Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Kết trái đơm bông

Hôm nay thấy PLoS Medicine mới công bố một công trình về sốt xuất huyết Dengue ở Thái Lan, Puerto Rico, và Mexico. Bài báo kết luận rằng bằng chứng về những dao động tỉ lệ phát sinh SXH Dengue và thời tiết là rất yếu. Nhưng có lẽ điều đáng học trong công trình này là phương pháp phân tích rất công phu.

Nói đến ảnh hưởng của thời tiết đến bệnh nhiệt đới loại này tôi chợt nhớ đến một công trình của "phe ta" mà tôi quên quảng cáo. Đó là bài báo về bài báo về xu hướng phát sinh bệnh dịch hạch và biến đổi thời tiết trong năm ở vùng Tây Nguyên. Bài này đã được công bố online trên tập san International Journal of Epidemiology. Hiện nay, tập san IJE này đứng vào hàng số 1 trên thế giới về lâm sàng dịch tễ học, với impact factor cao hơn cả tập san American Journal of Epidemiology. Do đó, được công bố trên tập san IJE cũng là một vinh hạnh vậy. Trong bài này, chúng tôi kết luận rằng các chỉ số như bọ chét, chuột, và lượng mưa có liên quan đến tỉ lệ phát sinh bệnh dịch hạch ở Tây Nguyên.

Sự ra đời của công trình này trên IJE là một nỗ lực "trầy da tróc vẩy" chứ chẳng chơi, và là một bài học về chuyện đương đầu với các tập san y khoa quốc tế. Khi bắt tay vào việc giúp cho BS Hậu và đồng nghiệp thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tôi hoàn toàn chẳng để ý gì đến tình trạng dịch hạch ở VN vì trước đó tôi nghĩ bệnh này đã giải quyết dứt điểm rồi. Cũng mấy tháng trời phân tích, trao đổi qua lại bằng email, thảo luận này nọ, rồi cũng đến ngày nộp cho tập san. Lúc đó, tôi định chọn AJE, nhưng sợ tập san này không ưa nghiên cứu từ Việt Nam, nên tôi chọn IJE vì trước đây tôi từng công bố một công trình về chất độc da cam ở đây.

Sau mấy tháng bình duyệt, họ gửi về báo cáo bình duyệt của 3 chuyên gia, dài 6 trang! Đọc qua những phê bình của 3 chuyên gia này, tôi và Nguyên nhìn nhau ... lắc đầu, vì cơ hội được công bố trên IJE coi như zero. Một trong những phê bình là chúng tôi không xem xét đến các nghiên cứu của giới quân y Mĩ về dịch hạch tại Việt Nam trong quá khứ. Thế là chúng tôi phải tất tả qua thư viện UNSW tìm những bài nghiên cứu từ thập niên 1960s và 1970s mà quân y Mĩ đã từng làm. Đọc qua những gì họ làm trước đây (mà tôi chưa bao giờ biết được vì không quan tâm) tôi phải ngả nón kính cẩn tôn họ làm bậc thầy. Vào những năm cuối thập niên 1960s, dịch hạch bùng phát ở Tây Nguyên gây bệnh cho lính Mĩ. Chính phủ Mĩ quyết định gửi một phái đoàn quân y thuộc Trung tâm Quân y Walter Reed sang Việt Nam nghiên cứu. Tuy kĩ thuật nghiên cứu thời đó của họ rất thô sơ, nhưng những ghi chép của họ rất chi tiết, dữ liệu thu thập hết sức cẩn thận, và nhận xét thì rất chính xác. Đó là một tinh thần làm khoa học đáng lấy làm tấm gương cho thế hệ trẻ thời nay. Đọc qua những gì họ làm, chúng tôi mới nhận ra là những gì mình đang làm chỉ là kế thừa từ những gì họ làm trước đây mà thôi. Chỉ có cái mới là dữ liệu mới và phương pháp thì hoàn chỉnh hơn.

Nhưng chúng tôi quyết chí trả lời và giải quyết những vấn đề họ nêu. Gần 3 tháng sau, chúng tôi cũng giải quyết tất cả những vấn đề, và gửi lại bản thảo với những sửa đổi và thêm bớt. Phản hồi của chúng tôi dài đến 14 trang! Tôi mất đâu 2 kg cho cái phản hồi này, và tóc có thêm vài cọng bạc :-). Lại chờ thêm một tháng mới có tin vui: được chấp nhận cho công bố, nhưng vẫn phải sửa thêm vài đoạn văn theo yêu cầu của chuyên gia bình duyệt. Mừng quá. Tôi nói đùa với Hậu là đáng lẽ phải mở tiệc ăn mừng, vì được công bố trên IJE là cũng "ngon lành" lắm.

Thật ra, công trình này là một "kết trái đơm hoa" từ những khóa học hè về research methodology mà tôi đã làm từ 5 năm qua. Khóa học đầu tiên năm 2005 tôi và Hậu gặp nhau lần đầu. Khóa học đó, có người – hình như là Hậu – nói với tôi đại khái rằng những gì tôi nói rất khó nghe thậm chí chối tai, nhưng có điều không có ý xấu. Chắc vì thấy không có ý xấu, nên sau này, Hậu còn tham dự một vài khóa học hè khác nữa, và khi đã đủ "võ công", Hậu mới nghĩ đến chuyện công bố quốc tế. Đây là công trình đầu tiên của Hậu và đồng nghiệp ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên trên một tập san số 1 về dịch tễ học trên thế giới. Ông bà mình hay nói "vạn sự khởi đầu nan", và hi vọng rằng đây là viên gạch đầu tiên cho những đóng góp sau này để nâng cao sự có mặt của y học VN trên trường quốc tế.

NVT

0 nhận xét:

Đăng nhận xét