Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Khi tòa án chịu sự chi phối của Đảng và Nhà nước

Tôi chẳng quen biết gì bà Ba Sương, nhưng vì mấy ngày qua đọc những bản tin bức xúc về vụ án mà Bà đang đối đầu, tôi cũng có vài suy nghĩ về sự độc lập giữa tòa án và hệ thống hành pháp, lập pháp. Có lẽ chuyện này nói ra thì ai cũng biết, nhưng những sự kiện xảy ra liên quan đến vụ án là một ca tiêu biểu cho tình trạng nhập nhằng trong hệ thống luật pháp ở nước ta.

Bà Ba Sương bị Tòa án Cần Thơ tuyên án phạt 8 năm tù giam vì “lập quĩ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu (NTSH). Dư luận bức xúc về bản án. Hàng trăm người dân xin được ở tù thay cho bà. Cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói thẳng đây là một bản án bất công. Trưởng Ban Dân vận trung ương Hà Thị Khiết cũng nói thẳng “Không nên bỏ tù bà Ba Sương”. Còn nhiều nhiều người có cùng ý kiến. Báo chí không ngớt phản ảnh những khuất tất đằng sau vụ án. Nhưng hình như những quan chức ở TP Cần Thơ chẳng quan tâm. Thật ra, họ có vẻ thách thức dư luận, như hai đại biểu Quốc hội thản nhiên tuyên bố: “Cần Thơ sẽ xem xét có sót tội bà Ba Sương không”, và có người đề nghị điều tra xem có ai xúi dục hàng trăm người đòi ở tù thay cho bà Ba Sương!

Nếu dư luận là nhiệt kế thời sự, thì vụ án này quả là một chuyện thời sự mà ai cũng phải quan tâm. Quan tâm là vì qua sự vụ này ai cũng thấy cái ranh giới giữa anh hùng có công đầy mình và phạm nhân rất mong manh. Năm nào, bà Ba Sương là lãnh đạo của NTSH, được bầu làm “Anh hùng lao động thời đổi mới”, là doanh nhân xuất sắc vùng Đông Nam Á, từng đón tiếp và chụp hình chung với các tổng bí thư Đảng, thủ tướng chính phủ, thậm chí với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà nay bà phải đứng trước vành móng ngựa trong tâm trạng u uất và điều kiện đau ốm thể xác. Người ta quan tâm là tại sao và cơ chế nào đã biến một con người anh hùng thành một phạm nhân như thế?

Qua câu chuyện chung quanh vụ án, ai cũng có thể thấy một điều hiển nhiên nhưng bất thường: đó là cơ quan hành pháp và tòa án ở nước ta không độc lập nhau. Trong khi Bí thư Thành ủy Cần Thơ tuyên bố rằng “Thành ủy chưa có ý kiến gì” về vụ án, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại với những lời ông nói. Như bài này mổ xẻ việc Thành ủy Cần Thơ đứng đằng sau vụ án như thế nào. Nói tóm lại, cơ quan Đảng của Thành phố trực tiếp chỉ đạo cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án. Việc này có đúng chức năng? Rõ ràng là không, bởi vì Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Không một cấp ủy nào đi chỉ đạo vào tội danh cụ thể như vậy. Đảng không bao giờ chỉ đạo cụ thể về tội danh. Đó là thẩm quyền của cơ quan tố tụng.” Nhưng Thành ủy Cần Thơ đã can thiệp vào vụ án. Như vậy thì làm sao người dân có thể tin vào tính khách quan của bản án phạt mà Tòa án Cần Thơ tuyên bố.

Ở nước ngoài, tôi chẳng thấy cơ quan nào đứng trên pháp luật và tòa án. Mặc dù chánh án thường được thủ tướng hay tổng thống bổ nhiệm, nhưng quyền hành của chánh án thì hoàn toàn độc lập với Nhà nước và cơ quan tố tụng. Chúng ta đã thấy Tổng thống Clinton bị đưa ra tòa như thế nào. Đảng Dân chủ của ông Clinton hoàn toàn không có vai trò chỉ đạo gì trong vụ án Clinton – Lewinsky. Nếu ai đó trong Đảng Dân chủ dám gợi ý gì cho tòa án, thì chắc chắn người đó cũng sẽ bị ra tòa và thậm chí ngồi tù như bỡn. Với một hệ thống độc lập giữa tòa án và cơ quan lập pháp, hành pháp, người dân mới an tâm với bản án của tòa án tuyên phạt. Nếu có sự nhập nhằng giữa Đảng, Nhà nước, và tòa án thì ai dám tin vào sự công minh của tòa án.

Nhưng ở Việt Nam, cái khó là tất cả đều liên quan nhau. Chắc chắn các vị chủ tịch tỉnh, những người đứng đầu cơ quan điều tra, tố tụng, v.v… cũng là đảng viên. Rất có thể chánh án là đảng viên. Ai cũng biết ở nước ta, Đảng có vai trò lãnh đạo; cho nên việc các chủ tịch hay cán bộ công quyền là đảng viên thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng nếu Đảng ủy chi phối đến việc làm của cơ quan tố tụng và tòa án thì có lẽ là điều bất bình thường cần phải xem lại.

Quay lại bản án của bà Ba Sương. Bà bị tố tụng vì tội “lập quĩ trái phép”. Nhưng nếu việc làm của bà là trái phép thì có lẽ Bộ Ngoại giao cũng … trái phép. Bằng chứng là “Bộ Ngoại giao lập quỹ ngoài ngân sách gần 16 triệu USD”. Cũng như NTSH, “Quĩ trái phép” của Bộ Ngoại giao ra đời vào những năm trong thập niên 1980s. Cũng như Bộ Ngoại giao, bà Ba Sương không lấy một xu nào từ quĩ này, mà chỉ dùng nó giúp đỡ nông dân. Ấy thế mà bà Ba Sương bị phạt!

Nhưng có lẽ vấn đề không phải là "lập quĩ trái phép", bởi vì thời đó thì doanh nghiệp nào cũng có quĩ như thế. Vài thông tin gần đây cho thấy động cơ của vụ án có thể là chuyện đất đai. Ông Dương Trung Quốc viết rằng nhiều động thái và mâu thuẫn xã hội đều có yếu tố đất đai. Lại có tin chính quyền Cần Thơ muốn lấy đất từ NTSH để biến thành khu đô thị hay làm phi trường, cả hai ý tưởng đều được xem là ... điên rồ.

Tuy nhiên, dù là động cơ gì, thì tình trạng tòa án lệ thuộc vào cơ quan công quyền và Đảng vẫn làm cho người dân đặt dấu hỏi về sự công minh trong các án phạt của tòa.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét