Xin giới thiệu cùng các bạn bài tham luận của anh Nguyễn Đăng Hưng đọc trong Hội nghị Người Việt ở nước ngoài tại Hà Nội ngày 20-24/11/2009. Anh Hưng cho biết bài nói chuyện được nhiều người tán thành. Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Lê Đình Tiến cũng nói đây là phát biểu đầy nhiệt huyết của một Gs Việt kiều đã có 20 năm đóng góp giúp Việt Nam đào tạo nhân lực đẳng cấp quốc tế.
Trong bài này, anh Hưng đã chỉ ra một số vấn đề về giáo dục như (a) chưa xem trọng vai trò người thầy; (b) đề cao lượng mà xem nhẹ phẩm chất; (c) đề cao bằng cấp, xem thường thực học; và (d) lẫn lộn giữa tuyên truyền và giáo dục. Anh còn phân tích những bất cập của Quyết định 97 dẫn đến sự tự giải tán của Viện IDS. Có lẽ nhiều người cũng nghĩ như anh Hưng nhưng ít ai có dịp thổ lộ trong một diễn đàn quan trọng vừa qua.
Cám ơn anh Hưng đã cho đọc bài này.
Tựa đề bài viết là do tôi đặt.
NVT
===
Vài ý kiến về đổi mới chính sách và xây dựng không gian thoáng cho sinh hoạt có hiệu quả của chuyên gia, trí thức góp phần vào công cuộc xây dựng đất nuớc
Tham luận của GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng Giáo sư danh dự thực thụ, Đại học Liège, Bỉ
Kính thưa ban chủ tọa, kính thưa các đồng nghiệp kiều bào,
Tôi xin bắt đầu bài tham luận này bằng vài hình ảnh về các Văn phòng Cao học chúng tôi đã thực hiện dành cho việc đào tạo cao học tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 1990 cho đến ngày chấm dứt tháng 9 2008. Đặc biệt từ năm 1995 cho đến nay, trên 700 học viên đã theo học, 318 thạc sỹ châu Âu đã tốt nghiệp và 20 em đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ tại các trường Đại học tiên tiến của các nước phát triển, phần đông không phải dùng ngân sách quốc gia. Hiện nay gần 70 nghiên cứu sinh phát xuất tư hai trung văn phòng EMMC và MCMC còn đang chuẩn bị bảo vệ tại các trường Đại học trên. Để nói lên hiệu quả quốc tế của chiến dịch đào tạo này xin đơn cử một thí dụ nhỏ. Cũng tháng này năm ngoái, trong Hội Thảo về Cơ học tính toán quốc tế do Hội Cơ học Việt Nam và trường Cao đẳng Bách khoa Paris tổ chức tại trường Đai học sư phạm Thủ Đức (27-30/11/2008), 25% các công bố khoa học là phát xuất từ các cựu học viên của các văn phòng cao học của chúng tôi !
Nếu không có đổi mới thì tôi sẽ không thể nào đóng góp được gì cho Việt Nam từ năm 1990 cho đến nay, đặc biệt cho ngành giáo dục và đào tạo bậc cao học mang tính quốc tế. Không có đổi mới thì tôi sẽ khó có mặt tại Việt Nam hôm nay. Tôi nghĩ điều này cũng đúng cho nhiều trí thức, chuyên gia Việt kiều khác.
Ta biết công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng cùng cực của thời bao cấp và cho phép VN phát triển thành công, nhanh chóng vươn lên làm cho cả thế giới kinh ngạc, bạn bè thán phục.
Tuy nhiên trên hành trình phát triển mới, trong giai đoạn hội nhập hôm nay, thời buổi hậu WTO, tôi thiết tha mong đổi mới hơn nữa, nhanh hơn nữa, triệt để hơn nữa. Điều này cả nước mong đợi, Việt kiều chúng tôi mong đợi nhưng phải thành thật nói là mọi việc vẫn còn là kỳ vọng!
Sau hơn hai mươi năm đổi mới ai cũng thấy những tác hại của cơ chế bao cấp ngày xưa cho nên việc dân chủ hóa cơ chế, xã hội hóa chính sách, trao trả nhiều hơn nữa cho xã hội dân sự quyền lợi và nghĩa vụ chính đáng là thiết thực là cần thiết cho công cuộc phát triển. Chuyên gia trí thức Việt kiều quan tâm đến tình hình hiện nay đều không khỏi lo âu vì những lý do chủ quan và khách quan như ảnh hưởng suy thi tòan cấu, kinh tế Việt Nam đang bị khựng lại, tình trạng tham nhũng không giảm thiểu mà ngày càng lộng hành. Theo tôi, cơ chế quan liêu bao cấp vẫn còn là vật cản cho công cuộc hiện đại hóa và công nghệ hóa đất nước. Điều làm tôi rất lo là cơ chế này nay gắn liền với nhiều lợi ích cục bộ. Tôi e rằng khả năng mất căn bằng giữa sự phân tầng quyền lực và tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến mất ổn định chính trị. Nguy cơ này càng đáng quan ngại hơn nữa khi Việt Nam phải đối phó với áp lực bên ngoài và ra sức bảo vệ toàn vẹn lãnh hải đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Đổi mới quản lý nghiên cứu khoa học
Là một giáo sư Đại học, một nhà khoa học đã sinh hoạt 48 năm tại một nước tiên tiến, đã bỏ ra 15 năm thường xuyên qua lại Châu Âu - Việt Nam để chuyễn giao công nghệ, tôi đặc biệt quan tâm và có nhiều trăn trở thiết thực về việc tổ chức nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Tôi có cảm giác ta đã đi chệch hướng lâu hằng mấy thập kỷ. Khi cả một hệ thống nghiên cứu khoa học đã chồng chất quá nhiều bất cập, thì mọi thay đổi nhanh chóng là điều rất khó.
Báo chí đã nhiều lần đề cập đến tính không hiệu quả của nền khoa học Việt Nam. Những con số rất thuyết phục đã chỉ rõ Việt Nam ta đang đứng ở đâu so sánh với các nước lân bang : Số bằng sáng chế của VN là 0 trong năm 2006 trong lúc của Mã Lai là 147 Thái Lan là 158, Singapore là 995, Hàn Quốc là 102.663, (Báo cáo của ĐH Harvard về Giáo dục đại học tại Việt Nam).
Tình trạng này không thể kéo dài thêm nữa và yêu cầu canh tân hệ thống tổ chức nghiên cứu khoa học Việt Nam là yêu cầu bức thiết không thể không có được nếu ta muốn đạt mục đích hằng đề ra là hiện đại hóa và công nghệ hóa đất nước!
Hình như Bộ Khoa học và Công nghệ đã ý thức việc này và đã đề đạt một bộ luật về Công Nghệ.
Nhưng theo tôi đây chỉ là những biện pháp tình thế chưa phải là bước đi có tính đột càn thiết để nhanh chóng phát triển bắt kịp lân bang.
Cần có một tư duy mới mẻ và dũng cảm mới có thể trả lại khoa học lại cho các nhà khoa học chân chính, mới tạo điều kiện cho việc xuất hiện một không gian, một môi trường thông thoáng dân chủ cởi mở cần thiết cho các nhà khoa học thực thụ. Bởi vì khoa học là tôn trọng sự thật, là phát hiện cái mới, là sáng tạo, là phê phán cái cũ, là phát huy cá tính năng khiếu, là thoát ra khỏi những khuôn mẩu xơ cứng, những đường mòn giáo điều, là vươn ra thế giới bao la, là tôn trọng những hệ giá trị quốc tế về khoa học…Nói tóm lại, ta phải triệt để đổi mới tư duy mới có thể phục hồi tinh thần khoa học chân chính. Cụ thể hơn tại Việt nam ngày nay, muốn đột phá, phải dũng cảm cắt bỏ những khối u nhức nhối trong các cơ sở khoa học, phải rà soát lại nhân sự đang làm khoa học, phải chọn đúng người đầu đàn cho từng lĩnh vực…
Kiện toàn đổi mới nền giáo dục
Tôi thiết tha mong mỏi Việt Nam nhanh chóng cải tổ triệt để nền giáo dục. Đây là vấn đề cốt lõi mà toàn bộ xã hội đã và đang bức xúc! Đã có biết bao nhiêu ý kiến của các bậc thức giả, các nhà giáo tâm huyết trong và ngoài nước cho việc này. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần phát biểu, đã viết nhiền bài báo được đăng tải trên các cơ quan ngôn luận đại chúng… Nhưng việc đổi thay sao quá chậm chạp! Ở đây cũng toát lên những sai lầm đã chồng chất quá nhiều năm có hiệu ứng dây chuyền, cỗ xe thì quá cồng kềnh, sức ỳ quá lớn, lợi ích cục bộ phe phái quá nhiều nên mọi chuyện có vẻ như đâu rồi cũng vào đấy. Tôi chưa thấy bánh xe đổi mới giáo dục thực sự lăn, dốc còn quá cao chăng?
Những sai lầm từ những thập kỷ đã qua dần dần ai cũng thấy :
1. Vai trò người thầy trong giáo dục chưa được coi trọng dúng mức. Chánh sách đào tạo người thầy chưa ổn, lương bổng không đủ ăn, điều kiện sinh hoạt còn nhiều bất cập …
2. Đề cao số lượng coi thường chất lượng.
3. Đề cao bằng cấp, coi thường học thực.
4. Xem học đường là một cơ sở tuyên tuyền thay vì một lò tập luyện hiểu biết và nhân cách.
Theo tôi, muốn có thay đổi căn bản phải chạy chửa cho được những căn bệnh trầm kha trên.
Không thể ùung liều thuốc cảm để chửa bệnh di căn ! Động tác này cũng cần sự đổi mới tư duy triệt để. Khi tư duy đã dứt khoát, hướng đi đã xác định, thì vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Đọc dự thảo chiếc lược giáo dục, tôi vẫn chưa thấy toát ra yêu cầu bứt thiết này!
Tạo không gian phản biện cho chuyên gia trí thức
Ta biết có những khoản thời gian dài thí dụ như mười năm bao cấp sau ngày hòa bình thống nhất, người trí thức thiếu không gian để bày tỏ ý kiến. Những sai lầm trong các chính sách của Đảng và nhà nước không được phản biện kịp thời, góp ý đúng mức. Nay trước những thách thức về tài chính, kinh tế, xã hội… ai cũng dần dần thấy được là để điều hành một doanh nghiệp, một tổ chức và lớn hơn, một quốc gia, không thể nào chỉ dựa vào ý chí chính trị và khẩu hiệu mệnh lệnh. Không thể có những quyết định đúng đắn nếu quy trình ban hành những quyết định đó không hội đủ hàm lượng trí tuệ đóng góp từ các trí thức, chuyên gia…
Gần đây, Hội nghị Trung ương 7 (tháng 7/2008) đã vạch ra một cách khá chính xác những tiền đề để các nhà trí thức có được không gian sáng tạo, tự do tranh luận và công khai ý kiến, một không gian thoáng cho phép hình thành một đội ngũ trí thức tâm huyết có khả năng đóng góp cụ thể và xây dựng, một lực lượng cốt cán đang rất cần cho đất nước.
Tôi xin ghi lại đây vài điểm tích cực quan trọng của Nghị quyết TƯ số 27 về việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH
« Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”.
Nghị quyết 27 NQ/TƯ còn nhấn mạnh đến việc:
“Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức như phát huy tài năng và trọng dụng những trí thức có phẩm chất tốt, có năng lực quản lý là đảng viên và không phải là đảng viên trong các cơ quan nhà nước và tổ chức sự nghiệp, xây dựng chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới... Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế”.
Nghị còn lưu ý đến những tiêu cực hiện hành:
“Vẫn còn hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra”.
Điều làm tôi kinh ngạc là sau chưa đầy một năm, quyết định 97 về việc ban hành các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ lại dẫm chân đúng vào chỗ này, không nhất quán với nghị quyết của Bộ Chính trị. Xin ghi lại đây điều 2 của quyết định 97:
« Chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ ».
Trong một lần trả lời phỏng vấn mạng VietnamNet Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân đã nói đến nguyên nhân ra đời của Quyết định này.
“Trong bối cảnh xã hội phức tạp hiện nay, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế đầy khó khăn thử thách, chúng ta cần có sự đồng thuận cao của xã hội đối với các quyết sách của Đảng và Nhà nước…thì việc công bố các kết quả nghiên cứu phản biện liên quan đến đường lối chủ trương, chính sách điều hành kinh tế xã hội phải hết sức thận trọng.”
Tại sao lạ vậy, chính việc phản biện khoa học, được công bố rộng rãi mới có sức thuyết phục cao, mới là cơ sở cho việc đồng thuận chứ ?
Theo tôi người trí thức chân chính rất dị ứng với môi trường quan liêu mệnh lệnh, xơ cứng người trí thức chân chính cần một môi trường thông thoáng, cởi mở, dân chủ tự do. Chỉ như vậy thì trí thức mới phát huy được đầy đủ vai trò của mình. Không có không gian tự do sáng tạo và tranh luận công khai ý kiến thì không thể xuất hiện đội ngủ trí thức chân chính và tâm huyết được.
Việt Nam không thể chấp nhận một số phận chư hầu phiên thuộc
Việt Nam là một nước có hàng ngàn năm văn hiến, có một quá khứ oai hùng, một giải đất hài hoà, tài nguyên trù phú, hai mùa thuận lợi mưa nắng đi về, một vùng trời vùng biển bao la, án ngự trên một địa bàn chiến luợc tại Châu Á, một Châu lục đang trên đường chế ngự kinh tế toàn cầu, là một nước không thể nhỏ được!
Việt Nam là một đất nuớc đã từng làm cho những đoàn quân hung hản nhất của lịch sử loài người, những tham vọng điên cuồng nhất của các triều đại phong kiến toàn trị, liên tục phải ném mùi thãm bại thì không thề nào nhỏ được!
Việt Nam là một đất nuớc với hai bàn tay trắng, với đội quân nông dân đi chân trần, đã đứng lên giành độc lập tự chủ, đánh bại những đế quốc thực dân trang bị khí giới hiện đại tối tân nhất trong lịch sử loài người.
Việt Nam là một đất nước đã từng là lương tâm của nhân loại, là hiện thân kiên cường và bất khuất của các dân tộc bị trị toàn cầu, đã là niềm tin của nhân loại tiến bộ, niềm kiêu hãnh của phong trào giải phóng thuộc địa của lịch sử hiện đại.
Đã có lúc, chỉ cách đây có hơn ba mươi năm, những nhà khoa học, nhà trí thức, những văn nghệ sỹ tài ba, những con người tinh hoa vào bậc nhất của nhân loại đã phải vẩy tay chào, ngã mũ cuối đầu để nói lên lòng ngường mộ và có người đã chân thành thốt lên: "Ước gì ngủ một đêm sáng dậy, sẽ là người Việt Nam" !
May thay, hai mươi năm đổi mới đã dần dần đẩy lùi sự tác hại cỗ máy bao cấp, dần dần tìm lại những giá trị thực, phục hồi sinh lực của xã hội, dần dần đưa đất nước tiến lên, tạo nên thế và lực mới.
Và thế giới đã phải kinh ngạc phát hiện sự trỗi dậy và vươn lên của hiện tượng Việt Nam hôm nay trong một bối cảnh hoàn toàn mới!
Việt Nam là bạn của tất cả các dân tộc trên thế giới, Việt Nam đang chuyển mình đề trở thành đối tác đáng tin cậy của các nuớc yên chuộng hoà bình và mưu cầu phát triển bền vững, Việt nam phấn đấu để sớm trở lại với vị trí xứng đáng của mình trong khu vực và trên trường quốc tế.
Nhất định Việt Nam không thể chấp nhận một số phận chư hầu phiên thuộc.
Kết luận : Tập hợp trí thức, chấn hưng dân khí vì quyền lợi dân tộc
Muốn thế hơn bao giờ hết Việt Nam cần tất cả những đóng góp của một bộ phận tinh hoa nhất, cần thiết nhất của xã hội, của dân tộc: người thực tài, người trung thực, người trí thức chân chính, bộ phận có khả năng phản biện, thường có tiếng nói lạ tai và khó nghe, có điều kiện cần thiết để làm đối trọng, đóng vai trò không thể thiếu được trong một xã hội đang phát phát triển và luôn luôn cần phải điều chỉnh kịp thời và đúng lúc.
Riêng đối với việc tạo điều kiện cho trí thức kiều bào đông đảo hướng về và cũ thể đóng góp phục vụ cho đất nước, tôi xin tóm lược kiến nghị với chính phủ hai ý như sau:
Chất xám là sản phẩm quý hiếm nên nó mong manh, dễ vỡ. Huy động chất xám nhất là chất xám cao cấp cần những biện pháp tế nhị. Điều này đòi hỏi cần phải tạo dựng một không khí thỏa mái, thân thiện, dân chủ tự do trong phát biểu, góp ý và đề xuất khoa học. Đây là điều tiên quyết để trí thức người Việt ở nước ngoài về hoạt động và đóng góp hết mình.
Cần đặc biệt chú trọng đến những chính sách đối với trí thức trong nước. Vì đây như là cái gương để trí thức kiều bào soi thấy và quyết định hành động của mình. Tôi nghĩ phải tạo điều kiện cho trí thức trong nước phát biểu, phản biện thẳng thắn vô tư độc lập. Đây chính là nhân cách của những nhà hoạt động khoa học độc lập, vì họ tôn trọng chân lý và sự thật, không bị chi phối bỡi những lợi ích cục bộ. Hãy để mọi người hướng chung tới quyền lợi dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước một cách hài hòa và đầy đủ. Nếu trí thức trong nước còn phải e dè lo ngại, thì trí thức người Việt định cư ở nước ngoài làm sao khỏi cảm thấy băng khoăn, do dự...
Dân tộc Việt Nam có hành trang bất biến là tình yêu quê hương đất nước nồng nàn. Đi khắp năm châu bốn bể, tôi chưa thấy có dân tộc nào gắn bó với đất nước mình như vậy. Đây là một giá trị vĩnh hằng, không bao giờ mai một dù lịch sử có thăng trầm. Hiện nay dường như chúng ta chưa khai thác được hay khai thác rất ít nguồn tài nguyên vô tận này đặc biệt là chất xám Việt kiều. Tôi mong mỏi rằng nhà nước sẽ sớm nắm bắt được những quy luật cần thiết đã nói ở trên để tranh thủ kịp thời và đúng mức, tạo nên những tác động to lớn hơn, phù hợp với quyền lợi chung của toàn dân tộc.
Hà Nội ngày 20/11/2009
Nguồn: Blog cá nhân Nguyễn Đăng Hưng
Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009
Tạo không gian thoáng cho trí thức góp phần vào công cuộc xây dựng đất nuớc
00:12
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét