Việt Nam chúng ta có Ngày Nhà giáo. Nhiều nước trên thế giới (như Úc chẳng hạn cũng có Ngày Nhà giáo hay Teachers’ Day), nhưng hình như không rầm rộ như ở Việt Nam. Tôi thấy Ngày Nhà giáo ở Việt Nam là một truyền thống hay. Hồi xưa, trước 1975, người ta thường ví thầy cô là kĩ sư tâm hồn, và cách ví von đó chẳng sai chút nào. Không thầy đố mày làm nên. Đó là câu mà ông bà mình vẫn hay nói. Trong đời mình, ai cũng có một người thầy hay một người cô đáng nhớ.
Tôi đã nói qua về những người thầy của tôi: đó là thầy P và anh Hai tôi. Hôm nay, chợt nhớ một chuyện xưa cũng cảm động, nên tôi lại nhân cơ hội này nói qua về một người thầy và cô mà tôi theo học năm đệ ngũ. Câu chuyện của hai người cũng là một "chứng từ" cho một thời dao động lịch sử ở nước ta mà có lẽ ít người trẻ bây giờ biết được.
Thầy tôi tên B, dạy văn chương. Nghe nói Thầy được biệt phái hay giải ngũ từ quân đội. Thầy B người thấp, không đẹp trai mấy nhưng không xấu tướng, ăn nói hoạt bát, miệng lúc nào cũng cười, áo chemise trong quần tây, trông rất lịch sự, Thầy có chiếc vespa rất oách (thưở đó, chỉ có Thầy và hiệu trưởng có vespa). Thầy dạy văn tuyệt vời. Tôi mê thơ Nguyễn Bính cũng là từ Thầy.
Còn Cô tên là H, dạy toán. Hình như lúc đó, Cô chỉ mới tốt nghiệp đại học sư phạm vài năm. Lúc đó, dù còn nhỏ nhưng đám học trò chúng tôi đã cảm nhận được cô H đẹp lộng lẩy, y như câu nói "mặt hoa da phấn". Tôi vẫn còn nhớ Cô thường đến trường tên chiếc xe Honda Dame màu trắng, áo dài thước tha, tóc dài, đeo kính mát đen (thời trang thời đó), và mặt lúc nào cũng tươi như hoa nhưng rất nghiêm trang. Cô dạy toán cực kì thú vị, và tôi phải thú nhận rằng tôi ham mê toán thời đó cũng một phần là từ cách dạy của cô. Sau này tôi vẫn sử dụng cách dạy đại số của Cô là phải làm từng bước một, hay dấu = phải ngay hàng thẳng lối, hay dấu phân số phải nằm giữa dấu =, dấu căn số phải viết đâu ra đó, vân vân. Tôi là học trò cưng của cả hai người, vì nói cho ngay, lúc đó tôi học cũng kha khá, nên được nhiều thầy cô quí mến.
Các phòng học của trường được thiết kế theo kiểu bốn dãy phòng hình thành theo mô hình hình vuông, chính giữa là một sân cỏ rộng. Chẳng hiểu ngẫu nhiên hay có sắp xếp, cứ đến giờ học của cô H thì phòng đối diện là giờ của thầy B. Những khi có giờ của cô H, thầy B cho mở cửa toang, dạy rất hăng và … hay. Thầy giảng thao thao bất tuyệt. Sau này, nghĩ lại tôi mới biết là những lời giảng của Thầy đều nhắm vào cô như là một cách tỏ tình. Thật ra, lúc đó thầy B thương cô H (còn Cô có thương Thầy B hay không thì chẳng ai chưa biết). Thầy oang oang giảng bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính: Nhà nàng ở cạnh nhà tôi / cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn / Hai người sống giữa cô đơn / Hình như nàng có nỗi buồn giống tôi … thỉnh thoảng còn đem thơ Xuân Diệu ra đọc: Làm sao cắt nghĩa được tình yêu / Có nghĩa gì đâu một buồi chiều / Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt / Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu. Có vài lần, Thầy nhờ tôi trao thư cho cô H, nhưng thú thật lúc đó tôi chưa biết điều đó có ý nghĩa gì. Được Thầy giao cho “trọng trách” như thế là hãnh diện lắm rồi! Còn phần cô, tôi nhớ chỉ có 2 lần cô nhờ tôi trao thư cho Thầy.
Bẵng đi một thời gian dài cũng trên 10 năm gì đó, đến đầu năm 1981, tôi tình cờ gặp lại Thầy và Cô, lúc này đã là vợ chồng. Cả Thầy và Cô đều … “mất dạy”. Nhìn Thầy da xậm nắng, dáng dấp phong trần, tôi hỏi qua Thầy làm nghề gì. Thầy cho biết sau 1975 đi học cải tạo 2 năm, ra khỏi trại không còn dạy học, làm đủ thứ nghề khuân vác, đạp xe lôi, buôn bán ... để sống qua ngày. Nay thì Thầy có việc làm tương đối ổn định hơn: bán vé xe đò! Còn Cô thì tôi không biết làm gì. Tôi hỏi dạo này người ta vượt biên nhiều quá, sao Thầy Cô còn ở đây, thì Thầy méo miệng cười buồn nói: tiền đâu, nghèo rớt mồng tơi mà. Nhìn hai người, tôi chợt ngậm ngùi cho khó khăn mà hai người phải trải qua. Tôi không còn nhận ra một Thầy B sang trọng ngày nào, không còn nhận ra cô H thước tha, đài các của ngày xưa. Ôi, thời thế làm cho Thầy và Cô tôi nghèo khó và tiều tụy như bây giờ. Thế nhưng Thầy vẫn tươi cười, thậm chí còn mời tôi đi uống cà phê! Hôm đó là ngày tôi gặp hai Thầy Cô lần cuối, vì chỉ vài tháng sau là tôi rời Việt Nam. Cho đến nay, gần 30 năm sau, tôi vẫn chưa gặp lại Thầy B và cô H. Nhưng hình bóng của Thầy và Cô vẫn in đậm trong tôi, mãi mãi không thể xóa mờ được. Người mình có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Hiểu theo nghĩa đó, thầy B và cô H đều là người kĩ sư tâm hồn lớn trong đời tôi.
Sau này, tôi thỉnh thoảng trở thành … thầy. Thật ra, nói “thầy” cho oai, chứ tôi ít khi nào lên lớp. Ấy thế mà lâu lâu tôi nhận vài lá thư chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam từ những bạn mà tôi chỉ có dịp giảng một vài bài trong các lớp học ngắn hạn (gọi là summer course). Điều đáng nói là có những bạn tôi chưa từng giảng một bài nào, thậm chí có bạn tôi còn chưa gặp mặt ngoài đời, nhưng cũng có gửi thư chức mừng, và nghĩa cử đó quả thật làm tôi xúc động như sáng nay mở hộp thư thấy vài thư sau đây.
Một thư từ Hà Nội:
Từ Hà Nội, em xin gửi tới thầy những lời chúc tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Mong thầy luôn mạnh khỏe, thành công trong công việc nghiên cứu và đào tạo thêm thật nhiều nhân tài cho thế giới cũng như cho quê hương Việt Nam.
Chỉ là người đọc blog của thầy và lại làm khác chuyên ngành với thầy, nhưng em, và chắc là cả rất nhiều trí thức khác nữa ở Việt Nam và hải ngoại, luôn cảm nhận được tình cảm trong sáng, nồng hậu của thầy dành cho các vấn đề của đất nước, không riêng gì giáo dục. Với chúng em, đây là những bài giảng đầy tâm huyết về những mục đích và phương pháp nghiên cứu cũng như về lương tâm và bản lĩnh của người làm khoa học.
Xin được kính thầy làm thầy.
Trò
Một thư khác từ Hải Phòng:
Kính chào thầy Tuấn
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Em muốn gửi đến thầy lời kính chúc tốt đẹp nhất, mong thầy luôn nhiều sức khỏe và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong nghiên cứu khoa học.
Một năm qua em không liên lạc với thầy, nhưng hàng ngày em vẫn đọc block của thầy và học được nhiều điều từ đó.
Đầu năm 2009, MOET thay đổi chính sách về điều kiện du học (yêu cầu phải có bằng cao học nếu muốn học tiến sĩ). Em rất thất vọng và quay về làm việc ( tranh thủ sinh cháu thứ 2 và chờ thời cơ khác, cháu gái thứ 2 của em đã được 3 tháng)
Bởi vì em là học trò của thầy, em sẽ không bao giờ bỏ cuộc. May thay em liên lạc được với một GS đại học K Nhật bản, ông ấy nói em đủ điều kiện học thẳng tiến sĩ tại Nhật Bản và hứa sẽ giúp đỡ em về thủ tục, học bổng hỗ trợ. Em đã thuyết phục được MOET đồng ý với điều kiện KU giảm học phí để tiết kiệm ngân sách. Dù chưa có kết quả cuối cùng, điều này mang lại một chút hi vong cho em.
Kể cả trong trường hợp đi học ở Nhật, Em rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của thầy nhất là trong NCKH.
Trân trọng cám ơn thầy!
Thư từ Sài Gòn. Đọc thư này tôi chợt nhớ tôi còn phải giúp chị bác sĩ này làm một vài chuyện. Nhờ thư mà nhớ bổn phận mình :-)
Kinh goi Thay, Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, em xin kính chúc Thầy nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và đạt những thành tựu viên mãn nhất.
Một thư chẳng biết từ đâu, nhưng chắc chắn là từ trong nước:
Dear Thầy,
Chắc Thầy không nhớ em đâu. Em là đứa hỏi Thầy về bệnh còi xương đó. Nhưng Thầy không nhớ cũng chẳng sao vì em biết Thầy rất bận.
Nhân ngày Nhà giáo, em kính chúc Thầy mạnh khỏe, lúc nào cũng đầy nhiệt huyết cho quê hương. Ở bên này bọn em phải có hoa cho Thầy nhưng ở xa quá em chỉ cho hoa ảo J. Mong Thầy thông cảm!
Một bạn từ miền Tây sông nước quê tôi.
Em là bác sĩ M đã theo học mấy khóa học do Thầy và cô Kh tổ chức. Em cũng là người viết thơ hỏi Thầy về cái nghiên cứu corticoid năm qua. Nhờ hướng dẫn của Thầy em sắp làm xong đề cương đó rồi. Mai mốt chắc em lại hỏi Thầy nữa quá.
Nhân ngày Nhà giáo VN em kính chúc Thầy có nhiều thành công trong năm tới và nhiều nghị lực cho bọn em.
Kính Thầy
Tb: Khi nào Thầy về miền tây thăm nhà, Thầy nói cho em biết trước để em dẫn Thầy đi ăn mấy món mắm rất ngon mà bảo đảm ít ai biết được. J Em xin lỗi Thầy nếu em nói chuyện mắm muối làm Thầy mất vui, nhưng em biết Thầy thích món này.
Và cũng có thư từ các bạn đang theo học ở nước ngoài. Đây là một thư từ Paris:
Xin chào Thầy,
Hy vọng là Thầy vẫn chưa quên em. Dạo này em vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức qua trang web của Thầy. Hiện tại em đã bắt đầu đề tài nghiên cứu sinh, và cũng đang tập tễnh viết bài báo. Vì vậy em đọc rất kỹ những bài Thầy viết liên quan đến những kỹ năng cần thiết khi viết bài báo khoa học cũng như những lỗi sai phạm trong Tiếng Anh cần lưu ý. Cám ơn thầy nhiều lắm về những kiến thức bổ ích em có được từ những bài viết của Thầy.Sắp tới ngày Nhà Giáo Việt Nam, em nghĩ chắc ngày này cũng rất có ý nghĩa với Thầy, vì dù sao Thầy cũng là người Việt Nam, cũng là Thầy của không biết bao người Việt Nam như em, không bằng cách này thì cũng bằng cách kia như câu nói 'Nhất tự vi SƯ, bán tự vi Sư'. Vì vậy, em rất muốn gởi đến Thầy những lời chúc tốt đẹp nhất, chân thành nhất nhân ngày 20.11. Chúc Thầy sẽ nhận được thật nhiều lời chúc ý nghĩa, và chúc Thầy thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Chuyển cách xưng hô từ Giáo Sư sang từ '' Thầy'', tự nhiên em cảm giác khoảng cách vô hình được rút ngắn lại. Tiếng Việt mình thật hay và đầy tình cảm, không phải như tiếng Anh, trước sau củng chỉ là YOU.
Và một thư từ Nga:
Thầy kính mến!Em rất vui khi nhận được hồi âm của thầy ngày 16-11-2009. Em sẽ cố gắng học tập và hi vọng sẽ đạt được một kết quả nào đó.Hôm nay, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Em chúc thầy luôn mạnh khỏe, luôn yêu nghề, luôn thành công và hạnh phúc. Em chúc thầy sẽ có thêm nhiều học trò yêu quý. Em mong nhiều sinh viên Việt Nam biết đến thầy và cùng học tập tấm gương của thầy trong nghiên cứu khoa học, cũng như trong cuộc sống.
===
Sáng ra mà đọc được những dòng chữ đó cũng làm cho tôi ấm lòng suốt ngày, thậm chỉ cả năm. Thời đại thực dụng bây giờ và trong bối cảnh đạo đức xã hội xuống cấp như hiện nay mà còn có người biết tình thầy trò, còn nhớ đến câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, thì chẳng là một niềm an ủi sao. Những lá thư này cũng là một minh chứng cho thấy trong xã hội, ở những người trẻ, vẫn còn có nhiều người sống đàng hoàng và tử tế.
Xin thành thật cám ơn các bạn đã có những lời chúc mừng tôi nhân Ngày Nhà giáo. Tôi cũng nhân dịp này mà chúc các bạn gặt hái được nhiều thành công trong học tập và nhiều may mắn.
NVT
Thứ Năm, 19 tháng 11, 2009
Nhớ thầy cô
13:40
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét