Thời gian đi công tác xa đối với tôi luôn luôn là thời gian gian lí tưởng chẳng những để suy nghiệm những dự án đã làm và ý tưởng cho tương lai gần, nhưng còn là thời gian đọc báo. Thật vậy, ngồi trên máy bay cả chục giờ đồng hồ, làm việc trên máy tính, mệt mỏi, rồi quay sang đọc báo.
Trong chuyến đi Nhật vừa qua tôi vớ được một bản tin thú vị trên tạp chí Asia Geographic về loại đũa đắt nhất thế giới. Theo tạp chí này thì công ti Louis Vuitton (một công ti chuyên sản xuất đồ trang sức thời trang hạng “upmarket”) mới giới thiệu một sản phẩm mới không nằm trong loại hàng mà công ti nổi tiếng: đũa. Đó là đôi đũa có tên là “Monogram VIP Chopsticks”, làm bằng gỗ hồng (rosewood). Theo quảng cáo thì đũa được làm bằng tay, đơn giản theo phong cách LV nhưng được chạm trổ tinh vi. Hai đôi đũa và hộp đựng trị giá … 450 USD. Vâng, bạn không lầm đâu, không phải 45 USD, mà là bốn trăm năm chục đô-la Mĩ.
Đũa có một lịch sử lâu đời và phong phú. Theo tài liệu khảo cổ thì đũa được dùng từ những ~3000 năm trước đây ở Trung Quốc. Đôi đũa có “tuổi đời già nhất” làm bằng đồng được phát hiện ở houjiazhuang, Anyang, tỉnh Henan có niên đại 1200 năm trước Công nguyên. Đũa, tiếng Trung Hoa, gọi là kuai-zi (có nghĩa là người bạn nhỏ). Đến khoảng 2500 năm trước, thói quen dùng đũa lan truyền sang các nước lân cận như Việt Nam, Triều Tiên, và Nhật.
Đũa được làm bằng nhiều vật liệu. Tre là vật liệu thông dụng để làm đũa như chúng ta biết, nhưng các loại gỗ quí như gỗ mun, cẩm lai, trắc, v.v… cũng là vật liệu lí tưởng để làm đũa sang trọng hơn. Thời xưa, giới quí tộc còn làm đũa bằng ngọc, vàng, bạc, đồng, thậm chí ngà voi. Thời xưa, người ta còn nghĩ đến đũa bạc để phòng chống ngộ độc, bởi vì người ta cho rằng đũa làm bằng bạc sẽ biến thành màu đen khi nó tiếp xúc với một độc chất trong thức ăn. Nhưng ngày nay chúng ta biết rằng bạc không phản ứng khi tiếp xúc với arsenic hay cyanide, nhưng nếu phơi nhiễm trứng thối, hành, hay tỏi thì đũa bạc có thể đổi màu vì hydrogen sulfide.
Tại sao chúng ta dùng đũa mà không dùng dao để gắp thức ăn? Theo cách giải thích của giới văn hóa học thì triết lí dùng đũa trong bữa ăn xuất phát từ Khổng Tử. Khổng Tử là một người ăn chay trường, ông chủ trương sống gần và hòa ợp với thiên nhiên. Ông khuyên công chúng không nên dùng dao trên bàn ăn, bởi vì dao là một công cụ có tính cách dã man, nó làm cho chúng ta nhớ đến việc sát sinh. Do đó, ông khuyên công chúng nên dùng đũa. Một giải thích khác là ở các nước có nền văn minh nông nghiệp, bữa ăn thường có nhiều rau và cá hơn là thịt, nên đũa là công cụ lí tưởng hơn là dao. Đũa, do đó, là một vật phẩm mang tính văn hóa nông nghiệp. Và, nếu đũa xuất phát từ văn hóa nông nghiệp, thì Trung Quốc (thời xưa thuộc vào nhóm văn hóa du mục) có thể không phải là nước sử dụng đũa đầu tiên, mà rất có thể Đông Nam Á mới là nơi sử dụng đũa đầu tiên trên thế giới vì Đông Nam Á là trung tâm nông nghiệp. Nhưng đó vẫn chỉ là giả thuyết, chứ chưa có bằng chứng nào nói như thế.
Ở trên, tôi nói đôi đũa của hãng Louis Vuitton là đắt nhất thế giới, nhưng điều này chưa chắc đúng, vì trong quá khứ người ta đã dùng ngà voi và ngọc làm đũa thì câu chuyện đôi đũa 450 USD chỉ là … chuyện nhỏ! Nhưng dù sao đi nữa, cái giá 450 USD nó cũng nói lên rằng chúng ta cần phải trân quí những vật dụng tưởng rằng tầm thường nhất nhưng có ý nghĩa về nguồn cội văn hóa nhất. Vậy khi ngồi vào bàn ăn, cầm đôi đũa, chúng ta nên tưởng nhớ đến và cám ơn tiền nhân đã sáng tạo ra một vật dụng có ý nghĩa lớn.
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét