Tác giả ma (ghost author) và viết mướn trong khoa học là một hình thức tham nhũng và hối lộ trong mối liên hệ giữa y khoa và kĩ nghệ dược, có tiềm năng ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức khoa học và sức khỏe của bệnh nhân. Điều đáng nói là hiện tượng viết mướn và tác giả ma này cũng khá phổ biến ở Việt Nam, nhất là liên quan đến những luận án tốt nghiệp đại học. (Bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn).
Minh họa của TBKTSG
Tháng Hai vừa qua, tập san New England Journal of Medicine, một tập san y khoa danh giá nhất trong ngành y, bắt buộc phải rút lại một bài báo của nhóm tác giả thuộc trường Imperial College (London) và Viện Tim về điều trị bệnh tim, sau khi phát hiện rằng nhóm tác giả chẳng có dính dáng gì đến công trình nghiên cứu. Sự lừa dối chỉ được phát hiện khi bác sĩ Hubert Seggewiss (người Đức), một trong 8 tác giả, gọi điện cho ban biên tập của tập san và nói rằng ông chưa bao giờ nhìn thấy bản thảo bài báo, và cũng chẳng có đóng góp gì cho bài báo, ông yêu cầu lấy tên ông ra khỏi bài báo.
Một bài báo khác trên [tập san] Journal of Alimentary Pharmacology (chuyên về các bệnh bao tử) cũng bị rút lại khi ban biên tập phát hiện rằng bài báo này do một tác giả ma viết cho công ti thuốc AstraZeneca. Bài báo có tác giả là một bác sĩ người Đức. Trong phần “cảm tạ” có ghi đóng góp của Bác sĩ Madeline Frame, nhưng không ghi rằng bác sĩ này chính là một “tác giả ma” làm việc cho công ti AstraZeneca. Bài báo có nội dung kêu gọi bác sĩ dùng thuốc Omeprazole (của hãng AstraZeneca) để điều trị loét dạ dày, mặc dù bằng chứng cho thấy thuốc này có thể gây ra vài phản ứng không tốt cho bệnh nhân.
Tác giả ma và kĩ nghệ viết mướn
“Tác giả ma” là một thuật ngữ mới xuất hiện trong y văn dùng để chỉ những người chuyên nghề viết mướn cho các công ti dược. Các tác giả ma phần lớn là những người viết văn chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể là những nhà khoa học với trình độ tiến sĩ không còn hành nghề chuyên môn. Sở dĩ gọi là “tác giả ma” vì họ không đứng tên tác giả của các tác phẩm do chính họ tạo ra; thay vào đó, đứng tên tác giả là những nhà khoa bảng với chức danh giáo sư từ các đại học danh tiếng.
Kĩ nghệ viết mướn thường im lặng để giữ “nồi cơm”, nhưng gần đây, có một người làm trong kĩ nghệ này tên là C. Reeve thấy sự việc quá chướng tai gai mắt, nên bà nói hết “công nghệ” viết mướn ra sao. Năm 2002, trên website của tập san y khoa British Medical Journal, bà cho biết các công ti chuyên viết mướn rất cẩn thận trong việc che đậy danh tánh và việc làm của họ. Thay vì đề tên công ti là “viết mướn”, họ có những mĩ từ như “communication expert” (chuyên viên về liên lạc), hay có khi mang màu sắc khoa học hơn như “scientific communication expert”. Ngay cả như trước khi nộp bài báo cho tập san, họ có người kiểm tra trong tài liệu xem có dấu hiệu nào là bài báo viết mướn hay không, thậm chí kiểm tra trong Microsoft Word (phần “property”) để xóa tên của tác giả hay tên máy computer. Vì họ có khả năng viết lách giỏi cộng với sự giúp đỡ của đội quân khoa học hùng hậu của các công ti dược, và có tên của các giáo sư danh tiếng, những bài báo của các tác giả ma có xác suất được các tạp chí khoa học chấp nhận rất cao, cao hơn các bài báo của các tác giả thật.
Theo tiết lộ của người trong cuộc, thì “thủ tục” sáng tác một bài báo cũng khá đơn giản. Khởi đầu là công ti dược muốn quảng bá một loại thuốc nào đó, họ liên lạc với công ti viết mướn và cung cấp toàn bộ y văn, dữ liệu nghiên cứu, v.v... cho công ti. Công ti sẽ cử ra một tác giả đọc tài liệu và chấp bút viết. Khi bài báo được soạn thảo xong (thường 3 đến 6 tháng), công ti dược có trách nhiệm tìm một hay nhiều nhà khoa bảng có tiếng trong ngành và liên lạc họ để đứng tên tác giả. Tác giả ma được trả khoảng trung bình 25,000 USD (dao động từ 10,000 đến 50,000 USD) cho mỗi bài báo. Còn các tác giả đứng tên thì mỗi người được trả từ 1000 đến 5,000 USD tùy theo uy tín và “thương hiệu” lớn hay nhỏ.
Ảnh hưởng lớn
Tập san khoa học là nguồn thông tin rất quan trọng của y khoa. Đại đa số các tập san khoa học là diễn đàn chính thức của các hiệp hội chuyên khoa, cho nên tập san cũng chịu sự quản lí trực tiếp của các hiệp hội này. Vì là tiếng nói chính thức của một nhóm chuyên khoa, cho nên các tập san đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật hóa thông tin liên quan đến việc hành nghề và nghiên cứu khoa học. Do đó, có người ví von rằng tập san y khoa cũng giống như là “kinh thánh” của giới chuyên môn. Đối với y khoa, vai trò kinh thánh này còn có nghĩa là các tập san có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hành nghề của bác sĩ, chẳng hạn như thuốc mà bác sĩ và bệnh viện sử dụng trong điều trị lâm sàng.
Những bài báo khoa học được công bố trên các tập san thường là tường trình kết quả nghiên cứu khoa học. Một công trình nghiên cứu thường có sự đóng góp của nhiều nhà khoa học với chuyên ngành khác nhau. Một số trong những nhà khoa học này đứng tên tác giả, vì họ hội đủ điều kiện để đứng tên tác giả bài báo khoa học. Ủy ban tổng biên tập các tập san y học (International Committee of Medical Journal Editors) đề ra 10 tiêu chuẩn mà một tác giả phải đáp ứng như có đóng góp vào việc soạn thảo bài báo, thiết kế nghiên cứu, phân tích hay diễn giải dữ kiện: là những người tham gia vào việc phân tích dữ kiện, và diễn giải những kết quả phân tích, thu thập dữ kiện, điều hợp công trình nghiên cứu, phân tích lâm sàng, phân tích cơ bản, phân tích thống kê, v.v… trong thực tế, các tác giả những bài báo hay công trình nghiên cứu thường là những nhà khoa học có tiếng hay nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ. Các tác giả còn phải kí tên cam kết rằng họ là những người có đóng góp vào công trình nghiên cứu xứng đáng và đủ tư cách tác giả bài báo, là người chịu trách nhiệm về sự chính xác của dữ liệu trong bài báo.
Thế nhưng trong thời gian gần đây, có nhiều tác giả tuy kí tên cam kết mình đủ tư cách tác giả, nhưng trong thực tế thì hoàn toàn ngược lại: họ không phải là tác giả, mà còn nhận tiền từ các công ti dược để đứng tên tác giả bài báo mà họ chẳng dính dáng đến, chưa nói đến làm nghiên cứu. Nói trắng ra, họ nói láo. Điều đáng nói là họ được trả tiền để nói láo!
Theo ước tính của bác sĩ David Healy (người chuyên nghiên cứu về hiện tượng viết ma – ghost writing) trong tất cả các bài báo tổng quan, có đến 50% là do các tác giả ma viết. Những bài báo này thường viết dưới dạng “tổng quan” (hay review), mà nội dung thường quảng bá một loại thuốc nào đó, và thuyết phục bác sĩ nên sử dụng thuốc đó.
Khi hiện tượng tác giả ma được nêu lên lần đầu, phản ứng của giới y khoa là cười, vì câu chuyện mang tính hài hước. Nhưng đến khi David Healy chỉ ra rằng có đến phân nửa những bài báo tổng quan liên quan đến thuốc là do các tác giả ma chấp bút mà tác giả là các nhà khoa bảng lừng danh, thì câu chuyện không còn là hài hước nữa mà là một sự tham nhũng và hối lộ.
Nếu những dịch vụ “viết ma” (ghost writing) chỉ giới hạn trong mối liên hệ giữa kĩ nghệ dược và tác giả ma thì cũng chẳng ai quan tâm, nhưng chính vì những ảnh hưởng của dịch vụ này đến sức khỏe người dân, nên công chúng bắt đầu chú ý đến liên minh [mà có người nói là] ma quỉ này. Nói một cách ngắn gọn: viết ma (ghost writing) và tác giả ma là một hình thức tham nhũng và hối lộ của hệ thống y khoa Mĩ. Nó chẳng những là hình thức tham nhũng và hối lộ, mà còn thể hiện một sự vi phạm đạo đức khoa học nghiêm trọng. Tình trạng tác giả ma làm cho công chúng không còn tin tưởng vào khoa học và giới khoa bảng đặc quyền đặc lợi nắm vận mạng sức khỏe của người dân.
Nhìn người lại nghĩ đến ta
Ở nước ta cũng có hiện tượng tác giả ma, nhưng có lẽ chỉ giới hạn trong ngành giáo dục. Trong thời kì kinh tế khó khăn và nhu cầu bằng cấp tăng nhanh, có không ít người ăn nên làm ra từ những dịch vụ viết thuê luận án cho các “nghiên cứu sinh” thạc sĩ, tiến sĩ. Có người tiết lộ rằng chi phí cho mỗi luận án dao động từ 1000 USD đến 5000 USD. Điều đáng nói là các tác giả ma viết luận án thạc sĩ, tiến sĩ, bản thân họ chưa bao giờ có những bằng cấp đó! Tuy nhiên, không ai biết có bao nhiêu luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở Việt Nam là do các tác giả ma chấp bút.
Không chỉ luận án thạc sĩ hay tiến sĩ, ngay cả luận văn tốt nghiệp cử nhân cũng được bày bán nhan nhản, mà có người mỉa mai gọi là “chợ luận văn”. Ở những cái chợ này, luận văn là một thứ hàng hóa, được rao bán y chang như đồ ăn thức uống, mà giá cũng khá “bèo”. Một luận văn cao học giá chỉ 200.000 đồng!
Tình trạng tác giả ma và viết mướn bài báo khoa học đang làm sốc giới y khoa thế giới, đến nỗi một bài xã luận trên tập san JAMA (tập san y khoa số 1 của Mĩ) cay cú viết rằng “đây là một kĩ nghệ qua mặt khoa học, y khoa đang trở thành một mảnh đất lắm người nhiều ma, nơi mà bác sĩ chẳng biết nên tin tưởng vào bài báo nào và tác giả nào”. Nếu tình trạng tác giả ma và viết mướn là một sự tham nhũng trong khoa học, thì tình trạng tác giả ma trong các luận án tốt nghiệp đại học phải được xem là một tình trạng mục nát của giáo dục. Chúng ta cần phải có biện pháp phòng chống tình trạng mục nát này, bằng cách nhắc nhở sinh viên biết về văn hóa và đạo đức khoa học.
NVT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét