Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Tin buồn: Tác giả Văn Ngọc qua đời

Đêm qua, tôi nhận được một hung tin: anh Phạm Ngọc Tới, bút danh Văn Ngọc, mới qua đời. Anh thọ 75 tuổi.

Anh Tới -- tôi vẫn quen gọi như thế -- là một kiến trúc sư, nhưng còn là một tác giả tài hoa, một nhà phê bình nghệ thuật sắc sảo, một cây viết chủ lực trong nhóm Diễn Đàn bên Pháp. Mới tuần trước (27/10) khi nghe tin website Tia Sáng bị đóng cửa, anh còn email hỏi tôi có tin tức gì chia sẻ với anh ấy, vì anh cũng là một cộng tác viên thân thiết cho Tia Sáng. Sự ra đi đột ngột của anh làm cho nhiều anh chị em quen biết anh đều ngỡ ngàng và rất thương tiếc.

Anh Tới là người sinh ra ở Hà Nội, nhưng sang Pháp du học từ năm 15 tuổi. Anh tốt nghiệp ngành kiến trúc thuộc Trường cao đẳng mĩ thuật Paris năm 1964. Trong thời gian làm việc như là một kiến trúc sư, anh còn tham gia các phong trào Việt kiều đấu tranh chống chiến tranh ở Việt Nam, và viết báo. Theo Diễn Đàn, anh từng viết cho báo Tìm Hiểu, Liên Hiệp, Trí Thức, Đoàn Kết, và sau này là một trong những người sáng lập báo Diễn Đàn ở Paris. Anh viết nhiều bài bình luận về nghệ thuật, kiến trúc, và hội họa rất hay. Năm 2004, anh cho xuất bản cuốn Đi trong thế giới hội họa và gửi tôi một cuốn làm kỉ niệm. Lúc đó chúng tôi chưa gặp nhau ngoài đời mà chỉ qua email thôi. Vốn ái mộ anh từ lâu, tôi đọc một mạch cuốn sách và có viết bài điểm sách (bản ngắn đăng trên Tuổi Trẻ).

Như tôi nói, tôi có cơ duyên quen biết anh qua email cũng gần chục năm nay. Năm 2005, trong chuyến đi công tác bên Ý, tôi có dịp tạt qua Paris ghé thăm bạn bè và các anh chị trong Diễn Đàn. Hôm đó, chúng tôi kéo nhau ra một quán ăn mà người Việt mình ở đó gọi là “Quán Cụ Hồ” vì có treo ảnh của ông cụ (và tôi có chụp một tấm dưới bức ảnh đó). Đó là lần đầu tiên tôi biết mặt anh Tới và chị Uyên (phu nhân anh, xem hình). Lần đầu tiên gặp anh tôi thấy mến ngay. Đó là một người thuộc thế hệ đàn anh rất rất Hà Nội (Hà Nội thời xưa, chứ không phải Hà Nội thời nay): lịch sự, nhẹ nhàng, và tinh tế. Nói chung đó là một con người với phong cách rất nho nhã. Tôi có cảm giác câu nói nào hay một câu văn nào (ngay cả trong emai) của anh cũng đều có suy nghĩ cẩn thận, đều có một ý nghĩa đáng suy nghĩ. Do đó, anh được lòng mọi người. Ai cũng mến anh. Có thể nói không ngoa rằng trong có những khi cái tính Nam kì sôi nổi của tôi trỗi dậy, tôi nhớ đến cách hành xử của anh Tới và thấy mình như trầm tĩnh hơn. Cách viết, cách suy nghĩ, và cách hành xử của anh là một bài học ở đời đối với tôi.


Hình chụp ở Paris vào ngày 25/1/2005 tại “Quán Cụ Hồ”. Người ngồi phía sau tôi là anh Hà Dương Tuấn (cũng là một cây viết rất hay của Diễn Đàn). Phía phải (từ trong ra ngoài) là Bs Vũ Ngọc Quỳnh, anh Phạm Ngọc Tới và chị Uyên.



Nay thì anh đã đột ngột ra đi! Tôi chỉ muốn mượn entry này để có vài dòng tưởng nhớ đến một người đàn anh mà tôi rất kính trọng. Xin thành thật chia buồn cùng chị Uyên và gia đình.

NVT



====




Đi trong thế giới hội họa (*) của Văn Ngọc

Nguyễn Văn Tuấn

Có nhiều người cho rằng người Việt là một dân tộc thơ. Có nhiều cơ sở để biện minh cho nhận xét này, kể cả một sự thật đơn giản là bất cứ người Việt nào cũng thuộc lòng dăm ba bài thơ, cũng có thể làm một bài thơ không mấy khó khăn, hay ngay cả có thể ứng khẩu bằng thơ. Thế nhưng, khi đến với hội họa, phần lớn người Việt chúng ta đều … có vấn đề. Trong khi hầu như bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng bình luận về cái hay, cái đẹp của một vần thơ, nhưng khi đứng trước một tác phẩm hội họa, hay ngay cả trước một bức tranh dân gian, chúng ta đôi khi không phân tích được cái đẹp, không lí giải được cái “thần”, thậm chí không hiểu nội dung và ý nghĩa của tác phẩm là gì. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nghèo nàn này, theo tôi, là sự thiếu thốn về giáo dục thẩm mĩ trong nhà trường phổ thông, và nhất là thiếu những sách về chủ đề này. Nhưng sự thiếu thốn này vừa mới được bù đắp bằng cuốn Đi trong thế giới hội họa của Văn Ngọc vừa do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.



Đi trong thế giới hội họa không phải là sách giáo khoa, cũng không phải là một công trình phê bình hội họa, mà là tập hợp 23 bài viết về các khía cạnh phân tích và lí luận của nghệ thuật. Phần lớn những bài viết này đã được đăng rải rác trên một số tạp chí trong và ngoài nước từ khoảng 10 năm qua. Theo tôi, cuốn sách còn thể hiện cái nhìn thế giới của tác giả về những thời đại hội họa và nghệ thuật được xây dựng trên toàn cục dữ kiện đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây và Đông phương. Do đó, cuốn sách rất thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu về hội họa và những mô hình thẩm mĩ của ứng xử tạo hình, được gói ghém và bộc lộ ở dạng biểu trưng.

Như tựa đề ngụ ý hứa hẹn, qua 23 bài viết, tác giả dẫn dắt người đọc đi suốt hành trình hội họa từ cổ chí kim. Và, sau khi qua cuộc hành trình chữ nghĩa này, người đọc sẽ thu nhận một số kiến thức căn bản về giáo dục thẩm mĩ để có thể thẩm định và phân tích cái đẹp trong hội họa. Sau khi điểm qua các vấn đề chung (như thời điểm khởi nguyên của hội họa, các vấn đề lí luận nghệ thuật và ý niệm thẩm mĩ, các khía cạnh màu sắc, nhịp điệu và ngôn ngữ tạo hình, v.v…), tác giả bàn qua những thể loại, trường phái hội họa Tây phương và hội họa dân gian Đông phương, kể cả hội họa truyền thống ở Việt Nam, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, và Úc (thổ dân). Qua 6 chương liền, bạn đọc sẽ được “dừng chân” để xem qua quá trình phát triển hội họa của Việt Nam từ tranh dân gian đến hội họa hiện đại chịu ảnh hưởng Tây phương.

Hội họa có một lịch sử lâu đời. Nói đến cái thời điểm khởi sinh của hội họa, chúng ta thường nghĩ nó được ra đời cách đây khoảng 17.000 năm ở Lascaux, vì giới khảo cổ học từng cho chúng ta biết như thế. Thế nhưng, qua Đi trong thế giới hội họa, chúng ta phải xét lại nhận thức đó, bởi vì một phát hiện mới đây cho thấy cội nguồn của hội họa được bắt đầu từ hang động Chauvet (gần Port-d’Arc Ardèche) vào khoảng 32.000 năm về trước. Không thấy tác giả bàn về cội nguồn hội họa Việt Nam trong sách. Tuy nhiên, phát hiện ở Chauvet cho thấy hội họa tại đây có niên đại cao hơn nhiều so với những hình người trên vách đá tìm thấy ở hang Đồng Nội (Hòa Bình) cách đây khoảng 12.000 năm vẫn được xem là thời điểm đầu tiên trong hội họa Đông Nam Á và nước ta.

Bàn về hội họa tất nhiên phải bàn đến cái đẹp. Bạn đọc sẽ không thất vọng với cuốn sách này, vì tác giả bỏ ra khá nhiều trang giấy để phân tích thế nào là đẹp trong hội họa. Tác giả trích dẫn một câu nói nổi tiếng của Kant, “Cái đẹp không có qui luật, một khi nó đã có những tiêu chuẩn qui định nó một cách rõ ràng rồi, thì không còn cái đẹp nữa” (trang 49). Nhưng trong thực tế, cái đẹp – dù không có một qui định cụ thể nào, dù không được cân đo đong đếm bằng khoa học – cũng có những ước lệ chung chung. Những ước lệ này thường dựa trên những hình khối cân đối, những cái mà tác giả gọi là thức, là nhịp điệu trong tạo hình, là nội dung. Tác giả cho biết theo quan niệm cổ điển, “Cái đẹp không chỉ nằm trong hình thức, mà nằm ngay trong cái nội dung thật có tính chuẩn mực, hoặc tính chất đạo lí, hay triết lí” (trang 53). Câu nói này làm tôi nhớ đến câu nói danh tiếng của Anatole France trong La Vie Littéraire, “Không có sự thật, mà chỉ có cái đẹp,” hay John Keats trong Ode on a Grecian Urn, “Cái đẹp là sự thật.” Nhưng vấn đề còn rắc rối hơn nữa: cái đẹp còn tùy theo trường phái hội họa. Chẳng hạn như trường phái Trừu trượng nhìn cái đẹp trực tiếp, những diễn đạt nó bằng một ngôn ngữ trừu tượng. Như vậy cái đẹp còn là một hàm số của lí thuyết nghệ thuật nữa. Tác giả tóm tắt ý này một cách súc tích: “Cái đẹp không phải là cái đẹp (hay cái xấu) nằm ở trong bản thân khuôn mặt thật, hay quả táo thật, được lấy làm mẫu, mà nằm trong cách nhìn nó và thể hiện nó lên tranh của người họa sĩ, với một quan niệm nghệ thuật nhất định” (trang 56).

Tiếp theo 2 bài bàn về các khía cạnh lí luận hội họa và mĩ thuật, tác giả đi vào chi tiết về màu sắc và nhịp điệu trong hội họa (2 bài), và dành ra 3 bài viết về trường phái lập thể, hiện thực và trừu tượng. Tiêu biểu cho trường phái lập thể là Picasso và Cézanne, hai người cho rằng một tác phẩm hội họa không chỉ phản ánh những gì con người thật sự thấy được chứ không phải những gì con người tin là mình đã thấy như thế. Quan niệm về thẩm mĩ của trường phái này, nói như Picasso, là cái đẹp và sự thật hoàn toàn đều do con người sáng tạo ra, chứ không hẳn phải có trong thiên nhiên. Những người theo trường phái hiện thực, như tên gọi ám chỉ, cho rằng hội họa có mục đích nhận thức và diễn đạt hiện thực, lấy ý tưởng chân, thiện, mĩ của Plato làm nguyên lí chỉ đạo. Còn trường phái trừu tượng? Nói theo Kandinsky, qua lời kể của tác giả, cái đẹp có thể tồn tại độc lập với đối tượng, và độc lập với nội dung hiện thực của bức tranh.

Những bài viết về hội họa Việt Nam trong sách, theo tôi, là một phần rất lí thú và bổ ích cho những ai muốn có một cái nhìn tổng quát về quá trình phát triển của hội họa Việt Nam. Chúng ta được biết Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông dương do người Pháp lập ra ở Hà Nội lúc đầu không có mục đích đào tạo nghệ sĩ mà chỉ huấn luyện và cung cấp “những ông thầy dạy vẽ cho các trường học và trường dạy nghề trang trí”, và “đào tạo những nghệ nhân, nhằm đẩy mạnh một số ngành mĩ nghệ nhà nước bảo hộ cần khai thác”. Nhưng những họa sĩ được đào tạo trong các khóa đầu tiên từ trường này đã nhanh chóng biến nó thành một trung tâm đào tạo nghệ sĩ đích thực (tức tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật) dù họ rất thiếu thốn thông tin và giao lưu văn hóa, thiếu căn bản lí thuyết thẩm mĩ, và có khi lẫn lộn nghệ thuật với chính trị. Tô Ngọc Vân, người được tác giả xem là con chim đầu đàn của hội họa Việt Nam hiện đại, từng tuyên bố một câu hơi mơ hồ nhưng có lí rằng, “Chúng ta đồng tình với những bậc tiền bối danh sư của hội họa cổ điển, đem nghệ thuật mà phục vụ một Đạo. Nhưng cái đạo của chúng ta là đạo làm một người của nhân dân” (trang 134). Viết về các tác phẩm hội họa trong thời kì này tác giả đưa ra một nhận xét mà tôi thấy rất tâm đắc: “Cái đẹp là cái đẹp bình dị của những bố cục tĩnh. Cái không khí toát ra từ những bức tranh là một không khí tĩnh lặng, thời gian như động lại, khiến người xem có một cảm giác êm đềm, đôi khi bồi hồi, xúc động” (trang 142).

Những trang sách viết về tranh dân gian Việt Nam (chủ yếu là tranh làng Đông Hồ và tranh Hàng Trống) cũng rất đáng trân trọng và thú vị, vì nó cho người đọc một cái nhìn hiện đại về những bức tranh truyền thống đó. Cá nhân tôi, đây là lần đầu được tiếp cận với những giá trị nghệ thuật của những bức tranh mà tôi cứ nghĩ là “tranh quê”, những bức tranh với nội dung mộc mạc (như gà, lợn) và thiếu sự hoành tráng. Nhưng nay qua sự phân tích của tác giả, tôi mới nhận ra rằng các tranh Đông Hồ mang tính chất “kí hiệu”, và về cơ bản có phần tĩnh, trong khi đó tranh tranh Hàng Trống có bố cục năng động hơn và gần với quan niệm hiện đại về nhịp điệu hơn. Tranh Tết, với những nhịp điệu sinh động và những nét vẽ uyển chuyển có thần cũng “thể hiện một quan niệm thẩm mĩ rất cổ truyền nhưng cũng rất trùng hợp với những quan niệm thẩm mĩ hiện đại” (trang 169). Tranh thờ cúng Việt Nam, theo tác giả, “xứng đáng là một trong những truyền thống tranh cổ của nhân loại” (trang 183). Theo tác giả, “Bức tranh Ngũ hổ là một bức tranh dân gian hoàn chỉnh nhất, mang nhiều nhân tố thẩm mĩ gần gũi nhất với những quan niệm thẩm mĩ hiện đại nhất” (trang 193).

Bình luận về màu sắc trong tranh gà tranh lợn, học giả Lê Văn Hòe nhận xét từ thập niên 1950s như sau: “Tranh gà tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiêu đời người rồi. Những màu sắc ấy in sâu vào tâm não nông dân, hết thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc rồi. Những màu sắc xanh đỏ chói rực của tranh Tàu, tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc mạc, quen thuộc như những màu xanh, đỡ thô kệch, điềm đạm thật thà của tranh lợn, tranh gà.” (trang 164).

Bàn về sự phát triển của tranh dân gian, tác giả tỏ ý ưu tư trước một thực tế là các tranh này không có tác giả. Và sự khuyết danh này là một hàng rào cản trở không cho tranh dân gian Việt Nam phát triển lên được, không vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để hòa nhập vào hội họa thế giới. Cũng là một điều rất đáng quan tâm. Có lẽ đây là cơ hội cho các nhà kinh doanh trẻ nước ta động não để phát triển tranh dân gian, như giới thương gia Nhật Bản đã từng làm cho tranh dân gian Nhật vào thế kỉ qua.

Các trang sách viết về hội họa dân gian Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Tạng, và thổ dân Úc chủ yếu là những khái quát để bạn đọc có thể so sánh và tìm mối liên hệ với hội họa Việt Nam, chứ không có ý định làm một công trình phê bình hay điểm tranh. Nhưng một số thông tin trong các bài viết này cũng rất thú vị. Chẳng hạn như tác giả phát hiện trong một cuốn sách đồ sộ về hội họa dân gian Trung Quốc (viết bằng tiếng Anh), một giáo sư Trung Quốc đưa hai bức tranh Tết của Việt Nam (tranh Đông Hồ Lợn Độc và Cá chép trông trăng) và cho rằng đây là tranh đời Nhà Thanh của một dân tộc thiểu số ở Quảng Tây và Giang Liễu Thanh! Chẳng những ông giáo sư này không đưa ra một chứng cớ nào để phát biểu như thế, ông còn đề chú thích bên dưới tranh là “A Hanoi reproduction” (Một bản sao ở Hà Nội)!

Nhưng điểm mạnh của cuốn sách là tác giả dẫn dắt người đọc đi suốt chiều dài lịch sử hội họa Đông Tây và cung cấp nhiều thông tin thú vị. Nhưng với mục đích “đi trong thế giới”, cho nên tác giả không có dịp dứng lại để bàn sâu và các chi tiết hàn lâm về những chủ để hội họa. Bù vào đó, văn phong của tác giả rất trong sáng, khúc chiết, và thảnh thơi; nên người đọc có cảm giác như cùng đi dạo một vòng lịch sử với một người có tuổi trầm tỉnh và kiến thức sâu rộng. Điều này chắc phải đúng thôi, vì tác giả ở vào tuổi “thất thập cổ lai hi”, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mĩ thuật Paris năm 1964, và hành nghề kiến trúc sư ở Pháp suốt 38 năm trời. Tác giả, dĩ nhiên, còn là một trong những cây bút chủ lực của báo Diễn Đàn (Paris), từng cống hiến cho bạn đọc rất nhiều bài viết về hội họa và văn hóa, với những nhận xét sắc bén và súc tích. Tôi phải thú nhận một “mâu thuẫn quyền lợi” ở đây: tôi là một fan của Văn Ngọc trên Diễn Đàn.

Trong đoạn cuối của cuốn sách tác giả ưu tư trước sự lan tràn của các phim hoạt họa Tây phương và trò chơi vi tính, với những hình ảnh hỗn tạp, lố lăng, và đầy tính bạo động được các phương tiện truyền thông đại chúng truyền đi có thể ảnh hưởng đến nhận thức về cái đẹp trong giới trẻ, nhất là giới trẻ ở nước ta. Trong bối cảnh như thế, cộng với tình trạng thiếu thốn sách vở về hội họa cũng như sự nghèo nàn về giáo dục thẩm mĩ ở nước ta, tôi nghĩ Đi trong thế giới hội họa của Văn ngọc là một đóng góp tích cực và có ý nghĩa. Cuốn sách rất đáng có mặt trong tủ sách của mọi gia đình nào còn quan tâm đến cái đẹp và muốn tái khám phá cái đẹp trong di sản hội họa dân tộc Việt Nam.

(*) Đi trong thế giới hội họa của Văn Ngọc, Nhà xuất bản Trẻ và Tạp chí Tia Sáng ấn hành, 2004. Sách dày 295 trang, kể cả Lời giới thiệu. Giá bán: 30.000 đồng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét