Mấy hôm nay theo dõi hội nghị về Đối thoại về phòng chống tham nhũng trong ngành y tế được tổ chức tại Hà Nội vào ngày ngày 26-11, tôi tưởng là sẽ có những biện pháp cụ thể trong phòng chống tham nhũng, nhưng sự thật thì hình như chẳng có biện pháp gì, do nền y tế của ta đã quá tốt. Nói như ông Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê thì “Ngay cả bác sĩ của các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Nga Putin khi đến VN cũng phải công nhận là rất yên tâm về hệ thống y tế của VN” (xem bài trên PLTP).
Vâng, tôi cũng nghĩ là đứng trên mặt tổng quan mà nói thì nền y tế của ta không tệ, nhất là khi so với các nước trên thế giới với nền kinh tế tương đương và cùng thu nhập. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh giảm thấp hơn cả những nước trong vùng. Tuổi thọ trung bình hiện nay tương đương hay cao hơn các nước trong vùng, và tiếp tục gia tăng. Đó là sự thật cũng đáng kể ra chứ.
Nhưng sao tôi thấy vẫn băn khoăn với lời khen của ông bác sĩ riêng của Putin. Theo thống kê, tuổi thọ trung bình ở Nga vào năm 2007 là 67.6 năm. Vẫn theo thống kê, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam là 74.2 năm. Điều này chắc cũng nói lên phần nào về ấn tượng của ông bác sĩ nọ. Do đó, được một bác sĩ riêng của một ông tổng thống của một nước có tuổi thọ trung bình thấp hơn nước ta gần 7 năm thì tôi nghĩ chắc cũng chẳng nên lấy đó làm niềm tự hào.
Làm sao tự hào được khi mà khoảng cách giữa người giàu và nghèo càng ngày càng gia tăng, nhất là trong lĩnh vực sức khỏe. Năm 1996, 34 triệu người không có khả năng mua bảo hiểm y tế hay thanh toán bệnh viện phí. Tỉ lệ tử vong ở trẻ em thuộc gia đình nghèo vào năm 1992 là 3.4% (tính trên số trẻ em mới sinh), và đến năm 1997, con số này vẫn không giảm (3.4%); tuy nhiên, trong cùng thời gian, tỉ lệ tử vong ở trẻ em thuộc gia đình được xem là “không nghèo” giảm từ 3,9% xuống còn 2,5%. Năm 1992, trong số 20% người nghèo nhất, 35% được xem là thiếu dinh dưỡng và 73% trẻ em nằm trong nhóm “thiếu cân”; đến năm 1997, cũng trong số 20% người nghèo nhất, tỉ lệ suy dinh dưỡng thậm chí tăng lên đến 40%, và tỉ lệ trẻ em thiếu cân giảm còn 69%. Nói tóm lại, tính trung bình thì tình hình y tế nước ta có cải tiến tốt, song khoảng cách giữa người giàu và nghèo dẫn đến tình trạng thiếu công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân là một vấn đề nghiêm trọng.
Cộng vào sự bất bình đẳng trong nền y tế là vấn đề tham nhũng. Các đối tác nước ngoài nhận xét rằng ở nước ta “tham nhũng trong ngành y tế nghiêm trọng”. Nhưng tại sao có tham nhũng? Theo Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức Nguyễn Tiến Quyết thì do lương thấp và tiên đoán rằng “Nếu nhà nước trả lương đủ sống; y tá, điều dưỡng mà lương 6, 7 triệu đồng thì chẳng ai tiêu cực hết!” Tuy nhiên, theo PGS TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng, thì “Tham nhũng không hẳn do lương thấp, đạo đức kém!” Gs Dinh kể về một bác sĩ ở Bệnh viện Việt-Đức tuy lương chính thức chỉ có 3 triệu đồng / tháng, nhưng tổng thu nhập hàng tháng lên đến 40 triệu đồng. Tôi nghiêng về cách giải thích của GS Dinh hơn.
Tham nhũng trong y tế là chuyện phức tạp, nhưng bao gồm cả chuyện “lót tay”. Bộ trưởng Bộ Y tế giải thích về chuyện lót tay như sau: “Vào bệnh viện tư thì không phải lót tay, phong bì bác sĩ. Nhưng vào bệnh viện tư thì anh trả 100.000 đồng cho một lần khám chữa bệnh trong khi ở bệnh viện nhà nước chỉ phải trả 3.000 đồng thì rẻ quá. Người ta sẵn sàng chi thêm 10.000 đồng nữa để được khám nhanh, khám trước. Mà chi như thế vẫn còn rẻ chán so với khám tư” (xem bài báo trên PLTP). Tôi có cơ duyên gặp ông bộ trưởng một lần trong hội nghị loãng xương năm 2008, và thấy ông là người rất dễ mến, dáng người phương phi, ăn nói nhã nhặn, và đặc biệt là cách nói rất gần với người dân. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi đọc phát biểu rất thật tình trên của ông bộ trưởng. Nếu người dân nói câu đó thì chắc chẳng ai phàn nàn, nhưng lời nói đó xuất phát từ một bộ trưởng thì tôi thấy hơi lấn cấn, và chắc chắn sẽ làm cho nhiều người mở mắt ngạc nhiên.
Thật ra, đâu phải chuyện lót tay cho bác sĩ; ngay cả điều dưỡng và thậm chí nhân viên quét dọn cũng cần được lót tay. Bài báo dưới đây trên Dân Trí tuy không xác định trách nhiệm cho ai, nhưng hàm ý nói đến ảnh hưởng của chuyện lót tay nhiều khi ảnh hưởng đến mạng sống của một con người. Có khi về quê nghe mấy người láng giềng kể về chuyện lót tay mà chẳng biết nên cười hay nên khóc. Họ nói nếu không lót tay thì y tá có thể chích thuốc đau hơn, người dọn vệ sinh phòng sẽ chậm trễ trong việc thay drap giường, người quét dọn có thể quét để bụi tung bay mịt mù, v.v… Nói chung là đủ cách để làm khó bệnh nhân. Nhưng những khía cạnh này khó mà kiểm soát bằng luật được (hay ngay cả có luật thì người ta vẫn có cách lách mà bệnh nhân không thể nào dám nói). Vấn đề chung qui lại vẫn là đạo đức xã hội và tinh thần trách nhiệm. Ước gì có ai đó đứng ra làm một “qualitative research” để tìm hiểu kiến thức, hành vi và thái độ của những đối tác liên quan, để tìm hiểu xem họ nghĩ gì. Những vấn đề này nói hoài không hết chuyện. Có lẽ tại cái nước mình nó như thế.
NVT
===
http://www.phapluattp.vn/20091128113742534p0c1015/thang-loi-ve-vang.htm
Thắng lợi vẻ vang!
Một nguồn thạo tin cho biết sau cuộc đối thoại về chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế diễn ra tại Hà Nội hôm 26-11, dù đầy dẫy kinh nghiệm nhưng các chuyên gia quốc tế đã giật mình nhận ra rằng không thể giúp đỡ được gì cho VN.
Lý do rất đơn giản: Nền y tế VN rất tốt! Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê khẳng định: “Ngay bác sĩ của các nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Nga Putin khi đến VN cũng phải công nhận là rất yên tâm về hệ thống y tế của VN”.
Phát biểu của ông cục phó khiến các chuyên gia quốc tế tham dự đối thoại tức khắc bị choáng. Một nền y tế tốt tới mức cỡ bác sĩ riêng của nguyên thủ quốc gia phải công nhận tất không thể xảy ra tình trạng tham nhũng như đánh giá của các chuyên gia quốc tế: “Tham nhũng từ công tác quản lý nhà nước như cấp phép hoạt động, mua sắm, tuyển dụng đến khâu quản lý bảo hiểm y tế, cũng như khâu cung cấp dịch vụ khi người dân phải móc hầu bao lót tay cho y bác sĩ để được ưu tiên sử dụng dịch vụ tốt, tiết kiệm thời gian...”. Lại càng khó thể xảy ra những giả thiết như đại diện các nhà tài trợ quốc tế đưa ra tại cuộc đối thoại xung quanh chuyện tham nhũng trong đấu thầu mua sắm thiết bị, dược phẩm, hay xã hội hóa bệnh viện công...
Đã có sự nhầm lẫn lớn của các chuyên gia quốc tế về khái niệm tham nhũng và tiêu cực. Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức Nguyễn Tiến Quyết phân tích: “Tôi không phủ nhận quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân có tiêu cực, điều mà ở nước nào cũng có... Với tình trạng quá tải bệnh nhân và viện phí rẻ mạt như ở đây thì các bạn quốc tế đảm bảo sẽ không thể làm việc được như tôi...”. Ông kết luận: “Nếu nhà nước trả lương đủ sống; y tá, điều dưỡng mà lương 6, 7 triệu đồng thì chẳng ai tiêu cực hết!”.
Ông Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu còn rõ ràng hơn nữa khi giải thích về chuyện lót tay: “Vào bệnh viện tư thì không phải lót tay, phong bì bác sĩ. Nhưng vào bệnh viện tư thì anh trả 100.000 đồng cho một lần khám chữa bệnh trong khi ở bệnh viện nhà nước chỉ phải trả 3.000 đồng thì rẻ quá. Người ta sẵn sàng chi thêm 10.000 đồng nữa để được khám nhanh, khám trước. Mà chi như thế vẫn còn rẻ chán so với khám tư”.
Trước lập luận chính xác của các vị lãnh đạo ngành y tế nước ta, các chuyên gia quốc tế không khỏi tẽn tò khi đã đánh giá sai về thực trạng tham nhũng trong ngành y tế VN.
Hoan hô thắng lợi vẻ vang của ngành y tế VN qua cuộc đối thoại này!
BÌNH NHẤT CHỈ
http://dantri.com.vn/Print-364354.htm
Trẻ sơ sinh còn sống, bệnh viện trả về… lo hậu sự
Đưa đứa con mới sinh về nhà lo hậu sự theo lời khuyên của bác sĩ, anh Phương đau buồn đi mua quách, đào huyệt lo tang ma cho con. Khi hàng xóm tới chia buồn, phát hiện đứa trẻ vẫn còn thở, chân tay cựa quậy, da hồng hào…
Ngày 27/11, anh Nguyễn Kim Phương (39 tuổi, ngụ phường Tân Quy, quận 7, TPHCM) phản ánh với PV Dân trí sự việc như sau: Lúc 19h ngày 11/11, anh đưa vợ là chị Trương Thị Thanh Trúc (18 tuổi, ngụ phường Phước Mỹ, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) vào khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị sinh. 30 phút sau, vợ anh sinh hạ một cháu trai. Do sinh thiếu tháng nên cháu bé chỉ nặng 1,3kg.
Một lúc sau, một cô y tá quấn cháu bé trong khăn, bế cháu và kéo anh Phương sang nhà kho chứa dụng cụ y khoa của khoa sản, nhắn anh Phương nên đưa cháu về nhà sớm để lo hậu sự. Vừa nói, cô y tá vừa đưa cho anh Phương một bọc nilon trắng, bảo anh Phương bọc cháu lại rồi đem về vì cháu bé thiếu ký, yếu ớt nên không thể sống được.
Anh Phương cho biết lúc đó con anh mới được cắt rốn, chưa được hút đờm, chưa làm vệ sinh, có vết bầm và hơi tím tái nhưng vẫn còn thở. Anh Phương van xin bác sĩ cứu con mình nhưng bác sĩ này lạnh lùng bảo: “Cháu thở lấy hơi lên chút xíu rồi “đi” thôi. Anh đưa cháu về lo hậu sự, đừng để cháu mất tại bệnh viện mà tội nghiệp…”.
Thấy bác sĩ cương quyết, anh Phương đành đón taxi cùng ông bà ngoại đưa con trai về nhà lo hậu sự. Người nhà anh ngay trong đêm đã đi mua quách, đào huyệt, nhang đèn… để chuẩn bị “tiễn” đứa trẻ xấu số.
Cháu bé vẫn nằm trong chiếc chăn do các bác sĩ quấn. Khi bà con tới chia buồn mở khăn ra thì thấy cháu da dẻ hồng, vẫn đang thở, tay chân cựa quậy… Người nhà anh Phương lại gọi điện hỏi ý kiến bác sĩ khoa sản Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận, bác sĩ vẫn khẳng định: “Đừng đem cháu lên bệnh viện làm gì. Cháu thở chút rồi “đi” thôi”.
Nhưng người nhà anh Phương vẫn quyết đưa cháu nhập viện một lần nữa. Anh Phương cho biết lúc đó anh còn thấy con anh mở mắt, nước mắt trào ra, “may mà tôi chưa để cháu vào bọc nilong theo lời bác sĩ”, anh Phương cho biết.
Theo anh Phương, gia đình anh làm rất căng bác sĩ mới cho con anh vào lồng kính, thái độ bác sĩ rất khó chịu.
Đến chiều ngày 12/11, gia đình anh Phương quyết định chuyển cháu bé vào Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM. Hiện sức khỏe của cháu đã dần hồi phục.
“Có phải vì tôi “không biết điều” nên bác sĩ đã cố tình từ chối sự sống của con tôi. Hay phải chăng trình độ nghiệp vụ y tế của bác sĩ tại bệnh viện này có nhiều điều không ổn?”, anh Phương bức xúc.
Chiều ngày 27/11, Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận xác nhận sự việc anh Phương phản ánh là có thật. Ban Giám đốc nói đây là thiếu sót về chuyên môn nghiệp vụ của kíp trực hôm đó. Theo giải trình của bác sĩ trực hôm đó, do thấy cháu bé sinh non, quá nhẹ ký, lại yếu kém về chuyên môn nên bác sĩ nghĩ có cố gắng cũng không cứu sống được nên khuyên người nhà đưa cháu về lo hậu sự.
Ban giám đốc bệnh viện này cũng phủ nhận lời đồn đại cho rằng để xảy ra sự việc trên là vì người nhà sản phụ Thanh Trúc không chịu “bôi trơn” cho các bác sĩ. Sắp tới, bệnh viện này sẽ lập hội đồng khoa học để xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể và có biện pháp xử lý.
Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009
Thắng lợi vẻ vang
14:35
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét