Thứ Tư, 18 tháng 11, 2009

Chung quanh vấn đề xét phong chức danh GS/PGS

Theo bản tin dưới đây thì năm nay Việt Nam có thêm 65 giáo sư và 604 phó giáo sư. Bài này cung cấp vài con số thú vị về các hàng rào cản mà một ứng viên phải “nhảy” qua. Trước hết là xét duyệt ở cấp cơ sở (chắc là ở đại học hay cơ quan), và sau đó là đến Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN, tên dài ghê!)

Năm nay có 164 hồ sơ xin xét duyệt chức dang GS và 1003 hồ sơ xin xét phong chức danh PGS. Đến cơ sở thì có 116 (hay 71%) hồ sơ GS và 762 (76%) hồ sơ PGS được tín nhiệm và thông qua. Đến khi ra HĐCDGSNN thì tỉ lệ thành công giảm xuống còn 40% (n=65) đối với chức danh GS, và 60% (n=604) đối với chức danh PGS.

Nói chung qui trình xét phong GS ở Việt Nam, như tôi nói trước đây, không giống ở các nước phương Tây. Cố nhiên, VN không cần phải làm giống các nước này, nhưng nếu chúng ta bàn về giáo dục hội nhập quốc tế, thì cũng nên xem xét và tham khảo cách làm và tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Khía cạnh khác thường là xét duyệt ở cấp cơ sở. Ở cấp này, rất khó mà có được một xét duyệt khách quan, bởi vì những người ngồi trong hội đồng xét duyệt chắc chắn, không ít thì nhiều, cũng có liên hệ với ứng viên. Cũng không loại trừ khả năng mâu thuẫn với ứng viên, mà người ta bỏ phiếu không công nhận.

Một anh bạn viết email nhận xét như sau: “Các nhà khoa học giỏi thường có cá tính và khó mà được lòng đầy đủ các đồng nghiêp để đạt đủ các số phiếu 2/3 (cơ sở) và 3/4 (ngành) theo yêu cầu, nhất là khi số đông ở ta hiện nay vẫn đang sống trong quán tính lạc hậu. Họ cũng không cố xoay sở để chỉ đạt mấy cái tiêu chuẩn chu đủ hình thức như bao kẻ cơ hội. Ở Hội đồng ngành Tin học có 2 người đi công tác vắng mặt bị coi luôn là 2 phiếu chống và chỉ cần thêm 1-2 phiếu chống nữa là ứng viên bị lọai vì không đạt tiêu chuẩn 3/4 ủng hộ.

Trong ngành C, có 2 người có kết quả ISI 5 năm và năng lực khoa học nổi trội hơn nhưng bị loại là anh ĐHC và HNH. Riêng anh ĐHC không chỉ có thành tích công bố quốc tế nổi trội trên lĩnh vực C, mà còn có thâm niên tham gia đào tạo hơn nhiều ứng viên được thông qua, nhưng vẫn bị coi là thíếu tiêu chuẩn cứng! Trong ngành S, anh NNC dù đạt mọi tiêu chuẩn cứng cho chức danh GS và có thành tích nổi bật về công bố quốc tế nhưng vẫn bị hội đồng cơ sở bỏ phiếu không chấp thuận (chưa đủ uy tín ?!).

Những đấu tranh của các anh NNC và DHC thời gian qua cho cải cách KHVN rõ ràng khiến nhiều người không ưa. Để thóat khỏi tình trạng này chỉ có cách đề cao các chuẩn mực quốc tế để người ta thóat khỏi căn bệnh hình thức, để các cơ sở phải cạnh tranh để thu hút người tài thực, chứ không phải bất cần như hiện nay.”

Cái khác biệt thứ 2 là HĐCDGSNN chưa xem trọng thành tích công bố quốc tế trong việc xét duyệt phong chức danh GS / PGS. Anh bạn trên trong một email viết như sau: "Thật đáng tiếc là trong khi các Viện và Đại học bắt đầu đề cao công bố quốc tế, chương trình NCCB đòi hỏi phải có công bố quốc tế ISI, thì các văn bản cho đợt xét GS lần này kể cả có một quyển sách dầy đề cập rất chi tiết mọi tiêu chuẩn và khía cạnh (hẳn được chuẩn bị từ HĐCDGSNH cũ) không hề nhắc một chỗ nào tới công bố quốc tế dù chỉ để tham khảo khuyến khích, GD&ĐT ở VN vẫn còn lảng tránh hội nhập. Thất vọng với thực tế này và điểm mới “chỉ phát giấy chứng nhận”, anh NBA – nhà Vật lý công bố quốc tế xuất sắc lần này đã từ chối không đăng ký xét phong GS nữa."

Về trang web của HĐCDGSNN

Sẵn đây xin nói thêm vài nhận xét về trang web của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước. Qua email của một anh bạn tôi tò mò vào xem cho biết, nhưng hoàn toàn thất vọng. Trang web chẳng có thông tin gì cả. Mà, có khi thông tin được trưng bày nhưng chẳng có nội dung, hay có nội dung nhưng chẳng ai đọc được.

Chẳng hạn như mục “Hoạt động của các HĐCD”, hay mục “Chân dung nhà khoa học” thì “Không có tin mới”! Còn nếu bấm vào bản tin “Danh sách các nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009” thì được dẫn đến một đường link “Download File đính kèm”, nhưng cái file đó nếu download xuống thì chẳng biết nó thuộc dạng nào, chẳng có phần mềm nào đọc được. Có rất nhiều file như thế. Tôi không hiểu tại sao người làm web là lười biếng đến nỗi không thèm post lên trang web một file dạng html để khách ghé thăm đọc. Nếu làm biếng quá thì cũng để trong một file dạng Microsoft Word (hay gì đó) để người ta tải xuống máy đọc. Chứ còn cái kiểu file nào cũng có một tên “Copy” thì chẳng khác gì đánh đố người ta. Thật là hết biết! Nó chẳng khác gì treo đầu dê mà chẳng có dê để bán! Mấy đường link cứ lòng vòng, làm mất thì giờ khách ghé thăm.

Còn phần “Liên kết” thì chỉ có 2 nơi: Bộ Giáo dục và Đào tạo, và VNexpress. Hình như người làm trang web thích đọc VNexpress, hay là quan chức của Bộ GDĐT, hay trang web được VNexpress tài trợ.

Trước đây, khi trang web này mới ra đời, tôi đã có góp ý để họ thay đổi về tiếng Anh và tính bảo mật cho các thành viên. Người phụ trách trang web có liên lạc tôi, tiếp thu ý kiến, và hứa sẽ sửa đổi. Nhưng theo tôi, những thay đổi vẫn chưa làm cho trang web tốt hơn. Điển hình là qua “điều tra bỏ túi” của chính trang web thì tính đến ngày hôm nay, có 87 người trả lời câu hỏi “Bạn nhận xét thế nào về website của hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước?”, kết quả cho thấy 65% (n = 57) cho là trang web xấu. Chỉ có 16% cho rằng trang web đẹp, và 18% cho rằng trang web bình thường. Tôi thì nghĩ trang web thiếu tính năng. Đã không làm thì thôi, còn làm thì phải làm cho ra hồn và nghiêm chỉnh, nhất là đây là một trang web của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. Nhưng tiếc thay, trang web này chẳng có hồn mà cũng chẳng nghiêm chỉnh.

NVT

===

http://www.nld.com.vn/20091118042444594P0C1017/viet-nam-co-them-65-giao-su.htm

Việt Nam có thêm 65 giáo sư
nld.com.vn - 20 giờ trước
(NLĐO) - GS-TS Nguyễn Thiện Nhân - Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS) cho 65 nhà giáo và chức danh phó giáo sư (PGS) cho 641 nhà giáo.

Trong số các ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay có nhiều người trẻ hơn các năm trước. Đặc biệt, có ba GS, PGS đã được bổ nhiệm tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài (Mỹ và Nhật Bản) nộp hồ sơ để được xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Dẫn đầu về số lượng người được công nhận đợt này là ngành y với 16 GS và 132 PGS, tiếp đến là ngành kinh tế, nông nghiệp, hóa học... Người ít tuổi nhất được công nhận GS là ông Võ Văn Hoàng, 45 tuổi (sinh ngày 5-11-1964), giảng viên khoa vật lý Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). PGS trẻ nhất là ông Bùi Thế Duy, 31 tuổi (sinh ngày 9-5-1978), giảng viên tin học Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Theo Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, đợt xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2009 là đợt xét dồn của cả hai năm 2008 và 2009, vì vậy số hồ sơ của ứng viên năm nay nhiều hơn những năm trước, với 1.167 hồ sơ; trong đó có 164 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 1.003 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Kết quả xét ở 85 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở đã có 116 ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 762 ứng viên đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh PGS đạt đủ số phiếu tín nhiệm theo quy định.

Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh cho các GS, PGS sẽ được tổ chức vào sáng 20-11-2009 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

NLĐ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét