sẻ với tôi niềm tin: trong nhiều vấn đề nội bộ hệ trọng của đất nước, trước mắt không có vấn đề nào hệ trọng hơn giáo dục.

Hoàng Tụy

0 nhận xét:

Đăng nhận xét