Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Về "Concept Paper" của Học viện Ngoại giao

Hôm cuối tuần, tôi có vài nhận xét ngắn về tiếng Anh trong cái “Concept Paper” của Học viện Ngoại giao Việt Nam, dựa trên một đoạn văn ngắn trong blog của Đinh Tấn Lực. Hôm nay, một bạn đọc giới thiệu toàn văn của cái paper đó cũng trên blog của ĐTL. Tôi lại tò mò đọc qua, và “phát hiện” vài điều thú vị. Trong entry này, tôi sẽ tóm tắt vài nhận xét chính như sau:

Thứ nhất, thiếu ý tưởng. Thật vậy, cái gọi là bài báo về khái niệm (concept paper) này chỉ vỏn vẹn có 2 trang, và thiếu ý tưởng. Viết một bài báo khoa học mang tính khái niệm mà chỉ 2 trang giấy thì đó là dấu hiệu cho thấy hoặc là tác giả rất “cao thủ” trong viết văn (vì phải là người giỏi viết văn mới có khả năng diễn tả những khái niệm cao siêu một cách ngắn gọn), hoặc là tác giả không có ý tưởng gì đáng kể để phát biểu. Tôi nghiêng về cách giải thích thứ hai hơn. Đoạn văn đầu nói về những phát triển trong vùng Biển Đông phù hợp với xu hướng hợp tác trong vùng, nhưng tác giả không cho biết đó là những phát triển gì. Tuy đoạn thứ nhất hàm ý cho rằng những phát triển trong quá khứ là ok, nhưng đoạn thứ hai thì nói là các nước trong vùng đã có những nỗ lực để đem lại ổn định tình hình, nhưng chẳng biết tình hình gì! Thật ra đoạn thứ 2 này không có thông tin. Đoạn văn thứ 3 nói về sự khát khao (tác giả dùng động từ “desire”) về hợp tác và giải pháp cho những tranh chấp, nhưng không thấy nói tranh chấp gì trước đó cả. Đây là đoạn văn mang tính khẩu hiệu, chứ cũng chẳng có ý nghĩa gì đáng ghi nhận. Đoạn văn thứ 4 liệt kê một số hội thảo trong quá khứ, và hội thảo sắp đến tại Hà Nội như là một cơ hội cho các học giả trong vùng ASEAN và quốc tế, nhưng cơ hội để làm gì thì không thấy nói đến. Nói tóm lại, phần mở đầu chẳng có thông tin gì đáng ghi nhận cả.

Dấu hiệu thiếu ý tưởng còn thể hiện qua cách viết “etc” (vân vân) trong câu: “Such an endeavor has been pursued by various scholarly efforts including the South China Sea workshops series sponsored by Canadian International Development Agency and research projects such as the conference on “South China Sea: Towards A Cooperative Management Regime” held by S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University in Singapore in 2007 etc” (đáng lẽ phải có dấu phẩy trước “etc”). Khi không có ý tưởng gì rõ ràng, hay quên, hay lười biếng kiểm tra, người ta hay sử dụng “etc”. Trong khoa học, đây là điều tối kị, vì người đọc đánh giá rằng tác giả lười biếng và không xem trọng người đọc.

Thứ hai, mục tiêu rất mù mờ. Cả 3 mục tiêu như phát biểu trong phần “THE OBJECTIVES” có thể nói là rất mù mờ. Chẳng hạn như “to discuss, share and gain new insights from their researches and expertise” (thảo luận, chia sẻ, và thu thập những kiến thức chuyên sâu qua nghiên cứu), hay “to foster camaraderie among academics working on the South China Sea-related topics” (nuôi dưỡng tình đồng chí giữa các nhà khoa bảng làm việc về chủ đề Biển Đông), hay “to contribute – from scholarly point of view – to possible solutions to the dispute over the South China Sea” (đóng góp giải pháp khả dĩ cho sự tranh chấp ở Biển Đông trên quan điểm học thuật). Thú thật, đọc 3 mục tiêu này tôi chẳng hiểu tác giả nói gì cả. Thế nào là giải pháp khả dĩ trên quan điểm học thuật?

Thứ ba, cách hành văn bằng tiếng Anh có quá nhiều thiếu sót. Trong entry trước [1] tôi đã đề cập đến một số thiếu sót về văn phạm và cách hành văn, nhưng vẫn chưa đủ. Sau đây là vài sai sót khác:

(a) Sai văn phạm. Trong câu “The themes of discussion include, but not restrict to the followings” có 3 điểm sai. Điểm sai thứ nhất là dùng động từ “not restrict” không đúng (chẳng ai viết “the themes not retrict to”). Điểm sai thứ hai là không ai viết followings cả. Danh từ following có thể dùng để nói đến một nhóm đối tượng hay nhóm người, nhưng không có “s”. Điểm sai thứ 3 là thiếu dấu phẩy sau chữ “restrict to”. Câu này đáng lẽ phải viết là: “The workshop themes include, but are not restricted to, the following:”, hay “The workshop themes include, but are not limited to, the following:”, hay “The workshop will focus on, but will not be limited to, the following principal topics:” Câu sau cùng theo tôi là thích hợp nhất, vì chúng ta nói đến thì tương lai và chữ following được sử dụng rõ ràng hơn như là một tính từ.

(b) Chọn từ không thích hợp. Để minh họa cho nhận xét đó, chúng ta có thể đọc câu văn này: “Boosting greater cooperation in the South China Sea-related issues and suggesting possible solutions to the dispute – acceptable for all – therefore are desired.” Có nhiều vấn đề trong câu này. Thứ nhất, ở đây tác giả sử dụng 2 từ gerund (boosting suggesting), nhưng từ boosting có vấn đề, vì nó mang tính informal của giới báo chí, và nên nhớ rằng trong tiếng Anh kiểu Mĩ động từ boost còn có nghĩa là “ăn cắp”. Thứ hai, danh từ issues (vấn đề) mà làm qualifier cho cooperation (hợp tác) thì quả là dị kì. Có ai nói “đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông” không? “Hợp tác trong các vấn đề” nó chẳng có ý nghĩa gì cả! Thứ ba, động từ desire mà để đến cuối câu là một cách đặt từ bất bình thường. Ngay cả sử dụng động từ desire cũng là một cách chọn từ không hay, vì nó có nghĩa đòi hỏi một cái gì đó rất cấp thiết, và nó còn có nghĩa là … đòi hỏi sex nữa. Thứ tư, rất ít ai đặt trạng từ phía trước động từ to be (như kiểu … therefore are desired), mà phải đặt sau động từ đó (như are therefore desired).

Còn câu “suggesting possible solutions to the dispute – acceptable for all” lại có vài vấn đề khác. Thứ nhất là giải pháp cho tranh chấp nào mà tác giả nói là “the dispute”. Trên kia, đâu có thấy nói tranh chấp (dispute) nào đâu! Tôi chẳng thấy ai (ngoại trừ người không thạo tiếng Anh) viết là “acceptable for all” cả; nhưng tôi thấy người ta viết “acceptable to all”. Đó là chưa kể đến câu “suggesting possible solutions to the dispute – acceptable for all” đã là không chuẩn văn phạm rồi. Viết kịch thì ok, nhưng viết văn bản ngoại giao thì tôi e rằng không xem được. Có thể sửa lại, chẳng hạn như: “suggesting solutions that are practically acceptable to all disputing parties”.

Thật ra, theo tôi thấy, đoạn văn “Boosting greater cooperation in the South China Sea-related issues and suggesting possible solutions to the dispute – acceptable for all – therefore are desired” cần phải viết lại bằng cách tách biệt hai câu văn rành mạch hơn. Còn tách biệt và dùng từ như thế nào thì là một vấn đề khác.

Ngoài ra, còn một chỗ dùng từ không chính xác là câu này: “The international workshop – themed ‘South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development’”. Theme là một danh từ chứ không phải động từ. Trong vài trường hợp (rất rất hiếm), người ta dùng theme như là một động từ nhưng chỉ địa điểm, chứ không chỉ một chủ đề bao giờ.

Thật ra, còn nhiều chỗ mà cách dùng từ ngữ chưa chuẩn, nhưng khó mà đếm xuể ở đây. Chẳng hạn như lúc thì “Organizers”, lại có lúc “Co-Organizers” (mà trong thực tế có thể thay bằng cụm từ “Organizing Committee” là đủ). Hay như đoạn này “The workshop’s participants are expected to (i) discuss, share and gain new insights from their researches and expertise, (ii) to foster camaraderie among academics working on the South China Sea-related topics, and (iii) to contribute – from scholarly point of view – to possible solutions to the dispute over the South China Sea” cũng có nhiều điều đáng bàn vì nhiều từ trong đoạn này chưa chuẩn mấy, thậm chí có phần xúc phạm hay trịch thượng (như động từ “… expected to”).

(c) Sử dụng mạo từ “THE” không đúng. Tên của mỗi phần trong bài viết đều có THE, như: THE BACKGROUND, THE OBJECTIVES, và THE PROPOSED TOPICS. Tôi phục vụ trong ban biên tập của một số tập san khoa học và có nhiều cơ hội tiếp xúc với những bài báo khoa học, nhưng chưa bao giờ (xin nhấn mạnh: chưa bao giờ) thấy tác giả nào sử dụng THE một cách rộng rãi như thế.

Nhưng ngược lại, có những chỗ đáng lẽ phải có “the” thì tác giả lại bỏ sót. Chẳng hạn như tác giả quên “the” trong những tên của tổ chức sau đây: Canadian International Development Agency, S. Rajaratnam School of International Studies, Vietnamese Lawyers Association, và Asia-Pacific.

(d) Sai sót trong cách dùng “to”. Trong phần mục tiêu, tác giả viết “The workshop’s participants are expected to (i) discuss, share and gain new insights from their researches and expertise, (ii) to foster camaraderie among academics working on the South China Sea-related topics, and (iii) to contribute – from scholarly point of view – to possible solutions to the dispute over the South China Sea.” Thấy gì qua đoạn này? Để ý một chút sẽ thấy tác giả dùng to trong câu văn đầu như là “mẫu số” cho 3 động từ theo sau, nhưng rất tiếc là tác giả quên nên trong phần (ii) và (iii) tác giả lại dùng to một lần nữa! Do đó, câu văn đọc là: “The workshop’s participants are expected to to foster ...” và “The workshop’s participants are expected to to contribute …”! Thật là độc đáo!

(e) Sai chính tả. Đáng lẽ là “MATTER” thì tác giả lại viết là “MATER”. Thật ra, cũng chẳng ai viết "Organizing matters" cả (vì matter có nhiều nghĩa, kể cả nghĩa "vấn đề", "vật chất"), mà có thể viết ngắn gọn là "Logistics" là đủ. Còn "logistic" trong câu "For logistic and other questions" thì cũng sai, vì logistic là tính từ.

Chữ secretariat tuy không sai về chính tả, nhưng không đúng về nghĩa. Secretariat là văn phòng thư kí, chứ không có nghĩa là "secretarial support" là tác giả muốn nói đến.


Nói tóm lại, mang tiếng một “concept paper” (tên nghe rất to tát), nhưng nội dung chưa đầy 2 trang giấy, mà có đến hàng chục lỗi lầm và sai sót về từ ngữ, văn phạm, thậm chí chính tả. Nhưng điều quan trọng hơn là thiếu ý tưởng, nó cho thấy tác giả hình như chẳng biết nói gì cho đến nơi đến chốn. Thật khó mà chấp nhận được một văn bản như thế lại được phát tán cho các đồng nghiệp quốc tế dưới danh nghĩa Học viện Ngoại giao Việt Nam.

Trong chúng ta, ai cũng kinh qua ít nhất là một vài sai sót tiếng Anh, vì nói cho cùng đó đâu phải là tiếng mẹ đẻ, và vài sai sót nhỏ thì có thể thông cảm được. Một văn bản chính thức từ một “học viện” mà có phạm phải vài lỗi lầm tiếng Anh vẫn có thể thông cảm, nhưng nếu có quá nhiều lỗi như trong trường hợp này thì đối tác có thể nghĩ rằng tác giả xem thường họ.

Trong bài trước, Đinh Tấn Lực có một nhận xét rất đáng chú ý: “Khách mời chính yếu và thượng đẳng danh dự, đứng hàng đầu bảng danh sách này là GS Ji Goxing, Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến Lược (của Trung Quốc) tại Thượng Hải. Có tổng cộng khoảng trên dưới 30 khách mời trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, cộng thêm khoảng 40 khách mời quốc tế, và phía chủ nhà gồm 9 hoặc 10 Gs/Ts Việt Nam, phần lớn thuộc Học viện Ngoại giao và Đại học Hà Nội. Không được mời tham dự là những học giả đầy khả năng và tâm huyết về chủ đề Biển Đông [3], như các nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã, Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Quang A, Đinh Kim Phúc, Hoàng Việt, cùng các cựu thành viên của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Việt Nam (IDS) cũ.”

Đó là một điều rất buồn. Tôi thấy trong vấn đề tranh chấp này, Việt Nam ta thật là “lép vế”. Chẳng hạn như trong số 129 working papers về nghiên cứu Biển Đông, chỉ có 1 paper duy nhất từ Việt Nam (“Globalization and its Implications for Southeast Asian Security: A Vietnamese Perspective” của Nguyễn Phương Bình)! Ngay cả cái tựa đề cũng … nhẹ hều (nếu không muốn nói là vô thưởng vô phạt). Do đó, không ngạc nhiên khi giới quan sát quốc tế nhận xét rằng: “The Chinese and Vietnamese claims to sovereignty in the South China Sea are both based on historical claims of discovery and occupation. The Chinese case is better documented”. Có lẽ vì khả năng tiếng Anh của “phe ta” quá yếu chăng?

Có lẽ có bạn sẽ cho rằng tôi đang làm cái việc "vạch lá tìm sâu", nhưng thật ra, tôi chẳng cần "vạch lá" đâu cả. Tất cả những gì tôi nêu rất hiển nhiên, chỉ cần đọc qua là thấy ngay. Tôi cũng chẳng rành gì tiếng Anh mà còn phát hiện ra những sai sót đó, thì đối với dân ngoại giao nhà nghề chắc còn thấy nhiều lỗi hơn nữa. Những sai sót quá hiển nhiên này là điều đáng tiếc.

Để kết thúc bài nhận xét ngắn này, tôi xin trích một câu nói của Khổng Tử liên quan đến vấn đề ngôn ngữ: “Nếu ngôn ngữ không đúng, thì những gì nói ra sẽ không phản ảnh chính xác ý của người nói; nếu ý của người nói không được phản ảnh chính xác, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được đạo đức và nghệ thuật sẽ suy đồi.” Đã đến lúc các quan ngoại giao ta phải rành tiếng Anh hơn nữa để đất nước và dân tộc được nhờ.

NVT

Chú thích:

Nguyên văn của cái "Concept Paper" đó là:

CONCEPT PAPER

International Workshop on

“The South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development”

Co-Organizers: The Diplomatic Academy of Vietnam and Vietnamese Lawyers Association.

Time and Venue: Hanoi, Vietnam, 26-27 November, 2009.

I . THE BACKGROUND

Developments in and related to the South China Sea have by and large been consistent to the overall contemporary trend toward greater cooperation in Asia-Pacific.

Efforts have been made by regional countries to stabilize the situation and seek the opportunities for cooperation in the South China Sea area. These efforts have resulted in,among others, the ASEAN Declaration on the South China Sea in 1992, the adoption in 2004 of the Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea (DOC) according towhich all signing parties pledged to seek peaceful solutions to disputes and conduct maritime cooperation in order to maintain regional stability in the South China Sea under the principles of the Charter of the United Nations, the 1982 UN Convention on the Law of the Sea, the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia, the Five Principles of PeacefulCoexistence, and other universally recognized principles of international law.

Yet, the South China Sea still remains as one of the areas that could cause regionalinstability. Conflicting territorial claims by parties of the dispute exist. Moreover, they seemto have been compounded by claimants’ development and security needs. Last but not least,the South China Sea’s significance seems to have been wider recognized by many other countries that have stakes in international navigation, maritime safety, natural resource exploitation, environmental protection, and legal effectiveness of the UNCLOS in the area.

Boosting greater cooperation in the South China Sea-related issues and suggesting possible solutions to the dispute – acceptable for all – therefore are desired.

Such an endeavor has been pursued by various scholarly efforts including the South China Sea workshops series sponsored by Canadian International Development Agency and research projects such as the conference on “South China Sea: Towards A Cooperative Management Regime” held by S. Rajaratnam School of International Studies, Nanyang Technological University in Singapore in 2007 etc.

The international workshop – themed “South China Sea: Cooperation for Regional Security and Development” – jointly initiated and sponsored by the Diplomatic Academy of Vietnam and Vietnamese Lawyers Association offers an additional important opportunity, toward this end, for scholars within the Asia – Pacific region as well as from other parts of the world.

II. THE OBJECTIVES

The workshop’s participants are expected to (i) discuss, share and gain new insights from their researches and expertise, (ii) to foster camaraderie among academics working on the South China Sea-related topics, and (iii) to contribute – from scholarly point of view – to possible solutions to the dispute over the South China Sea.

III. THE PROPOSED TOPICS

The themes of discussion include, but not restrict to the followings:

1. Regional and global significance of the South China Sea in the overall context of the international environment.

2. Recent developments in the South China Sea and their implications to peace, stability and cooperation in the region.

3. Ways and means to maintain peace, stability and promote cooperation in the South China Sea.

IV. ORGANIZING MATERS

Workshop participants: Around 40 international scholars from ASEAN countries and China, as well as those from Australia, Canada, France, India, Japan, Norway, Republic of Korea, Russia, Sweden, United Kingdom, Germany, United States will be invited and interact with about local participants.

Funding: The Co-organizers will provide support for the workshop organization, including meeting room, secretariat, documentation, translation, and other facilities.

The organizers will also cover local expenses for invited international participants. The support will include hotel accommodation, local transport and meals during the workshop.

International participants are expected to cover their international travel expenses.

Registration: Participants are invited to register before October 20th, 2009.

- For information regarding to content of this workshop, please contact:

Dr. Tran Truong Thuy
Director, South China Sea Studies Program, Diplomatic Academy of Vietnam
69 Chua Lang, Dong Da, Hanoi
email: truongthuy@mofa.gov.vn, Tel: 84 – 4 – 38344540, ext 105; fax: 84-4-38343543.

- For logistic and other questions, please contact:

Mrs. Ngo Thi Thu Huong
Institute for Foreign Policy and Strategic Studies, Diplomatic Academy of Vietnam
69 Chua Lang, Dong Da, Hanoi
email: huongngo1972@gmail.com, Tel: 84 – 4 – 38344540, ext 129; fax: 84-4-38343543.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét