Tôi đồng ý với hầu hết những ý kiến của Gs Trần Thanh Vân trong bài dưới đây, đặc biệt là đề nghị đóng cửa những trường nào không đủ điều kiện. Nhưng những nhận xét khác của giáo sư Vân như “Bên cạnh đó, tôi thấy Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế và đào tạo 20.000 tiến sĩ, đây là một điều rất mừng. Với việc đào tạo 20.000 tiến sĩ nhiều người lo ngại chất lượng không tốt nhưng theo tôi, trong số này có 500 tiến sĩ giỏi thì tốt lắm rồi, ít còn hơn không” thì tôi không đồng ý. Không thể nói chỉ lấy 500 thật còn 19500 dỏm là ok được. Như vậy thì cái bằng tiến sĩ có ý nghĩa gì? Chả thế mà hiện nay ở trong nước ra đường là đụng đầu tiến sĩ, nhưng bao nhiêu là thật và bao nhiêu là dỏm thì có Trời mà biết.
Còn đại học thật và dỏm thì sao? Tôi tò mò làm thử vài so sánh về con số trường học và sinh viên giữa Việt Nam và Thái Lan thì thấy như sau:
- Nước ta có 86.2 triệu dân; Thái Lan có 67.4 triệu. Dân số nước ta hơn Thái Lan 28%.
- Nước ta đang có 376 trường đại học và cao đẳng; Thái Lan có 143 trường đại học và cao đẳng. Số trường của ta cao hơn Thái Lan 2.6 lần.
- Như vậy, cứ 229 ngàn dân chúng ta có 1 đại học/cao đẳng; còn Thái Lan thì cứ 417 ngàn dân mới có một trường.
- Mỗi năm, các trường Việt Nam nhận vào 505.000 sinh viên; còn Thái Lan thì 490.000 sinh viên. Do đó, tính trung bình mỗi đại học / cao đẳng Việt Nam tiếp nhận 1343 sinh viên, còn Thái Lan thì 3426 sinh viên.
Những con số trên cho thấy nền giáo dục đại học nước ta cũng ngon lành. Nhiều đại học, cao đẳng. Con số sinh viên cũng cao. Con số trường và sinh viên lại còn phát triển rất nhanh trong 2 năm gần đây. Nói chung là phát triển tuyệt vời.
Nhưng người Anh có câu “Lie, damned lie, and statistics” (nói dóc, dóc tổ, và thống kê), hay “Statistics is like a bikini; what it reveals is interesting, but what it conceals is vital” (tạm dịch: con số thống kê như là bộ đồ tắm bikini vậy; cái mà nó tiết lộ thì thú vị đấy, nhưng cái mà nó dấu mới là quan trọng). Đây chính là trường hợp tiêu biểu mà con số thống kê nói dóc, vì con số thống kê nó dấu thực trạng của các trường đại học Việt Nam.
Trong thực tế, nhiều trường mới ra đời là trường loại “đại học Phan Thiết” như phản ảnh ở đây. Cụm từ “đại học Phan Thiết” đã trở thành biểu tượng của đại học không đủ điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự, chương trình đào tạo, v.v… đang mọc lên như nấm sau mưa hiện nay ở nước ta. Do đó, đề nghị của Gs Trần Thanh Vân (đóng cửa những trường loại này) là đúng. Nhưng cái khó ở đây là trong bối cảnh rối reng như hiện nay, chỉ cần 2 tỉ đồng – như có người nói trên báo chí – thì điều kiện gì cũng đáp ứng được – trên giấy tờ.
Có thể nói chưa thấy ở đâu hai chữ “đại học” đã bị lạm dụng quá nhiều và quá lâu như ở nước ta. Điều này dẫn đến chuẩn mực giáo dục (và xã hội) bị đảo lộn. Không khéo giáo dục đại học nước ta trở thành câu chuyện hài hước của thế giới.
Người ta nhân danh “xã hội hóa” giáo dục để mở trường. Thật tình mà nói, tôi chẳng hiểu nỗi khái niệm xã hội hóa giáo dục là cái gì, nhưng nếu những đại học Phan Thiết là sản phẩm của chủ trương xã hội hóa, thì có lẽ đã đến lúc cần phải xem lại ý nghĩa của chủ trương đó.
NVT
===
http://dantri.com.vn/c20/s20-363592/viet-nam-nen-loai-bo-so-dong-truong-dai-hoc.htm
GS Trần Thanh Vân:
“Việt Nam nên loại bỏ số đông trường đại học”
(Dân trí) - “Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa...”.
Đó là chia sẻ của GS. TS Trần Thanh Vân, việt kiều Pháp khi ông về Việt Nam dự Hội nghị “Người Việt Nam trên toàn thế giới” lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.
Giáo sư Vân bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi được về dự đại hội này. Đây là cơ hội cho các kiều bào gặp gỡ, trao đổi với nhau. Qua đại hội nhiều kiều bào có dịp bày tỏ quan điểm với Chính phủ và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước”.
Nên loại bỏ số đông trường đại học
Là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho khoa học thế giới, đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng, ông nhận xét gì về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
Tôi nhận thấy giáo dục THPT của mình rất tốt, không thua các nước trong khu vực ở các cuộc thi Olympic. Còn giáo dục đại học nhiều anh em ở nước ngoài thấy rằng còn rất nhiều khó khăn, cần phải khắc phục.
Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa, ví dụ như về kinh tế có đến mấy chục trường ĐH Kinh tế, người dân biết tin tưởng vào trường nào. Ở Pháp, người dân rất giàu nhưng họ không thể mở được đại học tư nhân vì Chính phủ quản lý rất chặt.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy 90% đại học của mình là đại học… doanh nghiệp. Ở Pháp, tôi nhận được lời mời của 20 trường đại học tư nhân Việt Nam nhưng tôi đều từ chối vì nghĩ đó không phải là đại học đúng nghĩa.
Vậy GS có “biện pháp” gì để khắc phục tình trạng trên?
Để khắc phục được tình trạng này thì chỉ có Chính phủ mới làm được. Trước hết Chính phủ bỏ một số đông trường đại học không đủ điều kiện là trường đại học chuyển thành trường dạy nghề.
Nên để mô hình trường đại học như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Huế... vì trong đó có các trường đại học, họ hoạt động rất quy củ và chất lượng.
Bên cạnh đó, tôi thấy Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế và đào tạo 20.000 tiến sĩ, đây là một điều rất mừng. Với việc đào tạo 20.000 tiến sĩ nhiều người lo ngại chất lượng không tốt nhưng theo tôi, trong số này có 500 tiến sĩ giỏi thì tốt lắm rồi, ít còn hơn không.
Việc chúng ta cần làm hiện nay là đào tạo 1 số sinh viên giỏi để trong vòng 5 - 10 năm nữa Việt Nam sẽ có đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Thời gian vừa qua, tôi và GS Nguyễn Văn Hiệu đã thành lập chương trình đào tạo chất lượng cao sau đại học tại ĐHQG Hà Nội và hoạt động rất tốt.
Sống ở Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều ở nước ngoài
Dư luận nói rất nhiều về việc Việt Nam để “chảy máu” chất xám khi sinh viên giỏi đi học ở nước ngoài không về nước, có phải họ “chê” Việt Nam?
Việt Nam để chảy máu chất xám như nhiều người nói cũng có phần đúng nhưng đó chỉ là ý kiến nhỏ.
Những người Việt Nam ở nước ngoài cũng phấn đấu rất nhiều và đạt được thành công nhất định làm rạng danh cho Việt Nam như GS Đàm Thanh Sơn (36 tuổi) đã rất nổi tiếng ở Mỹ. Nếu Sơn về Việt Nam vẫn có thể làm việc tốt nhưng theo tôi hãy để cho những người tài năng bay nhảy.
Vì vậy Việt Nam không nên đặt vấn đề là gửi sinh viên ra nước ngoài đào tạo và yêu cầu khi học xong phải về nước làm việc. Những năm 1960, nhóm bạn học của tôi người Hàn Quốc khi tốt nghiệp họ không về nước. Tuy nhiên đến khoảng 1980 - 1990 thì 90% người Hàn Quốc học ở Mỹ đều về nước làm việc vì Hàn Quốc khi đó đã có sự tiến bộ.
Có phải do Việt Nam còn nghèo, lạc hậu hay vì lý do nào khác mà không thu hút được các tài năng về làm việc thưa GS?
Tôi khẳng định rằng, người Việt Nam ở nước ngoài rất muốn trở về Việt Nam để làm việc. Tôi nói thật người Việt mình sống ở nước ngoài như Mỹ, Pháp cũng khổ lắm, đi làm việc cả ngày khi về phải nấu ăn, rửa chén bát, làm hết mọi việc trong gia đình.
Tôi thấy sống ở Việt Nam rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài. Các GS được xã hội rất tôn trọng, sinh viên kính phục ở nước ngoài không được như thế.
Nhưng Việt Nam muốn thu hút các tài năng về làm việc thì phải trả xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tôi biết số lượng GS ở Việt Nam rất ít mà lương GS ở Việt Nam lại rất thấp nên để trang trải cuộc sống họ phải đi dạy thêm không còn thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.
Tôi mong rằng 5 - 10 năm tới, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn thì Chính phủ có tiền để trả lương xứng đáng, tạo môi trường làm việc độc lập thì tự nhiên các GS, PGS sẽ đổ về làm việc, không cần phải kêu gọi gì.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hạn chế bớt những thủ tục rườm rà trong việc tuyển chọn phong hàm chức danh GS, PGS vì tôi thấy 90% GS của Việt Nam đều lớn tuổi cả, có người 50 tuổi rồi mà vẫn là PGS.
Xin cám ơn giáo sư!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét