Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Nói mới về chuyện cũ?

Một tiêu đề lớn: "Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam". Cấp quốc gia. Nhưng cứ như theo bài báo này thì nội dung không lớn, mà cũng chẳng mới. Tác giả còn nghi ngờ rằng hội nghị này cũng như bao nhiêu hội nghị khác là một cách “giải ngân.” Đọc sao mà chua chát!

Ở nước ngoài, hội nghị khoa học do các hiệp hội chuyên môn tổ chức là một diễn đàn để các chuyên gia báo cáo những nghiên cứu mới nhất trong năm, để các nghiên cứu sinh trình bày và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Cố nhiên, ngoài những bài nghiên cứu nguyên thủy (original research), hội nghị còn có những bài nói chuyện ở dạng tổng quan (review). Những người được mời nói chuyện review thường là các chuyên gia đầu ngành, có uy tín cao, hay có đóng góp quan trọng qua những công trình đã công bố trong thời gian qua. Do đó, bài tổng quan, dù thực chất là bàn về những tiến bộ mới nhất về một lĩnh vực nhỏ trong chuyên môn, nhưng cũng là một cách quảng cáo cho chương trình nghiên cứu hay lab của diễn giả. Chính vì thế mà diễn giả dùng dữ liệu nghiên cứu của họ làm nội dung chính cho bài nói chuyện, và chỉ trích dẫn các nghiên cứu đồng nghiệp như là một cách bổ sung hay gợi ý.

Còn ở Việt Nam, theo kinh nghiệm của tôi trong ngành y thì nội dung của nhiều hội nghị có phần ngược lại với thế giới: bài tổng quan nhiều hơn bài nghiên cứu nguyên thủy. Có thể nói hội nghị nào những bài tổng quan đều chiếm khoảng 90-95%, chỉ có một số rất ít là nghiên cứu nguyên thủy. Nhưng điều đáng nói là phần lớn những bài tổng quan diễn giả chỉ trình bày toàn cắt và dán (cut-and-paste) những dữ liệu ở nước ngoài. Tôi đã thấy hầu như 100% các bài tổng quan ở Việt Nam được cấu trúc như thế. Nói cách khác, diễn giả thay vì là một chuyên gia thì trong thực tế trở thành những người đọc báo. Mà, đọc báo y khoa thì đòi hỏi phải thạo tiếng Anh và làm quen với phương pháp khoa học (scientific methods), những khía cạnh quan trọng mà các diễn giả cao tuổi thiếu hay không có. Vì thế, có nhiều hội nghị các diễn giả hiểu chưa đúng thông tin trong biểu đồ hay bảng số liệu, thậm chí hiểu lầm về thuật ngữ. Thật ra, vì không quen với cách trình bày của các bài báo khoa học và vì không có tham gia hay dính dáng vào công trình nghiên cứu của người khác, nên chuyện hiểu lầm vẫn có thể hiểu được.

Một điều khác đáng nói là những dữ liệu nước ngoài có thể không áp dụng cho tình hình Việt Nam. Chẳng hạn như làm sao có thể áp dụng tỉ lệ ung thư ở các nước Âu Mĩ cho Việt Nam được, và như thế thì làm sao đánh giá đúng hiệu quả của điều trị lấy từ các nghiên cứu trên người Âu Mĩ cho bệnh nhân ở Việt Nam. Còn rất nhiều vấn đề nan giải như thế. Có khi diễn giả được hỏi tại sao không có dữ liệu ở người Việt Nam thì câu trả lời thường là: chưa ai làm. Nhưng câu hỏi và trả lời chỉ dừng ở đó, mà đáng lẽ phải có thêm là: nếu thế thì tại sao anh/chị không đứng ra làm. Chẳng lẽ cứ đổ thừa chưa ai làm, và lấy đó làm lí do để cắt và dán mãi dữ liệu của người ta?

Chưa nói đến chuyện hiểu những dữ liệu đó như thế nào, chỉ việc dựa vào dữ liệu nước ngoài đã nói lên tình trạng èo uột trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, và một phần nào đó, nó nói lên sự lười biếng của ta. Nếu chỉ sử dụng dữ liệu của người khác thì chẳng khác gì mình là cái loa quảng cáo cho họ. Tại sao mình không tự làm nghiên cứu để có dữ liệu ở người Việt và phục vụ cho người Việt? Tôi thật không hiểu nỗi.

Do đó, tôi thấy cái mình thiếu nhất là nghiên cứu do chính người Việt thực hiện ở đối tượng người Việt. Chứ kiểu cứ lặp lại những gì trong sách giáo khoa trên thế giới, hay lặp lại những bài tổng quan đăng trên các tập san quốc tế thì hội nghị chẳng những chẳng có đóng góp gì cho chuyên ngành mà còn làm tốn tiền ngân sách của người dân.

NVT

===

http://vietnamnet.vn/giaoduc/200911/Noi-moi-ve-chuyen-cu-881415/

Nói mới về chuyện cũ?

Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam đang mở hội thảo cấp quốc gia. Ở đó, các nhà giáo dục lý luận và giáo dục thực tiễn sẽ ngồi lại với nhau, bàn xem liệu khái niệm “tiên tiến” và “bản sắc văn hóa dân tộc” mà nền giáo dục nước nhà đang đeo đuổi liệu có mẫu thuẫn?

Nòng cốt vẫn là đại diện các hội khoa học tâm lý giáo dục khắp cả nước. Đứng đầu các hội ấy, thường là nguyên phó giám đốc, giám đốc Sở GD-ĐT các địa phương.

Nghĩa là chỉ mới gần đây thôi, họ đã từng cầm cân nảy mực cho chính sách giáo dục.
Điều đó dấy lên nhiều hy vọng vào sự thành công của hội thảo?

Thông tin từ ban tổ chức, có 350 đại biểu góp mặt từ hơn 30 địa phương khác nhau.
Tập kỷ yếu của hội thảo cũng khá công phu, dày 415 trang, với 81 bài tham luận.

Tất cả không ngoài mục đích, như trong ngày đầu tiên các đại biểu thống nhất với nhau, là xác định một hệ thống giá trị.

Cái phải bàn là xác định nội dung giá trị ấy vào nhà trường như thế nào. Trong nhiều bản tham luận, mọi người vẫn đang định nghĩa khác nhau, thế nào là “tiên tiến”, thế nào là “bản sắc văn hóa dân tộc”, để xây dựng một mô hình nhà trường phù hợp.
Hội thảo kéo dài đến hết ngày hôm nay (29/11).

Kết thúc hội thảo, những người quan tâm đến giáo dục hẳn sẽ mong chờ hội thảo đưa ra được một quyết nghị mạnh mẽ nào đó, một hướng đột phá mới toanh, hay chí ít cũng có một câu "slogan" hay. Chứ không khéo lại như lời ai đó nói đùa, rằng, tổ chức hội thảo cuối năm chỉ là một cách giải ngân.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia của hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam với tên gọi “Nhà trường Việt Nam trong một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc”, diễn ra tại TP.HCM, từ 27-29/11/2009.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét