Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Hội chứng “ái tử thi” qua vài trường hợp trên thế giới

Câu chuyện người đàn ông tên Vân giữ thi thể vợ trong thạch cao cũng làm hao tốn giấy mực báo chí và thu hút sự chú ý của công chúng. Sự tò mò của công chúng thì có thể hiểu được, vì hành động của ông Vân quả là lạ lùng và rất có thể ông mắc bệnh tâm lí ái tử thi như tôi nghi lúc đầu khi đọc qua bản tin. Hôm nay đọc tin này còn “khiếp” hơn nữa. Như để chứng minh rằng thi thể trong thạch cao là vợ ông, ông còn mời nhà báo đến xem ông làm một ca phẫu thuật.

Nhưng điều khó hiểu là thái độ của chính quyền địa phương có vẻ không chịu giải quyết dứt khoát. Phát biểu trên báo Pháp Luật TPHCM, một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Xã hội TP.HCM nói rằng “xét về khía cạnh văn hóa, việc làm của ông ta cũng không có gì đáng phê phán vì về bản chất, việc lấy hài cốt người chết cho vào ruột tượng thạch cao lưu giữ trong phòng ngủ cũng giống như thiêu hài cốt lấy tro để trên bàn thờ vì không gây ô nhiễm đến xung quanh.” Tôi nghĩ khác. Tro khác với thi thể, nhất là ở đây ông lại ngủ chung với thi thể suốt 7 năm trời. Đứng trên phương diện sinh học, khó mà nói rằng giữ thi thể như thế mà không gây ô nhiễm. Tôi nghĩ chính quyền và thân nhân phía bên vợ ông nên yêu cầu ông an táng thi thể đàng hoàng. Việc giữ xác trong nhà như thế chẳng những không đúng với thuần phong mĩ tục Việt Nam, mà còn vi phạm luật vệ sinh môi trường.

Không biết luật pháp ở Việt Nam về tử thi ra sao, nhưng tôi đọc báo thấy ở Pháp người ta có luật rõ ràng rằng người chết phải được chôn cất hay hỏa thiêu. Năm 2000, tòa án Pháp bác bỏ đơn của hai anh em người gốc Ấn Độ xin được giữ thi thể của mẹ trong tủ lạnh dưới tầng hầm của nhà.

Trường hợp ở Anh

Chuyện [hay “hiện tượng”] giữ thi thể người thân trong nhà không chỉ xảy ra ở Việt Nam qua trường hợp của ông Vân. Trong tuần qua, ngày 25/11/2009, ở Anh, người ta phát hiện một bà bác sĩ giữ thi thể của mẹ bà suốt 29 năm liền trong … tủ lạnh. Tuy nhiên, trường hợp hi hữu này không dính dáng gì đến bệnh tâm thần, mà chỉ đơn giản là … sợ mất mặt. Bà bác sĩ giữ bí mật này cho đến ngày bà qua đời vào tháng 5 năm 2009, và để lại một “di chúc” giải thích tại sao bà làm như thế. Vì nghĩ mẹ mình di dân bất hợp pháp nên khi mẹ bị bệnh và qua đời năm 1980, hai chị em bà bèn đem xác mẹ gói trong bọc cao su và để trong tủ lạnh cho đến nay. Bà làm như vậy vì sợ nếu báo cho các giới chức thì bà xấu hổ vì mang tiếng là bác sĩ mà có mẹ ở bất hợp pháp! Tuy nhiên, mẹ bà ở Anh hoàn toàn hợp pháp.

Ngược dòng lịch sử

Những trường hợp quan hệ tình ái sau khi chết có thể truy tìm từ trước thời Thánh Kinh ra đời. Nhưng trường hợp nổi tiếng nhất có lẽ là trường hợp vua Herod (sống vào thời 4-74 trước CN). Herod nổi tiếng là một người ham vui, nhưng còn nổi tiếng là một bạo chúa, sẵn sàng giết bất cứ ai dám đe dọa đến ông. Trong những nạn nhân bị Herod giết, có một người không đe dọa ông nhưng là người tình, và ông hạ tay giết chỉ vì lí do ghen tuông. Người đó chính là vợ ông, nguyên là công chúa, tên là Mariamne. Nhưng ông giữ thi thể vợ trong suốt 7 năm liền và tiếp tục quan hệ tình dục với tử thi. Đó là chuyện huyền thoại, vì không ai biết ông giữ thi thể thế nào trong 7 năm liền!?

Một trường hợp nổi tiếng về ái tử thi khác là Ngài [Sir] John Price ở Anh. Sau khi người vợ đầu của ông qua đời, ông tái giá. Nhưng thi thể người vợ quá cố được ông ướp và giữ cùng một giường với người vợ mới. Sau khi người vợ thứ hai qua đời, ông cũng ướp xác và giữ thi thể bà trong cùng một giường. Đến bà vợ thứ ba thì bà này không chấp nhận thói quen dị hợm đó, nhưng ông vẫn ngủ với hai thi thể kia cho đến ngày ông qua đời.

Một nhân vật cũng mắc chứng ái tử thi là Bá tước De Sade. Ông này còn mắc bệnh ác dâm (sadism, danh từ này lấy từ tên của ông). Trong sách của ông, Sade thường đề cập đến những hành động ái tử thi, như tạc tượng có lỗ giống như một vết thương để thỏa mãn thú ác dâm của ông.

Phần lớn những người ái tử thi không giết người bạn tình của mình, nhưng chỉ đào mồ và lấy tử thi đem về nhà. Một người ái tử thi khi bị bắt nói với cảnh sát biết rằng ông ta không thể làm bạn với một người phụ nữ sống, nên ông phải tìm đến xác chết vì xác chết không kháng cự!

Và trường hợp bác sĩ Carl van Cassel

Một trong những trường hợp ái tử thi nổi tiếng được mô tả trong chương trình “Giảo nghiệm tử thi” (autopsy) của đài truyền hình HBO vài tháng trước hé lộ cho chúng ta biết về đặc điểm của ái tử thi.

Vào thập niên 1930s ở Florida, bác sĩ Carl van Cassel điều trị một bệnh nhân trẻ đẹp mắc bệnh lao tên là Maria Elena Oyoz. Bác sĩ van Cassel yêu bệnh nhân tha thiết, nhất định tìm mọi cách để cứu sống người yêu, nhưng ông thất bại và bệnh nhân qua đời. Sau khi chôn cất, bác sĩ van Cassel lập tức bốc mộ và cho đúc một khuôn mặt giống y như mặt của người yêu, với ý định giữ nét đẹp đó vĩnh viễn. Còn thi thể thì để trong một lăng, cao hơn mặt đất (nhưng vẫn ở nghĩa trang). Ông đến thăm mộ người yêu hàng ngày, nhưng sau khi thấy người chung quanh để ý đến những chuyến đi khác thường đó, ông quyết định dời thi thể về nhà, cho mặc áo cưới và đặt mặt nạ trên khuôn mặt của người quá cố. Ông còn bao bọc thi thể bằng chất sáp pha với nước hoa để giữ thịt và xương không bị tan rã.

Hết năm này sang năm khác, ông phải giữ xương gắn liền nhau bằng những cọng dây đờn piano, và hàng ngày phải dùng sáp và nước hoa mới. Ông thậm chí làm cả tóc giả để giữ cho thi thể “tự nhiên”. Nhưng mặc cho bao nhiêu nỗ lực giữ thi thể, ông không thể nào xóa được mùi hôi thối và láng giềng bắt đầu phàn nàn. Điều lạ lùng là ông vẫn viết thư tình cho người quá cố, và có lẽ bệnh hoạn nhất là ông vẫn quan hệ tình dục với đống xương được bao bọc bằng sáp và nước hoa (ông đặt một ống nơi âm hộ).

Sau này, khi gia đình Maria Elena phát hiện, họ rất giận dữ và truy tố ông bác sĩ ra tòa. Tòa án ra lệnh ông phải giao trả thi thể của Maria Elena cho gia đình để an táng ở một địa điểm bí mật. Không lâu sau khi thi thể của Maria Elena được an táng, bác sĩ van Cassel cũng qua đời, nhưng nằm bên cạnh ông trên giường là một hình tượng với kích thước như người ngoài đời của người yêu Maria. Ông chung thủy với với ông yêu đến giây phút cuối cùng của đời. Mặc dù câu chuyện ái tử thi của ông nghe thật kinh tởm, nhưng bản thân ông là một người rất bình thường, nhẹ nhàng, và dễ mến. Bác sĩ van Cassel không bao giờ có thái độ bạo động.

Trở lại trường hợp ông Vân

Điểm qua các trường hợp trên đây, có thể nói ông Vân quả thật mắc chứng ái tử thi dạng nhẹ. Cũng như bác sĩ van Cassel, ông Vân lén bốc mộ đem thi thể vợ về nhà; và cũng như John Price, ông ngủ chung với thi thể trên giường. Tuy nhiên, khác với bác sĩ van Cassel, ông Vân (theo báo chí) không có quan hệ tình dục với thi thể. Hành động của ông Vân, bác sĩ van Cassel, và John Price đều xuất phát từ tình yêu. Họ muốn thể hiện tình yêu cao đẹp của họ, nhưng cách họ thể hiện chẳng những không phù hợp với qui ước xã hội mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường và có hại đến sức khỏe của chính họ. Tôi nghĩ chính quyền địa phương cần phải giải thích cho ông Vân biết rằng việc làm của ông không phù hợp với văn hóa vệ sinh, và gia đình cần phải an táng cho người quá cố. Nếu Việt Nam chưa có luật về vấn đề này, đây cũng là cơ hội để Việt Nam có luật về an táng.

NVT

Tham khảo: trường hợp của Bs Carl von Cassel được mô tả trong cuốn sách "The corpse: a history" của Christine Quigley, Nxb Mcfarland & Co, North Carolina 1996, trang 300.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét