Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Vài nhận xét về kết quả phong hàm giáo sư 2009

Ngày 18/11 vừa qua, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (HĐCDGSNN) vừa công bố danh sách các nhà khoa bảng Việt Nam mới được phong hàm giáo sư (65 người) và phó giáo sư (641 người). Đây là đợt xét phong cho cả 2 năm 2008 và 2009. Tôi tò mò làm một vài phân tích dựa vào số liệu trên trang web của HĐCDGSNN và số liệu tôi thu thập từ mấy năm trước thì thấy vài xu hướng thú vị.

Thứ nhất là số lượng GS, PGS được phong tăng đáng kể trong vòng 5 năm qua. Nhìn qua Bảng 1 dưới đây, chúng ta thấy so với năm 2005, số GS được xét phong tăng nhanh trong 2 năm 2007 (tăng 32%) và 2008-2009 (tăng 58%). Số PGS được xét phong vào năm 2008-2009 tăng vọt, hơn 2 lần so với năm 2005.

Nguồn: 2005, 2006, 2007, 2008-9

Thứ hai là số GS, PGS ngành y chiếm đa số
. Trong số 706 GS và PGS được phong năm 2008-2009, có đến 21% (n = 148) là những người làm việc ngành y sinh học. Những ngành khác cũng có nhiều GS và PGS được xét phong là: kinh tế (n=87 người, 12%), khoa học tự nhiên (n=81, 11%), hóa học (n=35, 5%), nông học (n=27, 4%), vật lí (n=24, 3.4%), thủy lợi (n=21, 3%), triết học (n=20, 2.8%), và chính trị học (n=14, 2%).

Có lẽ điều hơi ngạc nhiên là ngành thủy lợi có khá nhiều giáo sư. Trong số 21 người được phong GS và PGS ngành thủy lợi, có gần 1/3 là GS, tỉ lệ này cao nhất trong các ngành. Qua những tai tiếng về những đập thủy lợi “chết người” gần đây, điều này cũng làm tôi ngạc nhiên, nhưng không loại trừ khả năng đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Thứ ba là độ tuổi. Tuổi trung bình của GS Việt Nam (trong đợt phong năm 2008-2009) là 57 (thấp nhất là 45 và cao nhất là 69). Các PGS có độ tuổi tương đối trẻ hơn: trung bình 50 (thấp nhất 32 và cao nhất 71). Ở Mĩ theo thống kê thì tuổi trung bình của giáo sư (full professor) là 55; rất ít ai được đề bạt chức danh này trước độ tuổi 40. Một thống kê ở Úc cho thấy năm 1982, tuổi trung bình của giáo sư là 52, phó giáo sư và “reader” là 48, senior lecturer 43, và lecturer 37. Như vậy, so với các nước tiên tiến, tuổi trung bình của GS và PGS Việt Nam tương đối cao hơn.

Thứ tư là chức danh GS/PGS ở Việt Nam vẫn là một loại phẩm hàm. Ở các nước trong vùng hay phương Tây, chức danh GS/PGS thường gắn liền với một trường đại học. Chẳng hạn như ở Viện Garvan chúng tôi, có nhiều người với chức danh GS hay PGS nhưng đó là những chức danh do trường UNSW cấp, vì họ có đóng góp cho trường. Còn ở VN, có nhiều người mang hàm này không có liên quan đến một trường nào, vì chức danh này là một phẩm hàm. Như những năm trước, một số lớn những người được tiến phong chức danh GS/PGS là những người làm việc hành chính, quản lí, không liên quan gì đến giảng dạy đại học hay làm nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn như năm nay, trong số 148 người được phong hàm GS, PGS thuộc ngành y sinh học, có ít nhất là 3 người làm việc trong Bộ Y tế. Vấn đề này đã được đề cập đến nhiều lần trong quá khứ như là một điểm "không giống ai" nhằm cải cách hệ thống đề bạt chức danh GS, nhưng hình như cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Hệ quả là chỉ có 330 GS và PGS (tức chỉ 4.7% tổng số GS/PGS trên cả nước) đang làm nhiệm vụ giảng dạy trong 376 trường đại học và cao đẳng. Đó là một điều bất bình thường!

Thứ năm là cách tính điểm. HĐCDGSNN công nhận 56 tạp chí khoa học trong nước (liên quan đến lĩnh vực y khoa, xem danh sách dưới đây). Bài báo trên các tạp chí này được tính điểm từ 0 đến 1. Các tập chí được chia thành 3 nhóm dựa vào điểm mỗi bài báo: 0 đến 0.5 điểm, 0 đến 0.75, và 0 đến 1 điểm. Không rõ cách xác định điểm như thế nào mà lại dao động từ 0 (tức là có bài báo không có điểm gì cả). Còn các tạp chí nước ngoài, HĐCDGSNN chia thành 2 nhóm: nhóm có impact factor trên 2 có điểm từ 0 đến 2; nhóm có impact factor 2 hay thấp hơn có điểm từ 0 đến 1. Nói cách khác, một bài báo trên tập san như Science, Nature, New England Journal of Medicine, JAMA, hay Lancet chỉ cao hơn 1 điểm so với một bài báo trên Nghiên cứu Y học hay Y học TP. Hồ Chí Minh! Tôi e rằng chẳng những cách tính điểm như thế thật là vô lí và không công bằng, mà còn làm nản lòng những ai phấn đấu công bố quốc tế.

Với cách tính điểm như trên, nhiều người vẫn lo ngại về “chất lượng” của giáo sư Việt Nam, bởi vì làm GS/PGS mà thiếu những công trình công bố quốc tế (hay có mà quá "mỏng") thì không mấy hợp lí. Theo báo chí thì tính đến năm 2007, VN đã có trên 6600 GS và PGS. Như vậy, hiện nay, VN chắc có trên 7000 GS và PGS (khấu trừ một số qua đời và số mới được phong). Đã có người đặt câu hỏi trong số này có bao nhiêu xứng đáng với chức danh đó. Cách đây không lâu, GS Hoàng Tụy có phát biểu rằng chỉ có 20% giáo sư VN là xứng đáng với chức danh đó (VN có bao nhiêu GS, PGS trình độ quốc tế? ).

Nói tóm lại, qui trình và tiêu chuẩn đề bạt chức danh GS/PGS ở Việt Nam đã có cải tiến đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều chuẩn còn bất hợp lí và chưa theo kịp xu hướng phát triển khoa học trên thế giới.

NVT

Tham khảo:

Over R. Career prospects for academics in Australian universities. Higher Education 1985;14: 497-512.

Có thể xem thêm tỉ lệ thành bại trong đề bạt chức danh GS/PGS ở đây.

Ghi thêm: Báo Nhân Dân số ra ngày hôm nay cho biết từ năm 1980 đến nay, VN đã công nhận 1336 GS và 7062 PGS.


Danh sách các tập chí khoa học được tính điểm cho năm 2009 (Y học):

Điểm từ 0 đến 0.5
Thông tin Y học (trước 2001)
Đông y (trước 2009)
Công trình nghiên cứu Y học Quân sự (trước 2001)
Vệ sinh phòng dịch (trước 2001)
Châm cứu Việt Nam
Dược học
Dược liệu
Hậu môn-Trực tràng
Khoa học
Khoa học và Công nghệ
Kiểm nghiệm thuốc
Nội tiết và các rối loạn chuyển hóa
Nội khoa
Ngoại khoa
Thông tin Y – Dược học
Y học thm họa và bỏng
Nghiên cứu Y học cổ truyền Việt Nam
Nhãn khoa Việt Nam
Khoa học
Ung thư học Việt Nam
Phụ sản
Nhi khoa
Bảo hộ lao động
Gia đình và Trẻ em
Hóa học
Hóa học và ứng dụng
Khoa học và Công nghệ
Khoa học
Khoa học
Dân số và Phát triển
Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp
Khoa học kỹ thuật Thú y
Khoa học kỹ thuật Thủy lợi và Môi trờng
Khoa học Thể thao
Nghiên cứu con ngời
Y sinh hóa
Hình thái học (trước 2009)
Tâm thần học (trước 2009)
Da liễu (trước 2009)
Phẫu thuật thần kinh (trước 2009)
Sinh học
Khoa học và phát triển (cũ: Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp)
Khoa học Tiêu hóa Việt Nam
Gan Mật Việt Nam

Điểm từ 0 đến 0.75

Phòng chống sốt rét và các bệnh ký sinh trùng
Revue Medicale
Sinh lý học
Y học lâm sàng
Y học Quân sự
Y tế công cộng
Y học thực hành
Tim mạch học

Điểm từ 0 đến 1
Nghiên cứu Y học
Y học TP. Hồ Chí Minh
Y học Việt Nam
Y dược học Quân sự
Y học dự phòng
Y dược học lâm sàng 108
Tạp chí Công nghệ Sinh học

Tạp chí nước ngoài

Các chỉ số y học ngoài nước có chỉ số IF (impact factor) ≥ 3: từ 0 đến 2 điểm.
Các chỉ số y học ngoài nước có chỉ số IF (impact factor) < 3: từ 0 đến 1 điểm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét